Luận văn về Tặng cho quyền sử dụng đất (Mở đầu)

 LUẬN VĂN VỀ TẶNG CHO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT (MỞ ĐẦU)

Trong thời gian qua vấn đề pháp lý về Tặng cho quyền sử dụng đất đã được nhiều học viên, chuyên gia quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhiều công trình đã được công bố, nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước đã được đề cập đến. Ở nhiều góc độ khác nhau, các công trình khoa học này đã có những đóng góp nhất định cho việc hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất nói riêng. Những đóng góp này đã được làm cơ sở cho việc hoàn thiện các quy định về Tặng cho quyền sử dụng đất ở. Tuy nhiên, chưa có luận văn nào đi sâu vào nghiên cứu chi tiết, cụ thể, toàn diện về tặng cho quyền sử dụng đất ở – một loại hình giao dịch đặc trưng, điển hình đòi hỏi phải đáp ứng những điều kiện nhất định chỉ có trong lĩnh vực đất đai. Hơn nữa, trong điều kiện nền kinh tế xã hội đang có những thay đổi, phát triển không ngừng nghỉ thì những kết quả nghiên cứu đã đạt được vẫn cần phải tiếp tục bổ sung và hoàn thiện. Do vậy, việc đi sâu nghiên cứu đề tài “Tặng cho quyền sử dụng đất” trong khuôn khổ luận văn thạc sĩ luật học chuyên ngành dân sự là một công việc có ý nghĩa lý luận mang tính thời sự. Là công trình nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về pháp luật tặng cho quyền sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam, luận văn đã đạt được một số kết quả nghiên cứu cơ bản:

Chương 1: Cơ sở lý luận về tặng cho tài sản.

Chương 2: Nội dung pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất.

Chương 3: Thực tiễn tặng cho quyền sử dụng đất và kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật.

Qua luận văn của Thạc sĩ Nguyễn Thị My dưới đây, sẽ đem đến cho bạn đọc một cách nhìn sâu hơn về các quy định pháp luật của việc Tặng cho quyền sử dụng đất. Bởi Luận văn của Thạc sĩ Nguyễn Thị My là một công trình nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, nên Luật Việt Chính sẽ chia ra làm 05 kỳ để bạn đọc có thời gian để hiểu rõ nội dung của từng kỳ cũng như để quý bạn đọc được nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này. Dưới đây là kỳ thứ nhất về việc Tặng cho quyền sử dụng đất của luận văn này:

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Đất đai là tài nguyên thiên nhiên cơ bản và tối quan trọng đối với con người. Theo thời gian, nhu cầu đất đai ngày càng tăng trong khi quỹ đất có hạn nên con người chiếm hữu đất đai để mưu cầu những lợi ích nhất định cho bản thân, cộng đồng, quốc gia,… Các quan hệ xã hội về đất đai dần hình thành và cần được điều chỉnh bởi pháp luật. Cùng với sự biến chuyển của đời sống kinh tế – xã hội, pháp luật về đất đai cần có những bước “chuyển mình” phù hợp. Một trong những ví dụ tiêu biểu là Nhà nước ta ngày càng mở rộng các quyền năng của người sử dụng đất, trong đó có vấn đề từ không quy định về vấn đề tặng cho quyền sử dụng đất nay pháp luật đã có quy định về tặng cho. Có thể thấy rằng, pháp luật về đất đai đang dần hoàn thiện để kịp thời điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất nói riêng và pháp luật đất đai nói chung vẫn “đi sau” so với thực tiễn xã hội. Bên cạnh đó, quyền sử dụng đất là một loại tài sản có nhiều điểm đặc biệt về cả lý luận và thực tiễn dẫn đến sự phức tạp, khó khăn nhất định trong quá trình xây dựng pháp luật cũng như thực hiện pháp luật. Việc nghiên cứu, tìm hiểu các quy định về tặng cho quyền sử dụng đất và phân tích thực tiễn tặng cho quyền sử dụng đất thông qua hoạt động xét xử về tranh chấp trong tặng cho quyền sử dụng đất của Tòa án sẽ giúp chỉ ra được những bất cập của pháp luật. Từ đó, ta có thể đưa ra những giải pháp khắc phục nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho người sử dụng đất có thể thực hiện quyền năng của mình nhanh chóng, tiện lợi và đúng theo quy định của pháp luật, đồng thời cũng giúp Nhà nước quản lý đất đai một cách hiệu quả, kiểm soát và xử lý kịp thời những sai phạm của người sử dụng đất khi thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất.

Với những lý do trên, tác giả chọn đề tài “Pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất và thực tiễn thực thi” cho bài nghiên cứu của mình.

 

Luật Việt Chính cung cấp các dịch vụ về đất đai

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Trước Luật Đất đai năm 2003, pháp luật Việt Nam chưa có chế định riêng về tặng cho quyền sử dụng đất. Vì vậy trong quá trình nghiên cứu đề tài này, tác giả không tiếp cận được các công trình nghiên cứu trong giai đoạn này.

