Nấu rượu thủ công có phải xin giấy phép không

NẤU RƯỢU THỦ CÔNG CÓ PHẢI XIN GIẤY PHÉP KHÔNG?

Câu hỏi: Chào anh chị Luật sư, gia đình em có truyền thống nấu rượu đã được hơn 30 năm. Mẹ em nấu rượu bằng thủ công, chủ yếu để gia đình uống, bà cũng có bán lẻ cho mọi người trong làng và đôi khi dư nhiều thì cũng nhập bán cho các cửa hàng tạp hóa. Từ trước tới nay mẹ vẫn nấu như vậy nhưng không thấy chính quyền xã nói gì hết. Tuy nhiên, gần đây mới có chủ tịch xã mới về nhận chức, mẹ em được xã gọi lên yêu cầu phải kê khai về số lượng rượu nấu. Như vậy có đúng là phải kê khai không hay là chủ tịch xã mới đang cố tình làm khó dân? Nhờ anh chị Luật sư tư vấn giúp gia đình em với ạ.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn Luật Việt Chính sẽ tư vấn ở bài viết dưới đây. Hi vọng rằng sẽ giúp ích được cho bạn và gia đình để tiếp tục nghề truyền thống này của gia đình.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019;
  • Nghị định 105/2017/NĐ-CP;
  • Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

NẤU RƯỢU ĐỂ GIA ĐÌNH UỐNG CÓ CẦN PHẢI KÊ KHAI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ KHÔNG?

Theo quy định của pháp luật kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Căn cứ Điều 17 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có quy định về biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh như sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản kê khai gửi Ủy ban nhân dân cấp xã về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định. Việc kê khai không phải nộp phí, lệ phí.

2. Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; báo cáo sản lượng và tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh trên địa bàn.

Nấu rượu để gia đình uống có cần phải kê khai với ủy ban nhân dân xã không?

Như vậy, theo quy định như trên, trường hợp gia đình bạn nấu rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh thì phải kê khai gửi Ủy ban nhân dân cấp xã về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường. Cho nên việc xã yêu cầu mẹ bạn kê khai là đúng quy định, không có việc chủ tịch xã cố tình làm khó gia đình bạn ở đây.

Nếu nấu rượu chỉ để cho gia đình uống thì chỉ cần kê khai số lượng rượu với UBND xã. Tuy nhiên, theo như bạn trình bày, mẹ bạn có bán rượu cho mọi người trong làng và nhập rượu để bán cho các cửa hàng tạp hóa. Có thể thấy, việc mẹ bạn nấu rượu không đơn thuần chỉ để gia đình uống mà còn vì mục đích kinh doanh. Vì vậy, theo quy định của pháp luật bạn cần phải xin giấy phép nấu rượu thủ công.

ĐIỀU KIỆN ĐỂ CẤP PHÉP SẢN XUẤT RƯỢU THỦ CÔNG ĐỂ KINH DOANH LÀ GÌ?

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 105/2017/NĐ-CP thì điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.

1. Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.

Như vậy, theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP thì chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật mới được phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và bán lẻ rượu. Việc sản xuất, bán lẻ này phải bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định, có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng. Do đó, khi gia đình bạn có sản xuất rượu thủ công tại nhà nhằm mục đích kinh doanh thì phải đăng ký hộ kinh doanh theo quy định trên.

Lưu ý, nếu sản xuất rượu thủ công có nồng độ cồn từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh thì còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019.

2. Điều kiện cấp phép sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, bao gồm:

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy ánh của pháp luật.

3. Điều kiện đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại bao gồm:

a) Có hợp đồng mua bán với cơ sở có giấy phép sản xuất rượu và có đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở sản xuất;

b) Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

4. Điều kiện cấp phép mua bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bao gồm:

a) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Đáp ứng điều kiện theo từng loại hình mua bán rượu

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và quy định việc quản lý kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.

Theo đó, để được cấp phép sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện theo quy định kể trên.

HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP SẢN XUẤT RƯỢU THỦ CÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH KINH DOANH

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh bao gồm các giấy tờ theo Điều 20 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP, cụ thể:

– Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.

– Bản sao Bản công bố sản phẩm rượu hoặc bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp đối với cơ sở thuộc loại kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

– Bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc dự kiến sản xuất.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP SẢN XUẤT RƯỢU THỦ CÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH KINH DOANH

Thẩm quyền cấp giấy phép

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP, thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là:

Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép bán lẻ rượu trên địa bàn.

Thủ tục cấp giấy phép

Khoản 2 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP như sau:

– Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.

Như vậy, để sản xuất rượu thủ công tại gia đình nhằm mục đích kinh doanh, bạn cần đáp ứng đủ các điều kiện về sản xuất rượu thủ công và nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công cho cơ quan có thẩm quyền để được xem xét giải quyết theo đúng trình tự pháp luật quy định như trên.

Nếu còn thắc mắc về các vấn đề của pháp luật hãy liên hệ cho chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.

– Gọi điện tới số điện thoại 0368.668.629 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Bài viết liên quan