Giải quyết các tình huống về hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật việt nam hiện hành

GIẢI QUYẾT CÁC TÌNH HUỐNG VỀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH

Pháp luật Thương mại là công cụ pháp lý quan trọng để Nhà nước quản lý hoạt động thương mại, các chủ thể trong xã hội sử dụng làm phương tiện pháp lý thực hiện, bảo vệ các quyền, lợi ích của mình trong hoạt động thương mại và trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường hiện nay. Hơn hết, hoạt động thương mại có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để hiểu rõ hơn và trả lời cho các câu hỏi liên quan đến pháp luật về hoạt động thương mại, hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu với bài viết dưới đây.

 

Thưa Luật Việt Chính! Tôi đang có một vấn đề cần được hỗ trợ như sau:

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X (công ty 100% vốn nước ngoài) chuyên kinh doanh các sản phẩm mứt làm từ rau, củ, quả. Công ty X có trụ sở chính tại Đà Lạt. Để chuẩn bị cho mùa tết âm lịch năm 2020, Công ty X sáng tạo và phát triển dòng sản phẩm mứt mới. Với chiến lược chuẩn bị cho việc phát triển thị trường, từ tháng 9/2019, Công ty X đã thực hiện một số hoạt động sau đây:

– Công ty X quảng cáo trên các phương tiện như truyền hình, phát thanh, mạng internet.

– Công ty X thông báo về chương trình khuyến mại nhân dịp Tết Nguyên Đán: mua các bộ sản phẩm mứt của công ty sẽ được tặng kèm một gói trà hoa quả. Đồng thời, các khách hàng mua sản phẩm có hóa đơn từ 300.000 đồng trở lên của công ty đều có cơ hội được tham gia “Vòng quay may mắn”. Khách hàng sẽ dùng điện thoại quét QR code có trên từng phiếu dự thi, nhập mã số của phiếu dự thi và tham gia quay trúng thưởng trên ứng dụng tải về máy điện thoại.

– Đồng thời, Công ty X ký kết hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Y (chuyên sản xuất bánh mứt kẹo cổ truyền, có cửa hàng nổi tiếng nằm trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) để các sản phẩm mứt của Công ty X được bày bán tại cửa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Y trong dịp giáp Tết Nguyên đán.

  1. Xác định các hoạt động thương mại mà Công ty X tiến hành?
  2. Công ty X có được tự thực hiện quảng cáo sản phẩm của mình không?
  3. Nêu thủ tục Công ty X cần thực hiện theo quy định pháp luật để tiến hành hoạt động quảng cáo và khuyến mại sản phẩm của công ty?
  4. Giả sử xảy ra sự kiện bất khả kháng làm hàng hóa của Công ty X đặt tại cửa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Y bị hư hỏng. Ai là người phải gánh chịu tổn thất do hàng hóa bị hư hỏng?
  5. Giả sử, anh/chị là luật sư đã được hai bên tìm đến để tư vấn các vấn đề pháp lý kể trên. Sau khi hoàn thành vụ việc, anh/chị rút ra được những kinh nghiệm chuyên môn nào (những vấn đề pháp lý cần lưu ý khi thực hiện pháp luật) cho bản thân khi giải quyết đối với các vụ việc tương tự về sau.

Trả lời:

1. Xác định các hoạt động thương mại mà Công ty X tiến hành?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định về khái niệm hoạt động thương mại cụ thể như sau: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

Như vậy, căn cứ theo Luật thương mại 2005 công ty X đã thực hiện các hoạt động thương mại là xúc tiến thương mại (quảng cáo, khuyến mại) và trung gian thương mại.

