Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” (Chương I phần 2)

LUẬN VĂN ” CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG THEO THỎA THUẬN VÀ VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI THỨ BA” (CHƯƠNG I PHẦN 2)

CHƯƠNG 1 (PHẦN 2)

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG THEO THỎA THUẬN VÀ VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI THỨ BA

1.3. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba

1.3.1.  Nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản vợ chồng

Hiện nay, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định hai loại chế độ tài sản của vợ chồng đó là chế độ tài sản vợ chồng theo luật định và chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Điều 28 quy định áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

“1. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật này.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật này.

2. Các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này được áp dụng không phụ thuộc vào chế độ tài sản mà vợ chồng đã lựa chọn.

3. Chính phủ quy định chi tiết về chế độ tài sản của vợ chồng

    Tại Điều 7, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiêt một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng như sau: “Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc có thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng thỏa thuận này bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình”.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

Tuy nhiên, dù vợ và chồng có lựa chọn loại chế độ tài sản nào cũng phải đáp ứng những nguyên tắc chung trong việc áp dụng chế độ tài sản vợ chồng. Khoản 2, Điều 28 quy định: “Các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này được áp dụng không phụ thuộc vào chế độ tài sản mà vợ chồng đã lựa chọn”. Việc áp dụng nguyên tắc chung có ý nghĩa bảo đảm quyền lợi của gia đình, buộc vợ và chồng phải thực hiện trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, duy trì nhu cầu thiết yếu của gia đình đồng thời ngăn ngừa sự xâm phạm làm ảnh hưởng tới quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng và người thứ ba.

1.3.2.  Nguyên tắc chung về chế độ tài sản vợ chồng

Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

“1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường”.

Như vậy, nguyên tắc của chế độ tài sản vợ chồng theo Điều 29 Luật HN&GĐ bao gồm:

Thứ nhất: vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Nguyên tắc bình đẳng không chỉ được ghi nhận trong Luật HN&GĐ năm 2014, trước đó Luật HN&GĐ năm 1959 đã ghi nhận về bình đẳng giữa vợ và chồng như sau: “Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt” (Điều 12), trong giai đoạn tiếp theo của lịch sử pháp luật hôn nhân và gia đình, Luật HN&GĐ năm 1986,  năm 2000 đều quy định về nguyên tắc bình đẳng này. Trong cuộc sống chung vợ chồng, rất khó để phân định ai là người đóng góp nhiều hơn, bởi người này“góp công” thì người kia “góp sức”, do vậy, vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Luật HN&GĐ năm 2014 còn nâng tầm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình, đó là quy định “không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”. Quy định này có ý nghĩa vô cùng to lớn, bảo vệ quyền và lợi ích của người “lao động trong gia đình”, bởi khi chấm dứt chế độ tài sản, người “lao động trong gia đình” có quyền yêu cầu người kia thanh toán cho mình một phần giá trị tài sản dựa trên công sức lao động trong gia đình của mình. 

Thứ hai: vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ phải bảo đảm nhu cầu sinh hoạt thông thường của mỗi gia đình tùy theo khả năng đóng góp về kinh tế của vợ và chồng.

Thứ ba: Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường. Theo đó, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người vợ, chồng và người thứ ba khác được pháp luật bảo vệ. Nếu thực hiện những hành vi xâm phạm trên sẽ phải chịu hậu quả là bồi thường thiệt hại.

Việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được đề cập đến ngay từ nguyên tắc chung về chế độ tài sản vợ chồng nói chung và chế độ tài sản theo thỏa thuận nói riêng. Theo đó, dù thỏa thuận là do ý chí của các bên, nội dung thỏa thuận là tự do nhưng bắt buộc không được ảnh hưởng đến người thứ ba là con cái, bố mẹ và thành viên khác trong gia đình. Việc phân chia tài sản phải bảo đảm duy trì được nhu cầu thiết yếu của gia đình, không làm ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho bố mẹ, con cái về học tập, sinh hoạt, ăn ở, vui chơi của các con. Khi vợ hoặc chồng thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản là nơi ở duy nhất của vợ/chồng, mặc dù tài sản thuộc sở hữu riêng nhưng vẫn phải thỏa thuận và được sự đồng ý của người còn lại về việc thực hiện giao dịch dân sự đó. Thậm chí nếu được sự đồng ý thì vẫn phải bảo đảm được chỗ ở chỗ vợ/chồng. Mặc dù điều này không có liên quan đến quyền và lợi ích của người thứ ba, tuy nhiên để giao dịch dân sự với người thứ ba không bị vô hiệu, thì người thứ ba cần phải biết về việc vợ/chồng đã bảo đảm chỗ ở cho người kia hay chưa bằng một cam kết của vợ/chồng.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

Như vậy có thể thấy rằng, dù tài sản vợ chồng được xác lập bằng chế độ tài sản pháp định hay theo thỏa thuận, thì vẫn phải đảm bảo những nguyên tắc chung của chế độ tài sản vợ chồng. Nếu vi phạm và xâm hại đến những đối tượng trên thì sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

1.3.3. Quy định về căn cứ xác lập chế độ tài sản vợ chồng

Điều 47 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “ Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.

Như vậy, điều kiện để vợ chồng được phép lựa chọn và áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận phải bao gồm:

Thứ nhất: về thời gian xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn. Quy định này cũng được rất nhiều các quốc gia có chế độ tài sản theo thỏa thuận áp dụng, việc lập “hôn ước” hay “văn bản thỏa thuận” phải được lập trước khi tiến hành đăng ký kết hôn, sau khi đăng ký kết hôn không thể lập thỏa thuận này.

Thứ hai: Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn, vì vậy việc đăng ký kết hôn là bắt buộc nếu vợ và chồng muốn lựa chọn chế độ này. Những trường hợp kết hôn trái pháp luật, những trường hợp đăng ký kết hôn tại cơ quan không đúng thẩm quyền, về nguyên tắc sẽ không thể xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận, dù đã xác lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước đó.

Thứ ba: Hình thức của việc xác lập chế độ tài sản vợ chồng là phải được xác lập bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực. Quy trình, thủ tục thực hiện việc xác lập văn bản thỏa thuận phải được thực hiện theo LCC năm 2014 hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền . Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 LCC năm 2014 quy định: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch”. Tại Thông tư 23/2015/NĐ-CP quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch đã quy định về khái niệm chứng thực hợp đồng, giao dịch như sau: “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch”.

