Khi nào bị xử phạt về hành vi tổ chức hoạt động mại dâm

KHI NÀO BỊ XỬ PHẠT VỀ HÀNH VI

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG MẠI DÂM

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi là chủ nhà nghỉ ABC, ngày 10/1/2024 công an Phường H có kiểm tra nhà nghỉ của tôi. Thời điểm kiểm tra trong nhà nghỉ của tôi có 04 người (02 nam và 02 nữ) đang lưu trú tại đây. Cụ thể, phòng 201 thì có anh N và chị Q (không có giấy đăng ký kết hôn), anh chị đang làm chuyện gia đình (quan hệ tình dục), phòng 203 có anh V và chị B (không có giấy kết hôn) đang ngủ cùng với nhau. Công an Phường H đã tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, xử phạt tôi về hành vi như sau: “Tạo điều kiện cho người khác lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật để tổ chức hoạt động mại dâm.” Theo quyết định hành chính tôi bị xử phạt 35.000.000 (Ba mươi lăm triệu đồng). Luật sư cho tôi hỏi, tôi bị xử phạt như vậy có đúng hay không?

Trả lời: Kinh doanh nhà nghỉ là một trong những hoạt động phổ biến hiện nay. Tuy nhiên việc quản lý hoạt động kinh doanh này sao cho phù hợp, đảm bảo các quy định của pháp luật lại là điều không dễ dàng gì. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động mua, bán mại dâm diễn ra ngày một nhiều đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến chủ nhà nghỉ, đôi khi là bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Do vậy đối với trường hợp của bạn, trên cơ sở những gì bạn cung cấp cho chúng tôi, để biết quyết định xử phạt trên có đúng hay không cần xem xét làm rõ yếu tố sau:

Cần làm rõ anh N và chị Q có hành vi mua, bán dâm hay không?

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh môi giới mại dâm năm 2003, định nghĩa mua dâm, bán dâm như sau:

“1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

2. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.”

Như vậy, theo quy định trên hành vi mua dâm là hành vi dùng tiền hay lợi ích vật chất khác để được giao cấu. Còn hành vi bán dâm là hành vi giao cấu với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Như vậy, dù là hành vi mua dâm hay hành vi bán dâm đều phải thỏa mãn hai điều kiện:

– Thứ nhất, phải có hành vi giao cấu

– Thứ hai, hành vi giao cấu đó phát sinh trên cơ sở có sự trao đổi (trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác).

Theo đó, nếu hai người giao cấu với nhau chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục thì không được coi là hành vi mua, bán dâm và không vi phạm quy định của pháp luật.

Do vậy, trong trường hợp của bạn cần tìm hiểu, xác minh xem giữa anh N và chị Q có sự trao đổi về việc trả tiền hay lợi ích vật chất khác để tiến hành giao cấu không.

Tham khảo: Rủ bạn cùng đi bán dâm có phạm tội môi giới mại dâm

Trường hợp 1: Nếu anh N và chị Q có hành vi trao đổi về tiền hay lợi ích vật chất khác để giao cấu thì đây là hành vi mua, bán dâm. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi tắt là Nghị định số 144/2021/NĐ – CP) có quy định hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm như sau:

“Điều 27. Hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý.”

Theo quy định trên, dù cho trong trường hợp cạn có biết hay không biết về hành vi mua bán dâm của anh N và chị Q hay không thì bạn vẫn sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài bị phạt tiền, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ của bạn còn bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng.

Như vậy, để đảm bảo cơ sở của mình hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, bạn cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm kiểm tra, quản lý khách tới cư trú tại cơ sở nhà nghỉ của bạn để tránh những trường vi phạm phạm pháp dù mình không hề hay biết gì.

Trường hợp 2: Nếu anh N và chị Q chỉ có hành vi giao cấu (chỉ có quan hệ tình dục) mà không có sự trao đổi về tiền hay vật chất khác thì đây không phải là hành vi mua, bán dâm. Như vậy, đây không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, không có căn cứ để xử phạt bạn về hành vi “Tạo điều kiện cho người khác lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật để tổ chức hoạt động mại dâm”. Vì vậy, nội dung của quyết định xử phạt trên là sai.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể tiến hành thủ tục khiếu nại hoặc khởi kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính trên.

Lưu ý: Khi tiến hành thủ tục khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hành chính trên bạn nên xem xét cả về mặt hình thức, thời hiệu, thẩm quyền ban hành,… của quyết định đó nữa. Từ đó, có thêm nhiều căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết yêu cầu của bạn và khả năng dành phần thắng của bạn sẽ cao hơn.

Tham khảo: Mẫu đơn khởi kiện vụ án hành chính

Từ sự việc nêu trên, trong quá trình hoạt động bạn cần tăng cường hoạt động quản lý cơ sở của mình. Đặc biệt là nâng cao hơn trách nhiệm trong việc kiểm tra, ghi chép và lưu trữ thông tin của khách khi đến lưu trú theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại điều 44 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Thì khi khách đến lưu trú, cơ sở kinh doanh lưu trú có trách nhiệm sau:

– Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu; Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài); các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp.

Khi khách lưu trú không có giấy tờ tùy thân thì sau khi bố trí vào phòng nghỉ phải thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn.

– Ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý (hoặc nhập đầy đủ thông tin vào máy tính) trước khi cho khách vào phòng nghỉ.

– Thông báo cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi quản lý địa bàn đối với khách lưu trú là người Việt Nam và khai báo tạm trú đối với khách lưu trú là người nước ngoài (nghỉ qua đêm hoặc nghỉ theo giờ) phải thực hiện trước 23 giờ trong ngày. Trường hợp khách đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo trước 08 giờ sáng ngày hôm sau.

– Kiểm tra và quản lý giấy tờ tùy thân của người đến thăm khách lưu trú tại phòng nghỉ, ghi đầy đủ thông tin vào sổ và trả lại giấy tờ tùy thân khi họ ra khỏi cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.

– Lưu trữ thông tin của khách lưu trú và thông tin của người đến thăm khách lưu trú tại phòng nghỉ trong thời hạn ít nhất 36 tháng.

– Trường hợp khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phải yêu cầu xuất trình giấy phép sử dụng do cơ quan Công an hoặc Quân đội cấp, nếu khách không xuất trình giấy phép sử dụng phải báo ngay cho cơ quan Công an.

Trên đây là những thông tin tư vấn của chúng tôi. Lưu ý rằng những thông tin chúng tôi tư vấn cho bạn chỉ dựa trên những gì bạn cung cấp và các quy định pháp luật có hiệu lực ở thời điểm hiện tại. Nếu có bất kỳ điều gì thắc mắc hoặc muốn được tư vấn kỹ hơn, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Chúc bạn thành công và cơ sở của bạn ngày càng phát triển!

Trân trọng!

Bài viết liên quan