1.1. Xúc tiến thương mại

Để có thể thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại công ty X phải thỏa mãn các điều kiện:

Về chủ thể, Căn cứ theo Điều 6 Luật thương mại 2005, ta thấy Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X phải hoạt động thương mại một cách độc lập, được cấp giấy phép kinh doanh, thành lập hợp pháp để thỏa mãn đặc điểm chủ thể. Bên cạnh đó, việc công ty chuyên kinh doanh sản phẩm mứt làm từ rau, củ, quả có trụ sở chính tại Đà Lạt đã có hoạt động thương mại – mua và bán (cung ứng dịch vụ hay thương mại nhằm mục sinh lợi nhuận) và có sự “chuyên” trong việc kinh doanh (tức là có sự tiến hành các hoạt động thương mại một cách thường xuyên và chuyên nghiệp) và tất cả những điều này phù hợp với danh nghĩa thương nhân. Như vậy công ty X là thương nhân theo quy định của pháp luật.

 

 

Về mục đích, Hoạt động xúc tiến thương mại có mục đích chính là xúc tiến mua bán hàng hóa – cung ứng dịch vụ. Cụ thể, với chiến lược chuẩn bị cho việc phát triển thị trường, để chuẩn bị cho mùa Tết âm lịch 2020, công ty X đã thể hiện rõ mục đích của mình hoàn toàn phù hợp với mục đích của hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo Khoản 10 Điều 3 Luật thương mại 2005 “Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại”. Chính vì vậy, Công ty X đã thực hiện hoạt động thương mại dưới các hình thức hoạt động sau đây.

1.1.1. Quảng cáo

Theo Điều 102 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình” và tại Khoản 1 Điều 2 Luật quảng cáo 2012, sửa đổi bổ sung 2018 “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”. Công ty X đã sử dụng các phương tiện như truyền hình, phát thanh, mạng internet nhằm giới thiệu đến công chúng về thông tin sản phẩm mứt làm từ rau, củ, quả của công ty mình để thu hút khách hàng cũng như để khách hàng biết đến, tiếp cận sản phẩm của công ty một cách rộng rãi nhất. Bên cạnh đó còn để thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội bán hàng hóa, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và mục tiêu lợi nhuận của công ty.

1.1.2. Khuyến mại

Điều 88 Luật thương mại 2005 đã quy định: “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định”. Theo đó công ty X đã sử dụng hình thức này nhằm kích thích hành vi mua hàng của khách hàng, tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển việc mua bán hàng hoá. Cụ thể công ty X đã đưa ra thể lệ về về chương trình khuyến mại nhân dịp Tết Nguyên Đán: mua các bộ sản phẩm mứt của công ty sẽ được tặng kèm một gói trà hoa quả. Đây là hình thức khuyến mại “Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.” (Khoản 2 Điều 92 Luật thương mại 2005). Hàng hóa ở đây là vật dụng liên quan đến sản phẩm mà công ty X bán, cụ thể là khách hàng mua các bộ sản phẩm mứt của công ty sẽ được tặng kèm một gói trà hoa quả.

Công ty X còn sử dụng một hình thức khuyến mại khác là bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi (Khoản 6 Điều 92 Luật Thương mại 2005). Cụ thể, các khách hàng mua sản phẩm có hóa đơn từ 300.000 đồng trở lên của công ty đều có cơ hội được tham gia “Vòng quay may mắn”. Khách hàng sẽ dùng điện thoại quét QR code có trên từng phiếu dự thi, nhập mã số của phiếu dự thi và tham gia quay trúng thưởng trên ứng dụng tải về máy điện thoại. Như vậy, việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

1.2. Hoạt động trung gian thương mại

Ở Việt Nam, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, do nhu cầu của việc trao đổi hàng hoá dịch vụ, các hoạt động trung gian thương mại đã xuất hiện và có các điều luật điều chỉnh các hoạt động này. Theo Luật Thương mại năm 2005 đã đưa ra định nghĩa về hoạt động trung gian thương mại tại Khoản 11 Điều 3 như sau: “Các hoạt động trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định, bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa và đại lý thương mại”. Căn cứ theo Luật Thương mại 2005 thì công ty X và Doanh nghiệp tư nhân Y đã thực hiện hoạt động trung gian thương mại.

Trường hợp 1: Uỷ thác mua bán hàng hóa ( DNTN Y đăng ký kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa được ủy thác)

Điều 155 Luật thương mại 2005 “Uỷ thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác”. Theo đó, Công ty X ký kết hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Y để các sản phẩm mứt của Công ty X được bày bán tại cửa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Y trong dịp Tết nguyên đán. Theo đề bài Công ty X tổ chức và có nhu cầu giao cho bên Doanh nghiệp tư nhân Y thực hiện việc mua bán hàng hóa theo yêu cầu của mình và có thể nhận thù lao. Do vậy trong trường hợp trên Công ty X đã có nhu cầu giao hàng cho bên trung gian là Doanh nghiệp tư nhân Y thực hiện việc mua bán hàng hóa và nếu Doanh nghiệp tư nhân Y nhận thù lao của Công ty X thì Công ty X sẽ là bên ủy thác mua bán hàng hóa. Doanh nghiệp tư nhân Y là thương nhân và đã thực hiện việc mua bán hàng hóa theo điều kiện đã thỏa thuận với Công ty X do vậy nếu Doanh nghiệp tư nhân Y nhận thù lao của Công ty X thì Doanh nghiệp tư nhân Y sẽ là bên nhận ủy thác.

Trong quan hệ giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác, nếu sau khi nhận bán hộ hàng cho Công ty X, Doanh nghiệp tư nhân Y nhân danh chính mình để thực hiện giao dịch với bên thứ 3 thì trường hợp này sẽ thỏa mãn đặc điểm của hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa.

Cơ sở cơ sở pháp lý của quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa này được thiết lập trên cơ sở hợp đồng ủy thác được ký kết giữa Công ty X và Doanh nghiệp tư nhân Y và hình thức của hợp đồng được quy định tại Điều 159 và Khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại 2005 “Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”

Trường hợp 2: Đại lý thương mại ( DNTN Y phải đăng kí kinh doanh ngành nghề đại lý )

Căn cứ theo Điều 166 Luật thương mại 2005: “Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao”. Theo đề bài, Công ty X đã yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Y thực hiện việc bán hàng hóa cho khách hàng. Trong trường hợp Doanh nghiệp tư nhân Y không mua hàng từ Công ty X mà chỉ nhận hàng từ Công ty X rồi tiếp tục bán cho bên thứ ba (nghĩa là Công ty X vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa đã giao cho Doanh nghiệp tư nhân Y) và Công ty X thanh toán thù lao cho Doanh nghiệp tư nhân Y thì trường hợp này sẽ thỏa mãn điều kiện của hoạt động đại lý thương mại. Theo dữ kiện của đề bài, Công ty X (là thương nhân) giao hàng hóa cho Doanh nghiệp Y để bày bán. Do vậy Công ty X đã thỏa mãn điều kiện là bên giao đại lý, còn doanh nghiệp tư nhân Y là bên đại lý là thương nhân nhận hàng hóa để làm đại lý bán, nhận thù lao.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 175 luật Doanh nghiệp 2005 thì Doanh nghiệp tư nhân Y sử dụng danh nghĩa của chính mình để thực hiện giao dịch mua bán với khách hàng, người thứ ba, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý (công ty X) ấn định.

Căn cứ theo Điều 168 Luật Thương Mại 2005 và Khoản 15 Điều 3 luật này, quan hệ đại lý thương mại dựa trên cơ sở pháp lý là hợp đồng đại lý được xác lập bởi hai bên. Hợp đồng đại lý được giao kết giữa công ty X (bên giao đại lý) và Doanh nghiệp tư nhân Y (bên đại lý). Hợp đồng đại lý phải được giao kết bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

2. Công ty X có được tự thực hiện quảng cáo sản phẩm của mình không?

Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại 2005: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.”, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên X chuyên kinh doanh các sản phẩm mứt làm từ rau, củ, quả và có trụ sở chính tại Đà Lạt là thương nhân.

Trường hợp 1:  Công ty X là thương nhân nước ngoài  

Căn cứ Khoản 3 Điều 103 Luật Thương mại 2005 có quy định về quyền quảng cáo thương mại “Thương nhân nước ngoài muốn quảng cáo thương mại về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình tại Việt Nam phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại Việt Nam thực hiện.” Như vậy, Công ty X không thể tự thực hiện quảng cáo sản phẩm của mình mà phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại Việt Nam thực hiện.

