Thủ tục mở tiệm vàng

THỦ TỤC MỞ TIỆM VÀNG

Vàng là một tài sản có giá trị cao được người dân Việt Nam rất ưa chuộng. Vàng được sử dụng như một món trang sức, tài sản tiết kiệm hay một món quà mang ý nghĩa cao. Với giá trị cao như vậy, việc kinh doanh vàng luôn mang về những lợi nhuận khủng. Vì vậy, việc mở các cửa hàng kinh doanh vàng bạc chưa bao giờ hết nhiệt. Tuy nhiên, vì tính chất đặc thù của mình nên kinh doanh vàng thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, khi muốn mở của hàng kinh doanh vàng, bạc, đá quý thì cần phải xin giấy phép. Vậy, điều kiện thủ tục mở cửa hàng kinh doanh tiệm vàng cần những gì?

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Doanh nghiệp năm 2020;

– Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH MUA, BÁN VÀNG TRANG SỨC, MỸ NGHỆ

Căn cứ theo quy định tại Điều 8, Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì việc kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

“Điều 8. Điều kiện hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ

Doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.”

Như vậy để mở của hàng kinh doanh vàng cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất là doanh nghiệp:

Muốn mở tiệm vàng thì bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh mà không được phép hoạt động dưới mô hình hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh.

Loại hình doanh nghiệp

Tùy vào vốn điều lệ, khả năng tài chính cũng như quy mô hoạt động mà bạn có thể chọn lựa một trong các loại hình doanh nghiệp sau:

– Công ty TNHH (công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên);

– Công ty cổ phần;

– Công ty hợp danh;

– Doanh nghiệp tư nhân.

Ngoài ra, cũng có thể đăng ký thành lập tổ chức tín dụng kinh doanh mua bán trang sức vàng và phải tuân thủ các quy định của pháp luật (theo Luật Các tổ chức tín dụng). Tổ chức tín dụng bao gồm các loại hình doanh nghiệp như: ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Tham khảo: Thủ tục kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Ngành nghề kinh doanh:

Trong các ngành nghề kinh doanh đăng ký, bắt buộc phải đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ví dụ:

– Mã ngành 4662: Bán buôn kim loại và quặng kim loại. Chi tiết: Bán buôn vàng, bạc và kim loại quý khác;

– Mã ngành 4773: Bán lẻ hàng hóa khác mới trong các cửa hàng chuyên doanh. Chi tiết: Bán lẻ vàng, bạc, đá quý và đá bán quý, đồ trang sức trong các cửa hàng chuyên doanh;

– Mã ngành 4789: Bán lẻ hàng hóa khác lưu động hoặc tại chợ. Chi tiết: Bán lẻ vàng, bạc, đá quý và đá bán quý, đồ trang sức lưu động hoặc tại chợ.

Ngoài ra, còn phải đáp ứng các điều kiện khác về thành lập đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 về tên, trụ sở, vốn điều lệ,…

Thứ hai, địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị

Phải có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ví dụ: Phải có địa điểm cố định; phải bố trí ánh sáng hài hòa, đồng thời những khu vực trưng bày vàng phải được bố trí nơi dễ quan sát và có nhân viên theo dõi; có tủ kính trưng bày, cân vàng, đèn điện, gương các loại (lớn, nhỏ)… Ngoài ra, lắp đặt thêm thiết bị bảo vệ an ninh giám sát tiệm vàng: camera, hệ thống báo động, máy tính… và thiết bị kiểm tra chất lượng vàng bạc đá quý,….

Lưu ý:

– Tiệm vàng thuộc danh mục những ngành nghề phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy do đó các trang thiết bị của cửa hàng cũng cần phải đáp ứng các điều kiện về PCCC.

– Đối với loại hình kinh doanh mua, bán vàng bạc, đá quý, trang sức, mỹ nghệ thuộc dạng kinh doanh có điều kiện nhung không cần chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Do vậy, muốn kinh doanh mua, bán vàng bạc, đá quý, trang sức, mỹ nghệ (không phải vàng miếng) chỉ cần tiến hành đăng ký kinh doanh như bình thường.

THỦ TỤC XIN MỞ TIỆM VÀNG

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm những giấy tờ sau:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước)

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tham khảo: Tư vấn thành lập doanh nghiệp

Quy trình thành lập doanh nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ cần thiết để thành lập doanh nghiệp

Chuẩn bị đầy đủ 01 bộ hồ sơ tương ứng với loại hình doanh nghiệp lựa chọn

Bước 2: Nộp hồ sơ

Việc nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp hiện nay được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.

Bước 3: Nhận kết quả và Nộp tiền đăng bố cáo

Sau khi nộp hồ sơ từ 3-5 ngày, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì Quý khách hàng sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị khoản tiền để nộp lệ phí đăng bố cáo lúc nộp hồ sơ. Lệ phí đăng bố cáo thông tin doanh nghiệp là 100.000đ.

Bước 4: Khắc con dấu và treo bảng hiệu

Sau khi hoàn thành các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp, cần tiến hành các thủ tục xin cấp giấy phép PCCC.

Trên đây là những thông tin về thủ tục mở tiệm vàng với mục đích kinh doanh vàng, bạc, đá quý (không bao gồm vàng miếng), trường hợp tiệm vàng kinh doanh kết hợp sản xuất, gia công thì cần xin giấy phép của Ngân hàng nhà nước.

Bài viết liên quan