Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” (Chương I phần 1)

LUẬN VĂN ” CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG THEO THỎA THUẬN VÀ VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI THỨ BA” (CHƯƠNG I PHẦN 1)

CHƯƠNG 1 (PHẦN 1)

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG THEO THỎA THUẬN VÀ VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI THỨ BA

1.1. Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận

1.1.1. Khái niệm

Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, bên cạnh những yếu tố về mặt tình cảm giữa vợ chồng và con cái, còn có một vấn đề rất quan trọng đó là tiền bạc, vật chất, sản nghiệp hay gọi chung là tài sản. Đây chính là yếu tố nuôi sống mỗi gia đình, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, cải thiện đời sống tinh thần, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, cấp dưỡng con cái và các nghĩa vụ đối với thành viên khác trong gia đình theo quy định của pháp luật. Vấn đề chế độ tài sản vợ chồng đã được các nhà lập pháp đặc biệt quan tâm và ghi nhận từ xa xưa và ngày càng được hoàn thiện qua các giai đoạn lịch sử.

Tài sản là vấn đề trung tâm và là cốt lõi của mọi quan hệ pháp luật, Điều 105 BLDS năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản, bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

Sau khi kết hôn, các khối tài sản chung giữa vợ và chồng được hình thành, các lợi ích cũng như các nghĩa vụ từ các khối tài sản đó cũng được hình thành và được khai thác sử dụng, một phần để bảo đảm duy trì và phục vụ nhu cầu gia đình, một phần là thực hiện giao dịch với người thứ ba, đặc biệt là khi vợ, chồng hoặc cả hai cùng tham gia kinh doanh, thương mại.

Hiện nay, khái niệm về chế độ tài sản vợ chồng chưa được quy định cụ thể trong LHN&GĐ. Trong luận văn tiến sĩ PGS.TS Nguyễn Văn Cừ đã đưa ra quan điểm như sau,“chế độ tài sản vợ chồng (theo nghĩa hẹp) là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc quy định về căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với các tài sản đó; các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ, chồng”[1]. Có thể thấy, quan điểm này đã thể hiện được những nội dung cơ bản của chế độ tài sản vợ chồng và tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên.

Đặc điểm của chế độ tài sản vợ chồng bao gồm: Thứ nhất, chủ thể trong quan hệ sở hữu trong chế độ tài sản của vợ chồng phải là cá nhân có năng lực chủ thể trong pháp luật dân sự. Thứ hai, chế độ tài sản vợ chồng gắn liền với quan hệ hôn nhân, tồn tại cùng với quan hệ hôn nhân và chấm dứt khi kết thúc quan hệ hôn nhân. Thứ ba, xuất phát từ vai trò của gia đình “gia đình là tế bào của xã hội”, Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng nhằm bảo đảm quyền lợi của gia đình, là cơ sở để vợ và chồng thực hiện nghĩa vụ đối với tài sản. Đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba khi tham gia giao dịch và là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng.

Pháp luật hiện hành ghi nhận 02 chế độ tài sản của vợ chồng, đó là chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định (chế độ tài sản pháp định) và chế độ tài sản của vợ chồng theo hôn ước (chế độ tài sản ước định).

Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định quy định cụ thể về căn cứ xác định nguồn gốc, thành phần các loại tài sản chung và tài sản riêng của vợ và chồng; nguyên tắc của việc xác định tài sản chung vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với từng loại tài sản; các trường hợp và nguyên tắc chung về việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân; hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và các trường hợp vô hiệu chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thiết lập theo 03 quan điểm đó là: chế độ tài sản vợ chồng thiết lập theo tiêu chuẩn cộng đồng (bao gồm chế độ cộng đồng toàn sản, chế độ cộng đồng đối với động sản và những tạo sản, chế độ cộng đồng tạo sản), chế độ tài sản theo tiêu chuẩn không có cộng đồng tài sản hay còn gọi là chế độ phân sản và chế độ đóng góp các tạo sản hay còn gọi là chế độ hỗn hợp.

Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận (chế độ tài sản ước định) cho phép vợ chồng tự quyết định quyền sở hữu về tài sản của mình và vợ chồng sẽ tự thỏa thuận về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và quyền về tài sản đã thỏa thuận. Ưu điểm của chế độ này so với chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp định là đề cao tự do định đoạt tài sản của mỗi cá nhân nhưng vẫn bảo đảm được lợi ích chung của gia đình. Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn tùy vào phong tục, tập quán, thông lệ của mỗi quốc gia mà văn bản này có thuật ngữ khác nhau, quy định về quy trình, thủ tục tạo lập cũng khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất là thuật ngữ “hôn ước”. Có thể hiểu, “hôn ước là văn bản do hai bên nam nữ lập trước khi kết hôn theo thể thức nhất định, trong đó ghi nhận sự thỏa thuận của họ về chế độ tài sản vợ chồng được áp dụng trong thời kỳ hôn nhân và chỉ phát sinh hiệu lực trong thời kỳ hôn nhân”[2]. Về bản chất, hôn ước chỉ chứa đựng những thỏa thuận của vợ chồng về các cách thức thực hiện các quan hệ tài sản của họ mà không đề cập đến các vấn đề nhân thân. Hôn ước có những đặc điểm như sau: Về chủ thể, hôn ước chỉ phát sinh giữa những người có quan hệ hôn nhân hợp pháp. Về hình thức, hôn ước buộc phải được lập thành văn bản và có sự xác nhận bằng chữ kí/điểm chỉ của vợ và chồng. Việc lập hôn ước phải được sự chứng kiến và ghi nhận tính hợp pháp bởi cơ quan có thẩm quyền như cơ quan công chứng hay cơ quan nhà nước. Việc thay đổi hoặc chấm dứt hiệu lực của hôn ước phải theo một thể thức nhất định và thường được tiến hành theo hình thức lập hôn ước. Hiện nay các quốc gia đã cho phép vợ chồng có thể thay đổi hoặc hủy bỏ hôn ước nhưng thường đặt điều kiện về thời gian có hiệu lực của hôn ước trước hoặc điều kiện về hình thức, sự công nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

Tại Việt Nam, kể từ khi Luật HN&GĐ năm 2014 có ghi nhận về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đã xuất hiện một số khái niệm về chế độ tài sản này. Tuy nhiên, cũng giống như khái niệm về chế độ tài sản vợ chồng, khái niệm chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hiện nay chưa được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật về HN&GĐ mà chỉ được các nhà nghiên cứu luật học đưa ra theo quan điểm của mình. Ví dụ, theo tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, trong Luận văn thạc sĩ của mình có đưa ra quan điểm như sau: “Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là chế độ tài sản của vợ chồng xác lập theo thỏa thuận của vợ chồng bằng văn bản được lập từ trước khi kết hôn quy định về quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng, gồm: căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng đối với các loại tài sản đó và nguyên tắc phân chia tài sản vợ chồng”[3]

Theo tác giả, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là tổng hợp những thỏa thuận của vợ chồng về quan hệ sở hữu tài sản của họ trong thời kỳ hôn nhân, được xác lập, thực hiện theo quy định của pháp luật.

1.1.2. Đặc điểm của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận

Thứ nhất: chủ thể của quan hệ sở hữu trong chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận phải có quan hệ hôn nhân hợp pháp. Theo đó, chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của BLDS năm 2015 và phải đủ điều kiện kết hôn theo Luật HN&GĐ năm 2014.

Thứ hai: xuất phát từ vai trò của hôn nhân gia đình là “nền tảng” của xã hội, các nhà làm luật khi xây dựng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận đều hướng tới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình, trong đó có vợ, chồng, con cái và các thành viên khác trong gia đình. Đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba khác khi tham gia giao dịch dân sự với vợ, chồng.

Thứ ba: chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đề cao thỏa thuận của vợ chồng một cách tự nguyện, bình đẳng như tinh thần của một giao dịch dân sự thông thường. Vợ, chồng được tự do thống nhất những nội dung trong văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng, đây chính là đặc điểm khác biệt rõ ràng nhất của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận so với chế độ tài sản vợ chồng theo pháp luật quy định.

