Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” (Chương II phần 2)

LUẬN VĂN “CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG THEO THỎA THUẬN VÀ VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI THỨ BA” (CHƯƠNG II PHẦN 2)

CHƯƠNG 2 (PHẦN 2)

THỰC TIỄN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG THEO THỎA THUẬN VÀ VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI THỨ BA

2.3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật

2.3.1. Về hoàn thiện các quy định của pháp luật

Thứ nhất, theo pháp luật hiện hành quy định, văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản phải được lập trước thời điểm kết hôn, phải được công chứng, chứng thực; chế độ tài sản vợ chồng được xác lập từ thời điểm đăng kí kết hôn. Quy định như vậy là chưa rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn về thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng và thời điểm chế độ tài sản vợ chồng được xác lập. Đây là vấn đề quan trọng, vì chỉ khi xác định được thời điểm có hiệu lực của văn bản thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì mới làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản của vợ chồng và quyền, nghĩa vụ của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng, từ đó có cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp. Tác giả đồng tình với quan điểm: “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ khi văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được công chứng hoặc chứng thực và chỉ có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn”[1].

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân gia đình

Thứ hai, quy định về công khai và cung cấp thông tin về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận với người thứ ba. Xét theo thực tế, chế độ tài sản vợ chồng nói chung đều có ảnh hưởng nhất định đến người thứ ba. Do đó, theo tác giả, việc cung cấp thông tin về sự xác lập, thay đổi, bổ sung, thay thế chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là rất quan trong; việc cung cấp và công khai thông tin phải được tiến hành đồng thời, vợ chồng vừa phải trực tiếp cung cấp thông tin tới người thứ ba, vừa phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc niêm yết công khai về sự lựa chọn chế độ tài sản này để người thứ ba nắm bắt được thông tin một cách nhanh nhất, toàn diện nhất, tránh việc phụ thuộc từ một nguồn thông tin. Từ đó người thứ ba mới có thể chủ động trong giao dịch của mình.

Hình thức khi cung cấp thông tin về việc sửa đổi, bổ sung chế độ thỏa thuận của vợ chồng đến người thứ ba nên được quy định rõ ràng trong Luật HN&GĐ như quy định về hình thức xác lập văn bản thỏa thuận. Đó là hình thức bằng miệng hay bằng văn bản, thời hạn cung cấp kể từ khi xác lập, thay đổi, bổ sung là bao nhiều ngày (hoặc bao nhiêu ngày trước khi xác lập, thay đổi, bổ sung). Quá thời hạn đó được coi là trường hợp người thứ ba ngay tình và được pháp luật bảo vệ về quyền và lợi ích hợp pháp.

Pháp luật cũng nên xây dựng pháp luật theo hướng: người thứ ba bắt buộc phải biết về thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước khi giao dịch dân sự với vợ chồng. Đó vừa là quyền cũng vừa là nghĩa vụ của người thứ ba trong giao dịch. Thông tin cần phải được thông báo khi có sự thay đổi, bổ sung bao gồm những giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng có giá trị lớn hoặc tài sản chung là bất động sản (nhà ở, quyền sử dụng đất…) hoặc tài sản riêng của vợ, chồng là nhà ở và là nơi ở duy nhất hay hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản riêng của vợ, chồng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì vợ chồng mới phải có nghĩa vụ thông báo, cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng cho người thứ ba. Việc bất cứ sự thay đổi nào cũng phải thông báo với người thứ ba là không cần thiết, làm mất thời gian của các bên và gia tăng sự phức tạp trong quan hệ dân sự.