Như vậy, luật HN&GĐ năm 2014 quy định việc thỏa thuận chế độ tài sàn vợ chồng bắt buộc phải được lập thành văn bản dưới sự chứng kiến và xác nhận của Công chứng viên đã được sự ủy nhiệm của cơ quan nhà nước cụ thể là được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm hoặc sự chứng thực của Trưởng/Phó phòng Tư pháp hoặc Chủ tịch/Phó chủ tịch xã, phường, thị trấn. Quy định này thể hiện sự chặt chẽ của pháp luật về việc xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba. Việc phải có sự công chứng, chứng thực có ý nghĩa bảo đảm sự đúng đắn về pháp lý, đạo đức của nội dung thỏa thuận, kiểm soát tính xác thực và tự nguyện của hai bên. Đồng thời, sự xác lập chế độ tài sản vợ chồng được kiểm soát bởi một bên thứ ba sẽ giúp đảm bảo phần nào sự công khai đối với các thành viên khác trong xã hội.

1.3.4. Quy định về nội dung của chế độ tài sản vợ chồng

Để tạo điều kiện thuận lợi cho vợ chồng xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, Điều 48,Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định những nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm:

“Điều 48. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan”.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

1.3.4.1. Xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng

Quy định xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng là nội dung quan trọng vì nó xác định phần quyền sở hữu của vợ chồng đối với từng tài sản cụ thể. Và nội dung này góp phần không nhỏ vào việc chia tài sản sau này khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận. Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được hướng dẫn cụ thể tại Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ – CP quy định chi tiêt một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình như sau:

“Điều 15. Xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

1. Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:

a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng”.

Ngoài các trường hợp được các nhà làm luật “gợi ý” nêu trên, vợ chồng có thể tự do thỏa thuận bất cứ cách xác định tài sản chung, tài sản riêng nào, miễn là thỏa thuận đó không trái với quy định pháp luật và thuần phong mĩ tục. Trong trường hợp thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì các vấn đề này sẽ được áp dụng tương tự như chế độ tài sản pháp định. Nếu vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu theo quy định tại Điều 50 Luật HN&GĐ năm 2014.

Luật HN&GĐ năm 2014 và Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiêt một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình đã dự liệu một số trường hợp để vợ chồng lựa chọn làm nội dung chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.

– Chế độ tài sản giữa vợ và chồng đều có khối tài sản chung và tài sản riêng. Khi lựa chọn chế độ tài sản này, trong thỏa thuận vợ chồng cần thiết phải xác định rõ ràng, cụ thể tài sản nào được xác định là tài sản chung, tài sản nào được xác định là tài sản riêng. Việc xác định này do hai bên thỏa thuận lựa chọn, nếu không lựa chọn thì áp dụng theo quy định của pháp luật. Cụ thể là Điều 33, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về xác định tài sản chung vợ chồng và Điều 43 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về cách xác định tài sản riêng. Ngoài ra, Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiêt một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình còn quy định bổ sung, tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm (i): Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. (ii) Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác. (iii) Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Ưu điểm của việc lựa chọn chế độ này là bảo đảm tính cộng đồng tài sản của vợ chồng mà vẫn giữ được quyền và lợi ích chính đáng của vợ và chồng cũng như bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Với phần tài sản chung, vợ chồng có thể thống nhất sử dụng để bảo đảm cho việc duy trì đời sống sinh hoạt của gia đình, bảo đảm nhu cầu nuôi dưỡng cho các con, bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Trường hợp phát sinh quan hệ về tài sản với một bên thứ ba khác thì bên thứ ba có thể yêu cầu vợ hoặc chồng sử dụng tài sản chung này để đảm bảo cho nghĩa vụ với người thứ ba bởi trong khối tài sản chung này vợ chồng đều có quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm ngang nhau. Tuy nhiên, trong giao dịch dân sự nói riêng, việc vừa thỏa thuận có tài sản chung, vừa có tài sản riêng thường gây khó khăn cho người thứ ba khi xác lập, thực hiện giao dịch với vợ chồng. Nếu không có sự cung cấp thông tin của vợ/chồng thì người thứ ba không thể biết được tài sản này thực sự thuộc quyền sở hữu của ai, từ đó việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba cũng bị ảnh hưởng.

-Trường hợp giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung. Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng theo hướng này có ưu điểm là đơn giản trong cách xác định chủ sở hữu của tài sản, tất cả các tài sản của vợ và chồng trước và trong thời kì hôn nhân đều là tài sản chung. Trong giao dịch dân sự nói riêng, việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong trường hợp này cũng được nâng cao, vì người thứ ba sẽ không phải xác định tài sản là tài sản của riêng vợ, chồng hay là tài sản của cả hai vợ chồng. Bởi khi đã là tài sản chung thì lẽ dĩ nhiên tài sản đó thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng, và vợ chồng sẽ liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ cũng như quyền lợi đối với giao dịch liên quan đến các tài sản. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng có bất lợi, đó là chưa bảo đảm được công bằng trong công sức đóng góp xây dựng khối tài sản của vợ chồng và chưa bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tự do định đoạt tài sản của cá nhân. Không chỉ vậy, khi giao dịch dân sự, việc thỏa thuận tất cả các tài sản của vợ chồng là tài sản chung cũng gây ra hạn chế bởi lẽ, nếu tất cả các giao dịch đều phải có sự tham gia của cả vợ và chồng sẽ có thể mất đi sự chủ động trong kinh doanh. Ngoài ra, đứng trên khía cạnh người thứ ba là bố mẹ, con riêng của vợ hoặc chồng thì việc thỏa thuận tất cả tài sản là tài sản chung sẽ làm hạn chế đi phần nào quyền để lại di sản và quyền nuôi dưỡng của bố mẹ và con riêng. Có thể lấy ví dụ, như khi xác định tất cả tài sản của vợ chồng đều là tài sản chung thì khi cấp dưỡng cho con riêng của vợ/chồng thì phải được sự đồng ý của người còn lại, điều này mặc dù đã được pháp luật quy định về nguyên tắc chế độ tài sản vợ chồng không được làm ảnh hưởng đến sự cấp dưỡng nhưng rõ ràng, việc phải hỏi ý kiến và có sự đồng ý của người vợ/chồng còn lại cũng đã gây ra những hạn chế nhất định cho người thứ ba.

