Phạt vi phạm, bồi thường hợp đồng dân sự theo bộ luật dân sự năm 2015

PHẠT VI PHẠM, BỒI THƯỜNG HỢP ĐỒNG DÂN SỰ THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015

     Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong quá trình thực hiện hợp đồng có nhiều tình huống phát sinh dẫn đến việc hợp đồng bị vi phạm dẫn đến việc phải áp dụng các hình thức trách nhiệm dân sự trong hợp đồng. Thực tế giao kết hợp đồng dân sự hiện nay, hầu hết đều có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng; bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, thỏa thuận về các điều khoản này như thế nào để đúng pháp luật và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì không phải ai cũng biết.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

Bộ luật Dân sự năm 2015;

Luật Thương mại năm 2005;

Công ước viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế  (CISG);

Các văn bản hướng dẫn khác.

THẾ NÀO LÀ PHẠT VI PHẠM

     “Phạt vi phạm hay còn gọi là phạt vi phạm hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm” (Khoản 1, Điều 418, Bộ luật Dân sự năm 2015).

     BLDS năm 2015 quy định một số nội dung như sau:“Hợp đồng” là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong một sự việc hay lĩnh vực nào đó. Nếu hợp đồng trong lĩnh vực dân sự (như mua bán nhà, xe ô tô …) giữa các cá nhân với nhau, thì gọi là “hợp đồng dân sự”. Nếu hợp đồng giao kết mà trong đó ít nhất một bên tham gia là pháp nhân, có mục đích sinh lợi, thương mại, ví dụ như: mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng đại lý thương mại… thì được gọi là “hợp đồng thương mại”. Hợp đồng thi công xây dựng công trình ký giữa hai công ty, thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Xây dựng, thì gọi là “hợp đồng xây dựng”.

     Vi phạm hợp đồng là hành vi một bên vi phạm (một hoặc nhiều) nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Ví dụ, công ty A và công ty B thỏa thuận (trong hợp đồng mua bán hàng hóa) là công ty B phải giao đủ số lượng hàng hóa cho công ty A vào ngày 22/6/2023. Nhưng đến hạn phải giao hàng, bên B không tiến hành giao hàng cho bên A và không có bất kỳ thông báo nào về việc này. Như vậy Công ty B bị xem là vi phạm hợp đồng. Cụ thể hơn là vi phạm nghĩa vụ chuyển giao tài sản. Trong điều khoản nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên có quy định: Nếu bên B không giao hàng đúng thời hạn quy định tại Hợp đồng này thì sẽ bị phạt số tiền là 0,05% tổng giá trị hợp đồng cho 01 ngày vi phạm. Đây chính là thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng. Việc phạt vi phạm hợp đồng không mang tính bắt buộc, mà do các bên thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên thỏa thuận này (nếu có), thì phải thể hiện rõ trong hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không có nội dung này thì xem như hai bên không thỏa thuận.

ĐIỀU KIỆN PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG

     Khi có hành vi vi phạm hợp đồng, tùy thuộc vào thỏa thuận trong hợp đồng các bên sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại, buộc thực hiện đúng hợp đồng… Đối với chế tài phạt vi phạm chỉ áp dụng khi có hành vi vi phạm và các bên có thỏa thuận về điều khoản phạt ghi trong hợp đồng.

     – Có hành vi vi phạm hợp đồng:

     Sau khi hợp đồng đã được ký, các bên có trách nhiệm phải làm theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng. Khi một trong các bên không thực hiện nghĩa vụ, không thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thì bị coi là vi phạm hợp đồng và sẽ bị xử phạt theo thỏa thuận. Các nghĩa vụ hợp đồng không chỉ có nghĩa vụ theo thỏa thuận mà còn có những nghĩa vụ đương nhiên phải thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

     – Có thỏa thuận về phạt vi phạm ghi trong hợp đồng:

     Theo quy định tại khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Như vậy, khi có hành vi vi phạm hợp đồng việc áp dụng chế tài phạt vi phạm chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận rõ ràng về điều khoản phạt trong hợp đồng. Phạt vi phạm là một chế tài bảo đảm thực hiện hợp đồng mà pháp luật không bắt buộc áp dụng.