Trường hợp 2: Công ty X là thương nhân Việt Nam

Căn cứ tại Khoản 1, Điều 103 Luật thương mại 2005 “Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam có quyền quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện việc quảng cáo thương mại cho mình.” Theo đó công ty X được phép tự thực hiện hoạt động quảng cáo sản phẩm của mình

3. Nêu thủ tục Công ty X cần thực hiện theo quy định pháp luật để tiến hành hoạt động quảng cáo và khuyến mại sản phẩm của công ty?

3.1. Thủ tục tiến hành hoạt động quảng cáo

Trước hết, sản phẩm công ty X đủ điều kiện để được quảng cáo

Công ty X dự định quảng cáo trên các phương tiện truyền hình, phát thanh, mạng internet. Điều 109 Luật Thương mại 2005 và Luật Quảng cáo 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo, những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo trong Điều 7 và Điều 8 Luật này. Theo đó, cấm thực hiện hoạt động quảng cáo đối với hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, thuốc lá, các sản phẩm có chất kích dục,… cùng với 16 hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Xét tình huống của Công ty X, với chiến lược quảng cáo sản phẩm mứt làm từ rau, củ, quả chuẩn bị cho mùa tết âm lịch 2020 cũng như phát triển thị trường, thì hoạt động của công ty hoàn toàn đáp ứng quy định của pháp luật. Sản phẩm mứt không nằm trong các loại sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cấm quảng cáo. Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 18 Luật an ninh mạng 2018 cho thấy sản phẩm mứt của công ty X được phép quảng cáo trên các phương tiện truyền hình, phát thanh, mạng internet

Điều kiện tiến hành nội dung quảng cáo

Để thực hiện hoạt động quảng cáo công ty cần đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 20 Luật Quảng cáo 2012, sửa đổi bổ sung 2018. Cụ thể:

Phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Phải công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm Theo Quy chế công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm ban hành theo Quyết định số 42/2005/BYT của Bộ Y Tế. Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Sản phẩm thực phẩm không thuộc danh mục những sản phẩm, hàng hóa bị cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sản phẩm thực phẩm của cơ sở đáp ứng quy định về điều kiện an toàn thực phẩm; hoặc sản phẩm của cơ sở/quốc gia có tên trong danh sách; được cơ quan thẩm quyền Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nội dung quảng cáo phải chính xác; đúng với chất lượng; đảm bảo an toàn thực phẩm như đã công bố và đăng ký.

Hồ sơ xin Giấy phép quảng cáo

Giấy đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm mứt làm từ rau, củ, quả theo quy định tại Phụ lục I Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2012/TT-BCT.

Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính, để đối chiếu Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.

Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính, để đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty X

Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính; để đối chiếu thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Tài liệu khoa học chứng minh tính chất, công dụng của sản phẩm đúng như nội dung đăng ký quảng cáo. Nếu thực hiện quảng cáo gian dối sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật (Căn cứ theo Luật quảng cáo 2012, sửa đổi bổ sung 2018)

Bản cam kết sử dụng hình ảnh (trong trường hợp sử dụng hình ảnh).

Nếu Công ty X quảng cáo trên báo nói; báo hình (phát thanh) cần chuẩn bị 01 bản ghi nội dung quảng cáo sản phẩm mứt trong đĩa hình; đĩa âm thanh; file mềm kèm theo 03 bản kịch bản dự kiến quảng cáo, miêu tả rõ nội dung, phương tiện dự kiến quảng cáo; phần hình ảnh (đối với báo hình); phần lời, phần nhạc. Nếu quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo không phải báo nói, báo hình thì phải có 03 bản ma-két nội dung dự kiến quảng cáo in màu kèm theo file mềm ghi nội dung dự kiến quảng cáo;

Về mẫu nhãn: mẫu nhãn sản phẩm hoặc mẫu nhãn sản phẩm đã được cơ quan y tế có thẩm quyền chấp thuận trong trường hợp pháp luật quy định nhãn sản phẩm phải được cơ quan y tế có thẩm quyền duyệt.

