LỖI – CÁC HÌNH THỨC CỦA LỖI VÀ VÍ DỤ
Lỗi là một vấn đề phức tạp và quan trọng được nhiều ngành luật quan tâm nghiên cứu. Trong luật hình sự Việt Nam, chế định lỗi có vị trí vô cùng đặc biệt, thể hiện trong nguyên tắc có lỗi – một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự. Có lỗi là một trong những yếu tố quan trọng để được quan tâm trong các quan hệ pháp luật chẳng hạn quan hệ pháp luật hình sự, quan hệ pháp luật dân sự. Lỗi là dấu hiệu quan trọng nhất, là nội dung cơ bản thể hiện mặt chủ quan của cấu thành tội phạm, không xác định được lỗi thì không thể cấu thành tội phạm. Xuất phát từ những lí do trên, việc nghiên cứu một cách toàn diện về chế định lỗi, đặc biệt là hình thức lỗi cố ý trong Luật Hình sự là cần thiết. Do đó, tôi chọn và nghiên cứu đề tài: “Trình bày hiểu biết của sinh viên về lỗi cố ý, phân tích và cho ví dụ minh hoạ”.
Tham khảo thêm Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự
1. Khái niệm lỗi cố ý
Trong luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc có lỗi là nguyên tắc cơ bản. Theo nguyên tắc này, luật hình sự Việt Nam không chấp nhận việc “quy tội khách quan” tức là truy cứu trách nhiệm hình sự một người đã thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội nhưng không xem xét lỗi của họ khi thực hiện hành vi ấy. Người thực hiện hành vi có tính gây (hoặc đe dọa gây) thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu họ lựa chọn hành vi đó khi có điều kiện lựa chọn xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
Tính có lỗi chỉ được xác định khi thỏa mãn hai điều kiện sau:
Thứ nhất, phải có hành vi trái pháp luật hình sự. Trong trường hợp này, chủ thể đã thực hiện những hành vi không đúng quy định của pháp luật, xâm phạm tới khách thể mà luật hình sự bảo vệ.
Thứ hai, người thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự phải có khả năng nhận thức (lí trí) và khả năng điều khiển hành vi (ý chí). Điều này đòi hỏi khi thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự, chủ thể hoàn toàn có khả năng nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả xảy ra, cũng như khả năng điều khiển hành vi theo đúng yêu cầu của xã hội, của pháp luật.[1]
Nếu thỏa mãn cả hai điều kiện trên, chủ thể khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và gây ra (hoặc đe dọa gây ra) hậu quả xâm hại đến quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ sẽ bị coi là có lỗi. Lỗi là một yếu tố quan trọng để nhận biết tội phạm, nó là yếu tố bên trong và là nguyên nhân chủ quan của tội phạm. Ví dụ: Xuất phát từ mâu thuẫn nhà đất, A ra tay đánh B gây thương tích với tỷ lệ thương tật là trên 20%. Trong trường hợp này, hành vi ra tay đánh B của A là hành vi có lỗi, nó xuất phát từ yếu tố tâm lý bên trong của A làm A mất kiểm soát và đã dẫn tới việc A thực hiện hành vi mang tính nguy hiểm cho xã hội mà đối tượng trực tiếp ở đây là quyền con người được Nhà nước thông qua pháp luật Hình sự bảo vệ. Đây là kết quả của sự tự lựa chọn đưa ra quyết định của A trong khi A có thể đưa ra sự lựa chọn khác không trái với quy định của pháp luật.
Căn cứ vào đặc điểm về lí trí và ý chí, luật hình sự Việt Nam chia lỗi thành hai loại là cố ý và vô ý.
Luật hình sự quy định hai loại tội là tội cố ý và tội vô ý. Nhưng đối tượng chủ yếu và trước hết của luật hình sự là các tội phạm cố ý. Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam nói riêng cũng như các bộ luật hình sự các nước nói chung, số tội cố ý được quy định luôn chiếm đa số. [2]Vậy lỗi cố ý là gì? Có mấy loại lỗi cố ý?