Thứ tư: chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận phải được lập thành văn bản trước khi kết hôn, và phải đáp ứng điều kiện về hình thức và thủ tục theo quy định của pháp luật. Đó là phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực của tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ năm: chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận mặc dù đề cao sự thỏa thuận của cá nhân nhưng vẫn bị “hạn chế” bởi quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và người thứ ba.

Thứ sáu: chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là chế định có tính chất lựa chọn, vợ chồng trước khi kết hôn có thể có hoặc không lựa chọn chế độ này. Vợ chồng có thể tự do lựa chọn theo nhu cầu của các bên, điều này không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với con cái, bố mẹ, thành viên khác trong gia đình và người thứ ba khác. Trường hợp vợ chồng không lựa chọn chế độ này thì chế độ tài sản vợ chồng theo pháp định sẽ được lựa chọn.

Thứ bảy: chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được thừa nhận giúp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba; đồng thời là cơ sở để cơ quan thi hành án giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản của vợ chồng trong trường hợp cần phân chia. Nhất là tranh chấp sau khi ly hôn.

1.1.3. Ý nghĩa của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận

Gia đình là nền tảng của xã hội, được xác lập trên cơ sở tình yêu tự nguyện giữa nam và nữ. Đối với gia đình thì sự yêu thương gắn bó giữa vợ chồng, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình là một điều rất quan trọng, tuy nhiên, để có thể hướng tới một cuộc hôn nhân ổn định, lâu dài, bền vững thì một vấn đề vô cùng quan trọng cần phải quan tâm đến đó chính là đời sống vật chất của vợ chồng. Chính vì thế, chế định tài sản của vợ chồng luôn được các nhà nghiên cứu luật pháp quan tâm, nghiên cứu, xây dựng thành một chế định riêng, cơ bản, quan trọng nhất được quy định cứng trong Luật HN&GĐ qua tất cả các thời kỳ. Mặc dù chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận mới được quy định trong Luật HN&GĐ năm 2014 nhưng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu về sự minh bạch, phân định tài sản giữa vợ và chồng, bởi vì bất kỳ ai ngoài cuộc sống chung giữa vợ chồng cũng mong muốn có một cuộc sống riêng mà vẫn bảo đảm hôn nhân của mình được hạnh phúc. Vì vậy, việc pháp luật quy định về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận đã thể hiện sự tôn trọng ý chí của các chủ thể tham gia vào quan hệ hôn nhân và gia đình.

Sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước là nhu cầu khách quan, đòi hỏi sự điều chỉnh phù hợp của hệ thống pháp luật đối với các quan hệ xã hội trong đó có Luật HN&GĐ nói chung, chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nói riêng. Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận ra đời đã bảo đảm phù hợp theo nguyên tắc tự thoả thuận và định đoạt của pháp luật dân sự; bảo đảm quyền tự do sở hữu cá nhân, tự do kinh doanh thương mại; phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung về quan hệ nhân thân và tài sản của cá nhân, tổ chức.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

Trong xu thế hội hội nhập toàn cầu, vấn đề hôn nhân giữa công dân Việt Nam và công dân các nước khác trên thế giới cũng là một đòi hỏi khách quan về việc pháp Luật HN&GĐ Việt Nam nên xây dựng theo hướng học hỏi, tương thích với pháp luật quốc tế khi hầu hết pháp luật nhiều nước đã ghi nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (ví dụ, Pháp, Đức, Nhật, Mỹ, Thái Lan). Luật HN&GĐ năm 2014 ghi nhận về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận đã bảo đảm quyền, lợi ích cho cả công dân Việt Nam và người nước ngoài trong các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Quy định về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đã phát huy sự nghiệp giải phóng thân phận thấp bé của người phụ nữ, đề cao tiếng nói của người vợ trong gia đình. Người vợ có quyền sở hữu về tài sản và nghĩa vụ ngang bằng với người chồng, trách nhiệm với gia đình, con cái và các thành viên khác trong gia đình cũng được chia sẻ ngang nhau hoặc theo thỏa thuận. Đây chính là sự tiếp nối tinh thần “bình đẳng” giữa nam và nữ đã được Luật HN&GĐ năm 2014 kế thừa qua các thời kì trong lịch sử đến nay.

Ngoài ra, chế độ tài sản của vợ chồng được còn có ý nghĩa là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng với nhau hoặc với những người khác trong thực tế, nhằm bảo về quyền và lợi ích chính đáng về tài sản cho các bên vợ chồng hoặc người thứ ba tham gia giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng.

1.2. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

1.2.1. Khái niệm người thứ ba và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Để tìm hiểu khái niệm bảo đảm quyền, lợi ích của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, trước hết cần làm rõ khái niệm người thứ ba là những chủ thể nào? Pháp luật dân sự nói chung và pháp Luật HN&GĐ nói riêng có rất nhiều quy định liên quan đến người thứ ba, tuy nhiên chưa có một khái niệm chính thức nào về người thứ ba chưa được ghi nhận trong các văn bản pháp luật.  Theo Thạc sĩ Nguyễn Hương Giang, người thứ ba được định nghĩa như sau: “Người thứ ba trong quan hệ tài sản của vợ chồng, là người không phải vợ, chồng và có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chế độ tài sản của vợ chồng”[4]. Người thứ ba trong chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, cần hiểu rằng “người” ở đây không phải một “con người” mà nó có phạm vi rộng hơn, bao gồm các chủ thể trong quan hệ dân sự, đó là cá nhân, pháp nhân. BLDS năm 2015, Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh: “Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân”. Theo đó, cá nhân trong quan hệ dân sự là những người có năng lực pháp luật dân sự, tức là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Pháp nhân trong quan hệ dân sự bao gồm “pháp nhân thương mại” (Điều 75) và “pháp nhân phi thương mại” (Điều 76). Như vậy, các chủ thể trong quan hệ dân sự bao gồm: cá nhân, pháp nhân.

Người thứ ba không phải là một bên trong quan hệ dân sự mà người thứ ba được hiểu là người không thể hiện ý chí tham gia thành lập giao dịch. Xét theo nghĩa đó, có một số giao dịch có sự tham gia của ba bên, nhưng bên thứ ba không được coi là người thứ ba, chẳng hạn trong các quan hệ thế nghĩa vụ, vì bên thứ ba đã thể hiện ý chí tham gia nên trở thành một bên trong quan hệ. Vì không được thể hiện ý chí khi vợ chồng xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận nên việc bảo đảm quyền, lợi ích của các cá nhân, pháp nhân liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng là vô cùng cần thiết.

Từ việc phân tích BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015, theo tác giả có ba trường hợp“người thứ ba” như sau: trường hợp thứ nhất: người thứ ba là những người không trực tiếp tham gia giao dịch dân sự nhưng can thiệp hoặc có ảnh hưởng tới quá trình hình thành giao dịch. Trường hợp thứ hai, người thứ ba là những người không có bất kỳ mối quan hệ nào với giao dịch dân sự nhưng lại bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện giao dịch đó. Trường hợp thứ ba, người thứ ba là những người không ký kết hợp đồng nhưng lại được hưởng lợi từ hợp đồng.

Có thể lấy ví dụ về một số trường hợp người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận như sau: xét trên mối quan hệ trong gia đình, người thứ ba có quyền và lợi ích liên quan trước hết là con cái (bao gồm cả con chung, con riêng của vợ hoặc chồng, con nuôi), bố mẹ (bao gồm bố mẹ của vợ, bố mẹ của chồng) hoặc thành viên khác trong gia đình chịu ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp bởi thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng.

Trong giao dịch dân sự, người thứ ba có thể là đối tác kinh doanh, là chủ thể còn lại khác trong giao dịch dân sự với vợ chồng. Có thể lấy ví dụ như sau: Ông A và vợ là bà B trước khi đăng ký kết hôn có xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận tại Văn phòng công chứng X năm 2015 với nội dung, toàn bộ tài sản trước và sau hôn nhân của ông A sẽ là tài sản chung của vợ chồng. Năm 2017, Ông A đã thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông B. Ông B trong trường hợp này chính là người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.

