CON ĐƯỜNG ĐỂ TRỞ THÀNH LUẬT SƯ
Hiện nay, nghề Luật sư ngày càng được xã hội tôn trọng và được xem là một trong những nghề cao quý nhất. Luật sư là một trong những đỉnh cao mà có lẽ bất kỳ người học luật nào cũng muốn chạm đến. Tuy nhiên con đường để chạm đến đỉnh vinh quang hai chữ “Luật sư” lại chứa muôn vàn chông gai và thử thách, không chỉ về học vấn mà còn cả về thời gian và tiền bạc. Vậy con đường để bước đến với thành công ấy cần những điều kiện gì? Bài viết dưới đây của Luật Việt Chính sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về quá trình để trở thành Luật sư.
Cơ sở pháp lý
– Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012;
– Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2019.
1. Luật sư là gì
Theo Điều 2 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012: “Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng)”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, luật sư được hiểu là: Người có quốc tịch Việt Nam, có bằng cử nhân luật, có chứng nhận đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo, trải qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, đạt kết quả của kỳ Kiểm tra hết tập sự hoặc được giảm hoặc miễn đào tạo và miễn tập sự theo quy định của pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, đã gia nhập một Đoàn Luật sư, được cấp Thẻ Luật sư và cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trong tổ chức hành nghề luật sư hoặc với tư cách cá nhân.
2. Tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành luật sư
Luật sư là người hành nghề bằng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp. Chính vì vậy tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành một luật sư luôn có những yêu cầu khắt khe về kiến thức, trình độ chuyên môn và về đạo đức.
Về tiêu chuẩn Luật sư
Theo quy định tại Điều 10 Luật Luật sư, tiêu chuẩn luật sư bao gồm:
– Là công dân Việt Nam;
– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật
– Phẩm chất đạo đức tốt;
– Có bằng cử nhân luật;
– Đã được đào tạo nghề luật sư;
– Đã trải qua thời gian tập sự hành nghề luật sư;
– Có sức khỏe tốt.
Như vậy, để trở thành một Luật sư tại Việt Nam cần rất nhiều tiêu chuẩn, trong đó tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức có thể coi là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến các điều kiện khác ví dụ như: có bằng cử nhân luật (có thể thấy không phải chuyên ngành đại học nào cũng được đăng ký khóa học tại Học viện tư pháp để trở thành Luật sư, mà phải là cử nhân luật mới được phép đăng ký tham gia học)…
Về điều kiện trở thành luật sư và hành nghề
Điều 11 của Luật Luật sư quy định: “Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư”.
Như vậy, để có thể trở thành một luật sư và được phép hành nghề thì cần thỏa mãn các điều kiện:
– Người có đủ tiêu chuẩn luật sư;
– Có chứng chỉ hành nghề luật sư;
– Gia nhập một Đoàn Luật sư.
3. Các giai đoạn đào tạo để trở thành luật sư
Nghề Luật sư là một nghề cao quý, nhiều vinh quang nhưng để trở thành một luật sư, ngoài yêu cầu khắt khe về kiến thức và trình độ chuyên môn thì người học luật cần phải có một tinh thần thép, có ý chí bền bỉ để đối đầu với quá trình đào tạo kéo dài và kỳ tập sự khó khăn. Ngoài ra, người luật sư còn phải đáp ứng được những yêu cầu về mặt đạo đức và tuân thủ đúng quy định pháp luật, quy tắc hành nghề, đạo đức nghề nghiệp. Nhìn chung, con đường để trở thành luật sư tại Việt Nam, mỗi người cần phải qua những giai đoạn cơ bản như dưới đây:
Các giai đoạn đào tạo để trở thành luật sư (Minh họa)
Giai đoạn 1: Cử nhân Luật
Người có bằng cử nhân luật là người tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật do cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cấp, hoặc có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật do cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Giai đoạn này thường kéo dài 04 (bốn) năm, tùy vào hình thức đào tạo và quá trình học tập của mỗi người.
Tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường đại học có đào tạo chuyên ngành Luật, có thể điểm qua một số cơ sở đào tạo uy tín, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các sỹ tử khi đăng ký dự thi ngành Luật như: Đại học Luật Hà Nội; Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường đại học Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội; Trường đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Kinh tế Quốc Dân; Đại học Thương Mại…
Giai đoạn 2: Đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp
Sau khi kết thúc chương trình đại học và đã có bằng cử nhân Luật, nếu muốn trở thành luật sư ngay thì bước tiếp theo cần phải làm là đăng ký khóa học tại Học viện Tư pháp. Học Viện Tư pháp là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đào tạo nghề Luật Sư và các chức danh tư pháp khác. Khóa học kéo dài 12 tháng. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.
Những trường hợp được miễn đào tạo nghề Luật sư
Theo quy định tại Điều 13 có một số trường hợp được miễn đào tạo nghề Luật sư như sau:
1. Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.
2. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.
3. Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
4. Đã là thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
Như vậy, ngay từ những giai đoạn bắt đầu đã có hai con đường để trở thành luật sư: con đường trực tiếp và con đường gián tiếp. Cử nhân luật có thể lựa chọn học lên Luật sư ngay hoặc học chức danh tư pháp khác.
Giai đoạn 3: Tập sự tại tổ chức hành nghề luật sư
Sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo nghề tại Học viện tư pháp, người học bắt buộc phải đăng ký tập sự tại một tổ chức hành nghề Luật sư. Người tập sự sẽ đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự và được Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư.
Kỳ tập sự này kéo dài 12 tháng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 16 Luật Luật sư. Tập sự hành nghề Luật sư là quá trình giúp Luật sư tương lai tiếp xúc với công việc thực tiễn để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp cũng như hoàn thiện về mặt đạo đức để phục vụ quá trình hành nghề sau này.
Sau khi kết thúc chương trình tập sự hành nghề luật sư, người học phải trải qua kỳ Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức. Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, lập danh sách những người đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Nếu không đạt kết quả theo quy định, người tập sự sẽ được gia hạn tập sự và tham gia kỳ kiểm tra lại.
Những trường hợp được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư
1. Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.
2. Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.
3. Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.
Người được miễn tập sự hành nghề luật sư theo quy định thì không phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
Giai đoạn 4: Cấp chứng chỉ hành nghề
Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư và người được miễn tập sự hành nghề Luật sư được cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Người có yêu cầu cấp Chứng chỉ lập hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.
Hồ sơ gồm có:
a) Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b) Phiếu lý lịch tư pháp;
c) Giấy chứng nhận sức khỏe;
d) Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;
đ) Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
Người được miễn tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Sở Tư pháp nơi người đó thường trú.
Hồ sơ gồm có:
a) Các giấy tờ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Giấy tờ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, trừ những người là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật;
c) Bản sao giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề luật sư quy định
Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Giai đoạn 5: Gia nhập đoàn Luật sư
Sau khi có Chứng chỉ hành nghề Luật sư, cá nhân có quyền lựa chọn gia nhập vào một Đoàn Luật sư bất kỳ để hành nghề. Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.
Hồ sơ gồm có:
a) Giấy đề nghị gia nhập Đoàn luật sư theo mẫu do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành;
b) Phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư quá sáu tháng, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;
c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở.
Sau khi có quyết định gia nhập Đoàn Luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ luật sư cho người gia nhập Đoàn luật sư.
Có thể thấy rằng, con đường để trở thành một luật sư thường sẽ cần phải hoàn tất 05 giai đoạn. Tuy rằng, chặng đường rất dài và mỗi giai đoạn lại có nhiều khó khăn, nhưng nếu có cố gắng, kiên trì thì bất kỳ ai cũng có thể chạm tay đến với hai chữa “Luật sư”.
4. Một số kỹ năng cần xem xét nếu muốn trở thành luật sư
Con đường trở thành luật sư muôn vàn khó khăn, để có thể trụ lại với nghề cần có một đam mê cháy bỏng với với nghề. Vì vậy, trước khi quyết định bước đi trên con đường ấy, mỗi người cần suy nghĩ thật kỹ về đam mê, sở thích và định hướng trước cho bản thân những khó khăn sẽ phải đối mặt.
Để trở thành Luật sư thì trước hết cần phải có những kiến thức chuyên môn của ngành Luật. Ngoài ra, còn phải có những kiến thức cũng như những kỹ năng khác như sau:
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là kỹ năng quan trọng đối với tất cả mọi nghề nghiệp, đặc biệt là nghề Luật sư. Trong quá trình hành nghề, luật sư có rất nhiều mối quan hệ khác nhau như quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp và cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, để dung hòa tất cả các mối quan hệ trên kỹ năng giao tiếp tốt là một điều không thể thiếu.
