KHÔNG ĐỂ LẠI TÀI SẢN CHO TẤT CẢ CÁC CON CÓ ĐƯỢC KHÔNG
Câu hỏi: Chào Luật sư, năm nay tôi đã 70 tuổi nhưng sức khỏe đang xuống nhanh chóng. Chồng tôi đã mất được gần 40 năm, tôi ở vậy nuôi con bao nhiêu năm. Tới nay, tôi cũng đã tích lũy được vài mảnh đất. Nhưng ngặt một nỗi, tôi có 3 đứa con đều đã ngoài 30 tuổi nhưng lại có 2 đứa con bất hiếu khỏe mạnh nhưng không chịu làm ăn chỉ lo cờ bạc, rượu chè, giờ tôi muốn viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho đứa con út. Vì vậy mong Luật sư hướng dẫn tôi thực hiện thủ tục cho kín kẽ, chặt chẽ.
Trả lời: Cha mẹ sinh con trời sinh tính, Bác đã hy sinh rất nhiều để nuôi dạy các con khôn lới tới tận ngày hôm nay cũng xem như đã làm tròn trách nhiệm của người cha, người mẹ. Bây giờ là thời gian để Bác sống cuộc đời của Bác, chăm sóc sức khỏe bản thân và tận hưởng những thành quả lao động sau bao năm Bác đã vất vả. Đối với phần tài sản của Bác, việc Bác không muốn để lại tài sản cho tất cả các con phải phụ thuộc thêm vào nhiều yếu tố khác nữa.
Thứ nhất, để lại toàn bộ tài sản cho con út được không?
Đối với phần tài sản của Bác cần phải xác định đây là tài sản chung của vợ chồng Bác hay chỉ là tài sản riêng của Bác thì mới có căn cứ để lập di chúc để lại bao nhiêu phần tài sản cho người con út.
Trường hợp 1: tài sản chung của hai vợ chồng
Theo quy định của pháp luật, nếu đây là tài sản chung của 2 vợ chồng thì khối tài sản trên phải được chia làm hai phần bằng nhau. Bác chỉ có quyền quyết định không chia tài sản cho các con đối với một nửa tổng số tài sản trên.
Trong trường hợp của Bác vì chồng Bác đã qua đời, như vậy sẽ phát sinh vấn đề về di sản thừa kế của chồng Bác. Như vậy, hai người con kia của Bác có thể có một phần tài sản trong khối tài sản trên. Việc xác định phần tài sản của Bác và các con được xác định khi tiến hành thủ tục phân chia di sản thừa kế. Do đó, trong trường hợp này Bác không thể lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho người con út được mà chỉ có thể để lại phần tài sản riêng của bác cho người con út thôi.
Tham khảo: Thủ tục thừa kế quyền sử dụng đất
Trường hợp 2: Tài sản riêng
Nếu đây là tài sản riêng của bác thì bác hoàn toàn có mọi quyền quyết định đối với số tài sản trên. Cụ thể theo quy định tại Điều 626 Bộ Luật dân sự năm 2015, bác có các quyền sau:
“Điều 626. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”
Theo quy định trên, một người có đủ minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép thì có quyền lập di chúc định đoạt tài sản của mình. Như vậy, Bác hoàn toàn có quyền lập di chúc để lại tại sản cho bất kỳ đứa con nào và số lượng tài sản cho mỗi người là bao nhiêu. Bác có thể dựa trên mức độ hiếu thảo, công sức nuôi dưỡng của con cái mà chia di sản của mình cho các người con của mình.
Thứ hai, thủ tục lập di chúc
Theo quy định của pháp luật, không phải ai cũng có quyền được lập di chúc, người lập di chúc phải đáp ứng được điều kiện sau:
– Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Như vậy, theo quy định tại Điều 625 Bộ Luật dân sự năm 2015, người lập di chúc không bắt buộc phải là người thành niên mà người từ đủ 15 tuổi đã có quyền lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tuy nhiên, người lập di chúc phải là người trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, ép buộc lập di chúc.
Do đó, hiện nay tuổi của Bác cũng đã cao và như Bác chia sẽ sức khỏe của Bác cũng đang không còn được tốt vì vậy nếu Bác muốn lập di chúc thì Bác nên thực hiện sớm để đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo hiệu lực của di chúc.
Hiện nay di chúc có thể lập bằng 02 hình thức:
– Bằng văn bản;
– Bằng miệng.
Tham khảo: Nhờ người khác viết di chúc hộ, có hợp pháp hay không?
Một số lưu ý đối với các hình thức của di chúc
– Đối với di chúc bằng văn bản:
+ Di chúc phải gồm các nội dung: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản và các nội dung khác;
+ Không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu;
+ Nếu có nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc;
+ Nếu có tẩy xóa, sửa chữa thì người viết di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa đó;
+ Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
– Đối với di chúc bằng miệng
+ Tại thời điểm lập di chúc, người lập di chúc phải có tính mạng bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản;
+ Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ;
+ Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Trong hai hình thức trên, Bác vẫn nên chọn hình thức bằng văn bản. Bởi vì, việc lập di chúc bằng văn bản “giấy trắng mực đen ” nội dung của di chúc không thể tự ý thay đổi đươc. Như vậy, sẽ đảm bảo đúng ý nguyện của người lập di chúc cũng như thể hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người lập di chúc và những người thừa kế.
Đối với thủ tục lập di chúc Bác có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để đội ngũ Luật sư có thể hỗ trợ, hướng dẫn Bác thực hiện việc này một cách nhanh chóng, kín kẽ và đúng theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với câu hỏi của Bác, một lần nữa chúc Bác có thật nhiều sức khỏe trong cuộc sống!
Trân trọng!