Tư vấn thủ tục phá sản cho doanh nghiệp mới nhất năm 2023

TƯ VẤN THỦ TỤC PHÁ SẢN CHO DOANH NGHIỆP MỚI NHẤT NĂM 2023

Theo Tổng cục thống kê, lần đầu tiên trong các Quý I từ trước đến nay, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập và tái gia nhập thị trường. Để đóng cửa, dừng hoạt động, doanh nghiệp có thể lựa chọn những hình thức sau đây như đăng kí tạm dừng hoạt động, thực hiện thủ tục giải thể hoặc phá sản. Trong bài viết này, Công ty Việt Chính Luật sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về quy trình, thủ tục phá sản doanh nghiệp mới nhất năm 2023. 

  1. Thế nào là phá sản?

Theo quy định Khoản 2, Điều 4, Luật Phá sản năm 2014, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Như vậy, từ quy định trên có thể thấy được rằng, để tuyên bố doanh nghiệp phá sản phải bao gồm 2 điều kiên đó là: Doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là tình trạng doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với các khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Tìm hiểu thêm: Tư vấn dịch vụ giải thể doanh nghiệp mới nhất năm 2023. 

Doanh nghiệp tuyên bố phá sản

  1. Trình tự phá sản

Bước 1: Gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Những chủ thể sau đây có quyền và nghĩa vụ gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho doanh nghiệp:

+ Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

+ Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

+ Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

Các chủ thể trên gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bằng 02 hình thức:

+ Gửi trực tiếp tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền;

+ Gửi đường bưu điện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền;

Bước 2: Phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Sau khi Tòa án nhân dân nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chán án Tòa án nhân dân phân công 01 thẩm phán hoặc một tổ thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Sau 03 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán/tổ Thẩm phán sẽ xem xét hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản và đưa ra xử lý:

– Đối với hồ sơ hợp lệ, Tòa án thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản đóng lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

– Đối với hồ sơ không hợp lệ: Tòa án thông báo cho người nộp đơn yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản đúng quy định; trường hợp nộp đơn sai thẩm quyền thì phải gửi hồ sơ đến Tòa án nhân dân đúng thẩm quyền;

– Trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn, người nộp đơn không thuộc các trường hợp được nộp đơn, người nộp đơn không sửa đổi, bổ sung theo theo hướng dẫn hoặc đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được Tòa án nhân dân khác thụ lý thì trả đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Bước 3: Mở thủ tục phá sản

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Quyết định mở thủ tục phá sản được thực hiện Thẩm phán cho xem xét tình hình doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán.

Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Trong quá trình mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp phải chịu sự giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Ngoài ra, Tòa án nhân dân có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án nhân dân khác thu hồi tài sản, lấy lời khai của những người tham gia thủ tục phá sản, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản hoặc biện pháp khác để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản

Bước 4. Hội nghị chủ nợ

Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản.

Những người sau đây có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ:

– Chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ. Chủ nợ có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ và người được ủy quyền có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;

– Đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn được người lao động ủy quyền; trường hợp này đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;

– Người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; trường hợp này người bảo lãnh trở thành chủ nợ không có bảo đảm.

Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ: Có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm.

Trường hợp phá sản theo hình thức rút gọn thì sẽ không phải thực hiện bước này.

Bước 5: Tuyên bố doanh nghiệp phá sản

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp Hội nghị chủ nợ, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân phải thông báo cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh.

Bước 6: Thi hành quyết định

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành, phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản.

Câu hỏi:

  1. Thứ tự phân chia tài sản khi có quyết định tuyên bố phá sản như thế nào?

Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

– Chi phí phá sản;

– Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

– Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

– Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

  1. Doanh nghiệp thực hiện thủ tục tuyên bố phá sản cần những chi phí nào?

Doanh nghiệp thực hiện thủ tuyên bố phá sản cần chuẩn bị những chi phí sau:

+ Lệ phí phá sản.

+ Chi phí chi trả cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

+ Chi phí kiểm toán.

+ Chi phí đăng báo

  1. Lệ phí phá sản là bao nhiêu?

Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là 1.500.000đ

Những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, không phải chịu lệ phí Tòa án:

– Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn thanh toán.

– Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

  1. Chi phí chi trả cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được tính như thế nào?

Tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý

Mức thù lao
Dưới 100 triệu đồng 5% tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý.
Từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng 5 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 4% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 100 triệu đồng.
Từ trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng 20 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 3% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 500 triệu đồng.
Từ trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng 36 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 2% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 1 tỷ đồng.
Từ trên 10 tỷ đến 50 tỷ đồng Mức thù lao đối với tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý đến 10 tỷ đồng xác định theo mục 4 của Bảng này + 0,5% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 10 tỷ đồng.
Từ trên 50 tỷ đồng Mức thù lao đối với tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý đến 50 tỷ đồng xác định theo mục 5 của Bảng này + 0,3% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 50 tỷ đồng.

5. Không thực hiện thủ tục phá sản cho doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, chủ tịch hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Trên đây là bài viết về thủ tục phá sản cho doanh nghiệp. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 0987.062.757 – 0911.111.099. 

Bài viết liên quan