Hệ thống thông tin đất đai được cấu thành bởi những thành phần nào?

HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐẤT ĐAI ĐƯỢC CẤU THÀNH BỞI NHỮNG THÀNH PHẦN NÀO?

1. Mô hình tổng thể hệ thống thông tin đất đai

– Hệ thống thông tin đất đai là một thành phần của hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường.

– Hệ thống thông tin đất đai được xây dựng, kết nối, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu, quản lý và vận hành tại cấp Trung ương và cấp tỉnh theo quy định sau đây:

+ Tại Trung ương là cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia do Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý và vận hành.

Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được kết nối và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu của các bộ ngành có liên quan đến sử dụng đất.

+ Tại địa phương là cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh) do Văn phòng đăng ký đất đai quản lý, vận hành và cập nhật biến động.

Cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh được tập hợp từ cơ sở dữ liệu đất đai của các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cơ sở dữ liệu đất đai cấp huyện).

Cơ sở dữ liệu đất đai cấp huyện được xây dựng trên cơ sở tổng hợp dữ liệu đất đai của xã, phường, thị trấn.

Cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh được kết nối và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các ban ngành khác tại tỉnh.

Cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh được kết nối và đồng bộ với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia qua mạng chuyên dụng.

– Các đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Phòng Tài nguyên và Môi trường; công chức địa chính xã, phường, thị trấn được truy cập vào cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh thông qua mạng cục bộ (LAN) hoặc mạng diện rộng (WAN) để khai thác, cập nhật thông tin đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền.

– Thiết kế tổng thể hệ thống thông tin đất đai để áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước phải được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

2. Quy định về xây dựng hệ thống thông tin đất đai:

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hệ thống thông tin đất đai bao gồm:

– Thứ nhất: hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai.

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai cần phải bảo đảm vận hành theo mô hình được pháp luật quy định và quy định sau đây:

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai bao gồm các hệ thống, thiết bị sau:

+ Hệ thống các máy chủ.

+ Hệ thống lưu trữ.

+ Thiết bị mạng.

+ Máy trạm.

+ Thiết bị ngoại vi.

+ Các thiết bị hỗ trợ khác.

Hạ tầng mạng kết nối sẽ sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng diện rộng ngành tài nguyên và môi trường hoặc mạng truyền số liệu do các nhà dịch vụ cung cấp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ưu tiên sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

– Thứ hai: hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng.

Hệ thống phần mềm cần phải bảo đảm theo thiết kế tổng thể của hệ thống thông tin đất đai được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và đáp ứng các yêu cầu cơ bản như sau:

+ Hệ thống phần mềm cần bảo đảm nhập liệu, quản lý, cập nhật được thuận tiện đối với toàn bộ dữ liệu đất đai.

+ Hệ thống phần mềm cần bảo đảm yêu cầu bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu trong việc cập nhật, chỉnh lý dữ liệu đất đai; bảo đảm việc phân cấp chặt chẽ đối với quyền truy cập thông tin trong cơ sở dữ liệu.

+ Hệ thống phần mềm phải thể hiện thông tin đất đai theo hiện trạng và lưu giữ được thông tin biến động về sử dụng đất trong lịch sử.

+ Hệ thống phần mềm phải thuận tiện, nhanh chóng, chính xác trong việc khai thác các thông tin đất đai.

– Thứ ba: Các cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia cần phải bảo đảm theo thiết kế tổng thể của hệ thống thông tin đất đai và chuẩn dữ liệu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tại Trung ương sẽ được xây dựng từ các nguồn dữ liệu về đất đai được lưu trữ tại Trung ương thông qua việc tích hợp và đồng bộ từ cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương cũng như quá trình tích hợp kết quả điều tra cơ bản và các dữ liệu, thông tin có liên quan đến đất đai do các Bộ, ngành cung cấp và các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.

Cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương được xây dựng thông qua các nguồn sau:

+ Các kết quả đo đạc, lập bản đồ địa chính.

+ Việc đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thống kê, kiểm kê đất đai.

+ Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

+ Thông qua giá đất và bản đồ giá đất.

+ Việc điều tra cơ bản về đất đai; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

+ Các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.

Cần lưu ý rằng, đối với các thành phần của hệ thống thông tin đất đai được cơ quan nhà nước xây dựng hoặc thuê các nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo các quy định của pháp luật.

3. Nguyên tắc xây dựng, quản lí, khai thác hệ thống thông tin đất đai

Nguyên tắc xây dựng hệ thống thông tin đất đai 

a) Xây dựng theo một hệ thống thiết kế thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước; cung cấp dữ liệu đất đai cho nhiều đối tượng sử dụng và phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng;

b) Bảo đảm tính an toàn, bảo mật và hoạt động thường xuyên;

c) Bảo đảm tính mở, cho phép chia sẻ với hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các ngành, các cấp có liên quan.

Nguyên tắc quản lí, khai thác hệ thống thông tin đất đai

a) Phục vụ kịp thời công tác quản lí nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh;

b) Bảo đảm tính chính xác, trung thực, khách quan;

c) Bảo đảm tính khoa học, thuận tiện cho khai thác và sử dụng;

d) Bảo đảm tính cập nhật, đầy đủ và có hệ thống;

đ) Sử dụng dữ liệu đúng mục đích;

e) Khai thác và sử dụng dữ liệu phải thực hiện nghĩa vụ tài chính;

g) Tuân theo các qui định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Bài viết liên quan