Yêu cầu đủ tài liệu tham khảo; chứng minh xác thực thông tin trong nội dung quảng cáo, tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải dịch công chứng sang tiếng Việt.

Như vậy thủ tục Công ty X cần thực hiện theo quy định pháp luật để tiến hành hoạt động quảng cáo thì Công ty X cần phải xem sản phẩm quảng cáo có đạt tiêu chuẩn, điều kiện để tiến hành nội dung quảng cáo chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép quảng cáo sau đó nộp ở cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định; thu phí; lệ phí theo quy định và thông báo kết quả thẩm định nội dung quảng cáo cho cơ sở dưới hình thức. Trường hợp thẩm định đạt yêu cầu: Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm theo mẫu. Trường hợp thẩm định không đạt yêu cầu: thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do chưa được xác nhận nội dung quảng cáo và những yêu cầu cần chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, Công ty X đến nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – Sở công thương hoặc có thể đăng ký dịch vụ nhận kết quả qua bưu điện. Sau khi được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo công ty sẽ tiến hành quảng cáo theo nội dung đã được cấp phép.

3.2 Thủ tục tiến hành khuyến mại

Căn cứ theo Điều 88 Luật thương mại 2005 quy định về hoạt động khuyến mại:

Căn cứ theo luật, chủ thể thực hiện khuyến mại là thương nhân bao gồm các tổ chức được quy định tại khoản 1 điều 6 Luật thương mại 2005.  Thứ hai, Luật thương mại 2005 quy định 2 trường hợp nhà nước cho phép thương nhân thực hiện khuyến mại, thương nhân hoạt động khuyến mại tại Việt Nam gồm nhiều loại, bao gồm: thương nhân chia theo quốc tịch và thương nhân chia theo mục đích thực hiện quyền hoạt động khuyến mại. Căn cứ vào các quy định trên về chủ thể thực hiện hoạt động khuyến mại, công ty X là thương nhân Việt Nam được thành lập hợp pháp, thực hiện hoạt động khuyến mại với mục đích xúc tiến thương mại, sản phẩm của mình trên cơ sở quyền tự do kinh doanh, tự do xúc tiến thương mại, nên không cần đăng kí kinh doanh để thực hiện quyền khuyến mại. Ngoài ra, công ty X thực hiện khuyến mại thuộc trường hợp thứ nhất là thương nhân trực tiếp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh có quyền tự tổ chức khuyến mại theo khoản 1 Điều 91 Luật thương mại 2005. Công ty X cần thực hiện 2 thủ tục khuyến mại theo luật đó là: thủ tục thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại và thủ tục đăng kí thực hiện hoạt động khuyến mại.

Thủ tục thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại

Công ty X phát động 02 chương trình khuyến mại:

Mua các bộ sản phẩm hoa quả sấy sẽ được tặng kèm một gói trà hoa quả. Hình thức khuyến mại này được quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 81/2018/NĐ-CP

Tổ chức chương trình “Vòng quay may mắn”, gắn liền với việc mua hàng hóa của khách hàng với điều kiện là đơn hàng có giá trị từ 300.000 đồng trở lên. Việc trúng thưởng của khách hàng hoàn toàn phụ thuộc vào sự may rủi. Theo Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, thương nhân muốn tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại tại Khoản 8 Điều 92 Luật Thương mại 2005 và các Điều 8, 9, 10, 11, 12, 14 Nghị định 81/2018/NĐ-CP phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện chương trình khuyến mại.

Thủ tục thông báo chương trình khuyến mại.

