Câu hỏi uỷ quyền khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại

CÂU HỎI UỶ QUYỀN KHIẾU NẠI, THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Ông Nguyễn Văn X bị Chánh thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Y xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng sai giấy phép bằng hình thức phạt tiền và buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng trái phép.

Cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói trên là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, ông X thực hiện việc khiếu nại.

  1. Phân tích các quyền và nghĩa vụ của ông X theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
  2. Trường hợp nào thì ông X được ủy quyền và có thể ủy quyền cho ai thực hiện việc khiếu nại, nêu căn cứ pháp lý.
  3. Phân tích các trường hợp khiếu nại của ông X không được thụ lý giải quyết.
  4. Phân tích những điểm khác nhau trong thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu và giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại của ông X.

                                      MỞ ĐẦU

Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011. Trong đời sống xã hội hiện nay, việc khiếu nại của công dân, cơ quan, tổ chức đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã trở nên phổ biến bởi ý nghĩa thực tế rất to lớn của nó thể hiện trong đời sống. Trường hợp ông Nguyễn Văn X cho rằng quyết định của Chánh thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Y xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng sai giấy phép bằng hình thức phạt tiền và buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng trái phép là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, ông X thực hiện việc khiếu nại. Thông qua bài làm dưới đây, nhóm chúng em sẽ đi vào giải quyết, phân tích những vấn đề pháp lý liên quan đến việc khiếu nại này.

                                      NỘI DUNG

1. Câu 1: Phân tích các quyền và nghĩa vụ của ông X theo quy định của pháp luật về khiếu nại

Căn cứ theo khoản 1 điều 12 Luật khiếu nại, ông X có các quyền dưới đây:

          Thứ nhất, Ông X có quyền tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp ông X là người già yếu, ốm đau, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan mà không tự mình thực hiện được việc khiếu nại thì có quyền ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột hoặc người khác có đủ năng lực hành vi dân sự thực hiện việc khiếu nại.  Quyền tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại giúp cho người có quyền khiếu nại, ở đây là ông X có thể thực hiện quyền khiếu nại của mình một cách thuận tiện và cũng có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của mình một cách tốt nhất.

          Thứ hai, ông X có quyền nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Nếu ông X là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Bởi rằng đa số trường hợp khiếu nại, nhất là cá nhân, họ không có quá nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước cơ quan nhà nước. Họ thường lâm vào thế yếu với người bị khiếu nại và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là chủ thể quản lý nhà nước. Bởi vậy nên nếu ông X ủy quyền cho luật sư hay trợ giúp viên pháp lý thực hiện việc khiếu nại thì khả năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông X càng được đảm bảo. 

          Thứ ba, ông X có quyền đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó. Bên cạnh đó, ông X có quyền tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại. Khi tham gia đối thoại, ông X hoặc người được ủy quyền có cơ hội để trình bày quan điểm, đưa ra minh chứng cho yêu cầu khiếu nại, được lắng nghe người bị khiếu nại đưa ra chứng cứ chứng minh tính hợp pháp của quyết định. Qua việc này mà ông X có thể hiểu rõ hơn về tính chất, mức độ đúng hay sai trong yêu cầu khiếu nại của mình.

          Thứ tư, ông X có quyền được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước. Qua đó, ông X biết được các căn cứ để giải quyết khiếu nại đã đầy đủ chưa, có phù hợp với yêu cầu khiếu nại của mình hay không. 

          Thứ năm, ông X có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước.

          Thứ sáu, ông X có quyền được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại. 

          Thứ bảy, ông X có quyền nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại. 

          Thứ tám, ông X có quyền được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Khiếu nại là việc người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định, hành vi hành chính bị cho là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của họ yêu cầu xem xét lại tính hợp pháp của hành vi, quyết định đó. Vậy nên quyền được khôi phục, lợi ích hợp pháp bị xâm hại bởi quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại là rất quan trọng. 

          Thứ chín, ông X có quyền khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Sau khi khiếu nại lần đầu, nếu ông X không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại hoặc khiếu nại không được giải quyết thì ông X có quyền khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án để cơ quan có thẩm quyền xem xét lại tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại. 

          Thứ mười, ông X có quyền rút khiếu nại. Ông X hoàn toàn có quyền rút yêu cầu khiếu nại tại bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại sau khi đưa yêu cầu khiếu nại đến người có thẩm quyền. Khi đó thì người giải quyết khiếu nại đỉnh chỉ việc giải quyết khiếu nại, không phụ thuộc vào quyết định, hành vi bị khiếu nại có trái pháp luật hay không. 

Căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011, người khiếu nại – Ông X có các nghĩa vụ như sau:

          Thứ nhất, ông X có nghĩa vụ phải khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết, bởi lẽ trong hoạt động quản lý nhà nước có sự phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể rõ ràng giữa các cơ quan, mỗi cơ quan có trách nhiệm và quyền hạn của mình trong từng lĩnh vực cụ thể.

          Chính vì vậy, trước khi gửi đơn khiếu nại, ông X phải tìm hiểu xem cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc của mình để thực hiện cho đúng, chỉ có như vậy thì khiếu nại mới được giải quyết nhanh chóng, quyền và lợi ích hợp pháp của người đi khiếu nại mới được khôi phục và bảo vệ một cách kịp thời, đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, ông X có nghĩa vụ trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó.

Thứ ba, ông X cần chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35 của Luật này

Thứ tư, ông X có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

2. Câu 2: Trường hợp nào thì ông X được ủy quyền và có thể ủy quyền cho ai thực hiện việc khiếu nại, nêu căn cứ pháp lý

          Căn cứ pháp lý: Điều 12 Luật khiếu nại năm 2011, Điều 5 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.

          Có bốn trường hợp ông X được ủy quyền và có thể ủy quyền cho các đối tượng dưới đây thực hiện việc khiếu nại.

          Thứ nhất, căn cứ vào điểm a khoản 1 điều 12 Luật khiếu nại năm 2011, trong trường hợp ông X là người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của ông X là người thực hiện việc khiếu nại.

          Thứ hai, căn cứ vào điểm a, khoản 1 điều 12 Luật khiếu nại năm 2011, trong trường hợp ông X là người ốm đau, già yếu, có nhược điểm thể chất hoặc vì lý do khách quan khác không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.

          Thứ ba, căn cứ vào điểm b, khoản 1 điều 12 Luật khiếu nại năm 2011, trong trường hợp ông X nhờ luật sư tư vấn pháp luật thì có thể ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ tư, căn cứ vào điểm b, khoản 1 điều 12 Luật khiếu nại năm 2011, trong trường hợp ông X là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được ủy uyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

          Từ những quy định trên của pháp luật thì ông X có thể ủy quyền cho người khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ông X được ủy quyền cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau những không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Văn bản ủy quyền được thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 124/2020/NĐ-CP. Căn cứ vào điều 5 Nghị định 124/2020/NĐ-CP thì việc ủy quyền phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Giấy ủy quyền khiếu nại được thực hiện theo mẫu số 02 ban hành kèm theo nghị định này.

3. Câu 3: Phân tích các trường hợp khiếu nại của ông X không được thụ lý giải quyết

          Theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011 thì cá nhân, tổ chức được thực hiện quyền khiếu nại của mình khi thấy những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không đúng và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, không phải lúc nào cá nhân, tổ chức nộp đơn khiếu nại cũng được thụ lý giải quyết. Căn cứ theo điều 11 Luật khiếu nại năm 2011, dưới đây là những trường hợp khiếu nại của ông Nguyễn Văn X không được thụ lý giải quyết.

          Thứ nhất, trường hợp ông X không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp. Trong trường hợp này, đơn khiếu nại của ông X sẽ không được thụ lý giải quyết. Khiếu nại làm phát sinh quan hệ với nhiều người, thực hiện nhiều hành vi, thủ tục… để trực tiếp khiếu nại. Vì vậy, người khiếu nại phải có đủ năng lực hành vi dân sự mới được phép khiếu nại. Nếu không đủ năng lực hành vi dân sự mà tham gia sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình khiếu nại, gây cản trở cho hoạt động của cơ quan nhà nước.

          Thứ hai, trường hợp trong đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của ông X. Việc thiếu chữ ký hoặc điểm chỉ của ông X sẽ gây ảnh hưởng tới việc xác định ông X có thực sự muốn khiếu nại hay không và vi phạm quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại Luật định.

          Thứ ba, trường hợp thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà ông X không có lý do chính đáng về việc nộp đơn khiếu nại khi quá thời hạn, thời hiệu. Pháp luật trao quyền khiếu nại, đồng thời cũng giới hạn thời gian khiếu nại. Nếu không thực hiện việc khiếu nại đúng thời hạn thì có thể mặc định ông X đã từ chối quyền.

