Bảo đảm quyền con người trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam Phần Kết Luận

BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG KIỂM SÁT
TẠM GIỮ, TẠM GIAM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
HUYỆN HẢI HẬU, TỈNH NAM ĐỊNH

KẾT LUẬN

Quyền con người là sự kết tinh những giá trị cao đẹp nhất trong nền văn hóa của nhân loại, được hình thành với sự đóng góp của tất cả các quốc gia, dân tộc, giai cấp, tầng lớp và cá nhân con người trên toàn thế giới. Kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập (ngày 24/10/1945), QCN đã được quy định trong rất nhiều văn kiện pháp lý quốc tế, trở thành một hệ thống tiêu chuẩn pháp lý toàn cầu được các quốc gia tôn trọng và thực hiện. Ở Việt Nam, trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã phải đổ biết bao xương máu để giành lấy những quyền cơ bản của con người, bao gồm: quyền được sống trong điều kiện độc lập, quyền tự do, quyền có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, quyền được học hành, nhân phẩm được tôn trọng,… Nhà nước Việt Nam không chỉ khẳng định sự tôn trọng và bảo vệ QCN mà còn cụ thể hóa bằng các chế định pháp luật nhằm bảo đảm và thực hiện QCN một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, trong đó không thể không nhắc đến vai trò rất quan trọng của VKSND trong việc bảo vệ QCN. Theo quy định của Hiến pháp, VKSND là cơ quan duy nhất được giao chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Thông qua việc thực hiện chức năng của mình, VKS có trách nhiệm, vai trò quan trọng trong việc bảo vệ pháp luật, pháp chế, bảo vệ QCN. Việc bảo vệ QCN của VKSND trong TTHS được thể hiện trên hai phương diện, vừa đấu tranh chống tội phạm, phát hiện kịp thời và đưa ra xử lý nghiêm khắc trước pháp luật những hành vi vi phạm QCN, đặc biệt trong hoạt động tư pháp; vừa bảo đảm các QCN, nhất là của người bị tạm giữ, tạm giam được tôn trọng.

Bảo đảm QCN trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của VKSND nói chung và VKSND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nói riêng là vấn đề mang tính cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Một mặt, thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ QCN được ghi nhận trong các Văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị và trong Hiến pháp, văn bản pháp luật hiện hành, mặt khác, nâng cao vị trí, vai trò của VKSND trong hoạt động TTHS trước yêu cầu cải cách tư pháp và nhiệm vụ bảo vệ QCN, quyền công dân. Để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, không chỉ VKSND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nói riêng mà cần có sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của toàn ngành KSND, trong đó yếu tố quan trọng, mang tính then chốt là phải nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ KSV để phù hợp với những yêu cầu mang tính cấp bách từ thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, cần phải xây dựng, hoạch định các chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất, đưa nhiệm vụ bảo đảm QCN trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam vào mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện chức năng của VKSND các cấp, từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, KSV trong bảo đảm các QCN của người bị tạm giữ, tạm giam. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm QCN trong TTHS nói chung và trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam nói riêng của VKSND; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành KSND cũng như công tác phối hợp giữa VKS với các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ,…

Trên đây là kết quả nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo đảm QCN trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam của tác giả. Từ đó, tác giả đã đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của VKSND, góp phần bảo đảm QCN trong kiểm sát tạm giữ, tạm giam nói chung, bảo đảm QCN của những người bị tạm giữ, tạm giam trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nói riêng. Tác giả xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Bùi Thị Hạnh đã nhiệt tình hướng dẫn, chỉ bảo, xin cảm ơn các thầy giáo, cô giáo trong Viện Quyền con người – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện, giúp đỡ trong quá trình học viên viết luận văn. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu khoa học nên luận văn vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót nhất định, rất mong nhận được sự góp ý của các thầy cô để luận văn được hoàn thiện!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Bí thư (2018), Chỉ thị số 26-CT, ngày 9/11/2018 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, Hà Nội.

2. Ban Bí Thư (2020), Hướng dẫn số 04-HD/TW, ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư về thực hiện Chỉ thị số 26, Hà Nội.

3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2022), Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Hà Nội.

4. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 vchiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Hà Nội.

5. Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – TANDTC – VKSNDTC (2018), Thông tư liên tịch quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và VKS cs thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Điều 17, Hà Nội.

6. Nguyễn Mạnh Cường (2018), Bảo đảm quyền con người trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam qua thực tiễn hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành pháp luật về quyền con người, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

7. Lê Ngọc Duy (2020), Bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sĩ học viện Cảnh sát nhân dân, Hà Nội.

8. Nguyễn Đăng Dung – Võ Công Giao – Lã Khánh Tùng (2011), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (2011),

9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

10. Bùi Thị Hạnh (2017), Hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn của cơ quan điều tra, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Cảnh sát nhân dân, Hà Nội.

11. Nguyễn Xuân Hùng (2013), Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân ở tỉnh Bắc Giang trong việc bảo đảm quyền con người của người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học luật Hà Nội.

12. Lịch sử phát triển huyện Hải Hậu, tại trang https://haihau.namdinh.gov.vn/, [truy cập ngày 10/9/2022].

13. Nguyễn Thị Phương (2016), Biện pháp ngăn chặn là gì? Các biện pháp ngăn chặn trong Tố tụng hình sự?, tại trang https://luatminhkhue.vn/tam-giam-la-, [truy cập ngày 03/7/2022].

14. Quốc hội (2013), Hiến pháp năm 2013, Hà Nội.

15. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự, Hà Nội.

16. Quốc hội (2015), Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Hà Nội.

17. Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Thu Hương (2012), “Bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong pháp luật hành chính Việt Nam (Một số vấn đề có tính phương pháp luận, định hướng nghiên cứu”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, (28).

18. Nguyễn Duy Tùng (2020), Vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân bảo đảm quyền con người trong giai đoạn điều tra, truy tố từ thực tiễn hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành pháp luật về quyền con người, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

19. Lại Văn Trình (2011), Bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam, bị cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật, Học viện Cảnh sát nhân dân, Hà Nội.

20. Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (2018-2022), Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát năm và phương hướng nhiệm vụ năm tiếp theo của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, Nam Định.

Theo Ths.Kểm sát viên Vũ Minh Hải

Bài viết liên quan