Khủng bố là gì? Tội khủng bố được quy định như thế nào ?

KHỦNG BỐ LÀ GÌ ?

TỘI KHỦNG BỐ ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO ?

 

 Hiện nay tình trạng bạo lực, khủng bố xảy ra ngày càng nhiều trên khắp thế giới từ phía các phần tử bạo động. Vậy khủng bố là gì? Tội khủng bố được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

1. Khủng bố là gì?

     Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố 2013, khủng bố là : “Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng”.

   Trong đó bao gồm các hành vi:

– Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;

– Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

– Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

– Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

– Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

– Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy có thể hiểu Khủng bố là hành vi sử dụng bạo lực, đe dọa để gây ra tình trạng hoảng loạn, sợ hãi trong công chúng mà xâm phạm đến tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, hành vi khủng bố có thể được thực hiện dưới dạng hành động, lời nói, hình ảnh hoặc video hoặc hành vi khác để uy hiếp, đe dọa,…

Trong đó, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP giải thích như sau: Tình trạng hoảng sợ trong công chúng là trạng thái tâm lý lo lắng, sợ hãi, hoang mang của người dân về an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ.”

Để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố có thể được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người như: ở các nơi tập trung đông người như các khu vui chơi giải trí, trường học, khu dân cư, bệnh viện, tòa nhà lớn,…

Ví dụ về khủng bố như: Hành vi xâm phạm đến tính mạng hoặc đe dọa đến tính mạng sức khỏe của người khác như: đe dọa bắn, bóc cóc, con tin, đánh bom, sử dụng súng khống chế,…Hành vi đe dọa phá hủy tài sản, chiếm giữ tài sản của cơ quan tổ chức cá nhân như: Đốt, phá, dùng bom, mìn, hóa chất; tấn công, bạo động,…. ở các nơi tập trung đông người như các khu vui chơi giải trí, trường học, khu dân cư, bệnh viện, tòa nhà lớn,…

Tham khảo thêm: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tội cướp tài sản

2. Tội khủng bố được quy định như thế nào ?

   Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, quy định về 3 tội phạm liên quan đến khủng bố với các tội danh sau:

* Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được quy định tại Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017:

“Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

* Tội khủng bố được quy định tại Điều 299 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 101 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017

“Điều 299. Tội khủng bố

1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:

a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

* Tội Tài trợ khủng bố được quy định tại Điều 300 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi khoản 102 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:

“Điều 300. Tội tài trợ khủng bố

1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

2. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Như vậy, người có hành vi phạm tội liên quan đến khủng bố tùy theo từng mức độ trường hợp nêu trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như sau:

– Tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân với mức hình phạt cao nhất là tử hình;

– Tội Khủng bố với mức hình phạt cao nhất là tử hình;

– Tội Tài trợ khủng bố.

Tham khảo thêm: Quy định pháp luật về tội cướp tài sản

CÁC KHUNG HÌNH PHẠT:

– Khung 01: Phạt tù từ 10 – 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu có hành vi gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà:

+ Xâm phạm tính mạng của người khác; hoặc

+ Phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân

– Khung 02: Phạt tù từ 05 – 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

+ Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

+ Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

+ Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Khung 03: Phạt tù từ 02 – 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các hành vi thuộc khung hình phạt thứ nhất hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần.

Theo quy định tại Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP, hành vi khác uy hiếp tinh thần là hành vi:

  • Lôi kéo, kích động, cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị uy hiếp; hoặc
  • Đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của thân nhân người bị uy hiếp; hoặc
  • Các hành vi khác nhằm làm cho người bị uy hiếp lo sợ, cản trở khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ một cách bình thường.

– Khung 4: Với trường hợp chuẩn bị phạm tội thì bị phạt từ 01 – 05 năm.

– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 – 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bài viết liên quan