LƯU Ý NHỮNG RỦI RO VỀ PHÁP LÝ KHI GÓP VỐN KHỞI NGHIỆP
Khi bắt đầu kinh doanh và góp vốn vào một doanh nghiệp, việc hiểu rõ về các rủi ro pháp lý là rất quan trọng để đạt thành công và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia dự án. Ngoài ra, còn đảm bảo các nguy cơ vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng và quy định thuế. Vì vậy, để tránh những rủi ro này, các bên cần phải thận trọng trong việc chuẩn bị các tài liệu pháp lý và đảm bảo tính chính xác của thông tin được cung cấp.
1. GÓP VỐN KINH DOANH LÀ GÌ
Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập. Khi góp vốn vào doanh nghiệp thì người góp vốn trở thành một trong những chủ sở hữu của doanh nghiệp. Góp vốn vào doanh nghiệp thì người góp vốn trở thành một trong những chủ sở hữu của doanh nghiệp
2. ĐỐI TƯỢNG GÓP VỐN
Việc góp vốn kinh doanh cần xác định rõ đối tượng góp vốn. Theo quy định tại Điều 17, Luật Doanh nghiệp năm 2020, tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
– Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Như vậy, tất cả các tổ chức là pháp nhân, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không phân biệt nơi đăng ký trụ sở chính) và mọi cá nhân (không phân biệt quốc tịch và nơi cư trú), nếu không thuộc đối tượng quy định tại Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đều có quyền góp vốn vào doanh nghiệp mình mong muốn.
Xác định rõ đối tượng góp vốn
3. TÀI SẢN GÓP VỐN
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 34, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Định giá tài sản góp vốn:
– Các thành viên cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá, định giá tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
– Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Tài sản vốn góp phải được định giá bằng đồng Việt Nam
4. GIẤY CHỨNG NHẬN GÓP VỐN
Hiện nay, pháp luật không có quy định về khái niệm giấy chứng nhận góp vốn. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng, khi cá nhân, tổ chức góp vốn vào công ty thì cần phải có văn bản xác nhận về việc cá nhân, tổ chức đã tiến hành góp vốn và số vốn đã góp là bao nhiêu. Do đó, giấy chứng nhận góp vốn sẽ là giấy tờ xác nhận các thành viên hoặc cổ đông của công ty đã thực hiện việc góp vốn vào công ty theo quy định để đảm bảo góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết và thực hiện góp vốn đúng thời hạn mà pháp luật quy định
Giấy chứng nhận góp vốn của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn
Căn cứ vào khoản 6 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Điều 47. Góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp
…
- Giấy chứng nhận phần vốn góp phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- b) Vốn điều lệ của công ty;
- c) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;
- d) Phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên;
đ) Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;
- e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.”
Như vậy, giấy chứng nhận góp vón của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải bảo đảm có đầy đủ thông tin theo quy định trên.
Giấy chứng nhận vốn góp của công ty cổ phần:
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì không có quy định nào liên quan đến giấy chứng nhận góp vốn của công ty cổ phần. Việc góp vốn vào công ty cổ phần sẽ được lữu giữ và giám sát bởi sổ đăng ký cổ đông quy định tại Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
“Điều 122. Sổ đăng ký cổ đông
- Công ty cổ phần phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký cổ đông có thể là văn bản giấy, tập dữ liệu điện tử ghi nhận thông tin về sở hữu cổ phần của các cổ đông công ty.
- Sổ đăng ký cổ đông phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- b) Tổng số cổ phần được quyền chào bán, loại cổ phần được quyền chào bán và số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;
- c) Tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đã góp;
- d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
đ) Số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần.
- Sổ đăng ký cổ đông được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty hoặc các tổ chức khác có chức năng lưu giữ sổ đăng ký cổ đông. Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục, sao chép tên và địa chỉ liên lạc của cổ đông công ty trong sổ đăng ký cổ đông.
- Trường hợp cổ đông thay đổi địa chỉ liên lạc thì phải thông báo kịp thời với công ty để cập nhật vào sổ đăng ký cổ đông. Công ty không chịu trách nhiệm về việc không liên lạc được với cổ đông do không được thông báo thay đổi địa chỉ liên lạc của cổ đông.
- Công ty phải cập nhật kịp thời thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan theo quy định tại Điều lệ công ty.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì công ty cổ phần sẽ không cấp giấy chứng nhận góp vốn mà chỉ cần lập sổ đăng ký cổ đông theo quy định trên.
Mẫu giấy chứng nhận góp vốn mới nhất hiện nay
Như đã đề cập ở nội dung bên trên, thì pháp luật hiện nay không quy định về mẫu giấy chứng nhận góp vốn theo chuẩn nào cả. Tuy nhiên, giấy chứng nhận góp vốn đối với thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải đảm bảo có đầy đủ thông tin theo quy định pháp luật.