Căn cứ theo Điều 17 NĐ 81/2018/NĐ-CP về “Thông báo hoạt động khuyến mại”

Nếu tổng giá trị giải thưởng, quà tặng của chương trình khuyến mại trên 100 triệu đồng, trước khi thực hiện chương trình khuyến mại theo hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại 2005 và các Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 14 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, thương nhân là công ty X thực hiện khuyến mại cần gửi thông báo bằng văn bản về chương trình khuyến mại đến cơ quan quản lí nhà nước về thương mại nơi tổ chức khuyến mại là Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng trước khi thực hiện khuyến mại, không cần chờ đợi sự cho phép hay chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ thông báo phải được gửi đến Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng tối thiểu trước 03 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại (căn cứ theo ngày nhận ghi trên vận đơn bưu điện hoặc các hình thức có giá trị tương đương trong trường hợp gửi qua đường bưu điện, căn cứ theo ngày ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp, căn cứ theo thời gian ghi nhận trên hệ thống thư điện tử hoặc căn cứ theo ngày ghi nhận trên hệ thống trong trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến). Hồ sơ thông báo và nội dung thông báo thực hiện chương trình khuyến mại mà công ty X phải thực hiện được quy định rõ tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP. Cụ thể:

Hồ sơ đăng ký khuyến mại

Như vậy, Công ty X cần phải nộp 01 bộ hồ sơ Thông báo và Đăng ký chương trình khuyến mại bao gồm:

Thông báo thực hiện khuyến mại;

Đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại;

Thể lệ chương trình khuyến mại;

Mẫu bằng chứng xác định trúng thưởng hoặc mô tả chi tiết về bằng chứng xác định trúng thưởng;

Bản sao không cần chứng thực giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật.

Khi hết thời hạn trao giải thưởng của chương trình khuyến mại, Công ty phải có văn bản báo cáo với của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền về kết quả chương trình khuyến mại và thông báo công khai kết quả trúng thưởng căn cứ theo Điều 21 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.

Trường hợp Bộ Công Thương là cơ quan xác nhận việc đăng ký thực hiện khuyến mại; ngoài trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện khuyến mại đến Bộ Công Thương; Công ty X phải có trách nhiệm báo cáo Sở Công Thương địa phương kết quả thực hiện khuyến mại tại địa phương nơi thực hiện khuyến mại.

Nếu tổng giá trị giải thưởng, quà tặng của chương trình khuyến mại dưới 100 triệu đồng, công ty X không cần phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện khuyến mại khi khuyến mại theo các hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 LMT và các Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 14 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.

Thủ tục đăng kí thực hiện hoạt động khuyến mại.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 19 Đăng kí hoạt động khuyến mại NĐ 81/2018/NĐ-CP, công ty X là thương nhân thực hiện khuyến mại phải tiến hành đăng kí thực hiện chương trình khuyến mại tại cơ quan quản lí nhà nước về thương mại có thẩm quyền và chỉ được thực hiện chương trình khuyến mại khi nhận được văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, để tiến hành hoạt động quảng cáo và khuyến mại cho mặt hàng hoa quả sấy, Công ty X phải thực hiện đúng những quy định của pháp luật để làm đúng quy trình, thủ tục quảng cáo và khuyến mại

4. Giả sử xảy ra sự kiện bất khả kháng làm hàng hóa của Công ty X đặt tại cửa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Y bị hư hỏng. Ai là người phải gánh chịu tổn thất do hàng hóa bị hư hỏng?

Thực hiện nghiêm chỉnh Hợp đồng là nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng và cũng là một nguyên tắc luật định. Tuy nhiên, không phải lúc nào hợp đồng cũng được thực hiện một cách suôn sẻ hoặc hoàn hảo. Trong đó có những sự cố nằm ngoài khả năng dự đoán và kiểm soát của các bên, và xảy ra không phải do lỗi của các bên. Căn cứ tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.” Hàng hóa của công ty X đặt tại cửa hàng của Doanh nghiệp Y bị hỏng do sự kiện bất khả kháng thì việc xác định người phải gánh chịu tổn thất phụ thuộc vào hợp đồng mà 2 bên đã kí với nhau có thỏa thuận về vấn đề chịu rủi ro đối với hàng hóa hay không.

Thứ nhất, Trường hợp trong hợp đồng giữa 2 bên có thỏa thuận về vấn đề chịu rủi ro đối với hàng hóa

Một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động thương mại đó là nguyên tắc “Tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại”, quy đinh cụ thể tại Điều 11 Luật thương mại 2005:

  1. Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.
  2. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.

