HÀNH VI LỪA DỐI KẾT HÔN CÓ LÀM PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI?
Câu hỏi: Chào luật sư, hiện nay tôi kết hôn đã lâu nhưng cuộc sống hôn nhân lại không hạnh phúc, hay xảy ra mâu thuẫn và thường xuyên không có hành động thân mật. Tôi có đề cập vấn đề này với chồng nhưng đối phương lại lảng tránh. Tuy vậy, chồng tôi lại tỏ ra rất quan tâm đến một người bạn đồng giới của anh và anh ấy luôn muốn tìm cơ hội để đi gặp mặt đối phương. Qua những hành động trên tôi nghi ngờ chồng tôi đã lừa dối kết hôn với tôi để làm bình phong cho “giới tính thứ ba của anh”. Nên tôi quyết định ly hôn, nếu ly hôn tôi có được quyền đòi đối phương bồi thường thiệt hại danh dự của mình vì hành vi lừa dối kết hôn của chồng không ạ?
Trả lời: Có thể nói, tinh thần tự nguyện gắn bó là một trong những cơ sở quan trọng góp phần xây dựng nên quan hệ hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây cụm từ “lừa dối kết hôn” thường xuyên xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Vậy lừa dối kết hôn được hiểu như thế nào? Trường hợp tồn tại hành vi lừa dối kết hôn liệu có làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Thông qua phần giải đáp câu hỏi, chúng tôi xin làm rõ về vấn đề này:
Thứ nhất, về hành vi lừa dối kết hôn
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, “lừa dối kết hôn” được xác định là một trong số những hành vi bị pháp luật cấm. Vậy cụ thể, hành vi này được hiểu như thế nào?
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP:
“Lừa dối kết hôn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn.”
Theo quy định trên, có thể hiểu, lừa dối kết hôn là hành vi xảy ra trước quan hệ hôn nhân. Hành vi này được xác định là hành vi có chủ đích của một bên trong quan hệ hôn nhân hoặc là hành vi của bên thứ ba trong việc đưa ra những thông tin sai lệch với mục đích khiến bên còn lại hiểu sai ý, từ đó dẫn đến việc kết hôn.
Như vậy, với câu hỏi trên, những hành vi của chồng mà chị đề cập đến như “rất quan tâm đến một người bạn đồng giới” hay “muốn tìm cơ hội để đi gặp mặt đối phương”, “thường xuyên mâu thuẫn, lảng tránh chị” chưa đủ căn cứ để xác định chồng chị có lừa dối kết hôn hay không. Trong trường hợp này, những hành vi trên chỉ được coi là “lừa dối kết hôn” khi chồng chị thực sự có tình cảm với người khác và trước thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân, chồng chị đã cố tình gây cho chị hiểu lầm, che giấu về tình cảm của mình dẫn đến việc chị đồng ý kết hôn. Ngoài ra, để xác định thực sự có vấn đề lừa dối kết hôn hay không, chị cũng cần có những bằng chứng, chứng cứ rõ ràng, cụ thể.
Thứ hai, về bồi thường thiệt hại danh dự
Theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Dựa vào điều luật trên, có thể thấy căn cứ làm phát sinh bồi thường thiệt hại danh dự là tồn tại hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của đối phương. Hành vi lừa dối kết hôn không dẫn đến nghĩa vụ bồi thường thiệt hại danh dự theo luật định.
Do đó, với tình huống của chị, pháp luật không có quy định về bồi thường thiệt hại do danh dự bị xâm phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp chị muốn được bồi thường thiệt hại, chị cũng có thể thỏa thuận với chồng của mình để nhận mức bồi thường.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hy vọng sẽ mang lại cho chị những thông tin bổ ích.
Chúc chị thành công trong cuộc sống!
Trân trọng!