Lỗi cố ý là trường hợp có lỗi, trong đó chủ thể lựa chọn và thực hiện hành vi gây thiệt hại mặc dù đã ý thức được các dấu hiệu thể hiện tính gây thiệt hại của hành vi đó. Nói cách khác, lỗi cố ý là trường hợp có lỗi, trong đó chủ thể đã lựa chọn hành vi phạm tội và thực hiện hành vi đó.
Từ định nghĩa chung có thể rút ra hai dấu hiệu của lỗi cố ý:
Thứ nhất, chủ thể nhận thức được các dấu hiệu thể hiện tính gây thiệt hại của hành vi phạm tội.
Thứ hai, chủ thể có đủ điều kiện để lựa chọn thực hiện hành vi phù hợp với đòi hỏi của xã hội. [3]
Trong hai dấu hiệu này, dấu hiệu thứ nhất cho phép phân biệt với lỗi vô ý và dấu hiệu thứ hai cho phép phân biệt với trường hợp không có lỗi.
Tính nghiêm trọng của lỗi cố ý thể hiện ở chỗ chủ thể đã lựa chọn, quyết định và thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội trong khi nhận thức đầy đủ tác động khách quan của nó đối với xã hội. Là mặt chủ quan của hành vi phạm tội, lỗi cố ý luôn gắn với hành vi gây thiệt hại cụ thể được quy định trong luật hình sự. Do vậy, sự nhận thức những dấu hiệu khách quan để thể hiện thính gây thiệt hại của hành vi đã thực hiện đòi hỏi phải là sự nhận thức những dấu hiệu khách quan được phản ánh trong cấu thành tội phạm (kể cả cấu thành tội phạm cơ bản và cấu thành tội phạm tăng nặng).
Để xác định một trường hợp có cố ý hay không luôn phải gắn với những dấu hiệu khách quan của một cấu thành tội phạm. Ví dụ: Khi muốn khẳng định một trường hợp là phạm tội giết người (Điều 123 BLHS 2015), cần phải xác định về mặt chủ quan của chủ thể có lỗi cố ý và việc xác định lỗi cố ý ở đây phải gắn với những dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm tội giết người. Chủ thể sẽ có lỗi cố ý nếu khi thực hiện hành vi khách quan, đã nhận thức được hành vi khách quan đã được thực hiện là hành vi có tính chất gây chết người, đối tượng mà hành vi nhằm vào là người đang sống, tác động khách quan là sự tước đoạt tính mạng con người bị hành vi nhằm vào.
Ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội rất đa dạng, việc xác định chủ yếu dựa trên cơ sở nhận thức về tính chất của tội phạm và khả năng điều khiển hành vi của người thực hiện. Lỗi cố ý được đề cập tại điều 10 BLHS 2015, theo đó điều luật xác định tính chất cố ý khi phạm tội là trường hợp một người thực hiện hành vi phạm tội, họ nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi đó, họ mong muốn hoặc để mặc (chấp nhận) hậu quả xảy ra. BLHS Việt Nam phân biệt hai hình thức lỗi cố ý đó là lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp.
Trong trường hợp lỗi cố ý trực tiếp, sự lựa chọn hành vi phạm tội là sự lựa chọn duy nhất. Trái lại trong trường hợp cố ý gián tiếp, chủ thể lựa chọn hai khả năng – khả năng hành vi thực hiện trở thành hành vi phạm tội (lựa chọn hành vi phạm tội) và khả năng hành vi thực hiện không trở thành hành vi phạm tội (lựa chọn hành vi không phạm tội). Trong trường hợp lỗi cố ý trực tiếp, chủ thể lựa chọn hành vi phạm tội vì chủ thể mong muốn hành vi đó, còn trong trường hợp cố ý gián tiếp, chủ thể lựa chọn hành vi phạm tội vì chấp nhận hành vi đó.
