Xác định tỷ lệ phần trăm thương tật trong vụ án hình sự

XÁC ĐỊNH TỶ LỆ PHẦN TRĂM THƯƠNG TẬT TRONG

VỤ ÁN HÌNH SỰ

Việc xác định tỷ lệ phần trăm thương tật có ý nghĩa rất quan trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự, trong việc xác định khung hình phạt đối với người có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc xác định tỷ lệ thương tật vẫn còn gặp nhiều sai sót dẫn đến việc xác định xét xử đúng người, đúng tội gặp rất nhiều khó khăn. Vậy, theo quy định hiện hành, cách xác định tỉ lệ phần trăm thương tật như thế nào?

CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần

NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH TỶ LỆ PHẦN TRĂM TỔN THƯƠNG CƠ THỂ

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-BYT, nguyên tắc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (TTCT) như sau:

– Tổng tỷ lệ % TTCT của một người phải nhỏ hơn 100%.

– Mỗi bộ phận cơ thể bị tổn thương chỉ được tính tỷ lệ % TTCT một lần. Trường hợp bộ phận này bị tổn thương nhưng gây biến chứng, di chứng sang bộ phận thứ hai đã được xác định thì tính thêm tỷ lệ % TTCT do biến chứng, di chứng tổn thương ở bộ phận thứ hai.

– Nếu nhiều TTCT là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được ghi trong các Bảng tỷ lệ % TTCT thì tỷ lệ % TTCT được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó.

– Khi tính tỷ lệ % TTCT chỉ lấy đến hai chữ số hàng thập phân, ở kết quả cuối cùng thì làm tròn để có tổng tỷ lệ % TTCT là số nguyên (nếu số hàng thập phân bằng hoặc lớn hơn 0,5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị).

– Khi tính tỷ lệ % TTCT của một bộ phận cơ thể có tính chất đối xứng, hiệp đồng chức năng mà một bên bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đã được xác định, thì tính cả tỷ lệ % TTCT đối với bộ phận bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đó.

Ví dụ: Một người đã bị cắt thận phải trước đó, nếu lần này bị chấn thương phải cắt thận trái thì tỷ lệ % TTCT được tính là mất cả hai thận.

– Khi giám định, căn cứ tổn thương thực tế và mức độ ảnh hưởng của tổn thương đến cuộc sống, nghề nghiệp của người cần giám định, giám định viên đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT trong khung tỷ lệ tương ứng với Bảng tỷ lệ % TTCT.

– Đối với các bộ phận cơ thể đã bị mất chức năng, nay bị tổn thương thì tỷ lệ % TTCT được tính bằng 30% tỷ lệ % TTCT của bộ phận đó.

– Trường hợp trên cùng một người cần giám định mà vừa phải giám định pháp y lại vừa phải giám định pháp y tâm thần (theo quyết định trưng cầu/yêu cầu), thì tổ chức giám định thực hiện giám định sau tổng hợp (cộng) tỷ lệ % TTCT của người cần giám định theo phương pháp xác định tỷ lệ % TTCT

Tham khảo: Mẫu đơn Tố giác tội phạm

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH TỶ LỆ PHẦN TRĂM TỔN THƯƠNG CƠ THỂ

Cách xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được quy định tại Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT, cụ thể:

Việc xác định tỷ lệ % TTCT được tính theo phương pháp cộng như sau:

Tổng tỷ lệ % TTCT = T1+T2+T3+…+Tn, trong đó:

– T1: Được xác định là tỷ lệ % TTCT của TTCT thứ nhất (nằm trong khung tỷ lệ các TTCT được quy định tại Thông tư này)

– T2: là tỷ lệ % của TTCT thứ hai: T2 = (100-T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100

– T3:  là tỷ lệ % của TTCT thứ ba: T3 = (100-T1-T2) x tỷ lệ % TTCT thứ 3/100;

– Tn: là tỷ lệ % của TTCT thứ n: Tn – {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x tỷ lệ % TTCT thứ n/100.

– Tổng tỷ lệ % TTCT sau khi được làm tròn số là kết quả cuối cùng.

