QUY ĐỊNH VỀ GIÁM ĐỊNH, ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, kết luận giám định, định giá tài sản là nguồn tài liệu, chứng cứ vô cùng quan trọng. Đây là một trong những căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, điều tra, truy tố và xét xử đảm bảo đúng người đúng tội, không bỏ lọt tộ phạm.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Luật giám định tài sản năm 2012;
– Nghị định số 30/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2019/NĐ-CP.
GIÁM ĐỊNH, ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN KHI NÀO?
Định giá tài sản được thực hiện khi có đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại hoặc khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Giám định, định giá tài sản trong trường hợp đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại
Giám định, định giá tài sản được xem là một trong những quyền của bị can, bị cáo, bị hại theo quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 60; Điểm d Khoản 2 Điều 61; Điểm d khoản 2 Điều 62 BLTTHS năm 2015, theo đó bị can, bị cáo, bị hại có quyền:
“Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;”
Như vậy, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền trưng cầu giám định, định giá những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Trường hợp đề nghị giám định không được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định. Tuy nhiên, việc yêu cầu giám định này cần phải tuân thủ theo các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012: “Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.”
Tham khảo:Xác định tỷ lệ phần trăm thương tật trong vụ án hình sự
Giám định, định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng
Căn cứ theo quy định tại Điều 215 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.
Văn bản yêu cầu định giá tài sản có các nội dung:
– Tên cơ quan yêu cầu định giá; họ tên người có thẩm quyền yêu cầu định giá;
– Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu;
– Thông tin và đặc điểm của tài sản cần định giá;
– Tên tài liệu có liên quan (nếu có);
– Nội dung yêu cầu định giá tài sản;
– Ngày, tháng, năm yêu cầu định giá tài sản, thời hạn trả kết luận định giá tài sản.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá phải giao hoặc gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản, hồ sơ, đối tượng yêu cầu định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
Việc yêu cầu định giá tài sản để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Lưu ý: Trong những trường hợp cần kết luận giám định, định giá tài sản, để quy kết trách nhiệm hình sự đối với người bị buộc tội, thì Nhà nước phải chịu chi phí.
THỜI HẠN ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
Thời hạn định giá tài sản được quy định tại Điều 216 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể:
Việc định giá tài sản, trả kết luận định giá tài sản thực hiện theo thời hạn nêu trong văn bản yêu cầu định giá tài sản. Trường hợp việc định giá tài sản không thể tiến hành trong thời hạn yêu cầu, Hội đồng định giá tài sản phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan, người đã yêu cầu định giá biết.
KẾT LUẬN ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 30/2018 NĐ-CP, kết luận định giá tài sản phải tuân thủ các điều kiện sau:
– Kết luận định giá tài sản phải được lập bằng văn bản;
– Kết luận về giá tài sản được tính bằng đồng Việt Nam;
– Kết luận định giá được gửi cơ quan yêu cầu định giá tài sản trong thời hạn 24 giờ kể từ khi Hội đồng định giá tài sản lập kết luận định giá tài sản;
– Kết luận định giá tài sản phải có các nội dung chính sau đây:
+ Tên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản
+ Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; họ, tên Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản và các thành viên của Hội đồng;
+ Số của văn bản yêu cầu định giá và ngày nhận văn bản yêu cầu định giá
+ Quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản;
+ Tên tài sản cần định giá;
+ Thông tin, tài liệu có liên quan đến tài sản cần định giá;
+ Kết luận về giá của tài sản;
+ Chữ ký của các thành viên của Hội đồng có mặt tại phiên họp định giá tài sản và dấu của cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc cơ quan của Chủ tịch Hội đồng.
– Kết luận định giá tài sản được lập thành ít nhất 03 bản, 02 bản lưu trong Hồ sơ định giá tài sản và 01 bản gửi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản.
Tham khảo:Tham khảo mẫu văn bản kiến nghị về kết luận giám định thương tật
GIÁM ĐỊNH, ĐỊNH GIÁ LẠI TÀI SẢN
Quy định hai trường hợp thực hiện việc giám định lại, đó là:
– Khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác (việc giám định lại phải do Hội đồng định giá cấp trên thực hiện). VD: Hội đồng định giá cấp tỉnh định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp huyện định giá lần đầu
– Khi có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản (việc giám định lần hai do Hội đồng định giá cùng cấp với Hội đồng định giá được thành lập để định giá lại). VD: Hội đồng định giá cấp bộ định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu của Hội đồng định giá cấp tỉnh và kết luận định giá lại của Hội đồng định giá cấp bộ.
Người có quyền yêu cầu giám định, định giá lại tài sản:
– Cơ quan tiến hành tố tụng;
– Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá; đề nghị định giá lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản.