Mẫu luận cứ bảo vệ bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích

MẪU LUẬN CỨ BẢO VỆ BỊ HẠI TRONG VỤ ÁN

CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Luận cứ bảo vệ là tài liệu thể hiện kết quả quá trình luật sư nghiên cứu, tìm hiểu sự thật vụ án, các chứng cứ và tình tiết vụ án để bảo vệ cho bị hại trong vụ án hình sự. Kết quả bảo vệ tại phiên tòa phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị luận cứ bảo vệ. Việc chuẩn bị chu đáo luận cứ bảo vệ giúp luật sư chủ động hơn trong quá trình tranh tụng, nội dung bảo vệ được trình bày một cách có hệ thống, mạch lạc, không bỏ sót các tình tiết có lợi cho  bị hại, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại tốt nhất.

BẢN LUẬN CỨ BẢO VỆ

          Kính thưa HĐXX!

         Thưa vị đại diện VKS!

         Thưa vị luật sư đồng nghiệp!

         Cùng toàn thể quý vị có mặt tại phiên tòa

Tôi là Lương Đức Phương – Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Việt Chính – đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Nhận được đơn mời của ông L và được sự cho phép của HĐXX, tôi có mặt tại phiên tòa ngày hôm nay với tư cách là Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông L – là người bị hại trong vụ án  “NVL phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 BLHS

Tham khảo: Mẫu luận cứ bảo vệ bên gửi xe trong trường hợp bên trông giữ làm mất xe

Qua quá trình nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, qua các chứng cứ đã được thẩm định trong giai đoạn xét hỏi, sau khi nghe quan điểm của vị đại diện VKS và quan điểm của vị luật sư đồng nghiệp, tôi xin được trình bày một số ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông L như sau:

Thứ nhất, hành vi của bị cáo NVL đã hoàn toàn đủ các dấu hiệu cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 BLHS:

Theo cáo trạng, bị cáo NVL bị cáo buộc phạm tội Cố ý gây thương tích quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS với tình tiết định khung là “Dùng hung khí nguy hiểm”. Việc Viện kiểm sát truy tố bị cáo NVL như vậy là hoàn toàn đúng người đúng tội. Bị cáo NVL đã dùng hung khí nguy hiểm đó là chiếc gậy sắt dài 56 cm bị cáo mang theo bên người vụt mạnh vào đầu ông L và đã gây tổn hại về sức khỏe cho ông L. Bệnh án ngoại khoa số 9948 ngày 20/10/2011 của bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ đã xác định vùng chẩm trái của ông L có vết rách da dài khoảng 6cm chảy máu, 1/3 cánh tay trái có vết tím sưng nề dài 8cm, vùng mắt cá tay trái có vết xước da dài 1,5cm. Ngoài ra bệnh án tâm thần số 985 ngày 16/12/2011 bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Nguyên đã xác định ông L bị suy nhược thần kinh sau chấn thương, tỷ lệ thương tật do vết thương để lại là 21%, điều này đã được giám định tại biên bản giám định pháp y số 46/GĐPY ngày 21/2/2012 của tổ chức pháp y tỉnh Thái Nguyên           

Kính thưa HĐXX!

Đầu là một bộ phận quan trọng, là đầu não, trung tâm điều khiển của cơ thể con người, khi vùng đầu bị va đập mạnh có thể kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng như trấn thương sọ não, tụ máu não, động kinh thậm chí dẫn đến chết người….Đây là một điều hiển nhiên, người bình thường đều có thể biết được. Ở đây, bị cáo NVL còn là một sinh viên đại học, có kiến thức, có trình độ thì không thể không nhận thức được điều này nhưng khi xảy ra xô xát với ông L bị cáo vẫn dùng gậy sắt đập mạnh vào đầu ông L khiến cho ông L bị thương và chảy máu đầu. Có thể thấy rằng bị cáo NVL nhận thức rõ được hành vi dùng gậy sắt đập vào đầu ông L của mình sẽ gây nguy hiểm và tổn hại cho sức khỏe cũng như tính mạng của ông L nhưng vẫn cố tình làm việc đó.

