Chế độ ăn, mặc, ở, y tế của phạm nhân và đánh giá những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành án hình sự mới nhất

CHẾ ĐỘ ĂN, MẶC, Ở, Y TẾ CỦA PHẠM NHÂN VÀ ĐÁNH GIÁ NHỮNG VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ MỚI NHẤT

Khi đề cập tới ngành luật thi hành án hình sự chúng ta đều sẽ liên tưởng tới những điển hình như việc thi hành án tử hình, thi hành án phạt tù hay thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, quả thực những hình phạt trên rất phổ biến trên nhiều kênh thông tin và nó không xa lạ gì với đại đa số mọi người. Nhưng quy định cũng như hoạt động của ngành luật này không chỉ xoay quanh những điển hình đó, mà nó còn mang tính chất bao trùm và sâu rộng hơn nữa, trong đó có thể kể đến như quy định về chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt và chăm sóc y tế với phạm nhân, đây cũng là quy định pháp luật nằm trong luật thi hành án hình sự mà ít người biết tới. Vì vậy, để tìm hiểu sâu hơn quy định này mời quý bạn đọc tham khảo qua bài viết dưới đây cùng LUẬT VIỆT CHÍNH nhé!

I.    Khái quát quy định của pháp luật về chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân

1. Chế độ ăn, ở đối với phạm nhân

Căn cứ tại Điều 48 Luật thi hành án hình sự 2019 quy định như sau:

          Phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, chất đốt. Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Các ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, phạm nhân được ăn thêm nhưng mức ăn không quá 05 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Ngoài ra, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không được quá 03 lần định lượng trong 01 tháng cho mỗi phạm nhân. Phạm nhân được bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh. Việc nấu ăn cho phạm nhân do phạm nhân đảm nhiệm dưới sự giám sát, kiểm tra của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Bếp ăn cho phạm nhân được cấp các dụng cụ cần thiết cho việc nấu ăn, đun nước uống và chia đồ ăn cho phạm nhân theo khẩu phần tiêu chuẩn.

          Phạm nhân được ở theo buồng giam tập thể, trừ phạm nhân đang bị giam riêng theo quy định tại các điểm d, đ, e, g khoản 2 và khoản 3 Điều 30 của Luật này. Chỗ nằm tối thiểu của mỗi phạm nhân là 02 m2. Đối với phạm nhân có con nhỏ ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 03 m2.

2. Chế độ mặc và tư trang của phạm nhân

          Theo Điều 49 Luật thi hành án hình sự 2019 quy định: Phạm nhân được cấp quần áo theo mẫu thống nhất, khăn mặt, chăn, chiếu, màn, dép, mũ hoặc nón, xà phòng, kem và bàn chải đánh răng; phạm nhân nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ. Phạm nhân tham gia lao động được cấp thêm quần áo để lao động và căn cứ vào điều kiện công việc cụ thể được cấp dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết.

 3. Chế độ sinh hoạt

          Phạm nhân được tạo điều kiện tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của mình theo quy định tại Điều 50 Luật thi hành án hình sự 2019 như sau:

          Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án. Mỗi phân trại của trại giam có thư viện, khu vui chơi, sân thể thao, được trang bị một hệ thống truyền thanh nội bộ, mỗi buồng giam tập thể được trang bị 01 ti vi. Thời gian hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình của phạm nhân được thực hiện theo nội quy trại giam. Phạm nhân theo tôn giáo được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp và được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân

          Các cơ sở giam giữ cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho phạm nhân, đảm bảo các điều kiện trong khuôn khổ quy định tại Điều 55 Luật thi hành án hình sự 2019. Trong đó, bao gồm kiểm tra sức khỏe định kỳ và chăm sóc y tế khi cần thiết. Cụ thể, phạm nhân sẽ được tổ chức khám sức khỏe tổng quát định kỳ ít nhất 02 năm/lần theo các chuyên khoa và lưu kết quả vào hồ sơ để quản lý, theo dõi sức khỏe của phạm nhân. Các cơ sở giam giữ phải đảm bảo các biện pháp cấp cứu và xử lý y tế khi phạm nhân gặp các vấn đề sức khỏe khẩn cấp.

          Đối với phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy và các chất kích thích, căn cứ điều kiện, khả năng trại giam tổ chức khám bệnh, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; trường hợp phạm nhân xét nghiệm có kết quả dương tính với ma túy và các chất kích thích thì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức cai nghiện theo quy định. Phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS, Lao, các bệnh truyền nhiễm và bệnh mạn tính khác được chăm sóc, điều trị theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam:

          Phạm nhân nữ trong thời gian mang thai, nghỉ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong cơ sở giam giữ phạm nhân thì tổng định lượng ăn bằng 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường so với định lượng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ; phạm nhân nữ sinh con trong trại giam được cấp các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh tương đương 01 tháng định lượng ăn của trẻ em là con phạm nhân theo quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp phạm nhân nữ có thai không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu 03 m2/phạm nhân, được giảm thời gian lao động và được chăm sóc y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Tham khảo thêm Những trường hợp nào phải hòa giải tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện?

