Chi nhánh có được ký hợp đồng không

CHI NHÁNH CÓ ĐƯỢC KÝ HỢP ĐỒNG KHÔNG?

CÂU HỎI: Em chào luật sư. Công ty em là công ty điện lạnh cũng mới thành lập được gần 01 năm. Do tình hình phải làm báo cáo thuế cuối năm nên em dự định sẽ nhờ bên dịch vụ chuyên về kế toán làm. Hiện tại, em đã tìm được một đơn vị khá ưng ý, tuy nhiên họ lại chỉ là chi nhánh. Em muốn ký hợp đồng lâu dài với họ nhưng em có nghe nói chi nhánh không được phép ký hợp đồng. Vậy luật sư cho em hỏi chi nhánh có phép ký hợp đồng không ạ? Em xin chân thành cảm ơn.

TRẢ LỜI: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc trong bài viết dưới đây.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CHI NHÁNH

Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về chi nhánh như sau:

“Điều 44. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

  1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”

Theo quy định tại Điều 19 Luật Thương mại 2005 quy định về quyền của chi nhánh như sau:

“Điều 19. Quyền của Chi nhánh

  1. Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Chi nhánh.
  2. Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  3. Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập Chi nhánh và theo quy định của Luật này.
  4. Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.
  5. Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  6. Có con dấu mang tên Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  7. Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  8. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định tại Điều 20 Luật Thương mại 2005 quy định về nghĩa vụ của chi nhánh như sau:

Điều 20. Nghĩa vụ của Chi nhánh

  1. Thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp cần áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác thì phải được Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận.
  2. Báo cáo hoạt động của Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  3. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, mọi hoạt động của chi nhánh đều phụ thuộc vào doanh nghiệp và thông qua việc uỷ quyền. Do đó, chi nhánh không tham gia các quan hệ pháp luật với tư cách độc lập nên không được coi là có tư cách pháp nhân.

CHI NHÁNH CÓ QUYỀN KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KHÔNG?

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của công ty, không có tư cách pháp nhân. Do vậy, xét về mặt chủ thể thì chi nhánh không có tư cách độc lập để ký kết hợp đồng với chủ thể khác. Theo quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân thì:

“Điều 84. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân

  1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
  2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.
  3. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân.
  4. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.
  5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
  6. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.”

Theo quy định trên, dù không có tư cách pháp nhân nhưng chi nhánh, văn phòng đại diện vẫn có thể ký kết hợp đồng. Thông thường chi nhánh sẽ được công ty mẹ phân công nhiệm vụ, cho phép ký kết các hợp đồng với các đối tác của công ty dưới tư cách của công ty (được thể hiện trong quyết định thành lập chi nhánh hay văn bản giao quyền).

Người đứng đầu chi nhánh có quyền đại diện cho chi nhánh ký kết hợp đồng khi có ủy quyền của người đại diện của công ty. Khi chi nhánh, văn phòng đại diện ký kết một số hợp đồng hoặc thực hiện một số công việc mà cần sự cho phép của công ty, người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện phải xuất trình được văn bản uỷ quyền của công ty.

Như vậy, chi nhánh  hoàn toàn có quyền ký kết hợp đồng nếu việc ký kết này nằm trong phạm vị công việc được công ty uỷ quyền.

Trong trường hợp của bạn, nếu bạn muốn ký kết hợp đồng với chi nhánh đó, bạn nên hỏi về quyết định ủy quyền chi nhánh. Đây là bước pháp lý khá quan trọng vì nó liên quan đến thẩm quyền ký kết hợp đồng và hiệu lực của hợp đồng. Trên đây là quy định của pháp luật, tuy nhiên thực tế, thì việc ký kết hợp đồng vẫn diễn ra bình thường mà không cần có ủy quyền của chi nhánh nhưng việc này sẽ có rủi ro. Vì vậy, bạn nên cân nhắc suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định ký kết hợp đồng.

Trên đây là bài viết của chúng tôi về việc chi nhánh có được phép ký hợp đồng. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn và công ty ngày càng phát triển và thành công!

Nếu còn thắc mắc về các vấn đề của pháp luật hãy liên hệ cho chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.

– Gọi điện tới số điện thoại 0368.668.629 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Bài viết liên quan