Việc cung cấp thông tin cần phải phải có một cơ quan thứ ba thực hiện nhiệm vụ thông báo, tống đạt những thông tin sửa đổi, bổ sung, thay thế nội dung của chế độ tài sản. Cơ quan này phải được được nhà nước thừa ủy quyền nhiệm vụ ghi nhận, xác minh những sự kiện xảy ra trong thực tế và việc ghi nhận đó có giá trị trước Tòa án. Hiện nay pháp luật nước ta đang thí điểm một tổ chức được nhà nước giao quyền hạn đó là tổ chức Thừa phát lại. Theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định pháp luật. Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện; vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba một cách chặt chẽ, theo tác giả pháp luật về hôn nhân và gia đình nên quy định việc xác lập, sửa đổi, bổ sung, thay thế chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận phải được thực hiện dưới sự kiểm soát của Thừa phát lại. Vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn phải lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản tại Văn phòng công chứng, đồng thời khi có sửa đổi, bổ sung và thông báo cho người thứ ba phải có sự chứng kiến của Thừa phát lại và lập văn bản vi bằng ghi nhận việc thông báo cùng nội dung thông báo. Việc này nhằm bảo đảm rằng, người thứ ba đã biết về việc có sự thay đổi nội dung của thỏa thuận từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tránh việc vợ chồng chưa hoàn thành nghĩa vụ nhưng gian dối là đã thông báo tới người thứ ba biết, hoặc trường hợp người thứ ba đã được thông báo nhưng phủ nhận dẫn tới tranh chấp sau này.

Việc công khai thông tin cũng cần phải được kiểm soát ngay từ ban đầu khi các bên tiến hành đăng ký kết hôn, cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn phải khai thác thông tin vợ chồng có tiến hành thỏa thuận về chế độ tài sản hay không, nếu có thì sự việc đó phải được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Việc ghi nhận như vậy giúp cho bên thứ ba nhận biết được chủ thể của quan hệ dân sự là vợ, chồng hay cả hai vợ chồng. Đồng thời, vợ và chồng không phải mất thời gian xác nhận về việc có hay không tồn tại chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.

Ngoài ra, cần phải xây dựng một hệ thống cung cấp công khai thông tin về việc xác lập chế độ tài sản vợ chồng. Hiện nay, tại hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội đang áp dụng hệ thống tra cứu văn bản công chứng, chứng thực là Uchi để ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động công chứng. Hệ thống Uchi này đã có sự kết nối, chia sẻ thông tin bài bản giữa các tổ chức hành nghề công chứng với nhau, vì vậy khi tiếp nhận bất cứ hồ sơ nào về giao dịch dân sự, chỉ cần tra cứu thông tin cá nhân, thông tin tài sản là tổ chức công chứng có thể nắm bắt được tài sản này đang có pháp lý như thế nào. Thay vì người thứ ba phải tự tìm hiểu thông tin hoặc tiếp nhận thông tin một cách gián tiếp với tài sản mình cần giao dịch thì nay chỉ bằng thao tác đơn giản, Công chứng viên sẽ giúp họ có thông tin chính xác về việc đó. Với chương trình này, người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện các giao dịch mà không lo bị lừa dối do thiếu thông tin. Sau nhiều năm xây dựng hệ thống này tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phần mềm này thực sự đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân cũng như tổ chức hành nghề công chứng, vì vậy cần phải phát triển hệ thống này trên phạm vi toàn quốc để việc tra cứu thông tin được diễn ra thuận lợi và dễ dàng.

Thứ ba, hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành về cơ chế sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận theo hướng quy định chặt chẽ điều kiện về mục đích và nội dung sự thay đổi, bổ sung. Tác giả kiến nghị một số giải pháp như sau:

– Quy định về nội dung của việc sửa đổi, bổ sung: vợ chồng chỉ được sửa đổi, bổ sung nội dung của văn bản thỏa thuận này nếu có lý do chính đáng. Ví dụ, có những điều khoản trong văn bản thỏa thuận đã không bảo đảm được quyền lợi của vợ chồng và gia đình hay người thứ ba (Pháp luật cộng hòa Pháp quy định nội dung thay đổi, bổ sung phải vì mục đích gia đình, pháp luật Nhật Bản quy định hôn ước không thể thay đổi trong thời kỳ hôn nhân trừ khi vợ hoặc chồng là người quản lý tài sản mà có hành vi phá tán tài sản và để thay đổi hôn ước);

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân gia đình

– Việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận phải được công khai theo trình tự, thủ tục như thời điểm xác lập chế độ tài sản vợ chồng (phần kiến nghị thứ ba).

