Quyền phản tố trong tố tụng dân sự

QUYỀN PHẢN TỐ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Trong tố tụng dân sự, bị đơn có quyền đưa ra ý kiến hoặc yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bị đơn đã bỏ qua yêu cầu phản tố của mình do không biết mình có quyền này hoặc không hiểu rõ những quyền của mình trong tố tụng dân sự. Vậy quyền “phản tố” trong tố tụng dân sự là gì?

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

QUYỀN PHẢN TỐ LÀ GÌ?

Phản tố là một trong những quyền dân sự cơ bản của công dân, được pháp luật dân sự thừa nhận và bảo vệ. Phản tố là quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, phản tố có thể hiểu là việc bị đơn kiện ngược lại với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và được xem xét giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Điều 72 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của bị đơn như sau:

Quyền, nghĩa vụ của bị đơn

1. Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.

2. Được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.

3. Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.

5. Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.

6. Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.

Theo đó, bị đơn trong vụ án dân sự có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập

Quyền được đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định tại khoản 1 Điều 200 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.”

Theo quy định trên, chủ thể thực hiện quyền phản tố chỉ có thể là bị đơn, quyền phản tố đơn được phát sinh sau khi nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án hoặc sau khi nhận được thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu độc lập của Tòa án.

CÁC ĐIỀU KIỆN CỦA YÊU CẦU PHẢN TỐ

Không phải bị đơn đưa ra yêu cầu là được xem là yêu cầu phản tố mà nó phải đáp ứng các điều kiện khác nhau. Điều kiện của yêu cầu phản tố bao gồm:

– Phải độc lập với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

– Phải để bù trừ nghĩa vụ hoặc loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập khi yêu cầu này được chấp nhận;

– Yêu cầu đưa ra và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự “liên quan với nhau” và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Lưu ý, yêu cầu phản tố và văn bản đưa ra ý kiến là hai văn bản hoàn toàn khác nhau. Có thể hiểu là văn bản đưa ra ý kiến thì mang nội dung các ý kiến của bị đơn về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Còn đơn phản tố là yêu cầu khởi kiện của bị đơn đối với nguyên đơn trên cơ sở nội dung khởi kiện của nguyên đơn. Để xác định là văn bản đưa ra ý kiến hay đơn phản tố cần phải dựa trên nhiều tình tiết nội dung của vụ án để xác định.

Ví dụ 1: A kiện B yêu cầu thanh toán số tiền 100 triệu đồng theo hợp đồng mua bán hàng hóa.

– Trường hợp 1: A chỉ chấp nhận trả một phần và không chấp nhận trả tiền phát sinh từ hợp đồng. Trường hợp này chỉ được xem là văn bản ý kiến của A đối với yêu cầu khởi kiện của B, không phải là yêu cầu phản tố.

– Trường hợp 2: A yêu cầu B bồi thường thiệt hại vì hàng hóa B giao bị lỗi. Trường hợp này có thể xem xét các yếu tố khác để xác định có phải là phản tố hay không.

Tham khảo: Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự

Ví dụ 2: Ông B và bà C có một mảnh đất tại xã H. Ông bà có 03 người con là U, I, O. Năm 2016 ông B chết. Năm 2019 I cưới chồng và về nhà chồng sinh sống. Năm 2020 đất được cấp sổ đỏ và đứng tên bà C. Năm 2021 bà C mất, U là người sinh sống là canh tác trên mảnh đất trên. Năm 2022 I và O khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án I có đưa ra bản di chúc do ông B trước khi mất với nội dung để lại toàn bộ tài sản cho I và yêu cầu Tòa án chia tài sản theo di chúc.

Như vậy, trong trường hợp này yêu cầu của I được xác định là văn bản ghi nhận ý kiến chứ không phải là phản tố. Bởi vì cả hai yêu cầu đều có chung một mục đích là phân chia di sản thừa kế.

Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể hơn về điều khoản này, nhưng chúng ta có thể tham khảo quy định tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

THỜI ĐIỂM ĐƯA RA YÊU CẦU PHẢN TỐ

Quy định về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố đã có điểm rất mới so với quy định trước đây, mở ra nhiều điểu kiện thuận lợi hơn cho bị đơn. Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015:

 “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”

Theo quy định trên thì hiện nay pháp luật không quy định rõ bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ mấy. Vì một vụ án có thể mở nhiều phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải khác nhau. Bên cạnh đó, Tại Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn, không có nội dung nào xác định bị đơn phải phản tố trong thời hiệu khởi kiện. Như vậy, bị đơn có thể dựa vào tình hình thực tiễn của vụ án để đưa ra yêu cầu phản tố của mình cho phù hợp.

Lưu ý: Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị đơn nên gửi văn bản ý kiến cho Tòa án trước vì văn bản này có quy định về thời hạn “trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo”, sau đó dành thời gian tập trung làm đơn phản tố và gửi sau theo đúng thời hạn quy định của pháp luật.

MẪU ĐƠN PHẢN TỐ

TẢI VỀ: mau-don-phan-to

Nội dung đơn phản tố:

– Ngày, tháng, năm làm đơn;

– Tòa án nhân dân tiếp nhận và xử lý đơn;

– Họ và tên, năm sinh, địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại, số fax, email… của người phản tố (bị đơn) và người bị phản tố (nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan);

– Nội dung của vụ việc

– Cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị phản tố;

– Danh mục tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu phản tố.

Bài viết liên quan