Thủ tục thành lập công ty xuất khẩu lao động

THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Những năm qua thì làn sóng xuất khẩu lao động đang tràn về khắp các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam. Mức lương hấp dẫn, công việc ổn định tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức,… đã thu hút một lượng lớn lao động. Xuất khẩu lao động trở thành phương án thoát nghèo, làm giàu phổ biến nhất, đơn giản nhất, ổn định nhất và được ưa chuộng nhất. Cùng với xu thế đó, kinh doanh dịch vụ đưa người đi xuất khẩu lao động trở thành một ngành nghề vô cùng hấp dẫn (cách gọi đầy đủ là: đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động). Dù có nhiều điều kiện kinh doanh khắt khe nhưng vẫn có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng thực hiện. Nhưng thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lao động không hề đơn giản, khiến nhiều nhà đầu tư bị bỡ ngỡ, lúng túng, mất thời gian, tiền bạc,… Nắm bắt được điều đó, Luật Việt Chính xin được gửi tới quý khách hàng những thông tin cơ bản về thủ tục thành lập công ty xuất khẩu lao động. Bài viết sẽ có những nội dung chính sau đây:

  • Điều kiện thành lập công ty xuất khẩu lao động;
  • Hồ sơ cần chuẩn bị và thủ tục thành lập công ty xuất khẩu lao động;
  • Thủ tục và hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động của công ty đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
  • Kinh nghiệm khi thực hiện thành lập công ty xuất khẩu lao động;
  • Dịch vụ thành lập công ty xuất khẩu lao động.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020;
  • Luật Đầu tư năm 2020;
  • Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020;
  • Nghị định số 112/2021/NĐ-CP;
  • Nghị định số 01/2021/NĐ-CP;
  • Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH

Điều kiện thành lập công ty xuất khẩu lao động

Hoạt động kinh doanh dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục IV, Luật đầu tư năm 2020 (số thứ tự 67 – kinh doanh dịch vụ việc làm). Ngoài ra, căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp bắt buộc phải có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Giấy phép này do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp và với thẩm quyền như vậy, chúng ta có thể hình dung ra sự phức tạp, khắt khe đến thế nào để có thể kinh doanh ngành nghề này.

Điều kiện thành lập công ty xuất khẩu lao động (Minh họa)

Điều 10, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nội dung như sau:

Điều 10. Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư;

b) Đã ký quỹ theo quy định tại Điều 24 của Luật này [Luật Việt Chính thông tin: Mức ký quỹ là 2 tỷ đồng và với mỗi Chi nhánh được giao thực hiện công việc xuất khẩu lao động thì phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng/1 chi nhánh];

c) Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;

d) Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung quy định tại Điều 9 của Luật này; ( điểm này được hướng dẫn bởi Điều 4 Nghị định 112/2021/NĐ-CP)

đ) Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Có trang thông tin điện tử.

Trên đây chỉ là những thông tin chung nhất, điều kiện cụ thể được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 112/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 4. Điều kiện về nhân viên nghiệp vụ

Đối với mỗi nội dung hoạt động quy định tại Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp phải có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ chịu trách nhiệm thực hiện, đáp ứng một trong những tiêu chuẩn sau:

a) Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên thuộc nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, nhân văn, dịch vụ xã hội, khoa học xã hội và hành vi hoặc kinh doanh và quản lý;

b) Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên không thuộc nhóm ngành đào tạo tại điểm a khoản này và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nhân viên nghiệp vụ phải có giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp, trừ trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Chi nhánh được doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ thực hiện một số nội dung hoạt động quy định tại Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ chịu trách nhiệm đối với mỗi nội dung hoạt động và đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 5. Điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động

Cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng phải đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh và đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có phòng học và phòng nội trú cho ít nhất 100 học viên tại một thời điểm; có nơi sơ cứu, cấp cứu với trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu;

b) Phòng học có diện tích tối thiểu 1,4 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản phục vụ học tập;

c) Phòng nội trú có diện tích tối thiểu 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt nội trú; bố trí không quá 12 học viên/phòng; khu vực nội trú bố trí tách biệt cho học viên nam và nữ, có đủ buồng tắm và nhà vệ sinh.

