Thủ tục thu hồi hàng hóa khi bên mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán

THỦ TỤC THU HỒI HÀNG HÓA KHI BÊN MUA KHÔNG THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THANH TOÁN

Câu hỏi: Chào Phương, anh đang công tác tại một công ty chuyên bán máy phát điện và các thiết bị phụ trợ. Đợt trước bên anh có bán cho khách hàng một chiếc máy phát điện. Hàng thì bên anh đã giao mà khách hàng chưa thanh toán tiền theo hợp đồng. Đến nay đã quá hạn 1 năm rồi. Sếp anh đòi thu hồi máy nhưng khách hàng không chịu. Mong em hướng dẫn anh thủ tục để thu hồi máy. Anh cảm ơn.

Trả lời:

Chào anh, hoạt động mua bán hàng hóa hiện nay diễn ra vô cùng phổ biến, song không phải lúc nào giữa hai bên mua bán cũng có được sự thiện chí và hợp tác khi tham gia giao dịch và trường hợp anh đang gặp phải là một trong những trường hợp đó. Đối với trường hợp bên bán đã thực hiện xong nghĩa vụ chuyển giao hàng hóa nhưng bên mua lại không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, khi bên bán đòi lại hàng thì bên mua không trả thì phải làm sao. Để làm rõ điều này, mời anh tham khảo một số ý kiến sau:

1. Xác định quan hệ phát sinh giữa công ty và bên mua hàng hóa

Thứ nhất, do đây là hoạt động mua bán hàng hóa giữa công ty anh và bên mua nên có thể xác định hoạt động này sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại 2005. Như vậy, theo quy định tại điều 50, Luật Thương mại quy định:

“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.

2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.

3. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.”

Tuy nhiên, theo dữ kiện anh cung cấp, mặc dù bên anh đã tiến hành giao hàng nhưng bên mua chưa thanh toán tiền hàng trong 01 năm kể từ thời điểm giao hàng. Ở đây chúng tôi loại trừ trường hợp hai bên ký thỏa thuận thanh toán sau theo đợt thì bên mua đang vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Đây có thể coi là vi phạm cơ bản trong hợp đồng thương mại bởi bản chất của hợp đồng là sự giao kết giữa công ty anh và bên mua nhằm mua bán hàng hóa là máy phát điện, theo đó mục đích của giao kết hợp đồng này đối với công ty anh là nhận thanh toán, chính vì vậy, bên anh có thể áp dụng các chế tài trong thương mại theo điều 292, Luật Thương mại 2005 là tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng.

Tham khảo thêm:Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ mới nhất

Xem xét nguyện vọng của công ty anh là muốn thu hồi lại máy nên anh có thể hủy bỏ hợp đồng, “khi này hợp đồng sẽ không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết và các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền” theo điều314, Luật Thương mại 2005.

2. Một số phương pháp thu hồi tài sản khi hủy bỏ hợp đồng

Phương án 1: Hủy bỏ hợp đồng

Như đã đề cập tại phần 1, công ty anh hoàn toàn có thể tiến hủy bỏ hợp đồng theo quy định tại Luật Thương mại 2005. Để thực hiện thủ tục này, công ty cần thông báo ngay cho bên mua biết về việc hủy bỏ hợp đồng và bên mua phải có nghĩa vụ trao trả tài sản là máy phát điện do công ty anh cung cấp. Công ty nên thông báo bằng văn bản trực tiếp gửi tới bên mua về hoạt động hủy bỏ hợp đồng cũng như yêu cầu bên mua trao trả lại tài sản là máy phát điện.

Phương án 2: Trong trường hợp bên mua không chịu trao trả lại máy

Trong trường hợp bên mua không chịu trao trả, anh hoàn toàn có thể gửi đơn tố giác tới cơ quan công an địa phương về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và yêu cầu công an điều tra vào làm việc.

Phương án 3: Khởi kiện yêu cầu bên mua trả lại tài sản

Bên cạnh việc gửi đơn tố giác, công ty có thể chọn tiến hành khởi kiện yêu cầu bên mua trao trả tài sản theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra do thời gian bên mua không thanh toán đã 01 năm kể từ ngày công ty giao hàng nên công ty hoàn toàn có quyền đòi bồi thường thiệt hại phát sinh do hành vi này gây ra theo điều 302, Luật Thương mại 2005 và giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Như vậy, công ty hoàn toàn có thể xem xét áp dụng đòi bồi thường.

Tuy nhiên, xem xét tới giá trị của tài sản cũng như nhằm bảo đảm cho hình ảnh của công ty, chúng tôi kiến nghị nên tiến hành gửi công văn hủy bỏ hợp đồng và thương lượng với bên mua của công ty. Trong trường hợp công ty anh lựa chọn phương án 2 và 3 cần phải suy nghĩ kỹ hoặc tham khảo ý kiến của luật sư trước khi hành động.

Trân trọng!

Bài viết liên quan