Trong những điều kiện giống nhau, phạm tội do lỗi cố ý trực tiếp phải được đánh giá là nguy hiểm cho xã hội lớn hơn so với phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp bởi vì phạm tội do lỗi cố ý trực tiếp thể hiện thái độ chủ động và quyết tâm phạm tội của người phạm tội lớn hơn. Cùng là lỗi cố ý, nhưng nếu là lỗi cố ý trực tiếp thì nguy hiểm hơn lỗi cố ý gián tiếp, cùng là lỗi cố ý trực tiếp, nhưng sự quyết tâm cao của người phạm tội nguy hiểm hơn người không có ý thức quyết tâm phạm tội đến cùng.
2. Các hình thức lỗi cố ý
Lỗi cố ý trực tiếp được quy định tại Khoản 1 Điều 10 BLHS 2015, theo đó lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả xảy ra”.
Xét về lí trí, người phạm tội nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện (được hiểu là tính gây thiệt hại cho xã hội), thấy trước được hậu quả thiệt hại của hành vi đó.
Nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi nghĩa là khi thực hiện hành vi chủ thể biết được hành vi của mình có hại cho xã hội, đi ngược lại lợi ích, các yêu cầu và chuẩn mực của xã hội. Sự nhận thức được tính gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi không có nghĩa là phải nhận được tính trái pháp luật của hành vi. Một người biết hay không biết tính trái pháp luật của hành vi không phải là điều kiện bắt buộc để xác định họ có lỗi hay không có lỗi khi thực hiện hành vi gây thiệt hai cho xã hội. Thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi là nhận thức vượt trước, là dự kiến của người phạm tội về hậu quả của đó. Người phạm tội có thể dự kiến hành vi tất nhiên sẽ gây hậu quả thiệt hại hoặc dự kiến hành vi có thể gây hậu quả thiệt hại.
Thấy trước được hậu quả thiệt hại của hành vi là kết quả và là sự cụ thể hóa nhận thức tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi . Trái lại, nhận thức rõ tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi là cơ sở cho thấy việc thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi.
Xét về ý chí, người phạm tội mong muốn hậu quả thiệt hại xảy ra, mong muốn hậu quả mà họ “thấy trước”, đã hình dung ra khi thực hiện hành vi sẽ xuất hiện hậu quả nào đó trên thực tế. Ở đây, sở dĩ không đặt vấn đề mong muốn hay không mong muốn hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội vì khi đã nhận thức được tính chất của hành vi mà vẫn thực hiện thì đã có nghĩa là chủ thể mong muốn thực hiện hành vi đó.
Định nghĩa tại khoản 1 Điều 10 BLHS 2015 gắn với hậu quả thiệt hại và chỉ đúng đối với các tội phạm có cấu thành vật chất. Trên thực tế, chủ thể của các tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức có thể mong muốn (cố ý trực tiếp) hoặc chấp nhận (cố ý gián tiếp) hành vi phạm tội trên cơ sở mong muốn hoặc chấp nhận dấu hiệu nhất định mà không phải là dấu hiệu hậu quả thiệt hại.
Có thể thấy rằng, đối với lỗi cố ý trực tiếp thì lí trí của ngươi phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức rõ hậu quả xảy ra. Ví dụ: Vì mâu thuẫn trong việc làm ăn, nên A đã nung nấu ý định giết Đ. Một hôm, lợi dụng Đ sơ hở, A đã bỏ thuốc độc vào ly nước của Đ và mời Đ uống. Sau khi uống xong Đ trúng độc và chết. Trường hợp này A phạm tội giết người với lỗi cố ý trực tiếp.
Về lí trí: A nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm, A biết trước rằng khi Đ uống thuốc độc vào thì sẽ chết nhưng A vẫn bỏ thuốc độc vào nước và mời Đ uống.