Theo đó, nếu trong hợp đồng các bên có thỏa thuận về vấn đề rủi ro, thiệt hại đối với hàng hóa khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì pháp luật sẽ ưu tiên sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Vì vậy, khi 2 bên thỏa thuận nếu có rủi ro trong trường hợp này, các bên xác định và ghi rõ bên phải chịu trách nhiệm trong hợp đồng thì bên đó phải chịu thiệt hại.

Thứ hai, Trường hợp hai bên chưa có thỏa thuận trước về vấn đề chịu rủi ro đối với hàng hóa

Khoản 1 Điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề chịu rủi ro về tài sản như sau: “Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra, bên vi phạm nghĩa vụ (tức doanh nghiệp tư nhân Y) sẽ được miễn trách nhiệm

Căn cứ Khoản 2 Điều 296 Luật Thương mại 2005 quy định về kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng như sau: “Trường hợp kéo dài quá các thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại”. Như vậy theo luật công ty X và doanh nghiệp tư nhân Y có quyền kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, hàng hóa công ty X để bán tại cửa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Y đã bị hư hỏng nên 2 bên hoàn toàn có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại. Như vậy, công ty X sẽ phải gánh chịu tổn thất khi hàng hóa bị hư hỏng.

Theo Khoản 4 Điều 165 Luật Thương mại 2005 quy định về nghĩa vụ của bên nhận ủy thác (trường hợp công ty X và Doanh nghiệp tư nhân Y kí hợp đồng là hợp đồng ủy thác) “Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác” hoặc trong trường hợp công ty X và Doanh nghiệp tư nhân Y kí hợp đồng đại lý thì theo Điều 175 Luật Thương mại 2005 quy định nghĩa vụ của bên đại lý (doanh nghiệp tư nhân Y) có nghĩa vụ “Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra”. Theo luật thì trong cả 2 trường hợp Doanh nghiệp tư nhân Y phải có nghĩa vụ bảo quản hàng hóa sau khi nhận và chịu trách nhiệm về những rủi ro xảy ra đối với hàng hóa. Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Đồng thời Điểm b Khoản 1 Điều 294 Luật thương mại 2005 quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm cũng đề cập rằng bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Nghĩa là nếu thiệt hại xảy ra do trường hợp bất khả kháng thì bên vi phạm hợp đồng sẽ không phải chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm nếu chứng mình được thiệt hại là do trường hợp bất khả kháng gây ra theo Khoản 2 Điều 294 Luật thương mại 2005. Tuy nhiên để được miễn trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: sự kiện gây ra thiệt hại phải là sự kiện bất khả kháng và Doanh nghiệp tư nhân Y mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoặc giảm thiểu thiệt hại nhưng không có tác dụng.

Như vậy, Giả xử xảy ra sự kiện bất khả kháng làm hàng hóa của Công ty X đặt tại cửa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Y bị hư hỏng và trong hợp đồng công ty X kí với Doanh nghiệp tư nhân Y chưa có thỏa thuận trước về vấn đề chịu rủi ro đối với hàng hóa trong trường hợp này thì công ty X sẽ là người gánh chịu mọi tổn thất khi hàng hóa bị hư hỏng.

5. Giả sử, anh/chị là luật sư đã được hai bên tìm đến để tư vấn các vấn đề pháp lý kể trên. Sau khi hoàn thành vụ việc, anh/chị rút ra được những kinh nghiệm chuyên môn nào (những vấn đề pháp lý cần lưu ý khi thực hiện pháp luật) cho bản thân khi giải quyết đối với các vụ việc tương tự về sau.

Bài học rút ra khi một trong hai bên tìm đến để tư vấn như sau:

Thứ nhất, Thống nhất về cách hiểu bất khả kháng. Tùy vào từng thời điểm, hoàn cảnh thực hiện hợp đồng phù hợp mà các bên nên liệt kê đến mức tối đa trường hợp cụ thể được xem là sự kiện bất khả kháng nhằm hạn chế tối đa những rủi ro và hạn chế việc bồi thường thiệt hại hợp đồng.

