Khởi tố, tạm giam Ngọc Trinh – góc nhìn pháp lý

TẠM GIAM NGỌC TRINH – GÓC NHÌN PHÁP LÝ?

Ngày 19-10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PC01) đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng“, “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (34 tuổi, ngụ quận 7) về tội “gây rối trật tự công cộng” (quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự). Việc người mẫu Ngọc Trinh bị ra quyết định khởi tố, đồng thời bị bắt tạm giam đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân.

Vậy đứng trên góc độ pháp lý, việc người mẫu Ngọc Trinh bị khởi tố về tội “gây rối trật tự công cộng”, bị khám xét chỗ ở và bị bắt tạm giam có đúng theo quy định của pháp luật hay không. Bài viết sau đây của Việt Chính Luật sẽ phân tích để giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề trên.

1. Tại sao người mẫu Ngọc Trinh bị khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”?

Gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý làm mất tính ổn định, tổ chức, kỷ luật ở nơi công cộng như  tàu xe, nhà thờ, công viên, trường học, chợ,.., làm ảnh hưởng xấu tới an toàn, an ninh khu vực, trật tư xã hội hoặc thậm chí gây tổn hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác.

Tìm hiểu thêm: Tội Gây rối trật tự công cộng

Theo điều tra ban đầu, Công an TP.HCM cho biết, Trần Thị Ngọc Trinh chưa có bằng lái xe A2 nhưng vẫn cùng Trần Xuân Đông tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, phản cảm như nằm, quỳ gối trên yên xe, thả hai tay để xe tự chạy… lưu thông biểu diễn trên tuyến đường đã được sử dụng công cộng thuộc địa bàn P.Thủ Thiêm và P.Tăng Nhơn Phú B (TP.Thủ Đức, TP.HCM); gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Hành vi này của người mẫu Ngọc Trinh đã bị xử phạt với số tiền là 8.500.000 đồng do vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.  

Ngọc Trinh bị tạm giữ hình sự vì tội Gây rối trật tự công cộng

Tuy nhiên sau khi bị xử phạt, người mẫu Ngọc Trinh vẫn không gỡ những hình ảnh sai lệch và phản cảm trên các phương tiện thông tin đại chúng, chưa nhận thức rõ hành vi của mình có nguy hại cho xã hội ra sao. Việc quay phim, chụp ảnh, biểu diễn phản cảm và nguy hiểm trên còn co sự giúp sức của nhiều người, thể hiện việc phạm tội có chuẩn bị, có tổ chức. Đồng thời, người mẫu Ngọc Trinh là người của công chúng, có lượng người theo dõi lớn và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, do đó việc làm của Ngọc Trinh đã làm ảnh hưởng xấu đến nhận thức của người dân, từ đó có thể tạo ra làn sóng gây nguy hại cho an ninh, an toàn và trật tự xã hội. 

Tính chất và sự nguy hiểm của hành vi này là nghiêm trọng, do đó nếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ không đủ sức răn đe. Do đó, việc khởi tố hình sự người mẫu Ngọc Trinh về tội Gây rối trật tự công cộng là hoàn toàn có cơ sở.

Để việc khởi tố để xử lý hình sự của người mẫu Ngọc Trinh là hợp pháp, căn cứ vào Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) nếu Ngọc Trinh đã bị ra quyết định xử phạt hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ bỏ quyết định xử phạt và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.

2. Vì sao Ngọc Trinh bị khám xét chỗ ở

Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử như sau:

“1. Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

…”

Như vậy, khi Cơ quan cảnh sát điều tra Tp Hồ Chí Minh có căn cứ cho rằng trong người, tại nơi ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện của người mẫu Ngọc Trinh có đồ vật, hay các phương tiện phạm tội thì sẽ được tiến hành khám xét. Việc khám xét này phải có lệnh khám xét của những người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều kiện để khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện được quy định như sau:

– Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.

Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

– Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.

– Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.

– Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.

Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.

– Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.

3. Vì sao Ngọc Trinh bị bắt tạm giam?

Việc bị can Ngọc Trinh bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra đối với tội Gây rối trật tự công cộng gây ra rất nhiều tranh cãi rằng việc tạm giam này có cần thiết hay không? Bởi lẽ trên thực tế, có rất nhiều các vụ án về tội Gây rối trật tự công cộng mà bị can trong quá trình bị khởi tố không bị tạm giam, ví dụ như trường hợp Trang Nemo mới đây.

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự:

Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng màBộ luật hình sựquy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

“a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sựquy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam

          …”

Trường hợp người mẫu Ngọc Trinh bị khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng, có thể bị phạt mức phạt cao nhất là 07 năm tù, thuộc tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Do vậy khi có căn cứ cho rằng bị can Ngọc Trinh thuộc một trong 5 căn cứ nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền ra lệnh hoặc quyết định tạm giam là hoàn toàn cần thiết và hợp lý để đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội.

Trên đây là những nội dung tư vấn của Luật Việt Chính. Hi vọng rằng bạn có thể nắm được những thông tin đầy đủ nhất về tội Gây rối trật tự công cộng cũng như các quy định về khám xét chỗ ở, tạm giữ hình sự. Do tính chất phức tạp của vụ việc, để tiết kiệm chi phí cũng như thời gian, Quý khách hành có thể sử dụng dịch vụ tư vấn hình sư của Luật Việt Chính theo liên hệ hotline: 0911.111.099 hoặc 0987.062.757 chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bài viết liên quan