Thậm chí, người thứ ba có thể là bất kì đối tượng nào, trong quan hệ bất kì được vợ và chồng đề cập tới trong Văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng.

Như vậy, người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là những người không trực tiếp tham gia vào việc xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nhưng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp và có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

Theo từ điển tiếng Việt, “bảo đảm” là động từ “chỉ việc tạo điều kiện để chắc chắn giữ gìn được, hoặc thực hiện được, hoặc có được những gì cần thiết”. “Quyền” là khái niệm khoa học pháp lí dùng để chỉ những điều mà pháp luật công nhận và bảo đảm thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó cá nhân được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản, hạn chế. Dấu hiệu đặc trưng thứ nhất của quyền là phải có sự ghi nhận về mặt pháp lí và được bảo đảm thực hiện bởi các quy định của pháp luật; thứ hai là phải có sự thừa nhận về mặt xã hội, gắn liền với chủ thể cá nhân, được thể hiện cụ thể trong thực tế đời sống thông qua các quan hệ xã hội cụ thể của cá nhân trong một cộng đồng nhất định. “Lợi ích hợp pháp” là những lợi ích về chính trị – xã hội, về vật chất, tinh thần do kết quả hoạt động của bản thân tạo nên hoặc do phúc lợi chung của nhà nước, xã hội hoặc tập thể cơ quan, xí nghiệp, tổ chức nơi mình sống, làm việc đem lại.

Khi tham gia quan hệ dân sự có liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, người thứ ba chịu những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ thỏa thuận của vợ chồng. Tuy nhiên, người thứ ba không được thể hiện ý chí của mình trong việc xác lập chế độ tài sản vợ chồng. Do vậy để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, Nhà nước cần ban hành cơ chế để bảo đảm bao gồm ban hành các quy định pháp luật về nội dung, điều kiện, hình thức, các trường hợp vô hiệu của việc xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, đồng thời xây dựng các thiết chế hoạt động của Tòa án và các cơ quan, tổ chức khác như Tổ chức hành nghề công chứng để bảo đảm quyền, lợi ích của người thứ ba.

Như vậy, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là việc Nhà nước xây dựng cơ chế và ban hành pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.

Theo nghĩa rộng, cơ chế bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba là toàn bộ những yếu tố, phương tiện, phương cách và biện pháp nhằm bảo đảm cho quyền và lợi ích của người thứ ba được tôn trọng, chống lại mọi sự vi phạm về quyền và lợi ích của người thứ ba có thể xảy ra.

Với nghĩa hẹp, cơ chế bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba là một thiết chế được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc và quy định của pháp luật, để thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm cho quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba được tôn trọng, chống lại mọi sự vi phạm có thể xảy ra.

 Việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba là nội dung quan trọng trong chế định tài sản vợ chồng theo thỏa thuận vì những lý do sau:

Thứ nhất: bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba là bảo vệ lợi ích chung của cả xã hội, chế độ tài sản vợ chồng thông qua Văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng giúp cho người thứ ba xác định được nghĩa vụ mà vợ chồng phải thực hiện và quyền lợi mà người thứ ba phải được hưởng.

Thứ hai: trong tình hình xã hội hiện nay, có rất nhiều tranh chấp liên quan đến tài sản của vợ chồng và người thứ ba. Bởi lẽ, có nhiều trường hợp xác định không đúng chủ thể tham gia giao dịch, ví dụ như trường hợp tài sản là bất động sản được xác định hình thành trong thời kì hôn nhân do vợ chồng nhận chuyển nhượng nên là tài sản chung vợ chồng, khi tham gia giao dịch chỉ có vợ hoặc chồng ký mà không có sự ủy quyền của người còn lại. Hay trường hợp tài sản là bất động sản được tặng cho riêng nhưng cả hai vợ chồng đều tham gia ký xác nhận chuyển nhượng cho người thứ ba… dẫn đến khi phát sinh tranh chấp thì quyền và lợi ích của người thứ ba bị ảnh hưởng do sai chủ thể trong giao dịch.

