Kháng nghị quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

KHÁNG NGHỊ QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN SỰ THỎA THUẬN CỦA CÁC ĐƯƠNG SỰ

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi tên là Nguyễn Kim T, tôi có chồng là ông Nguyễn Vă H tôi xin trình bày sự việc gia đình tôi như sau: Ngày 21/01/2017 ông Nguyễn Văn H ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo lãnh cho công ty N vay tiền Ngân hàng Đông Nam. Theo đó, Ông H vay bảo lãnh vay với số tiền là 1.500.000.000 đồng, thời hạn vay là 24 tháng. Do công ty N không trả được nợ nên Ngân hàng đã khởi kiện ra TAND huyện Hải Châu, thành phố Đà Nẵng để thu hồi nợ. Hiện nay, TAND huyện Hải Châu đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 77/2019/QĐST-KDTM ngày 30/9/2019 (Quyết định) ghi nhận việc thỏa thuận trả nợ giữa các đương sự, nếu hết thời gian thỏa thuận mà không trả hết nợ thì tiến hành phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho Ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế đất này là tài sản chung của vợ chồng tôi nhưng chỉ mình chồng tôi ký tên trong hợp đồng thế chấp. Vậy luật sư cho tôi hỏi bây giờ tôi có thể kháng cáo quyết định trên của Tòa án không?

Trả lời: Việc quy định công nhận sự thoả thuận của các đương sự sẽ là một phương thức giải quyết tranh chấp tối ưu nhất để bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Hiện nay có rất nhiều người vẫn còn hoang mang về thủ tục kháng cáo, kháng nghị đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án. Theo quy định của pháp luật quyết định này không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Bài viết dưới đây sẽ thông tin cụ thể hơn về nội dung quy định của pháp luật về vấn đề này.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

– Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015

QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN SỰ THỎA THUẬN CỦA CÁC ĐƯƠNG SỰ LÀ GÌ?

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là một văn bản pháp lý ghi nhận các nội dung thỏa thuận của các được sự và được Tòa án ban hành. Nội dung của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ban hành phải dựa trên cơ sở những nội dung, những vấn đề mà các đương sự đã tự nguyện đồng ý sau khi thảo luận, thương lượng, cân nhắc và quyết định. Trong đó, qúa trình hòa giải phải tuân thủ nguyên tắc “tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình” (Điểm a Khoản 2 Điều 205 BLTTDS năm 2015).

RA QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN SỰ THỎA THUẬN CỦA CÁC ĐƯƠNG SỰ

Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:

– Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

– Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

– Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.

Tham khảo: Mẫu đơn kháng cáo

QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN SỰ THỎA THUẬN CỦA CÁC ĐƯƠNG SỰ BỊ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ THEO THỦ TỤC NÀO?

Thủ tục kháng cáo, kháng nghị quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được quy định tại Điểu 213 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể:

“Điều 213. Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

1. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

2. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.”

 Như vậy, theo quy định trên, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có sự khác biệt rất lớn với bản án sơ thẩm:

– Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

– Bên cạnh đó, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự cũng không bị kháng nghị, kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.

Như vậy, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Do đó, trong trường hợp của bạn, nếu đây thực sự là tài sản trên là tài sản chung của vợ chồng bạn, có các căn cứ có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận trước đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội và không có bất kỳ thỏa thuận nào khác thì bạn có thể tiến thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 77/2019/QĐST-KDTM ngày 30/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

HỒ SƠ KHÁNG NGHỊ QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN SỰ THỎA THUẬN CỦA CÁC ĐƯƠNG SỰ

Điểu 328 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định cụ thể như sau:

– Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:

+ Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;

+ Tên, địa chỉ của người đề nghị;

+ Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;

+ Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;

+ Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

TẢI VỀ: TẠI ĐÂY

Bên cạnh đó, kèm theo đơn đề nghị, người đề nghị phải gửi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đơn đề nghị và tài liệu, chứng cứ được gửi cho người có thẩm quyền kháng nghị quy định.

Tham khảo: Thủ tục giám đốc thẩm và mẫu đơn đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm

NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN KHÁNG NGHỊ THEO THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM

– Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

– Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Bài viết liên quan