– Pháp luật cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm liên đới với toàn bộ tài sản trong trường hợp vợ chồng có hành vi cố tình che giấu, đặc biệt là che giấu các thoả thuận mới đã thay thế cho các thoả thuận cũ. Hoặc pháp luật phải có một cơ chế đăng ký công khai trước toàn xã hội và thỏa thuận sẽ chỉ có hiệu lực trước toàn xã hội khi đã được đăng ký. Bên cạnh đó mọi thoả thuận thể hiện việc sửa đổi, bổ sung, cho dù đã đăng ký nhưng nếu có sự mâu thuẫn với thoả thuận cũ và gây ảnh  hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì thoả thuận cũ vẫn phải được áp dụng. Ngoài ra, trước khi hoàn tất thủ tục đăng ký sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản thì nội dung sửa đổi phải được sự chấp thuận của một cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền, lợi ích của các bên. Tuy nhiên, nội dung này có để thực hiện trên thực tế là rất khó khăn, vì cơ chế đăng ký các bản sửa đổi tại một cơ quan có đủ khả năng thẩm định, đánh giá nội dung mà không làm xâm hại đến quyền, lợi ích của người thứ ba ngoài mối quan hệ vợ chồng là một việc quan trọng và đòi hỏi rất nhiều thời gian.

– Việc sửa đổi, bổ sung nội dung về chế độ tài sản theo thỏa thuận cũng cần phải được kiểm soát bởi cơ quan nhà nước và ghi nhận trong Giấy đăng kí kết hôn. Nội dung sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm không làm xáo trộn các quan hệ đã được xác lập, có như vậy quyền và lợi của người thứ ba mới có thể được bảo đảm.

Thứ tư, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thứ ba khi tham gia giao dịch, pháp luật cần quy định theo hướng: nâng cao vị thế của người thứ ba trong việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng. Quy định của pháp luật hiện hành về việc khi thay đổi, bổ sung chế độ tài sản chỉ cần thông báo cho người thứ ba biết về “thông tin liên quan” đến sự bổ sung, thay đổi, mặc dù có cơ chế bảo vệ người thứ ba ngày tình, nhưng quy định này vẫn chưa đủ chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba. Theo tác giả, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận ở Việt Nam có thể học hỏi BLDS Pháp 1804, theo đó, các bên có liên quan của hợp đồng hôn nhân và con đã thành niên của mỗi bên vợ, chồng được thông báo – mang tính cá nhân – về sự thay đổi được đề xuất. Mỗi người trong số họ có thể phản đối việc sửa đổi trong thời hạn ba tháng, các chủ nợ cũng có quyền phản đối việc sửa đổi này trong thời hạn ba tháng.

Thứ năm, bổ sung quy định của pháp luật về hủy bỏ văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản. Theo tác giả, việc bổ sung quy định này là cần thiết bởi thực tế hoạt động trong lĩnh vực công chứng có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Do đó, pháp luật cần quy định rõ ràng để nhất quán trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ giữa các văn phòng công chứng.

Thứ sáu, bổ sung quy định của pháp luật về hình thức, tên gọi của văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng, tránh sự nhầm lẫn với các văn bản khác trong lĩnh vực công chứng như: Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản vợ chồng trong thời kì hôn nhân, văn bản thỏa thuận xác định tài sản riêng,… Đồng thời, cần quy định cụ thể về thẩm quyền công chứng của công chứng viên trong trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản có nhiều bất động sản nhưng mỗi động sản lại nằm ở những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau để nhất quán giữa Luật Hôn nhân và gia đình, và LCC năm 2014.