– Trường hợp giữa vợ chồng không có tài sản chung, mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó. Theo cách này, xét trong quan hệ tài sản, vợ và chồng là hai cá thể độc lập, tài sản do ai làm ra sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó, giữa hai người không tồn tại một loại tài sản chung nào. Thỏa thuận này giúp vợ chồng tự chủ về kinh tế và tài chính, tự do kinh doanh mà không phải chịu ảnh hưởng bởi người còn lại. Đứng trên góc độ của người thứ ba, đây là trường hợp bảo đảm trọn vẹn nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba, trong giao dịch dân sự nói riêng, giúp cho người thứ ba xác định được chính xác chủ thể tham gia giao dịch với mình là ai, ai là chủ tài sản thì sẽ là người có quyền và nghĩa vụ khi tham gia giao dịch dân sự với mình. Đứng trên góc độ người thứ ba là bố mẹ, con riêng của vợ/chồng cũng không làm hạn chế quyền nuôi dưỡng/quyền để lại di sản. Tuy nhiên, việc lựa chọn  chế độ tài sản này có nhược điểm thiếu tính gắn kết giữa vợ chồng, đối với những gia đình chỉ có vợ hoặc chồng là người tạo ra thu nhập, người còn lại là lao động trong gia đình thì việc tính toán công sức đóng góp cho lao động trong gia đình trong khi chấm dứt chế độ tài sản là rất khó xác định.

Có thể thấy rằng, trong ba trường hợp pháp luật đã dự liệu trên, trường hợp nào cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Vì vậy, trước khi quyết định lựa chọn chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, các bên cần phải tìm hiểu về sự khác nhau và hậu quả pháp lý của các trường hợp để có sự lựa chọn phù hợp nhất. Đồng thời, cũng cần nhấn mạnh rằng, những quy định trên chỉ là “dự liệu” của các nhà làm luật, vợ chồng hoàn toàn có thể lựa chọn những thỏa thuận khác, miễn là thỏa thuận đó không trái với quy định pháp luật, đạo đức và thuần phong mĩ tục.

1.3.4.2. Thỏa thuận về nghĩa vụ đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan

Việc xác định quyền và nghĩa vụ đối với tài sản chung và tài sản riêng và các giao dịch có liên quan không được pháp luật quy định cụ thể trong từng điều luật mà được ưu tiên theo ý chí của các bên. Vợ chồng có toàn quyền định đoạt đối với tài sản chung, tài sản riêng, xác định quyền và nghĩa vụ đối với tài sản đó. Tuy nhiên, các bên cũng phải thỏa thuận phần tài sản sao cho phù hợp với quy định của pháp luật, làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm mà vợ chồng phải thực hiện. Khi vợ chồng có những thỏa thuận về xác định quyền và nghĩa vụ đối với tài sản thì các quan hệ tài sản với người thứ ba liên quan phải căn cứ và thực hiện theo thỏa thuận đó.

 Riêng đối với nghĩa vụ bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình đặc biệt là trong trường hợp các bên thỏa thuận chỉ có tài sản riêng, không có tài sản chung thì việc vợ chồng thỏa thuận tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình, con cái, bố mẹ và các thành viên khác là hết sức cần thiết. Khoản 20, Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về khái niệm nhu cầu thiết yếu trong gia đình như sau: Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. Tuy nhiên, như thế nào được coi là “thiết yếu” thì đây là một vấn đề cần được các nhà làm luật làm rõ hơn về mức độ của thiết yếu. Bởi đối với những cá nhân hoặc những gia đình có mức sống khác nhau thì khái niệm đồ dùng thiết yếu sẽ không giống nhau. Chẳng hạn như, đối với cá nhân này thì những vật dụng như xoong, nồi, bát đĩa, giày dép, quần áo là những đồ dùng thiết yếu hàng ngày, nhưng đối với cá nhân khác thì lại xem những vật dụng như điện thoại, laptop, ô tô, tủ lạnh… là những đồ dùng thiết yếu. Vì vậy, cần phải làm rõ khái niệm “thiết yếu” để hạn chế những tranh chấp sau này.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

1.3.4.3. Điều kiện, thủ tục, nguyên tắc phân chia khi chấm dứt chế độ tài sản

Cũng giống như những nội dung trên, nội dung về điều kiện, thủ tục, nguyên tắc phân chia khi chấm dứt chế độ tài sản cũng được xác lập theo ý chí tự nguyện của các bên. Pháp luật không quy định thời gian cụ thể tối thiểu là bao lâu chủ thể được chấm dứt chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, vợ chồng có thể chấm dứt chế độ này bất cứ khi nào mong muốn, hoặc sẽ tự động chấm dứt khi xảy ra sự kiện một bên vợ/chồng chết hoặc đã bị Tòa án tuyên bố vợ/chồng đã chết, khi ly hôn, khi thỏa thuận bị vô hiệu toàn bộ.

Việc các bên cần thỏa thuận cụ thể về điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận sẽ hạn chế xảy ra tranh chấp, giúp Tòa án khi thực hiện công việc giải quyết tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng được nhanh chóng và hiệu quả,  đồng thời cũng tiết kiệm thời gian và chi phí cho vợ chồng khi phân chia tài sản sau khi chấm dứt chế độ tài sản.

Cần lưu ý rằng, vợ chồng phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản cần phải đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba, không được xâm phạm đến quyền lợi của người thứ ba. Nếu không những thỏa thuận phân chia này sẽ bị vô hiệu và phải bồi thường cho bên thứ ba theo quy định của pháp luật.