Về ý chí: Khi thực hiện hành động, A mong muốn Đ chết. Ngay từ đầu trong thâm tâm A đã nung nấu ý định giết Đ và chỉ chờ có cơ hội để ra tay. A muốn thực hiện hiện hành vi giết Đ và có sự chuẩn bị, suy tính trước (chuẩn bị thuốc độc). Như vậy, A hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, sẽ dẫn đến chết người, nhưng A vẫn thực hiện vì A muốn Đ chết.
Lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại khoản 2 điều 10 BLHS 2015 trong đó lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi “…nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra”.
Về lí trí, cũng như cố ý trực tiếp, trong trường hợp cố ý gián tiếp, người phạm tội nhận thức rõ tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hành vi có thể gây hậu quả thiệt hại.
Về ý chí, người phạm tội không mong muốn hậu quả thiệt hại xảy ra nhưng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra. Để mặc cho hậu quả xảy ra có nghĩa là hậu quả xảy ra hay không đối với người phạm tội đều có ý nghĩa như nhau, hậu quả nguy hiểm cho xã hội xuất hiện trên thực tế hay không xuất hiện, người phạm tội cũng đều chấp nhận. [4]Hậu quả thiệt hại mà người phạm tội thấy trước không phù hợp với mục đích của họ. Tuy nhiên, để đạt được mục đích của mình họ có thể chấp nhận hậu quả xảy ra.
Ví dụ: K và P có mâu thuẫn gay gắt. Ngày 04 tháng 05 năm 2020, K và P cãi nhau, xông vào vật lộn, đấm đá nhau. Thấy bố mình bị đánh, con của K là H đã sử dụng chiếc đục của thợ mộc xông vào nhằm P đâm bừa một nhát trúng sườn phải P. Nhát đâm sâu tới 9cm làm thủng gan, chảy máu trong. P được đưa tới bệnh viện tỉnh cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên P đã chết. H phạm tội giết người (Điều 123 BLHS 2015).
Lỗi của H trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp. Trong tình huống trên, ta nhận thấy rõ hành vi phạm tội của H xuất phát từ việc thấy bố mình bị đánh, H đã sử dụng chiếc đục của thợ mộc xông vào đâm P dẫn đến P bị chết khi được đưa đi cấp cứu.
Về lý trí: Ta thấy, H hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình ra rất nguy hiểm bởi chiếc đục là một vật sắc nhọn, tính sát thương, hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người khác.
Về ý chí: Khi thực hiện hành động, nếu chỉ mong muốn gây thương tích cho P, H hoàn toàn có thể đâm vào những khu vực như tay, chân, lưng,…. mà H xông thẳng vào P và đâm bừa một nhát trúng sườn phải P. Nhát đâm sâu tới 9cm làm thủng gan, chảy máu trong. Ở đây, rất khó có thể xác định được H có chủ định đâm để P chết hay không, nhưng khi đâm H hoàn toàn có thể nhận thức được việc đâm bừa của mình là hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người. Nhưng do bực tức vì thấy bố mình bị đánh nên H vẫn cứ đâm, để mặc hậu quả xảy ra là như thế nào. H không mong muốn giết P nhưng nếu P có chết cũng chấp nhận.