Phạt vi phạm hợp đồng (Ảnh minh họa)

MỨC PHẠT VI PHẠM VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

     Điều 418 BLDS năm 2015, quy định về thỏa thuận phạt vi phạm:

     “1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

  1. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
  2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

     Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.”

     Theo đó, mức phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự do hai bên thỏa thuận, không có giới hạn về mức phạt vi phạm trong dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có các luật chuyên ngành quy định cụ thể về mức phạt vi phạm ví dụ như: trong thương mại không quá 8% và xây dựng thì không quá 12%… Ngoài ra, cũng cần lưu ý mức phạt vi phạm ở đây là “giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm” mà không phải toàn bộ giá trị hợp đồng.

     Pháp luật luôn đề cao sự thỏa thuận, các bên có thể thỏa thuận chỉ bị phạt vi phạm mà không phải BTTH. Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm, nhưng không đề cập việc vẫn phải BTTH thì bên vi phạm sẽ không phải BTTH. Ví dụ, ông A bán cho ông B một chiếc xe ô tô tải. Trong hợp đồng mua bán xe quy định nếu ông A chậm giao xe thì bị phạt 1 triệu đồng/ngày chậm. Sau đó, ông A đã không giao xe đúng hạn mà chậm tới 15 ngày. Do việc này, ông B phải đi thuê xe chỗ khác để vận chuyển hàng hóa tạm mất 7 triệu đồng. Số tiền thuê xe này có thể xem là thiệt hại. Nhưng do trong hợp đồng chỉ nói đến việc phạt vi phạm, mà không đề cập việc BTTH, nên ông B không có quyền yêu cầu ông A phải BTTH cho mình mà chỉ được nhận tiền phạt vi phạm.

     Theo quy định tại Điều 418 BLDS năm 2015, thì các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải BTTH hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải BTTH. Các bên có thể thỏa thuận trước về việc BTTH cũng như xác định trước trong hợp đồng một mức bồi thường cụ thể bằng tiền.

     Tuy nhiên, khác với phạt vi phạm là chỉ được áp dụng nếu như các bên có thỏa thuận trước về phạt vi phạm, đối với BTTH, cho dù các bên có thỏa thuận về vấn đề BTTH do vi phạm hợp đồng hay không, thì khi xảy ra thiệt hại, bên gây thiệt hại vẫn phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

     Điều 13 BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Điều 360 BLDS năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

     Theo đó, bên vi phạm nghĩa vụ, mà hành vi vi phạm gây thiệt hại cho bên kia, thì phải có trách nhiệm BTTH. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, hoặc luật có quy định khác. Như vậy, BTTH là chế tài quan trọng và cơ bản nhất nhằm bảo đảm lợi ích của các bên khi hợp đồng bị vi phạm, tạo ra khả năng đảm bảo lợi ích một cách tối đa cho mọi bên có liên quan trong quan hệ hợp đồng. Chính vì thế, chế tài này được áp dụng cho hầu hết các hành vi vi phạm hợp đồng.

     Tham khảo Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG); tại Điều 74 Công ước quy định về vấn đề BTTH, như sau: Tiền bồi thường thiệt hại xảy ra do một bên vi phạm hợp đồng là một khoản tiền bao gồm tổn thất và khoản lợi bị bỏ lỡ mà bên kia đã phải chịu do hậu qủa của sự vi phạm hợp đồng. Tiền bồi thường thiệt hại này không thể cao hơn tổn thất và số lợi bỏ lỡ mà bên bị vi phạm đã dự liệu hoặc đáng lẽ phải dự liệu được vào lúc ký kết hợp đồng như một hậu qủa có thể xảy ra do vi phạm hợp đồng, có tính đến các tình tiết mà họ đã biết hoặc đáng lẽ phải biết.

