Bảo vệ trẻ em được thực hiện theo mấy cấp độ ? Các biện pháp bảo vệ trẻ em theo từng cấp độ

BẢO VỆ TRẺ EM ĐƯỢC THỰC HIỆN THEO MẤY CẤP ĐỘ ? CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ TRẺ EM THEO TỪNG CẤP ĐỘ 

 

Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, do đó cần được chăm sóc, bảo vệ và giáo dục để trẻ phát triển hài hòa cả về thể chất và trí tuệ. Vậy bảo vệ trẻ em được thực hiện theo mấy cấp độ ? Các biện pháp bảo vệ trẻ em theo từng cấp độ như thế nào ? Hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

1. Trẻ em là gì ?

Định nghĩa trẻ em đã được xác định tại Điều 1, Công ước CRC: ” Trẻ em là những người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đã quy định tuổi thành niên sớm hơn “.

Pháp luật Việt Nam cũng có định nghĩa về trẻ em quy định tại Điều 1, Luật trẻ em năm 2016 như sau: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi.”

Như vậy, theo định nghĩa của pháp luật Việt Nam, trẻ em được hiểu là những người dưới 16 tuổi. Luật Trẻ em năm 2016 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em mà Việt Nam là một trong các quốc gia phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên hiệp quốc.

Quyền bảo vệ là bảo vệ trẻ em tránh mọi sự phân biệt đối xử, thoát khỏi sự bóc lột về kinh tế, sự lạm dụng, xâm hại về thể xác và tinh thần, bị lơ là và bỏ rơi, bị đối xử tàn tệ, bảo vệ trước các tệ nạn xã hội như buôn bán trẻ em, nghiện ma túy, lạm dụng khi vi phạm pháp luật hình sự, không bị buộc phải tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang, lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các em phải được bảo vệ trong tình trạng khẩn cấp, khủng hoảng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016: Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Các cấp độ bảo vệ trẻ em

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 47 Luật trẻ em 2016, cụ thể:

“Điều 47. Các yêu cầu bảo vệ trẻ em

1. Bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ sau đây:

a) Phòng ngừa;

b) Hỗ trợ;

c) Can thiệp.”

Như vậy, bảo vệ trẻ em được thực hiện theo 3 cấp độ là: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp.

Tham khảo thêm: Cha có được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Ảnh Minh họa

3. Các biện pháp bảo vệ trẻ em theo từng cấp độ

Theo quy định tại Điều 48 Luật Trẻ em 2016, Cấp độ phòng ngừa bao gồm:

Cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

– Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa bao gồm:

a) Tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

b) Cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em;

c) Trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn;

d) Giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em;

đ) Xây dựng môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em.

Theo quy định tại Điều 49 Luật trẻ em 2016, Cấp độ hỗ trợ bao gồm:

Cấp độ hỗ trợ bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.

– Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ bao gồm:

a) Cảnh báo về nguy cơ trẻ em bị xâm hại; tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và trẻ em nhằm tạo lập lại môi trường sống an toàn cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại;

b) Tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại, áp dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

c) Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật này;

d) Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

Theo quy định tại Điều 50 Luật trẻ em 2016, Cấp độ can thiệp gồm:

Cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

– Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp bao gồm:

a) Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

b) Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;

c) Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Luật này;

d) Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

đ) Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;

e) Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

g) Các biện pháp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ em quy định tại Khoản 1 Điều 43, Khoản 1 Điều 44 và Điểm d Khoản 2 Điều 49 của Luật này;

Tham khảo thêm: Ly hôn ai được quyền ưu tiên nuôi con

CÁC TỔ CHỨC BẢO VỆ TRẺ EM Ở VIỆT NAM

Bảo vệ trẻ em là việc quan tâm hàng đầu của nhà nước, hiện nay tại Việt Nam có các tổ chức, cơ quan bảo vệ trẻ em sau:

  •  Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp;
  •  Chính phủ;
  •  Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân;
  •  Bộ lao động – thương binh xã hội;
  •  Bộ Tư pháp;
  •  Bộ Y tế;
  •  Bộ GD&ĐT;
  •  Bộ Văn hóa thể thao du lịch;
  •  Bộ Thông tin truyền thông;
  •  Bộ Công an;
  •  Ủy ban nhân dân các cấp;
  •  MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận;
  •  Tổ chức xã hội;
  •  Tổ chức kinh tế;
  •  Tổ chức liên ngành về trẻ em;
  •  Quỹ bảo trợ trẻ em;
  •  Ủy ban quốc gia về trẻ em.

Bài viết liên quan