II.    Đánh giá quy định của PLVN trong thực tiễn thi hành các chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân

1. Thực tiễn thi hành pháp luật

Thực tiễn chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân

          Thực hiện Luật Thi hành án hình sự, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của liên ngành và của Bộ Công an, chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân trong các trại giam đã được nâng lên, mang đầy ý nghĩa nhân văn, tạo môi trường thuận lợi để phạm nhân học tập, lao động, rèn luyện, cải tạo tiến bộ. Bên cạnh việc bảo đảm thực hiện đầy đủ chế độ ăn cho người bị kết án tù, các trại giam đã tổ chức cho phạm nhân tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống; tổ chức hệ thống căn tin phục vụ phạm nhân mua hàng thiết yếu bằng sổ lưu ký, giá cả được niêm yết công khai, đáp ứng thêm nhu cầu sinh hoạt, đời sống của phạm nhân, không để xảy ra suy kiệt. Thực hiện phương châm “cách ly không cách biệt”.

          Việc thực hiện chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân đã có nhiều tiến bộ. Các trại giam đều thành lập bệnh xá, trạm xá, cùng với việc bổ sung đội ngũ y, bác sĩ, các trại giam còn được trang bị các chủng loại thiết bị y tế khám, chữa bệnh tương đối hiện đại. Bên cạnh đó, các trại giam còn phối hợp với các Trung tâm y tế cấp huyện, bệnh viện tỉnh, bệnh viện quân khu nơi trại giam đóng, xây dựng các khu điều trị riêng hoặc các phòng khám, chữa bệnh riêng cho phạm nhân bị bệnh nặng, nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, góp phần thực hiện tốt chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta; phối hợp với các đơn vị thuộc ngành y tế, lao động, thương binh và xã hội, Ủy ban quốc gia phòng chống tệ nạn ma túy và mại dâm từ trung ương đến địa phương tổ chức có hiệu quả việc truyền thông, giáo dục, tư vấn cho phạm nhân.

          Công tác phòng, chữa bệnh cho phạm nhân đã được các trại giam đặc biệt quan tâm, tất cả phạm nhân ở các trại giam đều được kiểm tra sức khỏe đầu vào theo quy định. Từ năm 2011 đến 2016, đã khám, chữa bệnh cho hàng vạn lượt phạm nhân, qua đó đã phát hiện 12.246 trường hợp mắc bệnh lao, 71.036 phạm nhân nhiễm HIV, trong đó có 1.469 trường hợp chuyển giai đoạn AIDS. Đối với con phạm nhân được sinh ra khi mẹ đang chấp hành án, các trại giam đã chủ động phối hợp với bệnh viện nơi các cháu được sinh ra và Ủy ban nhân dân xã, phường nơi trại đóng quân làm thủ tục khai sinh theo quy định. Cùng đó, tổ chức xây dựng các nhà trẻ ở bên ngoài khu giam giữ, tuyển dụng giáo viên mầm non, có kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ làm nhiệm vụ trông nom, chăm sóc các cháu là con phạm nhân; tổ chức đăng ký cho các cháu là con phạm nhân được tiêm vắc xin phòng, chống các loại bệnh theo chương trình tiêm chủng quốc gia, khám, chữa bệnh cho các cháu tại bệnh xá, trạm xá của trại giam và các bệnh viện tuyến trên tùy theo mức độ bệnh.am và các bệnh

2. Những bất cập trong thực tiễn thi hành các chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân

          Luật thi hành án hình sự đã triển khai thi hành được hơn 4 năm, nhưng tới nay một số thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện về chế độ thi hành án phạt tù chậm được ban hành, một số quy định của Luật không còn phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và thực tiễn quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân. Quá trình triển khai thực hiện các quy định về các chế độ thi hành án nói chung, chế độ “ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế” nói riêng và theo quy định của Luật thi hành án hình sự đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập như quy định về giam giữ, tuy đã áp dụng nguyên tắc cá thể hóa trong tổ chức phân loại giam giữ phạm nhân, nhưng chưa có quy định chế độ giam giữ nghiêm ngặt phù hợp với tính chất của từng loại tội phạm (giam giữ nghiêm ngặt và ít nghiêm ngặt) nên đã gây khó khăn cho việc quản lý, giam giữ cũng như thực hiện chế độ “ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế”.

          Trong tổ chức thực hiện chế độ thi hành án hình sự còn nhiều vi phạm, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục, cải tạo còn hạn chế, tình trạng quá tải, vượt quy mô giam giữ xảy ra ở hầu hết các trại giam, có trại vượt quá quy mô đến 1.000 phạm nhân; diện tích chỗ nằm của phạm nhân bình quân chỉ đạt 1,54m2/phạm nhân (quy định của pháp luật là 2m/phạm nhân), cá biệt có một số trại giam chỉ đạt 1,1m2/phạm nhân. Ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, biên chế cán bộ cho các trại giam chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý phạm nhân.

          Nhận thức về vị trí, vai trò, nội dung chế độ thi hành án phạt tù của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trại giam và lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương còn chưa đầy đủ, toàn diện và thống nhất. Ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của một số cán bộ, chiến sĩ công tác ở các trại giam còn chưa cao, để xảy ra các vi phạm về quản lý, giam giữ và thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân, thậm chí có trường hợp vi phạm nghiêm trọng, phải xử lý kỷ luật, đặc biệt có trường hợp bị truy tố trước pháp luật. Công tác phân loại phạm nhân để tổ chức giam giữ, bố trí lao động sản xuất còn có biểu hiện tùy tiện, chưa theo đúng quy định. Tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ thực thi chế độ thi hành án phạt tù đã được thành lập và kiện toàn từ Bộ đến Công an cấp tỉnh, cấp huyện, nhưng do tình hình phạm nhân tăng lên và thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nên vẫn còn thiếu so với yêu cầu; trình độ nghiệp vụ, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ công tác trong trại giam tuy đã được Bộ Công an quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, đa số cán bộ làm công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân ở các trại giam còn thiếu kiến thức về tâm lý học, giáo dục học.

          Cuối cùng là việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý giam giữ với các cơ quan có liên quan mà cụ thể là các cơ quan tiến hành tố tụng và kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam vẫn chưa chặt chẽ và để lại nhiều lỗ hổng quản lý cũng như thực hiện các chế độ của phạm nhân trong đó có chế độ “ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế” tình hình phạm nhân chấp hành án tại các trại giam của Bộ Công an trong thời gian qua đã đặt ra không ít khó khăn, phức tạp cho việc thực thi chế độ thi hành án phạt tù. Về thực trạng chế độ thi hành án phạt tù, về việc thực thi các quy định của pháp luật thực định về quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân bao gồm các chế độ đặc biệt là chế độ “ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế”, những tồn tại, thiếu sót và xác định nguyên nhân của những tồn tại, thiếu sót đó để làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ thi hành án phạt tù ở nước ta hiện nay.             

3. Đánh giá về những bất cập

          Công tác quản lý phạm nhân ở Trại tạm giam, Nhà tạm giữ vẫn còn sơ hở, thiếu sót, vẫn còn để xảy ra tình trạng phạm nhân trốn, đánh nhau gây thương tích, vi phạm Nội quy giam giữ, tự sát…; lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP ở các đơn vị, địa phương còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn về lĩnh vực THAHS và HTTP; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định, không đảm bảo an toàn cơ sở giam giữ, một số nơi quá tải ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. Cơ sở giam giữ những năm gần đây tuy đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng do tình hình số lượng phạm nhân tiếp tục tăng, cơ sở giam giữ thiếu, một số đơn vị công trình giam giữ xuống cấp, chưa được cải tạo sửa chữa.

          Bộ Công an cho biết, sau hơn 2 năm triển khai thi hành Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh đã được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định; mang lại hiệu quả tích cực, làm chuyển biến về nhận thức của phạm nhân, học sinh; giúp phạm nhân, học sinh tin tưởng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm tư tưởng, xóa bỏ mặc cảm, tích cực học tập, rèn luyện, cải tạo tiến bộ để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện một số quy định về chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh. Cụ thể, về công tác khám, chữa bệnh cho phạm nhân, Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định trích xuất đến cơ sở khám bệnh,… Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu thì theo chỉ định của Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an xem xét, quyết định việc điều trị tiếp theo;…”. Theo đó, trong nhiều trường hợp do phải thực hiện quy trình đề nghị nên việc cứu chữa có thể không kịp thời, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của phạm nhân.