Kỹ năng nói trước đám đông
Luật sư là một nghề dịch vụ đặc biệt, do đó kỹ năng nói trước đám đông là cái mà luật sư nào cũng phải trau dồi cho bản thân. Bởi lẽ, trong quá trình hành nghề Luật sư phải tư vấn, thuyết phục trực tiếp hàng ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với mình. Một luật sư có kiến thức chuyên môn giỏi, kỹ năng nói tốt, tự tin và có tính thuyết phục cao thì việc ký kết một hợp đồng là điều không khó. Đặc biệt, Luật sư còn tham gia vào hoạt động tranh tụng tại Tòa, Nếu một người luật sư khép nép, lời nói nhỏ nhẹ, thái độ rụt rè, không trình bày rõ ràng, mạch lạc luận cứ bào chữa thì sẽ không thể thuyết phục được Hội đồng xét xử. Có thể thấy rằng, kỹ năng nói trước đám đông không chỉ tạo nên sự thành công cho một người luật sư mà nó còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Kỹ năng nghiên cứu, phân tích
Mỗi hồ sơ vụ việc mà luật sư đảm nhiệm lại có những tính chất và yêu cầu khác nhau. Do đó luật sư đều phải có đầu óc phân tích và tư duy phán đoán. Trước khi bước vào một vụ kiện, công việc chính của các luật sư là nghiên cứu tài liệu, hồ sơ và xâu chuỗi tất cả những điều đó lại để tìm ra nguyên do và hướng giải quyết yêu cầu của khách hàng tốt nhất. Tất cả những điều trên đều phải đảm bảo logic và mạch lạc chứ không thể suy ra từ cảm tính. Kỹ năng nghiên cứu phân tích có thể xem là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của nghề luật sư.
Như vậy, để có thể trở thành một luật sư và đặc biệt là một luật sư giỏi mỗi người phải không ngừng học tập, nghiên cứu cả về kiến thức chuyên môn và cả các kỹ năng trong mọi lĩnh vực đời sống.
Nghề luật sư là một nghề cao quý, luật sư là một trong những người bảo về sự công bằng của pháp luật. Vì vậy, Sau khi đã trở thành luật sư, trở thành một phần quan trọng của xã hội, mỗi người càng phải rèn luyện hơn nữa cho mình cái tài và cái đức.
Câu hỏi:
Câu 1: Học cử nhân Luật không phải hệ chính quy có được đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề luật sư không?
Căn cứ Khoản 4 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 có quy định về đào tạo nghề luật sư như sau:
- Người có Bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.
Như vậy, theo quy định trên người có bằng cử nhân luật không phân biệt hệ đào tạo nào đều được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư. Vì vậy trường hợp có bằng cử nhân luật hệ đào tạo từ xa, hay hệ vừa học vừa làm thì đều có thể được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư.
Câu 2: Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi bổ sung năm 2012:
- …
Thẻ luật sư có giá trị không thời hạn, được đổi khi luật sư chuyển Đoàn luật sư hoặc khi bị mất, hỏng.
Như vậy, thẻ luật sư không có thời hạn sử dụng, trong quá trình hành nghề luật sư nếu bị hư hỏng hoặc mất luật sư có thể đăng ký cấp lại thẻ.
Câu 3: Không gia nhập Đoàn luật sư có bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư?
Theo Điều 18 Luật Luật sư 2006 sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định như sau:
Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư
…
- d) Không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;
…
Theo đó, nếu Luật sư không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.
Trên đây là bài viết con đường trở thành luật sư, nếu có bất kỳ thắc mắc, khó khăn nào vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số 0911.111.099 hoặc 0987.062.757 để được hỗ trợ nhanh nhất. Chúc các bạn sẽ sớm trở thành một luật sư!
Mọi yêu cầu thắc mắc, quý khách hàng liên hệ:
Địa chỉ: | Tầng 3, Nhà số 6, BTT9 Him Lam Vạn Phúc, đường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; |
Điện thoại | Luật sư Phương: 0911.111.099
Luật sư Băng: 0987.062.757 |
Email: | luatvietchinh@gmail.com |
Website: | luatvietchinh.com |