Quy định pháp luật về tội cướp tài sản

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI CƯỚP TÀI SẢN

Cướp tài sản là một loại tội phạm phổ biến ở nước ta hiện nay. Vậy hành vi phạm tội như thế nào thì bị coi là cướp tài sản. Quy định của pháp luật hiện nay về loại tội phạm này như thế nào?

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TỘI CƯỚP TÀI SẢN

Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:

“Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Như vậy theo quy định trên, cá nhân có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản. Hành vi này có thể bị phạt tù từ 03 năm đến chung thân và còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Bên cạnh đó, đối với tội phạm này người chuẩn bị phạm tội cũng có thể phải chịu hình phạt tù ừ 01 năm đến 05 năm.

Tham khảo:Phân biệt tội trộm cắp và tội cướp tài sản

CẤU THÀNH TỘI PHẠM CỦA TỘI CƯỚP TÀI SẢN

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm cướp tài sản bao gồm quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân (tội cướp tài sản cùng lúc xâm phạm hai khách thể). Khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc này mà quan hệ tài sản bị xâm phạm, phải có xâm phạm về quan hệ nhân thân (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được) thì mới có quan hệ xâm phạm đến tài sản. Đây là dấu hiệu để phân biệt tội cướp tài sản với các tội khác.

Mặt khách quan của tội phạm

Tội cướp tài sản được thực hiện trong các hành vi khách quan sau đây:

– Hành vi dùng vũ lực: là hành vi dùng sức mạnh vật chất để tác động vào người chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản hoặc người hoặc người khác nhằm chiếm đoạt tài sản đó. Hậu quả làm cho nạn nhân vị tổn hại đến sức khỏe, bị thương tích hoặc không bị thương tích gì.

– Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: là hành vi dùng lời nói, hành động ngay tại thời điểm phạm tội để đe dọa sẽ tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc người khác nếu không đưa tài sản hoặc ngăn cản việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Lưu ý: cần xác định rõ hành vi dùng vũ lực một cách toàn diện qua các tình tiết của vụ án như là: công cụ, phương tiện, lời nói, hành động, thời gian, thời điểm, địa điểm xảy ra vụ án,… để phân biệt với tội cướp giật tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản.

– Có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự để chiếm đoạt tài sản: là việc người phạm tội sẽ dùng các cách thức, thủ đoạn đưa nạn nhân rơi vào tình trạng không còn khả năng quản lý được tài sản ( ví dụ: bị trói, bị nhét giẻ vào mồm không kêu cứu được, bị nhốt vào buồng kín không thể chạy đi cầu cứu, bỏ thuốc mê, thuốc độc vào đồ ăn, nước uống rồi tìm cách mời nạn nhân dùng.…).

Mặt chủ quan của tội phạm

– Lỗi: lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả xảy ra.

– Động cơ phạm tội: vì tư lợi cá nhân.

– Mục đích phạm tội: chiếm đoạt tài sản. Trường hợp người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực với người khác nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì không bị xem là hành vi cướp tài sản. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử cũng có nhiều trường hợp tuy lúc đầu người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đã nảy sinh ý định chiếm đoạt và sau đó tiếp tục có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt bằng được tài sản, thì hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn bị coi là hành vi phạm tội cướp tài sản. Khoa học luật hình sự coi trường hợp này là trường hợp “chuyển hóa” từ tội phạm này sang tội phạm khác.

Tham khảo: Phân biệt tội trộm cắp và tội cướp tài sản

Chủ thể thực hiện tội phạm

Chủ thể của tội cướp tài sản là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, chủ thể phạm tội phải chịu TNHS về tội cướp tài sản như sau:

– Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu các khung hình phạt rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng của tội cướp tài sản.

– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác.

Hậu quả

Tội cướp tài sản là tội phạm cấu thành hình thức, do đo hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Trường hợp hậu quả chưa xảy ra nhưng người thực hiện hành vi đã thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì vẫn bị coi là phạm tội cướp tài sản. Tùy vào tình hình thực tế mà xác định hậu quả xảy ra là tình tiết tăng nặng hay cấu thành tội danh khác.

Ví dụ:

Trường hợp 1: A giết B nhằm mục đích cướp tài sản của B. Như vậy A phải chịu TNHS về 2 tội danh: giết người và cướp tài sản.

Trường hợp 2: A cướp tài sản của B trong quá trình thực hiện hành vi cướp tài sản A vô tình làm B chết. Như vậy, hậu quả B chết trong trường hợp này được xác định là tình tiết tăng nặng của tội cướp tài sản, chứ không phạm tội giết người.

Khung hình phạt

Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có 05 khung hình phạt đối với người phạm tội cướp tài sản.

Khung 1: bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm

Khung 2: bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

Khung 3: bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm

Khung 4: bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

Khung 5: Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Hình phạt bổ sung: có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bài viết liên quan