Thứ bảy, bổ sung cơ chế quản lý, kiểm soát của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức khác đối với giao dịch giữa vợ chồng và người thứ ba, cơ quan nhà nước có thể là Tòa án. Như quy định của một số quốc gia khác trên thế giới việc thay đổi, bổ sung chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận phải được sự phê duyệt của Tòa án; vợ, chồng và người thứ ba liên quan: như bố mẹ, con cái trong gia đình, người thứ ba trong giao dịch dân sự, chủ nợ, … sẽ được quyền bày tỏ quan điểm của mình và Tòa án trên cơ sở pháp luật sẽ đưa ra quyết định được phép sửa đổi, bổ sung hay không.

2.3.2. Nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật

Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho người dân về quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung, chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nói riêng và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong chế đọ tài sản vợ chồng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng, giúp người dân tiếp cận được với pháp luật để từ đó áp dụng pháp luật trong cuộc sống. Cần lưu ý đến việc giáo dục, nâng cao ý thức của người dân về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận vì đây là một chế độ mới, lần đầu tiên được quy định trong Luật HN&GĐ, mang tính chất hiện đại khác với truyền thống của gia đình từ trước đến nay, đặc biệt là về vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba để tránh những tranh chấp xảy ra sau khi chấm dứt chế độ tài sản vợ chồng. Có thể áp dụng các biện pháp: xây dựng các chương trình phổ cập pháp luật trên trang thông tin đại chúng như báo giấy, báo điện tử, đài tiếng nói, phát thanh truyền hình; tổ chức những buổi tập huấn theo tháng tới thôn, xóm, cộng động dân cư; …

Thứ hai, để chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng phổ biến trong đời sống thực tế, cần phải thay đổi lối suy nghĩ truyền thống về hôn nhân gia đình của người dân ta từ trước đến nay. Đó là thay đổi tư tưởng chỉ tồn tại chế độ tài sản vợ chồng theo luật định đã hằn sau trong tư tưởng của mỗi người dân; tư tưởng ngại thay đổi, ngại tiếp thu kiến thức pháp luật đã trở thành rào cản để pháp luật phát triển trong đời sống. Ngoài ra, ở một số vùng miền núi, vùng sâu vùng xa trên đất nước vẫn còn mang nặng tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ, do đó quan hệ tài sản vì thế cũng không bảo đảm công bằng, vì vậy ở những nơi này chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận gần như là “bất khả thi”. Nhiều dân tộc vùng cao, hay vùng nông thôn chỉ có con trai mới được hưởng gia tài của bố mẹ, hay chỉ có chồng mới được quản lý, định đoạt tài sản trong gia đình. Do đó, cần phải tiếp tục phát huy tinh thần bảo vệ nữ quyền, bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở những vùng nông thôn có nhận thức hạn chế và đề cao bình đẳng giới trong khu vực này. Việc áp dụng theo nguyên tắc tự nguyện, bình đằng sẽ góp phần đáng kể vào việc giải quyết hôn nhân và gia đình nói chung, chế độ tài sản theo thỏa thuận nói riêng.

