Bị công ty nợ tiền lương người lao động nên làm gì?

BỊ CÔNG TY NỢ TIỀN LƯƠNG NGƯỜI LAO ĐỘNG NÊN LÀM GÌ?

Câu hỏi: Chào anh chị Luật sư, em làm việc tại công ty A được 3 năm và ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với mức lương là 15.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện nay đã 03 tháng công ty không trả tiền lương cho em. Vậy anh chị cho em hỏi bây giờ em phải làm gì để đòi tiền lương ạ?

Trả lời: Tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến tình trạng nợ lương người lao động. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình người lao động có thể tiến hành các cách dưới đây để lấy tiền lương của mình.

Quy định về nguyên tắc trả lương của người sử dụng lao động

Nguyên tắc trả lương được quy định tại Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể như sau:

“Điều 94. Nguyên tắc trả lương

1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.”

Như vậy theo quy định trên, người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ trả lương đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.

Tham khảo: Điều kiện để người lao động được hưởng tháng lương thứ 13 quy định như thế nào ?

Bên cạnh đó, kỳ hạn trả lương cũng được quy định cụ thể tại Điều 97 Bộ Luật Lao động năm 2019, cụ thể như sau:

“Điều 97. Kỳ hạn trả lương

1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.”

Như vậy, mặc dù theo nguyên tắc là người sử dụng lao động phải trả lương đúng hạn nhưng trong một số trường hợp thì người sử dụng lao động có thể chậm lương nhưng không được quá 30 ngày, nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Do đó, trong trường hợp của bạn, công ty đã nợ lương bạn 03 tháng, như vậy công ty đã vi phạm nguyên tắc và kỳ hạn trả lương theo quy định của bộ luật lao động. Theo quy định của pháp luật, ngoài tiền lương bạn được nhận thì bạn còn được nhận đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi bạn mở tài khoản nhận lương.

Người lao động cần làm gì khi bị công ty nợ lương?

Khi công ty không trả lương người lao động, người lao động có sử dụng các cách sau để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình:

Thứ nhất, gửi yêu cầu trực tiếp đến Ban lãnh đạo công ty giải quyết tiền lương. Có thể công ty đang cố tình không trả lương hoặc vì một lý do nào khác không trả lương nên việc gửi yêu cầu trực tiếp lên Ban lãnh đạo công ty tưởng chừng như vô nghĩa nhưng thực chất là không. Giả sử nếu hai bên có thể thỏa thuận được thì vừa có thể giải quyết nhanh chóng lại không bị tốn kém. Trường hợp không thể thỏa thuận thì đây cũng có thể xem là một nguồn chứng cứ để phục vụ cho các công việc khác ví dụ như khởi kiện tại Tòa án.

Thứ hai, gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết.

Thời hạn thụ lý là 07 ngày làm việc kể từ ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.

Thời hạn giải quyết không quá 45 ngày (vụ việc phức tạp không quá 60 ngày), kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày (vụ việc phức tạp không quá 90 ngày), kể từ ngày thụ lý.

Tham khảo: Mức lương thử việc được áp dụng hiện nay như thế nào

Lưu ý: Việc khiếu nại tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ được tiếp nhận sau khi đã tiến hành khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó. Do đó, người lao động cần tiến hành thủ tục gửi đơn khiếu nại đến Lãnh đạo công ty trước khi gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trường hợp đã khiếu nại lần hai nhưng không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính.

Thứ ba, khởi kiện tại Tòa

Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.

Lưu ý:

– Tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án. (Theo quy định tại khoản 1, Điều 188, Bộ luật Lao động năm 2019).

– Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. (Theo quy định tại khoản 3, Điều 190, Bộ luật Lao động năm 2019).

Bài viết liên quan