Học sinh cấp 2 đánh bạn có bị đuổi học không

HỌC SINH CẤP 2 ĐÁNH BẠN CÓ BỊ ĐUỔI HỌC KHÔNG?

CÂU HỎI: Thưa luật sư, con trai em học lớp 7, do bị bạn trêu chọc nên nhỡ tay đánh bạn vài lần. Lần này không may bạn của cháu bị gãy tay. Ở nhà cháu rất ngoan, chắc chắn bạn của cháu đã trêu chọc quá đà khiến cháu không kiềm chế được. Thế nhưng hiệu trưởng nói phải đuổi học cháu, tôi đã bồi dưỡng thầy 10 triệu mà thầy không nhận, chắc chê ít. Tôi phải làm thế nào?

TRẢ LỜI: Chào chị, Luật Việt Chính đã nhận được câu hỏi của chị. Xung quanh câu hỏi của chị thì Luật Việt Chính sẽ tư vấn dựa trên hai khía cạnh là Pháp luật và Đạo đức.

KHÍA CẠNH PHÁP LUẬT CỦA VIỆC ĐUỔI HỌC HỌC SINH

Trước đây, khá nhiều trường hợp học sinh đã bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi học (hay còn gọi là đuổi học) với những trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần. Hiện nay, theo quy định tại khoản 2, Điều 38, Điều lệ Trường Trung học Cơ sở, trường Trung học Phổ thông và trường Phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT thì chỉ được phép áp dụng các hình thức kỷ luật, giáo dục sau đây:

– Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

– Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

– Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong các nội dung trên thì không có hình thức buộc thôi học, nặng nề nhất chỉ dừng ở mức tạm dừng học ở trường có thời hạn. Như vậy, chắc chắn con của chị không bị đuổi học, không bị buộc thôi học. Chị không cần phải chi tiền cho bất cứ một ai vì như vậy là vi phạm pháp luật. Có thể hiệu trưởng nói như vậy để cháu và gia đình chú ý hơn, không để tái diễn những vụ việc như vậy.

Học sinh đánh bạn có bị nhà trường đuổi học không? (Minh họa)

Về mặt pháp luật thì do tuổi của cháu còn nhỏ, thương tích không quá nghiêm trọng nên chưa đặt ra trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự đối với cháu. Tuy nhiên con dại, cái mang, trường hợp vụ việc xảy ra bên ngoài quãng thời gian nhà trường quản lý cháu hoặc nhà trường không có lỗi dẫn tới sự việc đáng tiếc nêu trên thì theo quy định tại Điều 586 và Điều 599 Bộ luật dân sự năm 2005, bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cháu gây ra.

XÉT VỀ KHÍA CẠNH ĐẠO ĐỨC

Như phân tích ở trên, về mặt pháp luật thì ngoài vấn đề bồi thường thiệt hại ra sẽ không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, qua cách đặt câu hỏi của bạn thì có một vài vấn đề về khía cạnh đạo đức cần phải chú ý.

1. Bạn đang bảo vệ con một cách mù quáng

Cháu đã đánh bạn vài lần rồi, và lần này thì dẫn đến gãy tay. Cứ cho là bạn của cháu trêu chọc cháu trước nhưng có tới mức phải đánh bạn như vậy hay không. Bạo lực là sai rồi, một đứa bé lớp 7 mà đã đánh bạn nhiều lần dẫn đến thương tích thì rất đáng quan ngại về sự phát triển nhân cách của cháu. Không những vậy, nếu đúng cháu đánh bạn do bị trêu chọc thì liệu bạn của cháu sau nhiều lần bị đánh đau mà không rút ra được kinh nghiệm, không biết sợ sao? Vì vậy, tôi rất quan ngại về nguyên nhân thực sự dẫn tới việc hành hung bạn. Việc bạn thấy “ở nhà cháu rất ngoan” cũng chỉ là quan điểm cá nhân của bạn cũng như chỉ dựa vào biểu hiện của cháu khi ở nhà mà thôi. Nhiều đứa trẻ khi không có mặt cha mẹ liền trở thành một con người khác. Bạn phải bình tĩnh suy xét sự việc, không được bênh con một cách mù quáng. Hãy nghiêm khắc nếu cần thiết.

Tôn sư trọng đạo (Minh họa)

2. Cách hành xử và suy nghĩ của bạn chưa ổn

Khi sự việc xảy ra, bạn đã hối lộ hiệu trưởng. Khi họ không nhận thì bạn cho rằng người ta chê ít. Bạn quá đề cao đồng tiền, tiền rất quan trọng nhưng không phải tất cả đâu. Nếu con cái bạn nhìn vào hành động và suy nghĩ của bạn thì chúng sẽ nghĩ sao về giáo viên, nghĩ sao về đồng tiền. Chúng sẽ bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền và ỷ vào đồng tiền để thực hiện những hành vi sai trái. Vì vậy, hãy thay đổi cách hành xử của mình để trở thành tấm gương tốt cho con cái. Các cụ cũng đã dạy rồi:

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Bản thân bạn không tôn trọng giáo viên thì đừng trông mong vào việc con hay chữ hay chí ít là ngoan ngoãn, đạo đức. Sự thật mất lòng, thô nhưng thật bạn ạ, mong rằng những chia sẻ của Luật Việt Chính sẽ hữu ích, giúp cho bạn có góc nhìn phù hợp hơn, có phương pháp giáo dục con cái tốt hơn.

Trân trọng!

Thông tin liên hệ

Để được hỗ trợ trực tiếp về các vấn đề khác về pháp luật, bạn có thể liên hệ theo các phương thức sau:

Gọi điện tới số điện thoại 0911.111.099 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày yêu cầu tư vấn.

Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

Bài viết liên quan