     Như vậy, CISG cho phép các bên có thể dự liệu về mức BTTH vào lúc kí kết hợp đồng bên cạnh việc đưa ra các nguyên tắc xác định khác (các nguyên tắc này tương tự như các nguyên tắc xác định thiệt hại được quy định trong Luật Thương mại năm 2005). Với tư cách là một thành viên của Công ước Viên 1980 kể từ tháng 11/2015, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của điều ước quốc tế này không còn là vấn đề tự nguyện; nội luật hóa các quy định của CISG bao gồm quy định cho phép các bên dự liệu trước mức BTTH là vấn đề không thể không lưu tâm.

     Vì vậy, việc cho phép các bên có quyền thỏa thuận mức phạt vi phạm và khoản bồi thường thiệt hại hợp lý giúp bảo vệ phần nào lợi ích cho bên bị vi phạm hợp đồng.

Bồi thường thiệt hại vi phạm hợp đồng (Ảnh minh họa)

PHÂN BIỆT PHẠT VI PHẠM VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

     Thực tế khi áp dụng các quy định của pháp luật vào soạn thảo hợp đồng vẫn hay có sự nhầm lẫn giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Một số hợp đồng tên điều khoản là “Phạt vi phạm”, nhưng nội dung điều khoản lại thể hiện là bồi thường thiệt hại hoặc ngược lại. Về mặt bản chất pháp lý thì đây là hai chế tài hoàn toàn khác biệt, vì vậy cần phân biệt để tránh nhầm lẫn. Sự khác biệt được thể hiện trên những nội dung sau:

     Một là, BTTH và phạt vi phạm các bên có thể thỏa thuận ghi trong hợp đồng cả 2 nội dung này hoặc chỉ ghi nhận thỏa thuận phạt vi phạm mà không yêu cầu BTTH hoặc chỉ yêu cầu BTTH mà không phạt vi phạm. Khi hợp đồng bị vi phạm, bên bị vi phạm phải chứng minh có hành vi vi phạm xảy ra và phải chứng minh được rằng có thiệt hại thực thực tế xảy ra, hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại; mức độ tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra đồng thời, bên yêu cầu BTTH phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất.

     Hai là, xuất phát từ bản chất của hai chế định này là khác nhau, chế định phạt vi phạm nhằm ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra trong hợp đồng, còn chế định BTTH nhằm vào việc khắc phục thiệt hại do hậu quả của hành vi vi phạm xảy ra. Vì thế, chế tài phạt vi phạm có thể áp dụng cho dù chưa có thiệt hại xảy ra hoặc thiệt hại nhỏ hơn mức phạt vi phạm. Trong khi đó, chế tài BTTH nhằm bù đắp tổn thất nên sẽ chỉ bằng thiệt hại đã xảy ra hoặc thậm chí nhỏ hơn thiệt hại đã xảy ra. Các bên khi tham gia vào quan hệ hợp đồng, tùy thuộc vào vị trí pháp lý của mình để có thể thỏa thuận những điều khoản hợp lý nhất.

CÂU HỎI:

Tiền phạt vi phạm hợp đồng có được tính là chi phí hợp của Doanh nghiệp khi quyết toán thuế TNDN không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC, thì chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

“2.36. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo quy định trên, thì khoản vi phạm hợp đồng kinh tế không nằm trong danh mục các khoản vi phạm hành chính không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nên khoản tiền bị phạt vi phạm hợp đồng kinh tế đương nhiên được xác định là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng hiện nay thực hiện bằng các phương thức nào?

+ Các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường hay phạt vi phạm kể từ khi giao kết hợp đồng (thể hiện bản chất thỏa thuận của hợp đồng).

+ Việc bồi thường thiệt hại không giải phóng người có nghĩa vụ khỏi trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ một cách thực tế

Yếu tố lỗi trong thiệt hại trong hợp đồng được xác định thế nào?

Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng có thể thấp hơn hoặc cao hơn mức thiệt hại xảy ra.

     Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin chi tiết và cụ thể về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Nếu bạn còn câu hỏi hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn về các vấn đề pháp lý, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 0987.062.757 – 0911.111.099  địa chỉ luatvietchinh@gmail.com.

Chúng tôi luôn đồng hành cùng bạn.

Bài viết liên quan