Sự khác biệt của cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp thể hiện ở chủ yếu ở khía cạnh ý chí lỗi. Người phạm tội trong trường hợp cố ý trực tiếp “mong muốn hậu quả xảy ra”, còn trong trường hợp cố ý gián tiếp người phạm tội “tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”. Nếu ở cố ý trực tiếp, hậu quả của hành vi là sự mong muốn của chủ thể thì ở cố ý gián tiếp hậu quả của hành vi chỉ là “cái” được chấp nhận để chủ thể đạt được mong muốn khác. Ví dụ: T có mâu thuẫn với C, hai bên xảy ra xô xát nhau, trong khi đánh nhau, T đã xô C xuống sông sau đó bỏ đi. Vì không biết bơi nên C đã bị đuối nước và chết. Trường hợp này T phạm tội cố ý gián tiếp, bởi vì T nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi mình thực hiện, tuy T không mong muốn C chết, nhưng sau khi xô C ngã xuống sông, vì tức giận nên T đã bỏ mặc hậu quả xảy ra đối với C và chấp nhận hậu quả C chết. Với sự khác nhau về yếu tố ý chí như vậy, buộc yếu tố lí trí ở hai hình thức lỗi cố ý tuy về cơ bản là giống nhau nhưng vẫn có sự khác nhau. Ở trường hợp có lỗi cố ý trực tiếp, sự thấy trước hậu quả thiệt hại của người phạm tội có thể là thấy trước hậu quả đó tất nhiên phải xảy ra hoặc là có thể xảy ra. Nhưng ở trường hợp có lỗi cố ý gián tiếp, sự thấy trước hậu quả thiệt hại của người phạm tội chỉ có thể là thấy trước hậu quả đó có thể xảy ra. [5]
Ngoài hai hình thức cụ thể của lỗi cố ý là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp đã trình bày trên đây, tùy thuộc vào thời điểm hình thành có thể phân biệt hai loại lỗi cố ý đó là:
Cố ý có dự mưu là trong trường hợp người phạm tội đã có sự suy nghĩ, cân nhắc kĩ trước khi thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội.
Ví dụ: A ghét B, sau khi đã suy nghĩ lên làm gì trả thù B thì ngay ngày hôm sau, A đã đi mua xăng để đốt nhà B nhằm thỏa mãn thú vui của mình.
Cố ý đột xuất là trường hợp người phạm tội vừa có ý định phạm tội đã thực hiện ngay ý định đó, chưa kịp có sự cân nhắc kĩ.
Ví dụ: A thấy B có đeo túi nhưng không khóa nên đã đánh B và giật túi để lấy trộm tiền và điện thoại di động.
Căn cứ vào mức độ cụ thể của sự hình dung về hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, có thể phân biệt hai loại lỗi cố ý:
Cố ý xác định là trường hợp người phạm tội hình dung được một cách rõ ràng và cụ thể hậu quả thiệt hại mà hành vi của họ sẽ gây ra. Ví dụ: Lỗi trong trường hợp trộm cắp một chiếc xe đạp cụ thể.
Cố ý không xác định là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước được hậu quả thiệt hại nhưng chưa hình dung được một cách cụ thể của hậu quả đó. Ví dụ: Lỗi trong trường hợp trộm cắp túi xách nhưng chưa biết cụ thể trong túi có gì.
- Trường hợp hỗn hợp lỗi
Trường hợp hỗn hợp lỗi là trường hợp trong cấu thành tội phạm có hai loại lỗi (cố ý và vô ý) được quy định đối với những dấu hiệu khách quan khác nhau. Trường hợp hỗn hợp lỗi chỉ có thể xảy ra ở những cấu thành tội phạm tăng nặng. Ví dụ: Cấu thành tội phạm cơ bản của tội hiếp dâm (khoản 1 điều 141 BLHS 2015) có dấu hiệu là lỗi cố ý, cấu thành tội phạm tăng nặng của tội này (ý một điểm d khoản 3 Điều 141 BLHS) có dấu hiệu tăng nặng là hậu quả chết người và lỗi đối với hậu quả này là vô ý.
Lỗi trong luật hình sự là một chế định trung tâm và có thể coi là vô cùng phức tạp. Lỗi là căn cứ để xác định tội danh, định khung hình phạt cũng như xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam nói riêng cũng như các bộ luật hình sự các nước nói chung, số tội cố ý được quy định luôn chiếm đa số. Vì vậy, việc phân tích, xác định và đánh giá đúng lỗi cố ý của chủ thể là rất quan trọng, nó không chỉ có ý nghĩa trong việc xác định hình thức tội trạng mà chủ thể phải gánh chịu mà còn là yếu tố để xem xét việc tăng nặng hay giảm nhẹ tội trạng của chủ thể.
Tham khảo thêm Tham khảo mẫu đơn đề nghị về trả lời thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại