Đồng phạm trong vụ án hình sự

ĐỒNG PHẠM TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

“Đồng phạm” là một từ ngữ quen thuộc chúng ta vẫn thường được nghe khi theo dõi các vụ án giết người, cướp giật hay trộm cắp,… Trong các vụ án hình sự việc xác định có hay không đồng phạm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và định khung, định hình. Vậy căn cứ nào để xác định một người có phải là đồng phạm hay không? Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về đồng phạm như thế nào?

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

ĐỒNG PHẠM LÀ GÌ?

Khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 định nghĩa về đồng phạm như sau:

“Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.”

Theo định nghĩa trên, muốn xác định một vụ án có đồng phạm hay không trước hết phải căn cứ vào số người cùng thực hiện một tội phạm. Số người thực hiện tối thiểu phải là hai người. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội.

Có thể phân đồng phạm thành hai loại là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp:

Đồng phạm giản đơn: là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành.

– Đồng phạm phức tạp: là trường hợp phạm tội có tổ chức (khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự), hình thức đồng phạm này có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu và là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia. Trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.

Tham khảo: Trình tự, thủ tục khiếu nại lần hai trong thi hành án hình sự

CĂN CỨ ĐỂ XÁC ĐỊNH ĐỒNG PHẠM

Để xác định một người có là đồng phạm hay không cần phân tính khách quan và tính chủ quan, cụ thể:hành

Thứ nhất, tính khách quan: gồm căn cứ số lượng người tham gia trong vụ án, tính liên kết về hành vi và căn cứ vào mối quan hệ nhân quả do vụ án đồng phạm gây ra.

– Số lượng người tham gia vụ án: phải có từ 02 người trở lên, những người này có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

– Tính liên kết về hành vi: những người trong vụ án đồng phạm phải cùng nhau thực hiện một tội phạm. Hành vi của người này có liên kết chặt chẽ với hành vi của người kia, cùng hướng về một tội phạm, tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhau thực hiện hành vi phạm tội thuận lợi và cùng là nguyên nhân dẫn đến hậu quả xảy ra.

– Mối quan hệ nhân quả: phải là hậu quả chung do toàn bộ những đồng phạm gây ra. Hành vi của mỗi người đều là nguyên nhân gây ra hậu quả chung đó, không phân biệt hành vi trực tiếp hay gián tiếp.

Thứ hai, tính chủ quan: Lỗi của những đồng phạm là lỗ cố ý.

NGƯỜI ĐỒNG PHẠM BAO GỒM NHỮNG AI?

Khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

“3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.”

Người thực hành

Người thực hành được định nghĩa là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Trực tiếp thực hiện tội phạm được biểu hiện dưới các hình thức sau:

Thứ nhất, người trực tiếp tự mình thực hiện hành vi được quy định là dấu hiện hành vi trong cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi có thể có hoặc không sử dụng công cụ, phương tiện phạm tội, gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Ví dụ: giữ tay chân nạn nhân để cho người khác thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm, cướp giật,…

Thứ hai, người trực tiếp thực hiện tội phạm không tự mình thực hiện mà có hành động tác động người khác thực hiện hành vi phạm tội.

Như vậy, người thực hành là người giữ vai trò trung tâm. Hành vi của người này dù qua hình thức nào cũng gây hậu quả nghiêm trọng, là khách thể trực tiếp của tội phạm.

Người tổ chức

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người tổ chức có thể chỉ giữ vai trò riêng biệt là chủ mưu, cầm đầu hoặc chỉ huy nhưng cũng có thể là vừa là chủ mưu, cầm đầu, lại vừa là chỉ huy các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội. Đây có thể xem là người nguy hiểm, có hiểu biết và có tính nguy hiểm cao.

Người xúi dục

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người này thường có hành vi tác động đến ý thức, suy nghĩ của người khác làm người đó thực hiện hành vi phạm tội. Người xúi dục có thể chỉ xúi dục người khác thực hiện hành vi phạm tội hoặc có thể cùng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Lưu ý: Hành vi này phải nhắm vào một hoặc một nhóm đối tượng nhất định.

Người giúp sức

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Đây thường là người tạo điều kiện thuận lợi cho người khác thực hiện hành vi phạm tội. Có thể là giúp sức bằng vật chất hoặc tinh thần.

– Giúp sức bằng vật chất: cung cấp phương tiện, công cụ, dụng cụ gây án, loại bỏ những vật cản, khó khăn,.. để tạo điều kiện thuận lợi cho người khác thực hiện hành vi phạm tội.

– Giúp sức về tinh thần: có thể biểu hiện qua việc đưa ra những chỉ dẫn, góp ý kiến về địa điểm nơi thực hiện hành vi phạm tội.

Tham khảo: Đánh người gây thương tích bao nhiêu phần trăm thì bị đi tù

Lưu ý:

– Để phân biệt được đâu là người thực hành và đâu là người giúp sức thì cần phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm của từng tội danh và hành vi người đó thực hiện là hành vi như thế nào.

Ví dụ: A và B là đồng phạm trong vụ án giết người và C là nạn nhân.

+  Nếu A giữ C để cho B giết thì A là người thực hành

+ Nếu A chỉ mua dao cho B giết C thì A là người giúp sức.

– Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Ví dụ: A là người yêu cũ của B, nhìn thấy B đi chơi với C, A nổi lòng ghen và muốn đánh C để dằn mặt. Vì vậy, A hẹn N, M, H tập trung ở đầu đường để chặn đường đánh C. Tuy nhiên trong lúc chờ đợi vì cảm thấy quá lâu nên A có bỏ về nhà trước, còn N, M, H vẫn ở lại chờ để đánh C, trong lúc chờ đợi N, M , H có bàn nhau sẽ dùng cành cây nhặt được bên đường để đánh C và cướp xe mà C đang đi. Khoảng 1 tiếng sau C từ nhà B đi về thì bị N, M, H chặn đánh gây thương tích 30% và cướp chiếc xe của C trị giá 20 triệu đồng.

Phân tích yếu tố đồng phạm trong tình huống trên:

Trong tình huống trên mặc dù A không trực tiếp tham gia vào hành vi đánh C nhưng A cũng là đồng phạm. Bởi lẽ A là người tổ chức, cầm đầu việc đánh C.

Tuy nhiên, A không phải là đồng phạm trong việc cướp chiếc xe của C. Bởi lẽ A không tham gia bàn bạc, không hay biết và cũng không tham gia vào việc cướp xe máy của C.

Bài viết liên quan