Như vậy, chế định tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba là nội dung quan trọng xét cả về mặt thực tiễn và lý luận, không chỉ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho một cá nhân cụ thể mà còn góp phần ổn định các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng. 

1.2.2. Sơ lược các quy định về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận  ở Việt Nam qua các thời kỳ

1.2.2.1. Thời kì phong kiến

Trong thời kì xã hội phong kiến, nguồn luật chủ yếu là luật không thành văn, tồn tại ở những thể thức khác nhau như luật làng, luật xã, luật tục và một số luật thành văn như văn bản đơn nhất, hội điển và pháp điển. Hai bộ luật tiêu biểu nhất thời kì phong kiến là bộ Quốc triều hình luật tại thời nhà Lê và Hoàng Việt Luật lệ thời nhà Nguyễn. Chế độ tài sản vợ chồng được ghi nhận trong hai bộ luật này là chế độ tài sản pháp định, toàn bộ tài sản của vợ và chồng tạo dựng được trong thời kì hôn là tài sản chung, kể cả những tài sản mà vợ/chồng tạo dụng trước thời kì hôn nhân, được tặng cho, thừa kế riêng cũng được xác định là tài sản chung. Tài sản chung được sử dụng để bảo đảm cho nhu cầu cuộc sống gia đình và chăm sóc, nuôi dạy con cái. Thuật ngữ “hôn thư” hay “hôn ước” đều được ghi nhận ở cả hai bộ luật, tuy nhiên với ý nghĩa là “gả hôn”, “hứa gả” cho nhau theo phong tục của người Việt xưa mà hoàn toàn không có ý nghĩa là một thỏa thuận tiền hôn nhân như hiện nay.

Các quy định về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong chế độ tài sản vợ chồng chưa được đề cập đến trong hai bộ luật này.

1.2.2.2. Thời kì Pháp thuộc

Thời kì Pháp thuộc, Luật pháp về dân sự ở Việt Nam mang đậm dấu ấn của Bộ luật Napoleon. Đất nước bị chia rẽ thành ba miền và được cai trị bằng những cách thức và chế định khác nhau thông qua việc ban hành và áp dụng các bộ luật riêng để điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình nói riêng và các quan hệ xã hội khác nói chung. Miền Bắc ban hành Dân luật Bắc kỳ (1931), miền Trung ban hành Dân luật Trung kỳ (1936) và miền Nam ban hành tập Dân luật giản yếu Nam kỳ (1883).

Trong ba văn bản luật mà người Pháp ban hành, hôn ước được ghi nhận trong Dân luật Bắc kỳ, Dân luật Trung kỳ, riêng tập Dân luật giản yếu Nam kỳ không có ghi nhận, tuy nhiên án lệ ở Nam kỳ trong thời kỳ này quy định rằng: luôn luôn nhắc lại nguyên tắc tự do lập hôn ước mà các Tòa án Pháp coi là lẽ đương nhiên được áp dụng trong khi không có luật viết. Điều 104 Dân luật Bắc kỳ quy định rằng: “Về đường tài sản, pháp luật chỉ can thiệp đến toàn thể vợ chồng là khi nào vợ chồng không có tùy ý lập ước riêng với nhau mà thôi, miễn là ước riêng ấy không được trái với phong tục và trái với quyền lợi người chồng là người chủ trương trong đoàn thể”.

Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, Điều 105 Dân luật Bắc kỳ quy định về hình thức của hôn ước, rằng: “Phàm tư ước về tài sản giá thú phải làm thành chứng thư tại trước mặt “no-te”, hoặc do Lý trưởng thị thực, mà phải làm trước khi khai giá thú. Đã khai giá thú rồi thì không được thay đổi gì nữa. Hôn ước phải do các người có quyền ưng thuận trong việc giá thú ký nhận cho mới được. Phàm tư ước về tài sản giá thú, phải biện chú vào chứng thư giá thú thì mới có thể đem đối dụng với người ngoài được. Ai muốn xin trích lục chứng thư giá thú về khoản biên chú các tư ước ấy, thì sẽ do bộ lại cấp phát cho”. Theo đó, thỏa thuận về tài sản vợ chồng phải được làm thành chứng thư, có sự chứng kiến của công chứng viên hoặc Lý trưởng. Hôn ước phải được làm trước khi kết hôn, khi đã kết hôn thì không được thay đổi nội dung của hôn ước. Hai bên phải đồng ý kí vào hôn ước, trong chứng thư giá thú (gần giống giấy đăng ký kết hôn hiện nay) phải được ghi chú nội dung về việc vợ chồng đã thỏa thuận hôn ước, như vậy thì giao dịch của vợ chồng với người ngoài (người thứ ba) mới được chấp nhận về mặt pháp lý. Việc xin trích lục chứng thư giá thú sẽ do bộ lại cấp pháp khi vợ chồng có yêu cầu. Các quy định về chế độ tài sản vợ chồng trong Dân luật Trung kỳ cũng như nội dung được ghi nhận trong Dân luật Bắc kỳ.

Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của các thành viên khác trong gia đình, Điều thứ 109, Dân luật Bắc kì quy định: “Ngoài việc quản lý thường, vợ và chồng muốn sử dụng của chung phải cùng nhau công – đồng, hoặc phải mỗi bên công – nhiên hay là mặc – nhiên bằng lòng mới được. Tuy nhiên, người chồng có thể sử dụng của chung không cần vợ phải bằng lòng cũng được, miễn là dùng về việc có ích – lợi cho gia đình thì thôi, trừ bất –  động – sản thuộc về kỷ – phần của người vợ thì không kể”. Trong trường hợp người chồng không lo liệu, chu cấp cuộc sống cho vợ con, hoặc tiêu tán tài sản của chung thì người vợ có thể xin quan chán án đệ nhị cấp làm mệnh lệnh truyền cấm người chồng từ đấy về sau không được sử dụng kỷ phần của người vợ, cùng những tài sản dùng về nghề nghiệp riêng của vợ, và một phần hay tất cả tài sản mà người vợ làm ra. Người vợ được phép đứng ra quản lý, hưởng thụ và nếu cần thì được phép sử dụng các tài sản đó. Tuy nhiên, muốn có hiệu lực đối với người ngoài thì người vợ phải xin đăng cáo bản mệnh lệnh của chánh án đệ nhị cấp vào một tờ báo chữ pháp, và một tờ báo chữ quốc ngữ vào một nơi gần nhất.

Có thể nhận xét rằng, việc bảo đảm quyền và lợi ích của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận trong thời kì này đã có những tiến bộ hơn so với thời kì phong kiến. Tuy nhiên, các quy định vẫn còn rất sơ sài, chỉ để cập đến một số khía cạnh về bảo đảm quyền được nuôi dưỡng của vợ con, thứ tự sắp xếp các khoản nợ và đặc biệt, nội dung của tập Dân luật nói chung vẫn mang nặng tư tưởng nam quyền, trọng nam kinh nữ.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

1.2.2.3. Thời kì Mỹ xâm lược ở miền Nam Việt Nam

Trong thời gian cầm quyền ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thông qua hai văn bản pháp luật là Luật Gia đình năm 1959, Sắc luật 15/64 năm 1964. Năm 1972, chính quyền tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của miền Nam Cộng Hòa đã ban hành BLDS năm 1972. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, có một văn bản pháp luật chỉ quy định riêng về hôn nhân gia đình, tuy nhiên phạm vi áp dụng chỉ trong miền Nam.

