Thủ tục thành lập văn phòng thừa phát lại

THỦ TỤC THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Chế định Thừa phát lại được hồi sinh trong những năm qua đã thổi một làn gió mới vào lĩnh vực tư pháp thông qua hoạt động tống đạt văn bản và lập vi bằng. Từ năm 2009, Thừa phát lại chỉ được thí điểm với Văn phòng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh thì đến nay trải khắp đất nước Việt Nam là hàng trăm văn phòng thừa phát lại. Người dân đã dần quen với thừa phát lại, không còn sự lạ lẫm như trước đây và kéo theo đó là nhu cầu sử dụng dịch vụ của Văn phòng thừa phát lại đang ngày càng cao. Do vậy, dù đã có sự mở rộng nhanh chóng về số lượng nhưng đến nay, nhu cầu thành lập Văn phòng thừa phát lại vẫn còn rất lớn. Vậy điều kiện và thủ tục thành lập Văn phòng thừa phát lại như thế nào, hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Nghị định số 08/2020/NĐ-CP
  • Thông tư số 05/2020/TT-BTP
  • Thông tư số 08/2022/TT-BTP

VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI LÀ GÌ

Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của pháp luật. Văn phòng Thừa phát lại được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh.

ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Để có thể thành lập văn phòng thừa phát lại, trước hết phải đáp ứng được các yêu cầu sau đây:

1. Phải có trụ sở riêng, con dấu và tài khoản riêng (con dấu và tài khoản sau khi được cấp phép hoạt động thì mới có) và tự chủ về tài chính.

2. Phải có ít nhất 1 Thừa phát lại.

3. Cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động.

4. Phù hợp với Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt (phải vượt qua được các đối thủ khác) và phải đảm bảo:

a) Điều kiện về kinh tế – xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại phù hợp với việc thành lập Văn phòng thừa phát lại;

b) Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải đủ lớn để đặt ra nhu cầu sử dụng dịch vụ Thừa phát lại;

c) Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải đủ lớn để đặt ra nhu cầu sử dụng dịch vụ Thừa phát lại;

d) Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.

 

Điều kiện thành lập văn phòng thừa phát lại (Minh họa) 

THỦ TỤC THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Là một ngành nghề đặc thù cần phải có sự khống chế số lượng, Văn phòng Thừa phát lại giống như một dạng “hàng hóa limited” và không phải cứ đáp ứng được điều kiện thì sẽ được cấp, không phải cứ muốn là được nộp hồ sơ. Thủ tục thành lập cũng sẽ có những đặc thù với quy trình cơ bản như sau:

Bước 1: Căn cứ vào các tiêu chí nêu tại mục 4 phần trên (phần nhiều là cảm tính), Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt (thời gian phê duyệt cũng không cố định).

Bước 2: Căn cứ vào Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương. Trên cơ sở thông báo nêu trên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Hồ sơ bao gồm:

– Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu đã được Luật Việt Chính tổng hợp;

– Bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;

– Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu.

Thừa phát lại đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải nộp phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Bước 4: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi cho phép thành lập.Nội dung đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; họ tên Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; danh sách Thừa phát lại hợp danh và danh sách Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (nếu có) của Văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính một bộ hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:

– Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu đã được Luật Việt Chính tổng hợp;

– Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại để đối chiếu;

– Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện quy định tại khoản 3, 4 Điều 17 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP 

– Giấy đề nghị đăng ký hành nghề và cấp Thẻ Thừa phát lại theo mẫu đã được Luật Việt Chính tổng hợp dành cho các Thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại;

– Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại của các Thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại;

– 01 ảnh chân dung của Thừa phát lại cỡ 2 cm x 3 cm chụp các Thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại không quá 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ.

Bước 5: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Thủ tục thành lập văn phòng thừa phát lại (Minh họa)

Kham khảo: Thủ tục thành lập văn phòng thừa phát lại

Sau khi được cấp Giấy phép hoạt động thì Văn phòng Thừa phát lại được phép hoạt động nhưng vẫn sẽ phải thực hiện các thủ tục khác theo quy định của pháp luật.

NHỮNG KHÓ KHĂN KHI THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Về cơ bản thì nội dung điều kiện, quy trình, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động Văn phòng thừa phát lại không quá khó khăn nhưng trên thực tế thì không hề đơn giản. Vướng mắc tập trung ở các yếu tố sau đây:

– Các nội dung để xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương phần nhiều mang yếu tố cảm tính, không có quy chuẩn rõ ràng, không có thời hạn hoàn tất nên phải chờ đợi và số suất mở Văn phòng Thừa phát lại cũng sẽ bị giới hạn.

– Số suất mở Văn phòng Thừa phát lại bị giới hạn nên nhiều trường hợp muốn mở Văn phòng Thừa phát lại thì sẽ phải cạnh tranh với các bên khác để có thể giành được suất đó. Muốn giành được suất mở Văn phòng Thừa phát lại thì cần phải có các tiêu chí tốt hơn (mà nhiều tiêu chí vẫn ở phương diện cảm tính của cơ quan nhà nước). Do vậy, sẽ rất tốn kém chi phí mà không rõ có thể đạt được yêu cầu hay không.

Thực tế vì những nguyên nhân nêu trên nên thông thường khách hàng có nhu cầu cũng sẽ không sử dụng dịch vụ xin phép thành lập, đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại trọn gói của Luật Việt Chính. Tuy nhiên, Luật Việt Chính vẫn sẵn sàng tư vấn về các điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục thành lập và các nội dung khác có liên quan trong quá trình thành lập, vận hành Văn phòng Thừa phát lại. Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách!

Thông tin liên hệ

Để được hỗ trợ trực tiếp về Thủ tục thành lập văn phòng thừa phát lại và các vấn đề khác về pháp luật, bạn có thể liên hệ theo các phương thức sau:

Gọi điện tới số điện thoại 0911.111.099 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày yêu cầu tư vấn.

Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

Bài viết liên quan