Tải mẫu giấy chứng nhận góp vốn công ty trách nhiệm hữu hạn:
5. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC GÓP VỐN KINH DOANH
- Xây dựng đội ngũ quản lý và phân chia lợi nhuận giữa các thành viên tham gia góp vốn
Một trong những rủi ro quan trọng trong quá trình khởi nghiệp là việc chia sẻ công việc quản lý và lợi nhuận giữa các thành viên cũng không có sự phân chia rõ ràng, thống nhất. Trong một số trường hợp, sự không rõ ràng về quản lý và lợi ích trong công ty có thể dẫn đến tranh chấp và xung đột giữa các bên. Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định chiến lược và hoạt động kinh doanh của công ty. Vì vậy, việc lập các hợp đồng, văn bản pháp lý, và các thỏa thuận rõ ràng về việc quản lý và phân chia lợi nhuận giữa các thành viên là cần thiết để tránh các tranh chấp trong tương lai. Cần đọc rõ các điều lệ công ty để đảm bảo các thỏa thuận đã đặt ra phải hiểu và nắm kỹ.
- Trách nhiệm và rủi ro tài chính của các thành viên trong trường hợp khởi nghiệp thất bại
Một rủi ro khác mà các thành viên cần xem xét là trách nhiệm và rủi ro tài chính trong trường hợp khởi nghiệp thất bại. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể gặp khó khăn và những nguy cơ phá sản. Trong tình huống này, các thành viên góp vốn có thể phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các trách nhiệm pháp lý khác của công ty trong phần vốn họ đã góp hoặc toàn bộ tài sản tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp lựa chọn. Vì vậy, trước khi tham gia góp vốn, các thành viên cần phải nắm rõ và hiểu các cam kết pháp lý của mình trong trường hợp công ty gặp khó khăn tài chính.
- Góp vốn kinh doanh nhưng không tham gia làm việc
Góp vốn kinh doanh theo kiểu này đơn giản là chỉ có trách nhiệm góp vốn. Những việc còn lại giao phó hoàn toàn cho người khác mà bản thân không đặt trách nhiệm gì vào. Nguyên tắc góp vốn kinh doanh theo hình thức này là nên chọn một chuyên gia hoặc một người dày dạn kinh nghiệm kinh doanh để góp vốn. Thêm vào đó, một điều rất quan trọng nữa là khi chuẩn bị đầu tư vào bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào, cũng nên tìm hiểu thật kỹ các thời điểm đầu tư có lợi nhất để chuẩn bị trước những tổn thất có thể xảy ra.
Tóm lại, khi góp vốn vào một doanh nghiệp khởi nghiệp, hiểu và đối mặt với những rủi ro pháp lý là cực kỳ quan trọng. Bằng cách nắm vững các quy định pháp lý, xây dựng các hợp đồng và thỏa thuận rõ ràng, và thực hiện các biện pháp bảo vệ, các doanh nhân và nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro và đạt được sự thành công trong quá trình khởi nghiệp.
Câu hỏi:
Câu 1: Công ty trách nhiệm hữu hạn không cấp giấy chứng nhận góp vốn thì có bị phạt không?
Căn cứ vào Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 52. Vi phạm khác liên quan đến tổ chức, quản lý doanh nghiệp
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- a) Bổ nhiệm người không được quyền quản lý doanh nghiệp giữ các chức danh quản lý doanh nghiệp;
- b) Bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc (Tổng Giám đốc).
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- a) Không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty;
- b) Không lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông phát hành cổ phiếu;
- c) Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
- d) Không lưu giữ các tài liệu tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
- a) Buộc miễn nhiệm chức danh quản lý của người không được quyền quản lý doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
- b) Buộc miễn nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) đối với người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
- c) Buộc cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
- d) Buộc lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
đ) Buộc gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.”
Theo đó thì công ty sẽ bị xử phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 khi không cấp giấy chứng nhận góp vốn cho thành viên. Ngoài ra, công ty còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty.
Câu 2: Có được góp vốn vào công ty trong cùng tập đoàn hoặc cùng công ty mẹ?
Khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.”
Như vậy, pháp luật chỉ nghiêm cấm các công ty trong cùng tập đoàn hoặc cùng công ty mẹ đồng thời góp vốn qua lại cho nhau. Nếu việc góp vốn chỉ xuất phát từ một phía thì vẫn được chấp nhận.
Câu 3: Doanh nghiệp có được góp vốn bằng tiền mặt vào doanh nghiệp khác không?
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP quy định các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC quy định các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Như vậy, doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Trên đây là bài viết về lưu ý những rủi ro về pháp lý khi góp vốn khởi nghiệp. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 0987.062.757 – 0911.111.099.