Thứ hai, Làm rõ nghĩa vụ thông báo. Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng bất kì nào đó, bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng cần thông báo tới bên bị vi phạm được biết trong một thời hạn hợp lý. Nghĩa vụ thông báo đảm bảo sự thiện chí hợp tác giữa hai bên

Thứ ba, Thỏa thuận về phương án xử lý và trách nhiệm của các bên. Các bên có thể thỏa thuận về việc chia sẻ thiệt hại hoặc chấm dứt hợp đồng khi có sự kiện bất khả kháng. Việc thỏa thuận về phương án xử lý là sự tiên liệu trước của các bên khi xây dựng hợp đồng và sẽ giúp các bên có phương án giải quyết hậu quả khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra.

Thứ tư, Trước khi giao kết hợp đồng luôn cần suy nghĩ xem các điều khoản về bất khả kháng có phù hợp với hợp đồng của mình. Nếu hợp đồng của mình cần có điều khoản bất khả kháng thì phải xem xét xem điều khoản bất khả kháng được soạn thảo như thế nào? Tại các điều khoản về bất khả kháng đã có quy định về nghĩa vụ thông báo, thời hạn gia hạn hợp đồng, hậu quả của bất khả kháng hay chưa?

Cụ thể, nếu là luật sư tư vấn cho một trong hai công ty (công ty X hoặc công ty Y), nhóm em có những bài học rút ra trong quá trình tư vấn các vấn đề pháp lý trên như sau:

Trong trường hợp tư vấn cho công ty X:

Thứ nhất, Công ty X nếu chứng minh được công ty Y hoàn toàn có thể lường trước được sự kiện bất khả kháng này xảy ra thì có thể đỡ một phần rủi ro hay thậm chí chuyển toàn bộ trách nhiệm vi phạm sang bên kia (Công ty Y)

Thứ hai, Sự kiện này có thể khắc phục được hay không? Công ty Y không thể thực hiện được nghĩa vụ bảo quản được nhưng công ty Y cần nêu lý do không thể khắc phục được tình hình bằng cách khác

Thứ ba, Công ty Y đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép hay chưa? Nếu bên công ty X chứng minh được rằng bên Y hoàn toàn có điều kiện và khả năng để áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng thì có thể đỡ một phần rủi ro hay thậm chí chuyển toàn bộ trách nhiệm vi phạm sang bên kia (công ty Y)

Trong trường hợp tư vấn cho công ty Y:

Thứ nhất, Khi hợp đồng đã được giao kết và trường hợp của công ty Y thỏa mãn các điều kiện luật định về sự kiện bất khả kháng, công ty Y cần hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình như nghĩa vụ phải thông báo, gia hạn hợp đồng,…Có cơ hội nào để hợp đồng tiếp tục được thực hiện để tránh rủi ro nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng

Thứ hai, Nếu trường hợp của Công ty Y không thỏa mãn điều kiện bất khả kháng, cần cân nhắc xem mình có đủ điều kiện áp dụng Điều 420 Bộ luật dân sự 2015 để yêu cầu đàm phán lại hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng.

Kết luận:

Như vậy, trong những năm qua Luật Thương mại đã có những ảnh hưởng tích cực đến đời sống, kinh tế – xã hội của Việt Nam, từng bước đưa hoạt động thương mại vào nề nếp, khuyến khích và phát triển hoạt động thương mại hợp pháp, ngăn chặn và xử lý hành vi bất hợp pháp gây ảnh hưởng xấu đến môi trường thương mại. Hệ thống pháp luật về thương mại của Việt Nam đã không ngừng được xây dựng và hoàn thiện. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã và đang được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của hoạt động thương mại trước sự thay đổi lớn trong nền kinh tế ở Việt Nam.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp tới số điện thoại 0911.111.099 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp thắc mắc đến bạn đọc.

Trân trọng!

Bài viết liên quan