1.3.4.4 Các nội dung khác

 Ngoài 3 nội dung trên, các bên có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác để thỏa mãn ý chí của các bên, nhưng phải bảo đảm các thỏa thuận đó không trái đạo đức và pháp luật. Đây là một quy định mở, nhằm trường hợp có những sự biến pháp lý xảy ra mà pháp luật chưa dự liệu đến. Việc cho phép có các thỏa thuận khác của vợ chồng đã cho thấy sự linh hoạt của pháp luật, tuy nhiên cũng gây khó khăn cho việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Bởi lẽ, việc xác định các thỏa thuận khác có hợp pháp hay không khi chưa có hướng dẫn cụ thể của pháp luật là một vấn đề cần phải giải quyết nếu có tranh chấp về tài sản giữa vợ chồng với nhau và vợ chồng với người thứ ba. Điều này phần nào cho thấy ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người thứ ba trong quan hệ tài sản với vợ chồng.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong trường hợp chưa có thỏa thuận rõ ràng, hoặc phát sinh những vấn đề chưa được thỏa thuận. Khoản 2, Điều 48 Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định như sau: “2. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định”. Tương tự như vậy, trong trường hợp vợ chồng ly hôn, nếu chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó, nếu không có quy định hoặc quy định không cụ thể thì sẽ áp dụng quy định tương ứng tại các Điều 59, 60, 61, 62, 63 và 64 Luật HN&GĐ năm 2014. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong trường hợp vợ chồng ly hôn được thể hiện ở Khoản 5, Điều 59 như sau: “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”. Về vấn đề giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn, Điều 60 Luật HN&GĐ cũng quy định như sau:

“1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết”.

Như vậy, có thể thấy trong trường hợp vợ chồng chấm dứt chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, việc vợ chồng không có thỏa thuận hay thỏa thuận không rõ ràng về chế độ tài sản thì quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba cũng không bị ảnh hưởng, và quyền lợi hợp pháp của người thứ ba sẽ luôn được pháp luật bảo vệ.

1.3.5. Quy định về sửa đổi, bổ sung

Vấn đề sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được quy định tại Điều 49 Luật HN&GĐ năm 2014:

“1. Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản.

2. Hình thức sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận được áp dụng theo quy định tại Điều 47 của Luật này”.

Ngoài ra, tại Điều 17, Nghị định số 126/2014 quy định chi tiêt một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định:

“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luậ tđịnh. 2. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, mặc dù thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng phải được lập trước khi đăng kí kết hôn nhưng kể cả trong thời kì hôn nhân vợ chồng vẫn có quyền được sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản. Việc sửa đổi, bổ sung có thể là một phần nội dung hay toàn bộ nội dung của chế độ tài sản vợ chồng. Hoặc thay đổi chế độ từ thỏa thuận sang chế độ tài sản pháp định. Có thể thấy, phạm vi của việc sửa đổi, bổ sung là rất rộng và không yêu cầu về điều kiện để sửa đổi, bổ sung. Một số quốc gia khác trên thế giới quy định những điều kiện cho phép sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng như tại Thái Lan, BLDS và thương mại Thái Lan quy định: sau khi kết hôn, bản thỏa thuận trước khi thành hôn không thể bị sửa đổi trừ trường hợp Tòa án cho phép và Tòa án phải thông báo tới viên chức thực hiện thủ tục ghi nhận đăng ký kết hôn để ghi nội dung sửa đổi vào sổ đăng ký kết hôn.

Hình thức sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận là phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Theo LCC năm 2014 việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng giao dịch đã công chứng phải được thực hiện tại nơi mà đã thực hiện việc công chứng trước đó và do công chứng viên tiến hành. Nếu các bên không thực hiện đúng quy trình, thủ tục như quy định thì những nội dung sửa đổi, bổ sung sẽ không có giá trị pháp lý. 

Có thể thấy, quy định về sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận ở Việt Nam là rất thoáng, khác biệt với các quốc gia khác trên thế giới. Vợ chồng có thể thỏa thuận sửa đổi, bổ sung ở bất kì thời điểm nào, nội dung nào mà không có điều kiện và giới hạn. Việc pháp luật nước ta quy định phạm vi quá rộng như vậy dẫn đến khó quản lý, mất đi tính ổn định của chế độ tài sản trong hôn nhân đồng thời hạn chế việc bảo đảm quyền, lợi ích của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba, tại Điều 18, Nghị định 126/2014/NĐ – CP quy định chi tiêt một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định hậu quả của việc sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

“1. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực. Vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.

2. Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng là từ thời điểm công chứng, chứng thực. Cần lưu ý rằng, mục đích của thỏa thuận sửa đổi, bổ sung này là thay đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung của Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, do đó vấn đề “có hiệu lực” ở đây là có hiệu lực trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong văn bản thỏa thuận ban đầu, đã được thay thế bằng nội dung trong văn bản sửa đổi, bổ sung và được Cơ quan công chứng, chứng thực công nhận giá trị pháp lý. Việc sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung hoặc thậm chí thay thế chế độ tài sản của vợ chồng thì quyền và nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý tính từ thời điểm hai bên đăng ký kết hôn đến thời điểm thay đổi, sửa đổi hoặc thay thế, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, nghĩa là, việc sửa đổi, bổ sung này không làm chấm dứt thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng mà chỉ làm thay đổi nội dung theo thỏa thuận của vợ chồng trước đó.

Khi sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản thì vợ, chồng vẫn phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của vợ chồng cho người thứ ba biết; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì quyền lợi của người thứ ba sẽ được nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật. Đây là một quy định nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba bởi trong quan hệ tài sản với vợ chồng, do cơ chế cung cấp và công khai thông tin hiện nay còn nhiều bất cập nên không phải người thứ ba nào cũng biết về việc vợ chồng đã xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận trước khi kết hôn, hoặc thay đổi, bổ sung các thỏa thuận sau khi kết hôn. Người thứ ba chỉ được tiếp nhận những thông tin từ vợ chồng cung cấp về chế độ tài sản, về cách xác định quyền sở hữu tài sản, trên cơ sở đó, người thứ ba đưa ra quyết định để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Vì vậy, nghĩa vụ cung cấp thông tin về việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng với người thứ ba là vô cùng cần thiết. Riêng đối với các giao dịch dân sự, nếu vợ chồng có sự thay đổi, bổ sung về thỏa thuận chế độ tài sản mà không thông báo với người thứ ba, thì khi có tranh chấp xảy ra, người thứ ba sẽ được coi là ngay tình và được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp vợ chồng sau khi đã sửa đổi, bổ sung mà người thứ ba vẫn xác lập và thực hiện giao dịch thì sẽ bị coi là không ngay tình và khi xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

1.3.6 . Quy định về thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng bị vô hiệu

Tại Điều 50 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu như sau:

“1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;

b) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;

c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình”.

