LY HÔN RỒI VỀ SỐNG CHUNG CÓ PHẢI ĐĂNG KÝ KẾT HÔN LẠI
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi và vợ tôi cưới nhau được 03 năm có được với nhau một cháu trai nhưng vì không hợp nhau nên chúng tôi ly hôn. Hiện nay, chúng tôi quyết định bỏ qua hết tất cả quay về sống với nhau. Vậy Luật sư cho tôi hỏi chúng tôi có cần đăng ký kết hôn lại không?
Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn! Chúng tôi sẽ giải đáp câu hỏi trên trong bài viết dưới đây.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
Việc đăng ký kết hôn được quy định cụ thể tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:
“Điều 9. Đăng ký kết hôn
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.”
Kết hôn là việc tự nguyện của mỗi người, hiện nay pháp luật không cấm nam nữ đã ly hôn không được sống chung với nhau. Bên cạnh đó, pháp luật cũng không bắt buộc nam nữ sau khi tái hôn phải đăng ký kết hôn lại. Tuy nhiên, pháp luật không thừa nhận việc nam, nữ tái hôn sống chung với nhau như vợ chồng là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Do đó, để đảm bảo hôn nhân của mình là hợp pháp cũng như đảm bảo các quyền và nghĩa vụ khác của mình các bạn nên đăng ký kết hôn lại.
Tham khảo: Họ hàng trong phạm vi 04 đời có được kết hôn
HỒ SƠ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN TRONG TRƯỜNG HỢP TÁI HÔN
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, hồ sơ cần chuẩn bị khi đăng ký kết hôn gồm những giấy tờ như sau:
“Điều 10. Giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký kết hôn
Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, nộp giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định sau:
1. Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này.
Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người yêu cầu đăng ký kết hôn đang cư trú ở trong nước phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này.
2. Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) cấp..”
Theo quy định trên, khi đăng ký kết hôn cần phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau:
– Giấy tờ phải nộp:
+ Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu (Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;
+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Bản chính);
– Giấy tờ phải xuất trình:
+ Giấy tờ tùy thân như: CCCD, CMND, Hộ chiếu,…
+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền (trong giai đoạn chuyển tiếp);
+ Trích lục ghi chú ly hôn đối với trường hợp công dân Việt Nam đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, đã được giải quyết việc ly hôn, hủy việc kết hôn trước đó tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Tham khảo: Hành vi lừa dối kết hôn có làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
TRÌNH TỰ THỰC HIỆN
Trình tự đăng ký kết hôn trong trường hợp tái hôn cũng giống như đăng ký kết hôn lần đầu.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp trực tiếp hồ sơ tại tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn mà bên nam, nữ đang cư trú.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.
Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn ngay để người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì người tiếp nhận phải lập văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.
Bước 4: Nhận kết quả
Giấy chứng nhận kết hôn được cấp cho hai bên nam, nữ, mỗi bên được nhận 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn; số lượng bản sao Trích lục kết hôn được cấp theo yêu cầu.