Thứ ba: Tổ chức bộ máy, cán bộ trong hệ thống cơ quan nhà nước. Cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị; bồi dưỡng thẩm phán, cán bộ Tòa án; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, nhuần nhuyễn kĩ năng nghiệp vụ. Đây là một yêu cầu rất cấp thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thực hiện và áp dụng pháp luật nói chung và chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nói riêng. Để xây dựng cán bộ giỏi, cần có cơ chế thi tuyển, bổ nhiệm và chế độ đãi ngộ sao cho phù hợp với năng lực của cán bộ, từ đó có thể thu hút được những nhân tài có tâm với nghề và cứng cáp trong chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức những lớp bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ trong ngành, tổ chức những buổi hội thảo để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa những cán bộ để nâng cao chuyên môn, từ đó rút ra kinh nghiệm trong quá trình áp dụng pháp luật. Bổ sung kịp thời số lượng cán bộ làm việc trong ngành Tòa án tránh hiện tượng làm việc quá tải, đối với các đơn vị có kết quả làm việc chưa cao cần phải làm rõ nguyên nhân và đề ra phương pháp giải quyết. Mỗi thẩm phán, cá nhân làm việc trong ngành Tòa án cần phải nêu cao tình thần công minh, bảo vệ lẽ phải và giữ vững nhiệt huyết, tinh thần trong công việc.

KẾT LUẬN CHƯƠNG  2

Từ thực tiễn áp dụng quy định về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận trong đời sống, trong hoạt động của tổ chức công chứng đã cho thấy sự phức tạp trong việc giải quyết tranh chấp về tài sản giữa vợ, chồng với nhau và vợ chồng với người thứ ba. Việc pháp luật quy định về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đã làm giảm bớt phần nào áp lực của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết tranh chấp về tài sản khi vợ chồng ly hôn. Mặc dù mới được pháp luật đề cập tới 07 năm, còn là những quy định rất mới mẻ trong nhận thức của mỗi người dân Việt Nam, nhưng qua thời gian chế độ tài sản này đã cho thấy được ưu điểm vượt trội so với chế độ tài sản theo pháp định. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do: như nhận thức của người dân còn hạn chế, pháp luật còn những bất cập đặc biệt trong cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba mà chế độ tài sản này vẫn gây ra e dè cho các cặp vợ chồng khi lựa chọn. Do đó, pháp luật cần phải có những thay đổi, bổ sung và hoàn thiện những quy định để các quy định được thống nhất và chặt chẽ, giúp nâng cao hiệu quả khi áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.

Vì vậy, chương II, tác giả đã đưa ra những vấn đề sau:

Thứ nhất: Đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Thứ hai: Từ đó định hướng hoàn thiện pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Thứ ba: đồng thời thực hiện các giải pháp để hoàn thiện pháp luật, kiện toàn quy định của pháp luật song song với việc cải cách bộ máy hành chính, công tác xét xử để việc giải quyết tranh chấp về tài sản khi chấm dứt hôn nhân được diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm, bảo đảm công bằng giữa các bên.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

KẾT LUẬN CHUNG

Mặc dù được biết đến và thừa nhận ở rất nhiều quốc gia trên thế giới từ rất lâu đời, từ Châu Âu lục địa như Cộng hòa Pháp, Bỉ đến Châu Mĩ bên kia đại dương như Hoa Kì, Canada, thậm chí là những nước Châu Á nặng tư tưởng truyền thống, coi trọng nam quyền như Trung Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan nhưng tại Việt Nam chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận lần đầu tiên quy định cụ thể trong Luật HN&GĐ năm 2014. Trong tiến trình lịch sử pháp luật về hôn nhân và gia đình, đâu đó có những giai đoạn chế độ tài sản này đã được “khơi gợi” đến, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội và đặc biệt là truyền thống phong kiến thời bấy giờ không phù hợp nên chế độ tài sản này chỉ được “nằm trên giấy” chứ không được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Qua thời gian, khi nề kinh tế ngày càng phát triển, việc nhu nhập văn hóa, giáo dục, thời đại 4.0 đã làm thế giới phẳng, việc giao lưu giữa các công dân các quốc gia ngày càng trở nên phổ biến dẫn tới cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều thì chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đã ngày được áp dụng nhiều vào thực tế.

Tuy còn nhiều bất cập trong quy định pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba còn chưa được chặt chẽ, nhưng vẫn có thể đánh giá, việc pháp Luật HN&GĐ năm 2014 bổ sung chế độ này bên cạnh chế độ tài sản theo luật định là một bước tiến mới vượt bậc, giúp pháp luật Việt Nam về HN&GĐ tiệm cận hơn với pháp luật thế giới.

Để hạn chế những bất cập trong quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, các nhà làm luật cần phải sửa đổi, hoàn thiện pháp luật theo hướng chặt chẽ hơn, tránh việc áp dụng tương tự giữa pháp luật dân sự nói chung với luật HN&GĐ, đồng thời bổ sung quy định bảo vệ quyền và lợi ích của vợ chồng cũng như người thứ ba trong quan hệ tài sản liên quan đến tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.

Luận văn là kết quả nghiên cứu nỗ lực của tác giả dưới sự tận tình của thầy giáo hướng dẫn khoa học trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vì vậy, việc tiếp cận với nguồn thông tin từ thư viện trường cũng hạn chế, mặc dù đã rất cố gắng nhưng tác giả nhận thức được rằng, phạm vi nghiên cứu trong luận văn tương đối rộng, cùng với đề tài mang tính mới rất cao nên không thể tránh khỏi những tồn tại trong luận văn. Tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp sâu sắc, đa chiều của các thầy cô để hoàn thiện kiến thức pháp luật của mình. Tác giả xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Các văn bản pháp luật

I. Văn bản pháp luật Việt Nam

Bộ luật Dân sự năm 2015;

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959;

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986;

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

Luật Hộ tịch năm 2014;

Luật Công chứng năm 2014;

Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình;

Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Toàn án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;

II. Văn bản pháp luật nước ngoài

Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp;

Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan năm 1995;

Bộ luật Dân sự Nhật Bản;

B. Các công trình nghiên cứu khác

Ngô Thị Vân Anh, Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong quá trình xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng, tạp chí Khoa học pháp lý số 5/2016;

Huỳnh Công Bá (2020), Định chế Hôn nhân và gia đình thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa, Nhà xuất bản Thuận Hóa;

Nguyễn Văn Cừ (2005), Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.

Nguyễn Văn Cừ (2008), Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

Nguyễn Văn Cừ (2015) Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong pháp luật hôn nhân và gia đình, Tạp chí Luật học số 4/2015, tr. 3-10.

Quách Văn Dương, Chế độ hôn nhân và chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình,

Nguyễn Hương Giang (2017), Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba,

Nguyễn Thị Thúy Hồng (2018), Chế độ tài sản theo thỏa thuận và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội;

Chu Minh Khôi (2014), Các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trường Đại học Luật Hà Nội;

Phạm Thị Linh Nhâm, Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận trong Luật HN&GĐnăm 2014, tạp chí Nhà nước và pháp luật số 5/2016;

Hoàng Thị Ngân (2018), Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ở Việt Nam hiện nay”, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Tuấn Đạo Thanh, Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ năm 2020;

Nguyễn Thị Thu Thủy (2015), Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, trường Đại học Luật Hà Nội;

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

Lê Thị Thanh Trúc (2017), Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đề tài Chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng theo Luật HN&GĐnăm 2014, trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh.

C. Website

https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phap-luat-ve-che-do-tai-san-cua-vo-chong-theo-thoa-thuan-va-mot-so-kien-nghi-hoan-thien-phap-luat-67760.htm

https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/che-do-tai-san-cua-vo-chong-theo-thoa-thuan-trong-he-thong-phap-luat-tren-the-gioi-va-viet-nam

[1] Nguyễn Văn Cừ (2015) Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong pháp luật hôn nhân và gia đình, Tạp chí Luật học số 4/2015, tr. 3-10

Trên đây là Chương 2 (phần 2) cũng là phần cuối cùng bài Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” của Thạc sĩ Lê Ngọc Anh, rất mong sẽ đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích và kiến thức pháp luật đến cho bạn đọc.

– Gọi điện tới số điện thoại 0368.668.629 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp thắc mắc đến bạn đọc.

Trân trọng!

Bài viết liên quan