Hơn nữa, ông L đáng tuổi cha chú của NVL nhưng NVL lại có thể buông ra câu nói hết sức xấc láo “Đời mày rồi con mày sẽ giết mày!”, không chỉ dừng lại thế, NVL còn đánh ông L ngay trong phạm vi của Tòa án, giữa chốn công đường thực thi pháp luật, là nơi đòi lại công lý, đem lại công bằng cho mọi người. Điều này thể hiện thái độ hết sức coi thường pháp luật, mang tính chất côn đồ, ngang nhiên gây tổn hại cho sức khỏe của người khác cần phải được pháp luật trừng trị nghiêm minh.

Từ phân tích nêu trên và những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án có đủ căn cứ chứng minh hành vi của NVL đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích. Vì vậy tôi đề nghị HĐXX xét xử bị cáo NVL theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đại Từ, tuyên bị cáo NVL phạm tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS.

Thứ hai, yêu cầu HĐXX buộc bị cáo NVL phải bồi thường thiệt hại cho ông L:

Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định rất rõ ràng và cụ thể “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm sức khỏe của người khác mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Như đã phân tích ở trên, hành vi của bị cáo NVL là do lỗi cố ý và đã xâm phạm đến sức khỏe của thân chủ tôi, để lại thương tật cho thân chủ tôi là 21%, vì thế bị cáo NVL phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Căn cứ vào Điều 609 BLDS năm 2005 và Mục 1 phần II Nghị quyết 03/2006/NO-HĐTP ngày 08/07/2006 thì bị cáo NVL phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Luật những khoản tiền như sau:

1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất:

Sau khi bị NVL cố ý gây thương tích, thân chủ tôi đã phải ba lần ra vào viện để chụp chiếu và điều trị do vết thương hay bị tái phát cụ thể tổng tiền viện phí của ba lần nằm viện là: (BL 58 – BL61)

          3.029.200 + 1000.600 + 249.080 + 800.995 = 5.079.875đ

          Ngoài ra thân chủ tôi còn tốn thêm 100.000 đ chi phí giám định (BL 62)

          Chi phí thuê taxi đi lại để chạy chữa, khám bệnh cho ông L:

          350.000 + 350.000 + 380.000 = 1080.000đ

          Như vậy, tổng chi phí cho việc cứu chữa là: 6.259.875đ

2. Thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại

Thân chủ tôi đã phải mất ba tháng để điều trị phục hồi sức khỏe, trước khi bị trấn thương thu nhập thực tế một ngày của thân chủ tôi là 200.000đ vì thế khoản thu nhập thực tế bị mất trong thời gian ba tháng đó của thân chủ tôi là 18.000.000đ (3 tháng x 200.000đ/ngày).

Tham khảo: Mẫu luận cứ bào chữa vụ án hình sự về tội Cướp Tài Sản

3. Thu nhập thực tế bị mất của người phải chăm sóc người bị thiệt hại:

100.000đ x 3 tháng = 9.000.000đ

4. Bồi thường tổn thất về mặt tinh thần

Hành vi của bị cáo không chỉ gây ra tổn thất về vật chất mà còn làm ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của thân chủ tôi – một người đàn ông đang ở độ tuổi trung niên, sức khỏe đã không còn dẻo dai như trước mà hàng ngày, hàng giờ còn phải chịu sự hành hạ của những cơn đau đầu, những đêm dài mất ngủ dẫn đến suy nhược thần kinh, cơ thể mệt mỏi, tinh thần u uất. Thân chủ tôi không có sức khỏe để lao động kiếm tiền cũng chẳng thể thoải mái nghỉ ngơi điều trị mà nguyên nhân là do hành vi của bị cáo Lượng gây ra vì thế việc bị cáo NVL phải bồi thường khoản tiền 31.500.000đ để bù đắp tổn thất về tinh thần cho thân chủ tôi là hoàn toàn xứng đáng.

Vì vậy, căn cứ điều 604, 605, 609 BLDS, mục II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP chúng tôi yêu cầu bị cáo NVL phải bồi thường tổng số tiền là  65.000.000đ (Bằng chữ: Sáu mươi lăm triệu đồng chẵn).

Trên đây là toàn bộ quan điểm của tôi, tôi tin tưởng rằng Hội đồng xét xử sẽ công minh, thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ tôi.

          Tôi xin chân thành cảm ơn!

Bài viết liên quan