THỦ TỤC CUNG CẤP DỮ LIỆU ĐẤT ĐAI
Hiện nay, nhu cầu về mua bán sử dụng đất ngày càng tăng cao, đồng thời các rủi ro trong mua bán đất đai cũng ngày càng gia tăng. Vì vậy, để hạn chế những rủi ro khi mua bán nhà đất hoặc các giao dịch khác liên quan đến đất đai, người dân có thể yêu cầu cung cấp thông tin về thửa đất.
- Trường hợp được cung cấp dữ liệu đất đai
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cần các thông tin dữ liệu đất đai thì có thể khai thác thông tin, dữ liệu đất đai bằng các hình thức:
– Tổ chức, cá nhân khi khai thác dữ liệu đất đai trên mạng internet, cổng thông tin đất đai phải đăng ký và được cấp quyền truy cập, khai thác dữ liệu từ hệ thống thông tin đất đai.
– Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC được ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Trường hợp không được cung cấp thông tin dữ liệu đất đai
Theo quy định tại Điều 13, Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, những trường hợp không cung cấp dữ liệu bao gồm:
– Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu mà nội dung không rõ ràng, cụ thể; yêu cầu cung cấp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước không đúng quy định;
– Văn bản yêu cầu không có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận đối với tổ chức; phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu;
– Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật;
– Không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Tham khảo: Mẫu biên bản giao nhận tiền mua bán nhà đất
- Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai
Những cơ quan cung cấp dữ liệu thông tin về đất đai được quy định Điều 15 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, cụ thể như sau:
– Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở Trung ương là Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai.
Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.
- Các nội dung được cung cấp khi yêu cầu
Các nội dung dữ liệu mà cơ quan nhà nước sẽ cung cấp khi người dân nộp hồ sơ gồm có:
– Thông tin thửa đất. Bao gồm: Số hiệu thửa đất, số tờ bản đồ địa chính, diện tích, địa chỉ;
– Thông tin người sử dụng đất. Bao gồm: Họ tên vợ chồng, năm sinh, CMND, địa chỉ;
– Quyền sử dụng đất;
– Tài sản gắn liền với đất;
– Tình trạng pháp lý;
– Lịch sử biến động;
– Quy hoạch sử dụng đất;
– Trích lục bản đồ;
– Trích sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
– Giao dịch đảm bảo;
– Hạn chế về quyền;
– Giá đất.
- Trình tự thực hiện thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin đất đai
Theo khoản 4 Điều 28 Luật Đất đai 2013 quy định cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Tham khảo: Vợ chồng phân chia tài sản là nhà ở xã hội có phải đóng tiền sử dụng đất không?
Hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin
Phiếu đề nghị cung cấp dữ liệu đất đai (Mẫu Mẫu số 01/PYC Kèm theo Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường). TẠI ĐÂY
Trình tự nộp hồ sơ
Theo đó, căn cứ điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin đất đai được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu đến văn phòng đăng ký đất đai (văn phòng đăng ký đất đai được tổ chức thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh và có các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở các huyện) hoặc UBND cấp xã. Phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC được ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT.
Tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu đến tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Sở Tài nguyên và Môi trường ; Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của cấp huyện hoặc cấp xã.
Nộp văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện theo một trong các phương thức sau:
– Nộp trực tiếp tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;
– Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện;
– Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy hẹn trao cho người nộp hồ sơ.
+ Trường hợp phiếu yêu cầu thiếu hoặc không hợp lệ thì Cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người nộp hồ sơ bổ sung, làm lại cho kịp thời.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
– Khi nhận được phiếu yêu cầu, văn bản yêu cầu hợp lệ của tổ chức, cá nhân, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện việc cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác dữ liệu. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính (trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính) cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do;
– Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu. Đối với các trường hợp khai thác dữ liệu cần phải tổng hợp, xử lý trước khi cung cấp cho tổ chức, cá nhân thì phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu.
Bước 4: Trả kết quả
– Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.
– Đối với các trường hợp khai thác dữ liệu cần phải tổng hợp, xử lý trước khi cung cấp cho tổ chức, cá nhân thì phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu.
Thời hạn giải quyết
Trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo; Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức tổng hợp thông tin thì thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và người có yêu cầu bằng hình thức hợp đồng.
Tham khảo: Thủ tục xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy
Các câu hỏi thường gặp
Câu 1: Phí và chi phí khi yêu cầu cung cấp dữ liệu bao gồm những gì và bao nhiêu?
– Phí và chi phí phải trả để được cung cấp thông tin đất đai gồm:
+ Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai;
+ Chi phí in ấn, sao chụp hồ sơ, tài liệu;
+ Chi phí gửi tài liệu (nếu có)
– Phí do HĐND cấp tỉnh quyết định, nên mỗi tỉnh sẽ quy định mức thu khác nhau. Ví dụ, phí khai thác thông tin đất đai TP Hà Nội: 300.000 đồng đối với tổ chức; 150.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình. Phí khai thác thông tin đất đai ở TP HCM là 200.000 đồng/hồ sơ, tài liệu,…
Lưu ý, một số thông tin sau thì không phải trả phí:
+ Danh mục dữ liệu có trong cơ sở dữ liệu đất đai;
+ Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt;
+ Khung giá đất, bảng giá đất đã công bố;
+ Thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai;
+ Các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.
Câu 2: Thời gian giải quyết hồ sơ được tính như thế nào?
Thời gian này không tính các loại thời gian sau:
– Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp xã (xã, phường, thị trấn),
– Các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật;
– Thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Câu 3: Có được yêu cầu cung cấp hồ sơ đất đai của người khác?
Có được yêu cầu. Tuy nhiên, đó phải là yêu cầu thuộc vào phạm vi cho phép theo quy định của pháp luật.
Cơ quan đăng ký đất đai có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu và thông tin khác về đất đai cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để nhằm mục đích quản lý của nhà nước và nhu cầu của cộng đồng. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc cứ có yêu cầu cung cấp thông tin đất đai là văn phòng đăng ký đất đai đều cung cấp hồ sơ, thông tin đất đai cho người có yêu cầu.
Những thông tin không được cung cấp khi có yêu cầu gồm:
– Thông tin về người sử dụng đất và thông tin thuộc tính thửa đất của các đơn vị quốc phòng, an ninh;
– Thông tin về cá nhân của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà người đó có yêu cầu bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật;
– Các thông tin khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Trên đây là bài viết về thủ tục cung cấp dữ liệu đất đai. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 0987.062.757 – 0911.111.099.
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VIỆT CHÍNH LUẬT | |
Địa chỉ: Tầng 3, nhà số 6, BTT9 Him Lam Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội | |
Email: luatvietchinh@gmail.com | |
Hotline: 0987.062.757 – 0911.111.099 |