Trường hợp thứ nhất: “Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại BLDS và các luật khác có liên quan”. Theo đó, điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Điều 117 BLDS năm 2015 như sau:

– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Giao dịch dân sự được xác định là thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng. Luật HN&GĐ năm 2014 không quy định về điều kiện năng lực hành vi dân sự của các bên khi tham gia thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng nên có thể hiểu rằng, chủ thể có điều kiện năng lực hành vi dân sự kết hôn cũng là chủ thể có năng lực hành vi xác lập thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng. Khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn “1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không 40 bị mất năng lực hành vi dân sự; d) Việc kết hôn không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 5 của Luật này”. Khi tham gia thỏa thuận, vợ chồng phải hoàn toàn tự nguyện, việc thỏa thuận là do ý chí của các bên, không bị lừa dối, ép buộc, đe dọa, nhầm lẫn. Nếu chủ thể vi phạm những quy định trên thì thỏa thuận về chế độ tài sản sẽ bị vô hiệu.

Trường hợp thứ hai: “Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này”. Theo đó, nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng không được trái với quy tắc chung của chung của chế độ tài sản vợ chồng. Đây là những quy định mang tính bắt buộc, không thể thay đổi. Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng không được vi phạm: nguyên tắc chung về chế độ tài sản giữa vợ và chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; giao dịch có liên quan đến tài sản là nơi ở duy nhất của vợ chồng; giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Trường hợp thứ ba: “Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình”. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.

Tại Điều 107, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định “1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác”. Nghĩa vụ cấp dưỡng vừa là nghĩa vụ, cũng là trách nhiệm của thành viên trong gia đình với nhau, thể hiện đạo lý coi trọng gia đình, người thân của đất nước ta từ bao đời nay. Thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng phải đảm bảo nguyên tắc chung về chế độ tài sản vợ chồng, trong đó có đảm bảo nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu thỏa thuận này vi phạm thì sẽ bị coi là vô hiệu và phải bồi thường cho người thứ ba theo quy định của pháp luật. Ví dụ 1: Ông A đang có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh B. Sau đó ông A kết hôn với bà C và thỏa thuận chuyển giao toàn bộ tài sản của mình cho bà C, do đó, không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh B. Trong trường hợp này thỏa thuận về tài sản giữa ông A và bà C bị vô hiệu.

Ngoài ra nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng không được vi phạm quy định về thừa kế theo nội dung BLDS năm 2015 và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác trong gia đình. Pháp luật thừa kế quy định, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, có quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế bất kỳ theo thỏa thuận, tuy nhiên không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những người được hưởng thừa kế theo quy định pháp luật (trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc). Trường hợp nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng ảnh hưởng đến quyền thừa kế thì sẽ bị tuyên bố vô hiệu. Ví dụ: Anh A có con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Sau đó, anh A kết hôn với chị B. Anh A và chị B đã thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng, trong đó có nội dung toàn bộ tài sản của anh A sẽ do chị B thừa hưởng khi anh A chết. Trong trường hợp này, nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản giữa anh A và chị B bị vô hiệu đối với phần tài sản của anh A mà người con bị mất năng lực hành vi dân sự được thừa kế theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp người thứ ba là bên còn lại trong giao dịch dân sự, Luật HN&GĐ năm 2014 không có điều khoản quy định cụ thể về nội dung bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba khi thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng bị vô hiệu. Tuy nhiên, tại Điều 133, BLDS năm 2015 đã quy định rất chi tiết về việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự bị Tòa án tuyên bố vô hiệu như sau:

“1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

3. Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.

1.3.7. Quy định về hậu quả pháp lý khi chấm dứt chế độ tài sản vợ chồng

1.3.7.1. Do một bên vợ, chồng đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố vợ, chồng đã chết

Khi một bên vợ, chồng đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố vợ, chồng đã chết thì khối tài sản mà người vợ, chồng để lại được gọi là “di sản”. Khoản 2, Điều 66 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Như vậy, theo quy định trên, trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản, thì việc chia di sản sẽ áp dụng theo thỏa thuận đã xác lập từ trước. Nội dung quy định về thủ tục, nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản vợ chồng là một trong những nội dung cơ bản của thỏa thuận được quy định tại Điều 48 Luật HN&GĐ năm 2014.

Tuy nhiên, Điều 50 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định một trong những trường hợp bị vô hiệu của thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng, trong đó có: “c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình”.

Như vậy, có thể hiểu rằng, sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân vì lý do một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên là đã chết thì việc phân chia di sản cho những người thừa kế không chỉ phụ thuộc vào nội dung của thỏa thuận, mà phải bảo đảm quyền được nhận di sản của những người thừa kế theo quy định của pháp luật. Vợ chồng có quyền tự do lựa chọn chế độ tài sản nhưng không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba, trong đó có quyền thừa kế, quyền cấp dưỡng. Việc nhà làm luật quy định như vậy đã phần nào bảo vệ được quyền lợi của người thứ ba nhưng trên một khía cạnh khác cũng hạn chế quyền tự do định đoạt tài sản của vợ chồng.

1.3.7.2. Do ly hôn.

Trong quá trình chung sống, vì nhiều lý do mà nhiều cặp vợ chồng không thể tiếp tục duy trì cuộc sống hôn nhân, lúc đó họ chọn giải pháp ly hôn. Điều 3, Khoản 24 Luật HN&GĐ năm 2014 giải thích về khái niệm ly hôn như sau:“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn, vấn đề về tài sản và quyền nuôi con là hai vấn đề quan trọng nhất. Nguyên tắc để giải quyết tài sản vợ chồng khi ly hôn được quy định như sau:

“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết”.

Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:   

– Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;

– Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật HN&GĐ để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Ngoài ra, khi giải quyết ly hôn nếu có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu thì Tòa án xem xét, giải quyết đồng thời với yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

1.3.7.3.  Do thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng bị vô hiệu

    Điều 6, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định: “Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng”. Như vậy, trong trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng bị vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận sẽ bị chấm dứt và thay thế bằng chế độ tài sản vợ chồng theo pháp luật quy định này cũng được nhiều quốc gia khác trên thế giới ghi nhận vì tính đúng đắn, hợp lý. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận được pháp luật quy định rất cụ thể trong Luật HN&GĐ năm 2014, vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba đã được nhà làm luật chú trọng và đề cao  thể hiện ở không chỉ ở Luật HN&GĐ năm 2014 mà còn ở cả Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình  và Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số điều Luật Hôn nhân và gia đình.