          Thứ tư, trường hợp đã có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày ông X không tiếp tục khiếu nại.

          Thứ năm, trường hợp người thực hiện khiếu nại là người đại diện không hợp pháp của ông X. Tức là, ông X ủy quyền cho những người không thuộc các trường hợp được ủy quyền nêu ra theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 điều 12 Luật khiếu nại năm 2011.

          Thứ sáu, trường hợp khiếu nại của ông X đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết lần hai đồng nghĩa với việc vấn đề khiếu nại này đã được xem xét, xác minh kỹ lưỡng là không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông X. Nếu ông X vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần hai, ông X có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án để cơ quan có thẩm quyền xem xét lại một lần nữa tính hợp pháp của quyết định bị khiếu nại. Quy định này đặt ra để tránh tình huống một người khiếu nại nhiều lần nhưng trước đó đã giải quyết, vậy phải dừng quyền khiếu nại.

          Thứ bảy, trường hợp khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án. Theo pháp luật nước ta, Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xét xử, khởi kiện, không ai có quyền can thiệp vào quyết định của Tòa án. Vì thế, khiếu nại đã được Tòa án thụ lý, đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án thì không thể thụ lý bản án, quyết định của Tòa án.

4. Câu 4: Phân tích những điểm khác nhau trong thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu và giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại của ông X

Trong trường hợp ông X khiếu nại hai lần, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu và thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai có nhiều điểm khác nhau. Các điểm này được thể hiện rõ thông qua các bước trong thủ tục giải quyết khiếu nại. Cụ thể:

          Bước 1: Thụ lý giải quyết khiếu nại

          Căn cứ pháp lý: Điều 27, Điều 36, Luật khiếu nại năm 2011, Điều 16 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.

          Khác với giải quyết khiếu nại lần đầu, trong giải quyết khiếu nại lần hai có đề cập đến, đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai của ông Nguyễn Văn X có thể thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại. Điều này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông X một cách tối đa, đồng thời, cũng giúp cho việc giải quyết khiếu nại có thể được giải quyết một cách khách quan, chính xác nhất. Tránh trường hợp một người giải quyết khiếu nại giải quyết không đúng hoặc không giải quyết được khiếu nại của ông X, gây bất lợi cho một trong hai bên là ông Nguyễn Văn X hoặc Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh Y.

          Ngoài ra, căn cứ vào điều 28, điều 37 Luật khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu và lần hai của ông X sẽ có điểm khác biệt. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; trong trường hợp vụ việc phức tạp hơn thì không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai đối với tình huống của ông X sẽ dài hơn so với lần đầu, không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý, đối với trường hợp phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý. Sở dĩ có sự khác nhau như vậy, đơn giản cũng là vì bao giờ giải quyết lần hai cũng yêu cầu thẩm tra, xem xét lại kỹ lưỡng hơn. Ông X khiếu nại lần hai vì quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu vẫn chưa giải quyết được hoặc giải quyết không đúng những bất lợi mà quyết định hành chính gây ảnh hưởng tới ông. Và việc tổ chức đối thoại là hoạt động bắt buộc trong giải quyết khiếu nại lần hai cũng chiếm một phần thời gian hơn so với giải quyết khiếu nại lần đầu.

          Bước 2: Thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ và lập hồ sơ giải quyết khiếu nại

          Thứ nhất, trong quá trình làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và người bị khiếu nại

          Căn cứ pháp lý: Điều 20, Nghị định 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật khiếu nại.

          Đối với giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại lần đầu chỉ làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn X, yêu cầu ông Nguyễn Văn X cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến việc xây dựng của mình nhằm bảo vệ những quyền, lợi ích của ông Nguyễn Văn X.

          Đối với giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại lần hai ngoài làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn X còn làm việc trực tiếp với người bị khiếu nại là Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh Y. Ngoài ra, người giải quyết khiếu nại lần hai không chỉ yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại mà còn yêu cầu giải trình về quyết định hành chính lần đầu của Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh Y đối với hành vi xây dựng trái phép của ông Nguyễn Văn X. Ở giải quyết khiếu nại lần hai, có sự xuất hiện của người bị khiếu nại cùng với quyết định hành chính của người bị khiếu nại. Sự xuất hiện của Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh Y cùng với quyết định hành chính của Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh Y giúp việc giải quyết khiếu nại lần hai được giải quyết một cách khách quan nhất, không gây bất lợi tới ông X hay Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh Y.