Sau đó, tặng cho quyền sử dụng đất lần đầu tiên được ghi nhận trực tiếp trong Luật Đất đai 2003. Cho đến nay, vấn đề về tặng cho quyền sử dụng đất chủ yếu được nghiên cứu trong các khóa luận, luận văn nghiên cứu, cụ thể là Luận văn tốt nghiệp trong các năm gần đây  như “Pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất” năm 2016 của Ngô Thị Tú Anh, “Tìm hiểu các quy định về chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất” năm 2012 của Phạm Hồng Điệp; luận văn Thạc sĩ của Phạm Ngọc Trung “Tặng cho quyền sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam qua thực tiễn ở thành phố Hải Phòng” năm 2014, luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Văn Hiến “Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất – một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Luận án tiến sĩ của Tiến sĩ Nguyễn Hải An “Cơ sở lý luận và thực tiễn về tặng cho quyền sử dụng đất” năm 2011…. Trong giáo trình luật đất đai của các cơ sở đào tạo luật học, một số sách tham khảo liên quan đến tặng cho quyền sử dụng đất, tuy nhiên mới chỉ đề cập đến những kiến thức phổ thông, cơ bản. Cuốn sách đi sâu nghiên cứu về tặng cho quyền sử dụng đất có thể kể đến hiện nay như sách “Pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất ở Việt Nam” của Tiến sĩ Nguyễn Hải An. Có những bài viết về một số khía cạnh của tặng cho quyền sử dụng đất được đăng tải trên các trang tạp chí như đề tài “Một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất và kiến nghị sửa đổi, bổ sung” của tác giả Lê Hồng Liên (tạp chí Kiểm Sát số 22/2012/tr.48-51); “Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất” của tác giả Nguyễn Hồng Nam (tạp chí Kiểm Sát số 9/2004/tr25-28, 32),… Trên phương diện thực tiễn, Tòa án nhân dân tối cao có các công trình nghiên cứu đề tài cấp bộ năm 2008 “Thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản tại Tòa án nhân dân – những vướng mắc và kiện nghị”. Ngoài ra, để thuận lợi hơn trong quá trình tìm hiểu các vụ án tiêu biểu về tranh chấp có liên quan đến đất đai trong đó có tặng cho quyền sử dụng đất, Tòa án nhân dân tối cao kết hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế đã cho ra đời tuyển tập“Quyết định Giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” qua các năm.

Các kết quả nghiên cứu trong các công trình nêu trên cũng là tài liệu tham khảo cần thiết của tác giả để hoàn thành bài luận văn này.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đề tài

Mục đích của đề tài là làm sáng tỏ khái niệm, đặc điểm pháp lý về tặng cho quyền sử dụng đất; làm rõ chế định tặng cho quyền sử dụng đất, tìm hiểu thực tiễn áp dụng luật thực định, đánh giá hiệu quả của các quy định pháp luật thông qua hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến tặng cho quyền sử dụng đất. Từ đó tìm ra những bất cập, hạn chế và đưa ra những phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất để góp phần đảm bảo tính thực thi khi áp dụng pháp luật trong thực tiễn và lành mạnh các quan hệ trong tặng cho quyền sử dụng đất.

Những nhiệm vụ khi nghiên cứu đề tài được tác giả đặt ra sau đây: Nghiên cứu các vấn đề về lý luận tặng cho quyền sử dụng đất; nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành về tặng cho quyền sử dụng đất; tìm hiểu thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân trong các tranh chấp liên quan đến tặng cho quyền sử dụng đất; kiến nghị những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài

Pháp luật hiện hành quy định nhiều loại quan hệ chuyển dịch quyền sử dụng đất như chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn, thừa kế quyền sử dụng đất,… Trong phạm vi luận văn, tác giả lựa chọn nghiên cứu loại quan hệ được coi là phổ biến, quan trọng nhưng không được chú trọng và dễ gây chủ quan cho người sử dụng đất về tình trạng pháp lý đó là tặng cho quyền sử dụng đất.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài Luận văn là làm rõ khái niệm, bản chất, đặc điểm và sự hình thành của tặng cho quyền sử dụng đất ở Việt Nam; nội dung các quy định về tặng cho quyền sử dụng đất và đánh giá thực tiễn về tặng cho quyền sử dụng đất thông qua các hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến tặng cho quyền sử dụng đất.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở phương pháp luận của việc nghiên cứu là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác – Lenin; tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng, Nhà nước về đất đai.

Ngoài ra, luận văn còn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như: phương pháp lịch sử để nghiên cứu, tìm hiểu quá trình hình thành quyền tặng cho quyền sử dụng đất ở Việt Nam; phương pháp phân tích, tổng hợp để phân tích cơ sở lý luận và nội dung quy định của pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất; phương pháp so sánh để so sánh quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về tặng cho quyền sử dụng đất với pháp luật của các nước khác và so sánh quy định của pháp luật về tặng cho và các hình thức giao dịch khác.

6. Ý nghĩa của Luận văn

Đối với bản thân học viên nghiên cứu: giúp cho học viên có những nghiên cứu, đánh giá toàn diện và sâu sắc về tặng cho quyền sử dụng đất từ đó ứng dụng vào thực tiễn trong quá trình hành nghề luật.

Đối với khoa học: bổ sung và hoàn thiện những vấn đề lý luận và thực tiễn về tặng cho quyền sử dụng đất, tạo cơ sở để hoàn thiện chế định quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đối với cơ quan, tổ chức: các kết quả nghiên cứu có thể là tài liệu tham khảo trong quá trình các cơ quan, tổ chức nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất.

7. Kết cấu của Luận văn

Ngoài các phần Mở Đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, luận văn bao gồm 03 chương sau đây:

Chương I: Cơ sở lý luận về tặng cho quyền sử dụng đất.

Chương II: Nội dung pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất.

Chương III: Thực tiễn tặng cho quyền sử dụng đất và kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất.

Đây là kỳ đầu luận văn của Thạc sỹ Nguyễn Thị My về đề tài Tặng cho quyền sử dụng đất, mong rằng quý bạn đọc sẽ nghiên cứu và củng cố cho bản thân những kiến thức mình cần. Trân trọng!

– Gọi điện tới số điện thoại 0368.668.629 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp thắc mắc đến bạn đọc.

Trân trọng!

Bài viết liên quan