Như vậy có thể thấy, với nội dung của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đã phân tích phần trên, thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba luôn được các nhà làm luật đặc biệt quan tâm. Vợ chồng có thể tự do lựa chọn chế độ tài sản, tự do thỏa thuận nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Thỏa thuận của vợ chồng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu và phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

1.4. Quy định về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba ở một số quốc gia

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận không còn là vấn đề mới trong pháp luật của một số quốc gia. Phần lớn các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới hiện nay đều quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận song hành cùng với chế độ tài sản pháp định. Tiêu biểu là một số nước ở phương Tây như Hoa Kì, Anh, Pháp và một số nước phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Pháp luật của các nước quy định về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đều rất chú trọng việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Cụ thể như sau:

  • Cộng hòa Pháp

Ở Pháp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba khi tham gia giao dịch, việc lập hôn ước bắt buộc được ghi trong Giấy đăng ký kết hôn. Nếu Giấy đăng ký kết hôn không thể hiện được nội dung đó thì khi tham gia giao dịch với người thứ ba, vợ chồng được coi là kết hôn theo chế độ tài sản pháp định. Việc ghi nhận trong Giấy đăng ký kết hôn giúp cho người thứ ba khi tham gia giao dịch nhận thức được tư cách pháp lý của vợ chồng, từ đó bổ sung thêm các điều khoản để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Có thể thấy, BLDS Pháp yêu cầu hình thức và trình tự liên quan đến việc xác lập hợp đồng hôn nhân rất chặt chẽ. Để bảo đảm rằng (bằng những yêu cầu về hình thức và thủ tục này) người thứ ba có thể dễ dàng tiếp cận với nội dung hợp đồng, để các giao dịch giữa vợ, chồng với người thứ ba được thực hiện trên cơ sở thông tin rõ ràng, bảo đảm sự bình đẳng trong giao dịch.

Hình thức của hôn ước phải được lập thành văn bản trước mặt Công chứng viên, vợ và chồng phải cùng nhau có mặt và thỏa thuận chung với nhau, nếu không thể có mặt thì phải ủy quyền cho một người khác tham gia. Khi lập hôn ước, Công chứng viên cung cấp cho các bên chứng nhận gồm có họ và tên, nơi cư trú của Công chứng viên; họ và tên, tư cách, nơi cư trú của hai bên; thời gian lập hôn ước và quy đinh rõ việc phải nộp hôn ước này cho viên chức hộ tịch trước khi kết hôn. Hôn ước phải được lập trước khi hai bên kết hôn và không có hiệu lực khi hai bên chưa đăng kí kết hôn. Việc sửa đổi, bổ sung hôn ước phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Khi hợp đồng hôn nhân được sửa đổi hay chấm dứt, các bên có liên quan của mỗi bên vợ, chồng được thông báo – mang tính cá nhân – về đề xuất thay đổi. Mỗi người trong số họ có thể phản đối việc sửa đổi trong thời hạn ba tháng.

Các chủ nợ của vợ chồng cũng được thông báo về các thay đổi do vợ chồng đề xuất bằng cách đăng một thông báo trên một tờ báo được ủy quyền công bố thông báo tại địa phương nơi cư trú của vợ, chồng. Mỗi người trong số họ có thể phản đối việc sửa đổi trong vòng ba tháng kể từ ngày công bố.

Trong trường hợp thỏa thuận thay đổi hợp đồng hôn nhân bị phản đối, chứng thư công chứng về việc thay đổi này sẽ phải được phê duyệt bởi tòa án. Việc yêu cầu phê duyệt cũng như quyết định phê duyệt của tòa án phải được công bố trong các điều kiện và chế tài theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Khi vợ hoặc chồng có con chưa thành niên, việc phê chuẩn của tòa án đối với chứng thư công chứng về việc sửa đổi hợp đồng hôn nhân là bắt buộc.

Sự thay đổi hợp đồng hôn nhân có hiệu lực giữa các bên vợ chồng tại thời điểm công chứng hoặc tại thời điểm được phê duyệt bởi tòa án và trong mối quan hệ với các bên thứ ba thì sự thay đổi này có hiệu lực sau ba tháng kể từ thời điểm được ghi chú trong đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp không có ghi chú trong đăng ký kết hôn, sự thay đổi này vẫn có hiệu lực với bên thứ ba nếu trong các thỏa thuận với bên thứ ba này, các cặp vợ chồng cho biết họ đã thay đổi chế độ tài sản của họ.

Các chủ nợ không phản đối sự thay đổi chế độ tài sản của vợ chồng, nếu cho rằng đã có sự gian lận trong việc thực hiện các quyền của mình, chủ nợ có thể tiến hành khởi kiện để phản đối trong khuôn khổ quy định tại 1167 Bộ luật này.

Có thể thấy, ở Pháp việc sửa đổi hợp đồng hôn nhân, thậm chí thay đổi chế độ tài sản từ chế độ tài sản luật định sang chế độ tài sản thỏa thuận là hoàn toàn được phép theo quy định của BLDS hiện hành. Bằng những thủ tục pháp lý được quy định rất chặt chẽ của BLDS, quyền và lợi ích của người thứ ba đã được bảo đảm một cách gần như tuyệt đối, do đó đã hạn chế thấp nhất vấn đề tranh chấp về quyền, lợi ích hợp pháp người thứ ba.

  • Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là quốc gia theo thể chế Cộng hòa lập hiến liên bang, bao gồm 50 tiểu bang và một đặc khu liên bang là Columbia. Tại quốc gia này, do điều kiện kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ bậc nhất thế giới đã làm chất lượng cuộc sống của người dân tương đối cao, việc được thừa hưởng khối tài sản lớn cũng góp phần tăng nhu cầu sở hữu tài sản riêng, bên cạnh đó là việc tranh chấp về tài sản khi ly hôn gây nên nhiều phiền toái và đây là một trong những lý do làm cho nhu cầu thỏa thuận về tài sản của vợ chồng tăng lên khi tiến đến hôn nhân.

