Thú cưng, vật nuôi gây thiệt hại thì người chủ sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào ?

THÚ CƯNG, VẬT NUÔI GÂY THIỆT HẠI THÌ NGƯỜI CHỦ SẼ CHỊU TRÁCH NHIỆM NHƯ THẾ NÀO ?

 

    Nhu cầu nuôi thú cưng ngày một phổ biến ở khắp nơi, kể cả tại Việt Nam bởi việc nuôi thú cưng không còn là sở thích, thú cưng đang dần trở thành những người bạn, họ coi thú cưng như một thành viên trong gia đình, người chủ phải có trách nhiệm chăm sóc, quản lý thú cưng của mình. Nhưng chẳng may sẽ có những tình huống bất ngờ xảy ra như vật nuôi cắn người, gây tai nạn… thì người chủ sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

1. Vật nuôi, thú cưng là gì?

Thú cưng là những loài động vật được chọn làm vật cưng nuôi theo sở thích, nhu cầu để chăm sóc, làm bạn đồng hành, sẻ chia trong cuộc sống. Những vật nuôi được chọn làm thú cưng sẽ được nâng niu, chăm sóc như những người bạn, như một thành viên thật sự trong gia đình. Ví dụ như: chó, mèo,…

Vật nuôi theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 được hiểu là: “5. Vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi.”. Ví dụ như: trâu, bò, lợn, gà,…

Người chủ phải luôn có trách nhiệm chăm nuôi, quản lý vật nuôi, thú cưng của mình như là: cho ăn, tắm rửa, huấn luyện, sử dụng chuồng (trại) để nhốt vật nuôi cẩn thận, tiêm phòng ngừa dại và các loại bệnh, đeo rọ mõm, đeo dây xích,…Ngoài ra, người chủ vật nuôi cũng có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người khác khi nuôi dưỡng vật nuôi.

Tham khảo thêm: Thủ tục xin giấy phép kinh doanh thuốc thú y

Thú cưng, vật nuôi gây thiệt hại thì người chủ sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào ?

2. Trách nhiệm của người chủ khi thú cưng, vật nuôi gây thiệt hại

Tùy vào từng trường hợp cụ thể khi thú cưng, vật nuôi gây thiệt hại thì người chủ sẽ bị xử phạt hành chính, chịu trách nhiệm dân sự hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

* Về xử phạt hành chính: Phạt tiền hoặc xử phạt hành chính khác theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Vi phạm quy định về tiêm phòng, rọ mõm, đeo xích cho chó,…

Chủ nuôi có thể bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho chó hoặc không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ).

* Về trách nhiệm dân sự: Là trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho con người bị hại do vật nuôi gây ra

Theo quy định tại khoản 4 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 thì: “4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

+ Áp dụng trong trường hợp chủ ý hoặc vô ý.

+ Chủ sở hữu hoặc người sử dụng vật nuôi đều có thể phải chịu trách nhiệm.

+ Mức bồi thường được xác định dựa trên thiệt hại thực tế và tổn thất tinh thần của người bị hại.

Ví dụ như: Chó không đeo rọ mõm cắn người gây thương tích phải bồi thường chi phí y tế, tổn thất về tinh thần

Như vậy, người chủ của thú cưng, vật nuôi cụ thể ở đây là chó, mèo gây thiệt hại cho người khác thì tùy theo mức độ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 603 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định các trường hợp bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra như sau:

– Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Như vậy theo quy định trên chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại hoặc cả người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường

Tuy nhiên, trường hợp này nếu dẫn đến hậu quả chết người, người chủ phải bồi thường thiệt hại do súc vật mình nuôi gây ra theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015:

– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

– Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Tham khảo thêm: Mẫu luận cứ bảo vệ bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích

* Về trách nhiệm hình sự: Là trách nhiệm phải chịu các biện pháp trừng phạt hình sự do cố ý gây thiệt hại nghiêm trọng cho người khác bằng vật nuôi.

+ Chỉ áp dụng trong trường hợp cố ý gây thiệt hại.

+ Hậu quả thiệt hại phải nghiêm trọng như: gây thương tích nặng, tử vong,…

+ Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây thương tích, tổn hại sức khỏe,…

+ Mức độ hình phạt sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả gây ra.

– Nếu chủ vật nuôi dẫn, dắt vật nuôi của mình ra nơi công cộng, không thực hiện các quy định về đeo rọ mõm, xích khóa….dẫn đến tấn công và cắn chết người. Khi đó, nếu xác minh được người chủ nuôi chó không có ý định thả chó với mong muốn gây chết người mà việc để chó chạy ra nơi công cộng và gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật hình sự 2015.

     + Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

     + Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

– Trường hợp chủ có hành vi kích động, chủ ý thả rông vật nuôi tấn công người, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây thương tích hoặc cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Việc phân loại trách nhiệm cụ thể trong từng trường hợp cần dựa trên các yếu tố: mức độ lỗi của người chủ, tính chất sự việc và mức độ thiệt hại,…

Như vậy, thú cưng, vật nuôi gây thiệt hại cho người khác thì người chủ có thể bị xử phạt hành chính, chịu trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ thiệt hại mà thú cưng, vật nuôi gây ra. Vì thế, mỗi cá nhân hãy có trách nhiệm với thú cưng, vật nuôi của mình để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

 

Bài viết liên quan