Ví dụ:

Một đối tượng có nhiều tổn thương:

Ông Nguyễn Văn A được xác định có 03 tổn thương:

– Cụt 1/3 giữa cánh tay phải, khung tỷ lệ % TTCT từ 61 – 65%;

– Mù mắt trái chưa khoét bỏ nhãn cầu, tỷ lệ % TTCT là 41 %;

– Nghe kém trung bình hai tai mức độ I, tỷ lệ % TTCT từ 21 – 25%.

Áp dụng phương pháp nêu trên, tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A được tính như sau:

– T1 = 63% (tỷ lệ % TTCT quy định tại Thông tư này từ 61-65%, giám định viên có thể đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT là 61%, 62%, 63%, 64% hoặc 65%. Ví dụ trường hợp này giám định viên lấy tỷ lệ TTCT là 63%).

– T2 = (100 -63) x 41/100% = 15,17%.

– T3: Nghe kém trung bình hai tai mức độ 1, tỷ lệ % TTCT được quy định trong Thông tư này từ 21% – 25%. Giám định viên có thể đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT trong khoảng từ 21% đến 25%. Ví dụ trường hợp này giám định viên lấy tỷ lệ % TTCT là 22%, thì tỷ lệ % TTCT của ông A được tính là:

T3 = (100 – 63 – 15,17) x 22/100 % = 4,80%

Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A là : 63% + 15,17 % + 4,80% = 82,97 %, làm tròn số là 83%.

Kết luận: Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A là 83%.

Một người cần phải giám định tại hai tổ chức: (1) Giám định pháp y và (2) Giám định pháp y tâm thần:

Ông Nguyễn Văn B (ông B) đã được tổ chức giám định pháp y giám định với kết luận tổng tỷ lệ % TTCT là 45% (T1).

Sau đó ông B đến giám định tại tổ chức giám định pháp y tâm thần, tổ chức này kết luận tỷ lệ % TTCT là của ông B là 37%, tổ chức giám định pháp y tâm thần này tổng hợp tổng tỷ lệ % TTCT của ông B như sau:

– T1 đã được xác định là 45 %; T2 được xác định như sau:

– T2 = (100 – 45) x 37/100 = 20,35 %.

– Tổng tỷ lệ % TTCT của ông B là = (T1+T2).

– Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn B là: 45 % + 20,35 % = 65,35 %.

Kết luận: Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn B là 65 %.

GÂY THƯƠNG TẬT BAO NHIÊU PHẦN TRĂM THÌ BỊ KHỞI TỐ HÌNH SỰ

Căn cứ theo quy định tại Điều 134, Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi cố ý gây thương tích mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên thì bị khởi tố hình sự.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp gây thương tíc dưới 11% nhưng vẫn bị khởi tố hình sự, cụ thể như sau:

– Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

– Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

– Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

– Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

– Có tổ chức;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

– Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

– Có tính chất côn đồ;

– Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

MỘT SỐ LƯU Ý VỀ KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH THƯƠNG TẬT

 Kết luận giám định là một trong những cơ sở rất quan trọng để khởi tố, điều tra truy tố và xét xử. Khi nghiên cứu giám định thương tật cần lưu ý một số điểm như sau:

– Tổng tỷ lệ thương tật đã được cộng đúng hay chưa;

– Nghiên cứu kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến thương tích, ví dụ: trọng lượng của vật, tư thế gây thương tích, trạng thái cơ thể,… để đánh giá tính logic so với kết luận giám định;

– Kiểm tra tính logic trong nội dung kết luận với các biên bản lời khai có liên quan, tỷ lệ tổn thương cơ thể và cơ chế hình thành vết thương có phù hợp;

– Kiểm tra lại thông tin về người yêu cầu giám định, người giám định có đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau mà kết luận giám định không phải lúc nào cũng chính xác, khách quan, đôi khi vẫn có những sai sót. Chính vì vậy, trong quá trình nghiên cứu tài liệu, hồ sơ vụ án cần chú ý, nghiên cứu kỹ kết luận giám định có rõ ràng, chính xác hay chưa.

Tham khảo: Tham khảo mẫu văn bản kiến nghị về kết luận giám định thương tật

Bài viết liên quan