III. Đề xuất kiến nghị hoàn thiện PL quy định về các chế độ đối với phạm nhân

          Sau khi triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng như Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, nhận thấy công tác quản lý, giam giữ, cải tạo và việc thực hiện các chế độ, chính sách cho phạm nhân được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập. Vì vậy, một số đề xuất được đưa ra nhằm hoàn thiện quy định về các chế độ đối với phạm nhân như sau:

1. Hoàn thiện quy định pháp luật về các chế độ đối với phạm nhân

          Nhận thấy rằng tình hình tội phạm trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng các loại tội phạm, đặc biệt mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Người phạm tội ngày càng manh động, chống đối quyết liệt, dụng nhiều thủ đoạn và phương tiện kỹ thuật để che dấu tội phạm. Tuy nhiên trên thực tế cơ sở pháp lý liên quan đến công tác quản lý tạm giữ, tạm giam tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam ban hành đã lâu, hiện nay một số văn bản không còn phù hợp, chưa cụ thể và thống nhất cách hiểu, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Luật thi hành án hình sự mới ra đời, do đó còn một số quy định chưa được hướng dẫn để thống nhất thực hiện…Chính vì vậy, pháp luật hiện hành cần chú trọng hơn nữa vào công tác giáo dục, quản lý người dân nhằm hạn chế tối đa các trường hợp phạm tội. Tạo điều kiện, môi trường sống tích cực, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh.

2. Tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất

          Việc đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác quản lý người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân trong thời gian qua cũng còn hạn chế. Nếu so sánh với các nhà tù khác như Anh hay Singapore thì ở Việt Nam nhận thấy rằng điều kiện, cơ sở vật chất còn hạn chế. Chẳng hạn như các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý tạm giữ, tạm giam chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho việc giam giữ và quản lý giam giữ trong tình hình hiện nay. Đặc biệt cần lắp thêm hệ thống camera để quan sát trong các buồng tạm giữ, tạm giam, phạm nhân để kịp thời giải quyết các vấn đề đột xuất xảy ra, tránh các trường hợp không thể xử lý kịp thời. Chính vì vậy, nhà nước ta cần trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật, nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác kiểm tra, quản lý người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân tại các buồng giam giữ trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam. Song song với đó, cần duy trì những thành quả đã đạt được.

3. Đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo dục phạm nhân

          Theo khoản 2 Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định: “Thời gian học văn hóa cho phạm nhân được bố trí một ngày trong tuần…”, nhưng thực tế tổng thời gian học văn hóa xóa mù chữ mức độ 1 theo quy định hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 1.005 tiết. Để hoàn thành chương trình xóa mù chữ cần 125 ngày (8 tiết/ngày) tương đương 125 tuần học, như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn thành chương trình. Vì vậy, cần đặt ra một chế độ khác phù hợp hơn, nhằm đảm bảo công tác xóa mù chữ cũng như giáo dục pháp luật đối với phạm nhân được thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó một số cán bộ chiến sỹ, nhất là lực lượng cảnh sát bảo vệ chưa được đào tạo bài bản, số cán bộ mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý phạm nhân. Chính vì vậy cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm của cán bộ làm công tác quản lý việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam trên toàn quốc. Quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý giam giữ; tạo động lực cho cán bộ làm công tác này phấn đấu, yêu ngành, yêu nghề. Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo lại cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý giam giữ, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng kịp với yêu cầu công tác quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù trong thời kỳ mới.

Tham khảo thêm Mẫu văn bản kiến nghị về việc thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại

4. Thúc đẩy việc giám sát và kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền

          Công tác phối hợp giữa Cơ quan quản lý giam giữ và các Cơ quan tiến hành tố tụng và kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam chưa chặt chẽ, thường xuyên; nhiều nơi chưa xây dựng quy chế phối hợp nên việc phân công trách nhiệm cụ thể, còn chồng chéo, chưa chủ động trao đổi thông tin cần thiết để có biện pháp phòng ngừa trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam cũng như việc giải quyết vụ án. Một số lãnh đạo của Cơ quan quản lý giam giữ chưa sát sao, việc kiểm tra, đôn đốc chưa được thường xuyên, kịp thời. Về biên chế cán bộ làm công tác quản lý tạm giữ, tạm giam và phạm nhân vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đáp ứng về chuyên môn, yêu cầu công tác quản lý tạm giữ, tạm giam trong thời kỳ mới. Vì vậy cần chú trọng tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý giam giữ với các cơ quan tiến hành tố tụng và kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị, nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, cũng như đảm bảo an toàn cho công tác quản lý tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam.

Qua bài viết trên LUẬT VIỆT CHÍNH đã phân tích và đánh giá về thực trạng thi hành cũng như những bất cập còn tồn tại của quy định pháp luật thi hành án hình sự về chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế với phạm nhân. Thông qua đó cung cấp những hiểu biết mới và mang lại cái nhìn chân thực về thực trạng thi hành quy định pháp luật hiện nay đối với vấn đề này. Có thể thấy mặc dù đây không phải một vấn đề nổi trội được nhiều người quan tâm trong ngành luật thi hành án hình sự nhưng nó là một phần quan trọng không thể thiếu của hệ thống pháp luật, vì vậy trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, việc nghiên cứu những quy định tương tự cũng cần được chú trọng để xây dựng một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn. 

 

Bài viết liên quan