Đưa hối lộ cho lãnh đạo công ty tư nhân có phải đi tù không?


ĐƯA HỐI LỘ CHO LÃNH ĐẠO CÔNG TY TƯ NHÂN CÓ PHẢI ĐI TÙ KHÔNG?

CÂU HỎI: Thưa luật sư, bên em làm thầu phụ hạng mục cẩu dầm cho tổng thầu, làm xong hết rồi giờ làm hồ sơ nghiệm thu để thanh toán. Thấy mấy thằng em bảo phải cho ông chỉ huy trưởng công trình bên tổng thầu vài triệu thì ông ấy mới ký cho. Em muốn đưa cho xong việc nhưng lại sợ không biết có tù tội gì không. Thằng em em bảo tổng thầu là công ty tư nhân chứ có phải nhà nước đâu mà sợ. Anh thấy có đúng không ạ?

Trả lời:

Câu hỏi của bạn cũng là nỗi băn khoăn của rất nhiều người. Hiện nay, đa số người dân cho rằng các tội phạm về chức vụ chỉ xảy ra trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Đây là một quan điểm sai lầm và có thể dẫn tới những hậu quả pháp lý khôn lường. Với việc tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, pháp luật Việt Nam đã có những bước chuyển mình để phù hợp với nội dung của công ước. Theo đó, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã mở rộng nhiều tội phạm về chức vụ từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước mà Tội đưa hối lộ là một trong số đó. Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự hiện hành. Khoản 6, Điều 364 quy định như sau: “Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.” Vì vậy, bạn cần lưu ý rằng hành vi đưa hối lộ cho người có chức vụ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng vẫn có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đưa hối lộ cho lãnh đạo công ty tư nhân có phải đi tù không?

Giả sử trong trường hợp của mình, bạn bồi dưỡng cho chỉ huy trưởng công trình của tổng thầu số tiền 5.000.000 đồng thì bạn hãy nghiên cứu quy định tại khoản 1, Điều 364 Bộ luật hình sự: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  1. a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
  2. b) Lợi ích phi vật chất.”

Hãy cùng phân tích trong trường hợp này thì hành vi của bạn có cấu thành tội đưa hối lộ theo khoản 1 điều 364 không.

Thứ nhất về chủ thể: “Người có chức vụ, quyền hạn” được quy định “là người do bổ nhiệm, do bầu cử, hợp đồng hoặc hình thức khác có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.” Chỉ huy trưởng công trình bên tổng thầu được coi là người có chức vụ, quyền hạn trong việc ký hồ sơ nghiệm thu nên sẽ thỏa mãn những dấu hiệu về chủ thể.

Tham khảo: Đồng phạm trong vụ án hình sự

Thứ hai, về lý do đưa lợi ích: Để cấu thành tội đưa hối lộ, việc đưa tài sản hoặc lợi ích cho người có chức vụ quyền hạn phải nhằm mục đích để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”. Nếu bạn đưa tiền để đổi lại việc chỉ huy trưởng công trình ký xác nhận thì sẽ thỏa mãn dấu hiệu này.

Thứ ba, số tiền đưa hối lộ: Với số tiền 5.000.000 đồng thì đã vượt qua con số tối thiếu 2.000.000 đồng để cấu thành tội đưa hối lộ. Trường hợp bạn đưa hối lộ số tiền nhỏ hơn 2.000.000 đồng thì chắc chắn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ nhưng với số tiền quá nhỏ, khả năng cao bạn sẽ không đạt được mục đích của mình.

Tham khảo: Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp này bạn đang rơi vào trạng thái tiến thoái lướng nan. Không đưa hối lộ thì không được việc, mà đưa hối lộ thì vi phạm pháp luật hình sự và có nguy cơ rơi vào cảnh tù tội. Nếu chỉ huy trưởng công trình chủ động yêu cầu bạn phải đưa hối lộ thì bạn có thể trình báo công an để xử lý theo quy định. Trường hợp chỉ huy trưởng công trình không ký nhưng cũng không gợi ý gì thì bạn có thể lập công văn yêu cầu tổng thầu trả lời bằng văn bản về lý do không ký nghiệm thu. Với những phương án chính thống như vậy, về lâu dài bạn có thể hoàn tất việc nghiệm thu mà vẫn an toàn pháp lý nhưng chắc chắn sẽ gây e ngại cho các đối tác của mình. Vì vậy, cần phải suy nghĩ kỹ hoặc tham khảo ý kiến của luật sư trước khi hành động.

Trân trọng!

Bài viết liên quan