Điều kiện tạm ngừng kinh doanh

ĐIỀU KIỆN TẠM NGỪNG KINH DOANH

Câu hỏi: Công ty tôi đang có tranh chấp nội bộ nên chúng tôi muốn tạm ngừng kinh doanh cho đến khi giải quyết xong. Hiện chúng tôi còn nợ ngân hàng gần chục tỷ thì có đăng ký tạm ngừng được không?

Trả lời: Kinh doanh là hoạt động của các chủ thể, tổ chức trong việc tìm kiếm lợi nhuận, tuy nhiên không phải lúc nào hoạt động này cũng diễn ra thuận lợi. Vì nhiều lý do khác nhau, trong một số trường hợp, các công ty thường lựa chọn giải pháp tạm ngừng kinh doanh. Vậy tạm ngừng kinh doanh là gì? Công ty khi muốn tạm ngừng kinh doanh cần những điều kiện nào? Thông qua phần giải đáp câu hỏi, bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ làm rõ về vấn đề trên.

Thứ nhất, về tạm ngừng kinh doanh.

Theo Khoản 1 Điều 41 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định:

 “Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.”

Theo quy định trên, có thể hiểu tạm ngừng kinh doanh là trạng thái pháp lý kéo dài trong một thời gian nhất định của doanh nghiệp mà trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp sẽ không thực hiện hoạt động kinh doanh. Khác với giải thể, việc tạm ngừng kinh doanh không dẫn đến sự chấm dứt của doanh nghiệp mà chỉ dẫn đến việc tạm thời dừng hoạt động của doanh nghiệp đó.

Thứ hai, về điều kiện để đăng ký tạm ngừng kinh doanh.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 206 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh:

“Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo”

Dựa vào điều luật trên, có thể thấy về vấn đề đăng ký tạm ngừng kinh doanh, pháp luật hiện hành đang không đặt ra bất cứ điều kiện nào cho doanh nghiệp. Hay nói cách khác, trong trường hợp doanh nghiệp có mong muốn tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động thực hiện bằng cách gửi thông báo văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất trước 3 ngày tạm ngừng kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục thực hiện những nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, căn cứ theo Khoản 3 Điều 206 Luật doanh nghiệp năm 2020, những nghĩa vụ này được xác định như sau:

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.”

Như vậy, trả lời cho câu hỏi của bạn, việc công ty còn nợ tiền ngân hàng sẽ không gây ảnh hưởng đến vấn đề đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Công ty bạn hoàn toàn có thể đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tuy nhiên trong thời gian tạm ngừng, công ty vẫn phải thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp của bạn, nếu thời điểm thanh toán khoản nợ ngân hàng của công ty trùng với thời điểm tạm ngừng kinh doanh, công ty bạn vẫn phải tiếp tục thanh toán các khoản nợ này cho ngân hàng.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hy vọng sẽ mang lại cho bạn những thông tin bổ ích.

Chúc bạn thành công trong cuộc sống!

Trân trọng!

Bài viết liên quan