Giảm giá bán 90% có vi phạm pháp luật không?

GIẢM GIÁ BÁN 90% CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG

Gần đây thì vụ lùm xùm giữa “chiến thần review” Hà Linh, Dược phẩm Hoa Linh và các nhà phân phối theo kênh truyền thống đang đặt ra một câu hỏi lớn về hoạt động khuyến mại. Những chương trình sale sập sàn, giảm giá kinh hoàng tới mức 50%, 60%, 70%, thậm chí 90% có vi phạm pháp luật hay không?

Tham khảo thêm Rủi ro khi mua bán đất không có sổ đỏ qua vi bằng

Khoản 1, Điều 7, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP quy định: “Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.” Như vậy, về cơ bản thì mức giá giảm 60%, 70% hay 90% sẽ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số trường hợp mà việc giảm giá trên 50% vẫn sẽ được coi như hợp pháp. Cụ thể như sau:

– Trường hợp thứ nhất: Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) nhất định thì áp dụng mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%. Mức giảm giá tối đa 100% cũng áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Với các chương trình này thì nằm trong sự tổ chức của các cơ quan có thẩm quyền, hạn chế tối đa hoạt động bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh nên giới hạn mức giảm giá sẽ không còn. 

– Trường hợp thứ hai: Hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, tôm, cua,… Đây là mặt hàng dễ hư hỏng và cần phải tiêu thụ thật nhanh và cũng là một mặt hàng thiết yếu. Do đó, người bán hàng có thể giảm giá thoải mái mà không cần phải băn khoăn.

– Trường hợp thứ ba: Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước. Mục tiêu của các chương trình khuyến mại này nhằm kéo giá hàng hóa xuống thấp để đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội. Do vậy, mức giảm càng nhiều càng tốt và các rào cản đã được dỡ bỏ.

– Trường hợp thứ tư: Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Đây là những trường hợp cần giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp cũng như xác định được rằng doanh nghiệp ít có khả năng cạnh tranh không lành mạnh. Do đó việc hạn chế mức giảm giá là không cần thiết.

Tham khảo thêm Mua thịt động vật quý hiếm bị xử phạt như thế nào? 

Nhìn chung thì tôi đánh giá việc quy định mức hạn chế giảm giá như trên là phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Chúng ta sẽ vừa đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh, vừa đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong trường hợp vi phạm các quy định về mức giảm giá nêu trên thì theo khoản 2, điều 33, nghị định số 98/2020/NĐ-CP, người vi phạm cá nhân có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. Mức phạt này với những người bán hàng nhỏ lẻ thì có thể nhiều chứ đối với các doanh nghiệp lớn thì tôi cho rằng chưa có tính răn đe cao. Nhà nươc cần nghiên cứu để đưa ra các quy định có sức nặng hơn.

Bài viết liên quan