          Thứ hai, tổ chức đối thoại

          Căn cứ pháp lý: Điều 30, Khoản 1 Điều 39 Luật khiếu nại; Khoản 1 Điều 28 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.

          Hoạt động tổ chức đối thoại không bắt buộc tổ chức trong trường hợp giải quyết khiếu nại lần đầu. Tổ chức đối thoại chỉ được thực hiện khi yêu cầu khiếu nại của ông X và kết quả của việc xác minh nội dung khiếu nại có sự khác nhau, không khớp. Lúc này, người giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ tổ chức đối thoại với ông Nguyễn Văn X, Chánh thanh trở Sở xây dựng tỉnh Y và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan khác.

          Song, với trường hợp giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại lần hai buộc phải tổ chức đối thoại với ông Nguyễn Văn X. Và kết quả đối thoại sẽ là yêu cầu bắt buộc trong quá trình ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Quy định này được đưa ra nhằm xác minh một cách khách quan nhất với vụ việc khiếu nại, để các bên liên quan nắm rõ các vấn đề liên quan khiến việc khiếu nại vẫn chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đúng. Mục đích của việc đối thoại nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông X, đồng thời, loại trừ những sai lầm có thể có trong quyết định hành chính tạo điều kiện thống nhất, xem xét, tuân thủ pháp luật giữa ông X với Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh Y.

          Bước 3: Các quyết định giải quyết khiếu nại

          Thứ nhất, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại

          Căn cứ pháp lý: Điều 31, Điều 40 Luật khiếu nại, điểm a khoản 1 Điều 29 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.

          Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu được ban hành bởi người giải quyết khiếu nại lần đầu, nội dung căn cứ theo khoản 2 Điều 31 Luật khiếu nại. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần hai được quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật khiếu nại. Nếu như trong giải quyết khiếu nại lần đầu không yêu cầu bắt buộc phải có kết quả đối thoại thì trong trường hợp thứ hai yêu cầu bắt buộc có kết quả đối thoại. Sở dĩ có sự khác nhau như này là do tại bước 2, việc tổ chức đối thoại không bắt buộc quy định ở trường hợp giải quyết khiếu nại lần đầu, chỉ bắt buộc trong trường hợp giải quyết khiếu nại thứ hai.

          Trường hợp giải quyết khiếu nại lần hai bắt buộc phải có kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu về việc khiếu nại của ông Nguyễn Ông X đối với Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh Y.

          Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người giải quyết khiếu nại lần đầu đề cập người giải quyết khiếu nại lần đầu được trực tiếp giữ nguyên, hủy bỏ toàn bộ hoặc sửa đổi bổ sung một phần quyết định hành chính của mình đối với vụ việc của ông Nguyễn Văn X. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai do người giải quyết khiếu nại lần hai yêu cầu người có quyết định chính bị khiếu nại (tức Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh Y) sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính bị khiếu nại.

          Cả hai quyết định giải quyết khiếu nại đều đề cập đến quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Tuy nhiên, đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai không có đề cập đến quyền khiếu nại lần tiếp theo, mà ở quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có đề cập đến. Như vậy, ở quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, ông Nguyễn Văn X có hai quyền, đó là quyền khiếu nại lần hai và quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

          Thứ hai, thời hạn gửi quyết định giải quyết khiếu nại

          Căn cứ pháp lý: Điểm a khoản 2 Điều 29 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.

          Đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu được gửi trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định khiếu nại cho ông Nguyễn Văn X, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai.

          Khác với trường hợp giải quyết khiếu nại lần đầu, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai được gửi trong thời hạn dài hơn, gửi trong 7 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho ông Nguyễn Văn X, Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh Y.

          Như vậy, trong trường hợp của ông X, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu với thủ tục khiếu nại lần hai có nhiều điểm khác nhau nhất định ngay ở những bước đầu tiên, bước thụ lý cho đến bước ban hành, gửi, công khai các quyết định giải quyết khiếu nại. Điều này đòi hỏi ông Nguyễn Văn X, cũng như các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến giải quyết khiếu nại trong vụ việc này cần nắm rõ để thực hiện theo đúng thủ tục mà pháp luật quy định.

                                            KẾT LUẬN

Xã hội ngày càng phát triển, công dân ngày càng hiểu biết về những quyền cơ bản của mình để áp dụng vào trong đời sống, một trong số đó là quyền khiếu nại. Trường hợp ông Nguyễn Văn X thực hiện việc khiếu nại đã cho thấy được ý nghĩa của nó trong đời sống: Khiếu nại có ý nghĩa rất thiết thực để cơ quan, tổ chức hoặc công dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đây cũng là một hình thức tham gia hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, khiếu nại là hình thức thể hiện quyền làm chủ của công dân trong hoạt động quản lý nhà nước và cung như là một hình thức biểu hiện trực tiếp về mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. 