Năm 1983 một Đạo luật thống nhất điều chỉnh các thỏa thuận sơ bộ, còn được gọi là “thỏa thuận tiền hôn nhân” và “thỏa thuận chung sống” Uniform premarital agreement Act gọi tắt là UPAA đã được ban hành bởi The ban Lawystem’s (ULC) dựa trên kết quả của các án lệ, UPAA được chấp nhận ở 28 bang của Mỹ và đặc khu liên bang Columbia. Sau đó, năm 2012 để cụ thể hóa các quy định và tạo ra sự nhất quán trong pháp luật của các bang, ULC đã ban hành Đạo luật thống nhất và sửa đổi về các thỏa thuận tiền hôn nhân và hôn nhân (UPMAA). Tuy nhiên, trong các tiểu bang không ban hành UPAA/UPMAA giống như New York, các thỏa thuận tiền hôn nhân cũng sẽ được coi là hợp pháp giống như bất kỳ hợp đồng nào khác. Nội dung của hôn ước theo tinh thần của UPAA bao gồm: Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với tài sản của một bên hoặc cả hai bên ở bất kì thời điểm hay địa điểm nào do các bên sẵn có hoặc thu nhập được; quyền mua bán, sử dụng, chuyển nhượng, trao đổi, từ bỏ, cho thuê, tiêu dùng, dùng làm tài sản bảo đảm, thế chấp, cầm cố, tự định đoạt hay các quyền quản lí, kiểm soát khác đối với tài sản; định đoạt tài sản khi li thân, li hôn, khi qua đời, hoặc khi xảy ra bất kì sự biến nào khác; sự thay đổi hay chấm dứt việc cấp dưỡng giữa vợ chồng; lập chúc thư, uỷ thác, hay các biện pháp khác để thực hiện các nội dung của hôn ước; quyền sở hữu và tuỳ ý sử dụng tiền bảo hiểm có được từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của một người; vấn đề lựa chọn luật điều chỉnh đối với hôn ước và; bất kì các vấn đề khác bao gồm quyền và nghĩa vụ cá nhân nhưng không được trái với chính sách công và vi phạm pháp luật; quyền được chu cấp của con cái không thể bị ảnh hưởng theo chiều hướng bất lợi bởi những nội dung trong hôn ước. Hôn ước bắt đầu có hiệu lực khi kết hôn. Việc sửa đổi, bổ sung hôn ước được quy định như sau: sau khi kết hôn, hôn ước có thể được sửa đổi hoặc hủy bỏ bởi một văn bản được kí bởi cả hai vợ chồng. Thỏa thuận sửa đổi này sẽ có hiệu lực thi hành mà không cần một sự xem xét nào thêm.

Có thể thấy, Ở Mỹ, việc lập hôn ước thông thường chỉ cần sự đồng ý của vợ và chồng, mà không cần bất kì sự xem xét nào khác. Tuy nhiên, để bảo đảm cho quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, những trường hợp sự thỏa thuận của vợ chồng làm ảnh hưởng đến sự cấp dưỡng, nuôi dưỡng, chăm sóc của bố mẹ dành cho con cái thì sẽ phải có sự chứng kiến của Luật sư. Vợ chồng xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận có quyền tự do lựa chọn nội dung của hôn ước, nhưng không được trái với pháp luật, chính sách công.

Về hình thức của hôn ước: hôn ước phải được lập thành văn bản, có chữ kí của các bên và không cần sự làm chứng bất kì cá nhân nào kể cả Luật sư hay Công chứng viên miễn là mỗi bên hiểu thỏa thuận và tự nguyện ký kết với các điều khoản đó. Để bảo đảm quyền và lợi ích của người thứ ba trong chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, luật California yêu cầu các bên được đại diện bởi luật sư nếu sự cấp dưỡng bị giới hạn bởi sự thỏa thuận.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

Quy định về xác lập, sửa đổi, bổ sung hôn ước của Hoa Kỳ rất thông thoáng, không chặt chẽ như quy định của BLDS Cộng hòa Pháp, tuy nhiên, để bảo vệ quyền, nghĩa vụ về quyền lợi của vợ, chồng và người thứ ba, pháp luật Hoa Kì quy định nội dung của hôn ước rất cụ thể về: quyền mua bán, sử dụng, chuyển nhượng, trao đổi, từ bỏ, cho thuê, tiêu dùng, dùng làm tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, cầm cố, định đoạt hay các quyền quản lý, kiểm soát khác đối với các tài sản của một hoặc cả hai bên; nội dung định đoạt tài sản khi ly thân, ly hôn, hay khi qua đời, một sự biến pháp lý hay bất kì một vấn đề nào khác được vợ chồng dự liệu; vấn đề nuôi dưỡng, trợ cấp cho con; chọn luật điều chỉnh khi phát sinh tranh chấp,…

  • Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia phương Đông mang nặng tư tưởng nam quyền, coi trọng truyền thống cộng đồng và gia đình. Tuy nhiên, chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đã được hình thành từ khá sớm ở quốc gia này do sự ảnh hưởng của pháp luật châu Âu lục địa cuối thế kỉ XIX. BLDS Nhật Bản năm 1896, Điều 755 quy định: “Các quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng sẽ được tuân theo các quy định dưới đây nếu như vợ chồng không ký vào một hợp đồng quy định trước về tài sản của họ trước khi đăng ký kết hôn”. Như vậy, quy định này cho thấy việc ưu tiên lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng, nếu vợ chồng không lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì sẽ áp dụng chế độ tài sản pháp định. Thời điểm lập “hợp đồng quy định trước về tài sản” phải được lập trước khi đăng ký kết hôn.

Để bảo đảm quyền và lợi ích của người thứ ba trong chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Điều 754, BLDS Nhật Bản quy định: “Bất cứ lúc nào vợ hoặc chồng đều có thể hủy bỏ hợp đồng trong thời kỳ hôn nhân giữa vợ và chồng; tuy nhiên, miễn là điều này có thể không làm tổn hại đến quyền của bên thứ ba”. Như phần trên tác giả đã phân tích, văn bản thỏa thuận xác định chế độ tài sản vợ chồng cũng là một loại hợp đồng, do đó vợ chồng sau khi ký kết có quyền hủy bỏ, sửa đổi hợp đồng bất kì thời gian nào. Tuy nhiên, việc sửa đổi, hủy bỏ này không được làm tổn hại đến quyền và lợi ích của người thứ ba. Điều 756, BLDS Nhật Bản năm 1896 quy đinh như sau: “Nếu vợ chồng có một thỏa thuận về tài sản mà trong đó quy định khác với chế độ tài sản pháp định thì hôn ước này không được chống lại người thừa kế hàng thứ nhất của vợ hoặc chồng hoặc người thứ ba trừ khi nó được đăng ký trước khi đăng ký kết hôn”. Quy định này cho thấy quyền tự do thỏa thuận trong hôn ước của vợ chồng là khá rộng mở, không bị giới hạn kể cả khi ảnh hưởng đến hàng thừa kế thứ nhất của vợ hoặc chồng, hoặc người thứ ba nhưng điều này chỉ được phép khi hôn ước được đăng ký trước khi kết hôn. Điều 761 quy định:“Nếu một bên trong hôn nhân tham gia vào một hành vi pháp lý với bên thứ ba liên quan đến các vấn đề gia đình hàng ngày, bên kia sẽ chịu trách nhiệm chung và riêng đối với các khoản nợ phát sinh từ hành vi đó; với điều kiện là điều này sẽ không áp dụng nếu có thông báo trước cho bên thứ ba có hiệu lực rằng bên kia sẽ không chịu trách nhiệm như vậy”.