Chế độ tài sản theo thỏa thuận được ghi nhận trong Luật Gia đình năm 1959 như sau: “Luật lệ chỉ quy định phu phụ tài sản khi nào vợ chồng không có lập hôn ước mà họ muốn làm ra sao cũng được miễn là không trái với phong hóa, trật tự công và quyền lợi của con”. Bộ Dân luật 1972 cũng quy định về chế độ thỏa thuận về tài sản của vợ chồng như sau: “Luật pháp chỉ quy định về chế độ phu phụ tài sản khi vợ chồng không lập hôn ước”.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, về hình thức của hôn ước được quy định: phải được làm bằng chứng thư, có sự chứng kiến của trưởng kế hay một viên chức có thẩm quyền về công chứng. Hôn ước phải được lập trước khi kết hôn, và phải được ghi trong giấy giá thú để bảo đảm quyền và lợi ích của người thứ ba. Hôn ước phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nơi cư trú của vợ chồng sau khi được ký kết (Điều 146, Điều 147, Điều 148 Bộ Dân luật 1972). Ngoài ra, pháp luật còn quy định về những trường hợp hôn ước bị vô hiệu.

1.2.2.4. Thời kì Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) từ năm 1945 đến nay

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành hai sắc lệnh đầu tiên quy định điều chỉnh một số quan hệ hôn nhân và gia đình: sắc lệnh 159/SL ngày 17/11/1950 quy định về vấn đề ly hôn và sắc lệnh 97/SL ngày 22/5/1950 sửa đổi một số quy lệ và chế định trong Dân luật . Sắc lệnh 97/SL là văn bản duy nhất điều chỉnh về vấn đề tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân trước khi có Luật HN&GĐ năm 1959 ra đời và sắc lệnh này không hề đề cập đến việc công nhận hay không công nhận hôn ước. Năm 1959, 1986, 2000 Luật HN&GĐ được ban hành, trong giai đoạn này, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp định, quy định về hôn ước hoàn toàn không còn tồn tại. Vợ chồng cũng không được thỏa thuận bất cứ vấn đề gì về sở hữu tài sản trừ vấn đề nhập tài sản riêng có trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân thành tài sản chung. Các nhà lập pháp chỉ quy định một hình thức duy nhất là chế độ tài sản pháp định và không có sự thừa nhận về hôn ước.

Ngày 01/01/2015, Luật HN&GĐ năm 2014 chính thức có hiệu lực pháp luật với nhiều điểm mới trong đó có chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, tại Điều Điều 28 quy định: “vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận”. Theo đó, chế độ tài sản trong luật mới vừa thừa nhận chế độ tài sản chung giữa vợ và chồng theo luật định, vừa công nhận chế độ tài sản theo thỏa thuận. Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thực thực hiện theo quy định tại các điều Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64. Về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được quy định cụ thể tại các Điều 47, 48, 49, 50 và 59.

Trong đó, vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được thể hiện thông qua các quy định về nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận; căn cứ xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận; hình thức xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận; điều kiện, thủ tục, nguyên tắc phân chia khi chấm dứt chế độ tài sản; các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng bị vô hiệu; quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận;… Cụ thể như quy định trường hợp giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng; Nghị định 126/2014/NĐ – CP quy định chi tiêt một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình có một số quy định nghĩa vụ của vợ chồng khi thỏa thuận chế độ tài sản phải thông báo tới người thứ ba. Tuy nhiên có thể nhận thấy, những quy định bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận ở nước ta vẫn còn lỏng lẻo, chưa cụ thể và chặt chẽ như pháp luật của một số quốc gia khác trên thế giới.

[1] Nguyễn Văn Cừ (2005), Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr.8.

[2] Lương Hồng Quang, Chế định hôn ước trong pháp luật của một số nước trên thế giới, https://wikiluat.com/2016/09/04/che-dinh-hon-uoc-trong-phap-luat-cua-mot-so-nuoc-tren-the-gioi/, ngày 09/4/2016

[3] Nguyễn Thị Thu Thủy (2015), Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, trường Đại học Luật Hà Nội;

[4] Nguyễn Hương Giang (2017), Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba, tr.11.

Trên đây là Chương 1 (phần 1) bài Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” của Thạc sĩ Lê Ngọc Anh, rất mong sẽ đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích và kiến thức pháp luật đến cho bạn đọc.

– Gọi điện tới số điện thoại 0368.668.629 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp thắc mắc đến bạn đọc.

Trân trọng!

 

Bài viết liên quan