                    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

*Giáo trình

  1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Công an nhân dân năm 2009.
  2. Tr­ường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Công an nhân dân.

*Văn bản pháp luật

  1. Hiến pháp năm 2013
  2. Luật khiếu nại 2011
  3. Nghị định 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khiếu nại

                                             PHỤ LỤC

Trích dẫn một số quy định pháp luật được sử dụng trong bài

*Hiến pháp 2013

Điều 30:

  1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền đòi bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
  3. Nghiêm cấm việc trả thù người người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

*Luật khiếu nại năm 2011

Điều 2: Giải thích từ ngữ

Trong Luật này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
  2. Người khiếu nạilà công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.
  3. Rút khiếu nạilà việc người khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chấm dứt khiếu nại của mình.
  4. Cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nạilà cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân.
  5. Người bị khiếu nạilà cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại.
  6. Người giải quyết khiếu nạilà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
  7. Người có quyền, nghĩa vụ liên quanlà cá nhân, cơ quan, tổ chức mà không phải là người khiếu nại, người bị khiếu nại nhưng việc giải quyết khiếu nại có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ.
  8. Quyết định hành chínhlà văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
  9. Hành vi hành chínhlà hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
  10. Quyết định kỷ luậtlà quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
  11. Giải quyết khiếu nạilà việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Điều 11: Các khiếu nại không được thụ lý giải quyết

Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết:

  1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;
  2. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
  3. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
  4. Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;
  5. Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
  6. Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;
  7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
  8. Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;
  9. Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.

Điều 12: Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại

  1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Tự mình khiếu nại.

Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại;

Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại;

b) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

c) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;

d) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

đ) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

e) Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;

g) Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;

h) Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

i) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

k) Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính;

l) Rút khiếu nại.

       2.Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

b) Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35 của Luật này;

d) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

       3.Người khiếu nại thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 27: Thụ lý giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

Điều 28: Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Điều 30: Tổ chức đối thoại

  1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
  2. Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
  3. Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
  4. Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
  5. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Điều 31: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu

  1. Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
  2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có các nội dung sau đây:
  3.  Ngày, tháng, năm ra quyết định;
  4.  Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại;
  5.  Nội dung khiếu nại;
  6.  Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

đ) Kết quả đối thoại (nếu có);

  1. Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
  2.  Kết luận nội dung khiếu nại;
  3.  Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại;
  4.  Việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có);
  5.  Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
  6. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.

Điều 35: Áp dụng biện pháp khẩn cấp

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó. Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết. Quyết định tạm đình chỉ phải được gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan và những người có trách nhiệm thi hành khác. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì phải hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ đó.

Điều 36: Thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai

  1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật này, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
  2. Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại.

Điều 37: Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Điều 39: Tổ chức đối thoại lần hai

          Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại. Việc tổ chức đối thoại lần hai thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật này.

Điều 40: Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai

  1. Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
  2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung sau đây:
  3.  Ngày, tháng, năm ra quyết định;
  4.  Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại;
  5. Nội dung khiếu nại;
  6.  Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu;

– Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

  1.  Kết quả đối thoại;
  2.  Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
  3.  Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính;
  4. Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có);
  5.  Quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.

*Nghị định 124/2020/NĐ-CP

Điều 5: Đại diện thực hiện việc khiếu nại

  1. Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
  2. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
  3. Việc ủy quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Văn bản ủy quyền khiếu nại được thực hiện theo Mẫu số 02ban hành kèm theo Nghị định này.
  4. Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong những người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Điều 16: Thụ lý giải quyết khiếu nại

  1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền giải quyết mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nạithì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung và cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại thì thụ lý khi trong đơn khiếu nại có đầy đủ chữ ký của những người khiếu nại và có văn bản cử người đại diện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này. Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.
  2. Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý bằng văn bản đến người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến (nếu có) và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết. Đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thì văn bản thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý được gửi cho người khiếu nại. Trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung và cử người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì văn bản thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý được gửi đến một trong số những người đại diện.