  • Thái Lan

Pháp luật Thái Lan không có Luật HN&GĐ riêng biệt, phần về hôn nhân và gia đình cũng như về các quan hệ tài sản giữa vợ chồng được quy định chung trong BLDS và Thương mại thành một phần riêng. Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được quy định tại BLDS và thương mại Thái Lan như sau: “Khi vợ chồng không có sự thỏa thuận đặc biệt về tài sản của họ trước khi kết hôn, thì quan hệ giữa họ về tài sản sẽ được điều chỉnh bởi những quy định của chương này. Bất cứ điều khoản nào của thỏa thuận trước khi thành hôn trái với trật tự công cộng, với đạo đức hoặc quy định là quan hệ giữa hai vợ chồng về tài sản đó sẽ được điều chỉnh với pháp luật nước ngoài thì vô hiệu”. Với quy định này, Bộ luật đã cho phép vợ chồng có thể xây dựng cho riêng họ các thỏa thuận tiền hôn nhân nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản và có quy định khá chi tiết về các điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận tiền hôn nhân. Trường hợp các thỏa thuận tiền hôn nhân thuộc một trong những trường hợp sau thì sẽ không có giá trị pháp lý: (i) Không được xuất trình với cơ quan đăng ký kết hôn tại thời điểm đăng ký kết hôn; (ii) Không được thực hiện bằng văn bản, có chữ ký của cả hai vợ chồng và ít nhất hai người làm chứng; (iii) Không được đưa vào đăng ký kết hôn tại thời điểm đăng ký kết hôn với tư cách là một phần phụ lục của đăng ký kết hôn[1].

Về vấn đề bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba, BLDS và thương mại Thái Lan có quy định: Việc thay đổi chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng được Bộ luật quy định: “Sau khi kết hôn, thỏa thuận tiền hôn nhân không thể bị thay đổi, ngoại trừ bởi thẩm quyền của Tòa án”. Khi có phán quyết cuối cùng của Tòa án để thực hiện việc thay đổi, hủy bỏ thỏa thuận tiền hôn nhân, Tòa án phải thông báo vấn đề sửa đổi hoặc hủy bỏ này đến cơ quan đăng ký kết hôn để cơ quan này đưa nội dung đó vào đăng ký kết hôn. Các điều khoản trong thỏa thuận tiền hôn nhân sẽ không có hiệu lực pháp luật nếu điều khoản đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng có thể được hủy bỏ bởi mỗi bên tại bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ hôn nhân hoặc trong vòng một năm kể từ ngày chấm dứt quan hệ hôn nhân; với điều kiện là sự hủy bỏ này không ảnh hưởng đến quyền của người thứ ba ngay tình.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Như vậy, qua việc phân tích những vấn đề lý luận về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Tác giả đưa ra một số kết luận sau:

Thứ nhất: chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận không phải là một chế định mới xuất hiện, chế độ này cùng với chế độ tài sản pháp định đã tồn tại từ rất nhiều năm trở về trước. Đặc biệt phát triển ở các quốc gia phương Tây như Pháp, Hoa Kì, Bỉ,… và ngày càng phổ biến ở các quốc gia khác trên thế giới.  

Thứ hai: ở Việt Nam, chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là một chế định mới, lần đầu tiên được ghi nhận cụ thể trong Luật HN&GĐ năm 2014. Trước đây, trong Luật HN&GĐ năm 1959, năm 1986, năm 2000 đều không đề cập tới quy định này. Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được coi là một bước tiến bộ của pháp luật về HN&GĐ, đưa quy định về pháp luật HN&GĐ ở Việt Nam tiệm cận hơn với pháp luật của những nước phát triển trên thế giới. Mặc dù trong lịch sử, đã có giai đoạn “nhen nhóm” những quy định về chế độ tài sản này nhưng những quy định đó chỉ mang tính chất “lý thuyết” và không được áp dụng trong thực tế cuộc sống. Phải đến thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế phát triển cùng với sự hội nhập toàn cầu, công dân được tiếp cận gần hơn với pháp luật, đồng thời quyền tự do định đoạt, quyền sở hữu cá nhân ngày càng được đề cao thì chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận mới thực sự phát huy hết tầm quan trọng.

Thứ ba, chế độ về tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được quy định bởi các nội dung sau: nguyên tắc của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, căn cứ xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, nội dung chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng, trường hợp thỏa thuận về tài sản vợ chồng vô hiệu và hậu quả pháp lý, trường hợp chấm dứt chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và hậu quả pháp lý. Trong những nội dung trên, nhà làm luật đã cố gắng xây dựng các điều khoản mang tính chất bảo vệ quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Việc xây dựng quy định cụ thể, chặt chẽ là cơ sở để Tòa án giải quyết các vụ việc ly hôn có tranh chấp liên quan đến chế độ tài sản vợ chồng nói chung và chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận nói riêng.

[1] https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/che-do-tai-san-cua-vo-chong-theo-thoa-thuan-trong-he-thong-phap-luat-tren-the-gioi-va-viet-nam

Trên đây là Chương 1 (phần 2) bài Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” của Thạc sĩ Lê Ngọc Anh, rất mong sẽ đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích và kiến thức pháp luật đến cho bạn đọc.

– Gọi điện tới số điện thoại 0368.668.629 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp thắc mắc đến bạn đọc.

Trân trọng!

Bài viết liên quan