Mẫu đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

Thực tế hiện nay cho thấy trong các vụ việc dân sự, các bên đương sự có quyền được yêu cầu Tòa án áp dụng một số biện pháp ngăn chặn, khẩn cấp tạm thời trong một số trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi của mình. Vì vậy, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khẩn cấp tạm thời và mẫu đơn yêu cầu của nó như thế nào? Qua bài viết sau Luật Việt Chính sẽ giải đáp thắc mắc cho quý bạn đọc với những thông tin dưới đây:

1. Áp dụng biện pháp ngăn chặn, khẩn cấp tạm thời là gì?

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp Tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo toàn tình trạng tài sản, bảo vệ bằng chứng hoặc bảo đảm thi hành án. Khi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, vì tính khẩn cấp của nó nên được thể hiện ở việc Tòa án quyết định áp dụng. Cần hiểu rằng, biện pháp khẩn cấp tạm thời còn mang tính tạm thời nên quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được đưa ra không phải là quyết định cuối cùng về giải quyết vụ việc dân sự.

– Mục đích của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khẩn cấp tạm thời:

Biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời là những biện pháp mang tính tạm thời được áp dụng để hạn chế hoặc buộc các bên tranh chấp (hoặc bên thứ 3) thực hiện một số hành vi nhất định nhằm:

+ Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản;

+ Thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ;

+ Bảo vệ tình trạng hiện có nhằm tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được;

+ Đảm bảo công tác thi hành án, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

– Các trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:

Dựa trên mục đích thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khẩn cấp tạm thời, việc xác định các trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định cụ thể trong pháp luật như sau:

+ Các trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do yêu cầu của bên đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án, cụ thể bao gồm:

* Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết mà cần phải được giải quyết ngay, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự.

Ví dụ như: A gây thương tích cho B. Tòa án đang giải quyết vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe bị xâm phạm. B cần tiền ngay để điều trị thương tích tại bệnh viện nên B yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc A thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.

* Để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được.

Ví dụ: A khởi kiện tranh chấp ranh giới bất động sản liền kề với B, A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, buộc B giữ nguyên hiện trạng mốc giới ngăn cách đất, không được di dời.

* Để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết.

Ví dụ: Trong một vụ án ly hôn, người vợ đứng tên sổ tiết kiệm tại ngân hàng, người chồng yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản đứng tên người vợ để bảo đảm cho việc giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng.

* Để đảm bảo việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết các vụ án, điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành có đầy đủ điều kiện để thi hành án.

Ví dụ: A là nguyên đơn, yêu cầu Tòa án buộc B phải trả cho A 1 tỷ đồng tiền vay, để bảo đảm cho việc thi hành án nên A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản thuộc quyền sở hữu của B là ngôi nhà X trị giá 900 triệu đồng.

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện trong 03 trường hợp sau đây:

a. Do tình thế khẩn cấp, tức là cần được giải quyết ngay, không chậm trễ;

b. Cần bảo vệ ngay chứng cứ trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được.

c. Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, cả hậu quả về vật chất hoặc hậu quả về tinh thần.

– Chủ thể có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(*) Căn cứ vào quy định về thẩm quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể như sau:

 a. Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.

b. Tại phiên tòa, việc áp dụng , thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

(*) Theo đó phụ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng cụ thể mà thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời tùy thuộc vào từng cơ quan khác nhau, đó là:

a. Trước khi mở phiên toà: do một Thẩm phán xem xét, quyết định.

b. Tại phiên Tòa: do Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.

– Các loại biện pháp khẩn cấp tạm thời:

Tùy từng trường hợp mà các biện pháp này có thể được áp dụng khi tiếp nhận đơn khởi kiện, trước lúc Tòa án thụ lý vụ việc hoặc áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án, cụ thể như sau:

a. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trong tất cả giai đoạn tố tụng:

+ Giao cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; 

+ Buộc thực hiện trước một phần nghĩ vụ cấp dưỡng;

+ Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi dưỡng thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm;

+ Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.

+ Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ.

+ Cấm tiếp xúc với nhạn nhân bạo lực gia đình.

+ Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.

b. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án:

+ Kê biên tài sản tranh chấp.

+ Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

+ Cấm thay đổi hiện trạng về tài sản đang tranh chấp

+ Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.

+ Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.

+ Tạm dừng việc đấu thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu.

+ Phong tỏa tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước.

+ Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.

+ Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.

– Các trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:

a. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến doanh nghiệp, hợp tác xã bị ngừng hoạt động.

b. Việc áp dụng các biện pháp cấm chuyển quyền về tài sản đối với các tài sản đang tranh chấp, biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ theo quy định đối với các tài sản là:

+ Tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

+ Tài sản được tổ chức bán đấu giá và người mua được tài sản đấy giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá.

c. Việc áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng khác quy định đối với tài sản được doanh nghiệp sử dụng để thanh toán nghĩa vụ đối với tổ chức tín dụng theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng.

d. Việc áo dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:

+ Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng.

+ Tài sản của cá nhân gồm: Lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu, thuốc cần dùng để phòng, chữa bênh; vật dụng cần thiết của người tàn tật,…

+ Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm: thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho ăn cho người lao động; trang thiết bị bảo toàn an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường,…

Như vậy, điều kiện để yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, đương sự cần đáp ứng các điều kiện như: Quyền và lợi ich liên quan của bên yêu cầu đang bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm; Tình huống phải có tính khẩn cấp; các thiệt hại có thể xảy ra đối với bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba.