Thông báo việc thụ lý giải quyết khiếu nại thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này. Thông báo việc không thụ lý giải quyết khiếu nại thực hiện theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 20: Làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và người bị khiếu nại

  1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại.
  2. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh làm việc trực tiếp với người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại, giải trình về quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại,
  3. Nội dung làm việc quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung và có chữ ký của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản. Biên bản làm việc thực hiện theo Mẫu số 06ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 28: Tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai

  1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại.
  2. a) Người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở hoặc tương đương phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại.
  3. b) Người giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại trong trường hợp khiếu nại phức tạp (có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội).

Đối với các trường hợp khác, người giải quyết khiếu nại có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người khiếu nại. Trong quá trình đối thoại, người được phân công phải kịp thời báo cáo với người giải quyết khiếu nại về những nội dung phức tạp, vượt quá thẩm quyền; kết thúc đối thoại phải báo cáo với người giải quyết khiếu nại về kết quả đối thoại và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.

  1. Người chủ trì đối thoại phải tiến hành đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có quyền, lợi ích liên quan. Người chủ trì đối thoại khi đối thoại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, bổ sung thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình. Người chủ trì đối thoại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới người tham gia đối thoại gồm người khiếu nại, người đại diện (trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung) người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan về thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại.
  2. Việc đối thoại được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia (ghi rõ người dự và người vắng mặt; trường hợp người khiếu nại không tham gia đối thoại thì ghi rõ có lý do hoặc không có lý do), nội dung, ý kiến của những người tham gia, những nội dung đã được thống nhất, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và có chữ ký của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất ba bản, mỗi bên giữ một bản. Biên bản đối thoại được thực hiện theo Mẫu số 14ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 29: Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại

  1. Căn cứ quy định của pháp luật, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, kết quả đối thoại (nếu có), người giải quyết khiếu nại ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định sau đây:
  2. a)Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính lần đầu thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Luật Khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 40 của Luật Khiếu nại.

Trong quyết định giải quyết khiếu nại phải thể hiện rõ điều kiện thụ lý giải quyết khiếu nại; tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lý do khiếu nại, yêu cầu giải quyết của người khiếu nại; kết quả giải quyết khiếu nại trước đó (nếu có); kết quả xác minh nội dung khiếu nại; nêu rõ căn cứ để kết luận nội dung khiếu nại là đúng toàn bộ, sai toàn bộ hoặc đúng một phần; giữ nguyên, hủy bỏ toàn bộ hoặc sửa đổi, bổ sung một phần quyết định hành chính hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại (đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu) hoặc yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại (đối với giải quyết khiếu nại lần hai); việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có) và giải quyết các vấn đề khác có liên quan; quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

  1. b) Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật Khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định tại Điều 56 của Luật Khiếu nại.

Trong quyết định giải quyết khiếu nại phải thể hiện rõ tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lý do khiếu nại, kết quả xác minh, kết quả đối thoại; nêu rõ các căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; kết luận về nội dung khiếu nại; giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định kỷ luật (đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu) hoặc kết luận về từng vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại và việc giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu (đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai); việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có) và giải quyết các vấn đề khác có liên quan; quyền khiếu nại lần hai hoặc quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án.

c) Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thực hiện theo Mẫu số 15, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thực hiện theo Mẫu số 16ban hành kèm theo Nghị định này.

  1. Gửi quyết định giải quyết khiếu nại:
  2. a) Đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại; người giải quyết khiếu nại lần hai, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

  1. b) Đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được gửi cho Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

  1. Công khai quyết định giải quyết khiếu nại:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi có quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức sau:

a) Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác

Thành phần tham dự gồm: người giải quyết khiếu nại, người khiếu nại hoặc người đại diện thực hiện việc khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trước khi tiến hành cuộc họp công khai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có văn bản thông báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết trước 03 ngày.

b) Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại. Thời gian niêm yết quyết định giải quyết khiếu nại ít nhất là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

c) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

Việc thông báo quyết định giải quyết khiếu nại trên các phương tiện thông tin đại chúng gồm báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm lựa chọn một trong các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện việc thông báo. Trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử thì phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Số lần thông báo trên báo nói ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo hình ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo in ít nhất 02 số phát hành liên tục. Thời gian đăng tải trên báo điện tử, trên cổng thông tin điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử ít nhất là 15 ngày liên tục.

Trên đây là bài viết về Câu hỏi uỷ quyền khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại  . Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến quy định của pháp luật, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.

– Gọi điện tới số điện thoại 0911.111.099 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

 

Bài viết liên quan