2. Mẫu đơn yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn, khẩn cấp tạm thời.

Đơn yêu cầu được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Đơn yêu cầu thường được lập ra để yêu cầu cá nhân, tổ chức về một việc nào đó. Mẫu đơn yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời là mẫu đơn được lập ra bởi đương sự có yêu cầu về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là văn bản do đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại điều 187 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 gửi tới Tòa án nhân dân nhằm yêu cầu áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời khi có lý do chính đáng.

Mục đích: Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dùng để là căn cứ cho tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, là văn bản thể hiện ý chí của chủ thể mang quyền và được cơ quan có thẩm quyền tôn trọng quyền.

Mẫu đơn yêu cầu biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời gồm những nội dung chính như sau:

+ Thông tin người làm đơn

+ Nội dung xin yêu cầu

+ Biện pháp áp dụng.

Hướng dẫn cách viết mẫu đơn yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn, khẩn cấp tạm thời:

– Về phần mở đầu đơn: Người soạn thảo cần ghi hoa và in đậm quốc hiểu và tiêu ngữ; và tên tiêu đề của đon cần ghi rõ: “ĐƠN YÊU CẦU ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI”.

– Về phần kính gửi, Người soạn đơn cần xác định Tòa án nhân dân ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ghi rõ, như sau:

+ Nếu Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trung ương nào. Ví dụ: Tòa án nhân huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

+ Nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào. Ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

+ Nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi rõ: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh).

– Về phần thông tin của người yêu cầu:

+ Người soạn đơn cần ghi chính xác những thông tin của người yêu cầu dựa trên các giấy tờ chứng minh nhân thân với các nội dung về: Họ và tên người yêu cầu, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ thường trú.

+ Sau đó, ghi rõ tư cách đương sự của người làm đơn trong vụ án cụ thể mà Tòa án đang giải quyết: nguyên đơn khởi kiện hay bị đơn trong một vụ án dân sự hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan

– Về phần nội dung vụ án: tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người yêu cầu cần ghi rõ lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đây là nội dung quan trọng để Tòa án xem xét và quyết định có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà bên yêu cầu đề nghị hay không.

– Về biện pháp khẩn cấp tạm thời: Các biện pháp áp dụng cần dựa trên những quy định cụ thể của pháp luật về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật liên quan đã được trình bày ở trên. Cùng với đó là ghi đầy đủ tên và địa  chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

–  Về phần kết đơn yêu cầu: Gửi lời cảm ơn và mong muốn được tòa án xem xét và chấp thuận. Đồng thời cần ký và ghi rõ họ tên của người yêu cầu áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khẩn cấp tạm thời.

Mẫu đơn TẢI NGAY

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập –  Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 20xx

ĐƠN YÊU CẦU

(V/v yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời)

Kính gửi: Tòa án nhân dân quận A, thành phố Hà Nội

Tôi tên: Vũ Hoàng Anh M                  Sinh năm: 1980

Chứng minh nhân dân số: 345zzz    Cấp ngày : 12 / 07/ 202x        Cấp tại : Công an thành phố Hà Nội

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: số xx, đường xx, quận xx, thành phố Hà Nội

Chỗ ở hiện nay: số xx, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội .

Là nguyên đơn trong vụ án dân sự về tranh chấp về Ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội thụ lý giải quyết theo Thông báo về thụ lý án số xx/2022/TLST-HNGĐ ngày 11 tháng 10 năm 2022

Xin trình bày nội dung vụ việc như sau:

Ngày 12 tháng 08 năm 202x, tôi có gửi đơn xin ly hôn đến Tòa án nhân dân quận A – Thành phố Hà Nội và đã nhận được Thông báo thụ lý vụ án của Tòa số xx/2022/TLST-HNGĐ về Ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản khi ly hôn ngày 11 tháng 10 năm 2022. Tôi và vợ tôi có tài sản chung và hiện đang trong quá trình tranh chấp, trong đó có số tiết kiệm tại tài khoản Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV) với số tiền là 500.000.000 đồng (viết bằng chữ: năm trăm triệu việt nam đồng) do vợ tôi là chị Hoàng Thị Hương T đứng tên. Hiện nay, tôi có nhận được thông tin là vợ tôi đang làm thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm tại ngân hàng mà không hỏi qua ý kiến của tôi. Để bảo toàn số tài khoản tiết kiệm hiện có, tránh thất thoát tài sản trong quá trình phân chia tài sản chung khi ly hôn nên tôi làm đơn này để yêu cầu Tòa án thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tôi theo đúng quy định của pháp luật.

Dịch vụ sang tên sổ đỏ trọn gói tại Hà Nội

Căn cứ điều 124 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

“Điều 124. Phong tỏa tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.”

Từ nội dung trình bày trên, tôi làm đơn này kính yêu cầu Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đứng tên chị Hoàng Thị Hương T để nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tôi.

Kính mong Quý tòa xem xét và chấp thuận.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

NGƯỜI YÊU CẦU

(Ký và ghi rõ họ tên)

Trên đây là bài viết tham khảo của công ty Luật Việt Chính về mẫu đơn yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn, khẩn cấp tạm thời, hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho quý khách hàng. Nếu còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu nào về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số 0911.111.099 hoặc số 0987.062.757 của công ty Luật Việt Chính chúng tôi để nhận được sự giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Xin chân thành cảm ơn khi nhận được sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng!

Bài viết liên quan