Trường hợp doanh nghiệp thuê cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng thì thời hạn thuê phải còn ít nhất 02 năm tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

Chi nhánh được doanh nghiệp dịch vụ giao tổ chức giáo dục định hướng phải có cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh, có phòng học và phòng nội trú đáp ứng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này và thời hạn thuê (nếu chi nhánh thuê cơ sở vật chất) phải tối thiểu là 02 năm.

Doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì quyền sử dụng hợp pháp cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng trong suốt thời gian hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 6. Điều kiện về trang thông tin điện tử

Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phải có tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, đăng tải thông tin cơ bản của doanh nghiệp, đăng hình ảnh Giấy phép sau khi được cấp và nội dung thông tin về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phải bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục theo quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có thay đổi về thông tin quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp dịch vụ phải cập nhật lên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.”

Nếu Quý khách thấy những điều kiện nêu trên quá phức tạp thì xin thưa rằng đó mới chỉ là mở đầu thôi vì ngoài những điều kiện trên thì doanh nghiệp còn phải đáp ứng những điều kiện đặc biệt của một số thị trường, ngành nghề, công việc cụ thể trong toàn bộ thời gian hoạt động. Ví dụ như quy định tại Điều 15 Nghị định số 112/2021/NĐ-CP có quy định về “Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản” hay Điều 20 Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định về “Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài”

Hồ sơ và thủ tục đăng ký thành lập công ty đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Như đã nêu ở trên, muốn kinh doanh xuất khẩu lao động thì trước hết phải có công ty có đăng ký mã ngành phù hợp với hoạt động xuất khẩu lao động và sau đó mới xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do đó, để có thể kinh doanh xuất khẩu lao động thì bắt buộc phải trải qua 2 giai đoạn là đăng ký thành lập doanh nghiệp và xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thông tin cụ thể như dưới đây:

Giai đoạn 1: Đăng ký thành lập doanh nghiệp có mã ngành phù hợp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu;
  • Điều lệ;
  • Danh sách thành viên/cổ đông theo mẫu;
  • Bản sao có công chứng giấy tờ tùy thân của người đại diện theo pháp luật, các thành viên/cổ đông/chủ sở hữu;
  • Giấy ủy quyền (nếu có).
  • Ngoài ra tùy từng trường hợp mà có thể sẽ phát sinh thêm các giấy tờ khác.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ online cho Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở kế hoạch và đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì Sở kế hoạch và đầu tư thông báo bằng văn bản để người nộp hồ sơ hoàn thiện.

Bước 4: Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp

Phòng Đăng ký kinh doanh công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 3 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và lệ phí công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp bị thu cùng với lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Bước 5:  Khắc dấu công ty

Đã là công ty thì phải có con dấu riêng của mình để xác thực về tư cách của công ty. Nội dung và hình thức con dấu do công ty tự quyết định dựa theo khuôn khổ nhà nước cho phép và phải phù hợp với Điều lệ.

Hồ sơ và thủ tục đăng ký thành lập công ty đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Minh họa)

Giai đoạn 2: Xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Theo quy định tại khoản 1, Điều 12, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cùng các văn bản hướng dẫn, hồ sơ xin cấp Giấy phép bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

c) 01 bản sao Điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép và giấy tờ chứng minh việc góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp; 01 bản sao sổ đăng ký cổ đông mới nhất đối với công ty cổ phần;

d) 01 bản chính Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Mẫu số 03 Phụ lục Iban hành kèm theo Nghị định này;

e) 01 bản sao Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép; 01 bản sao bằng cấp chuyên môn và 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm (quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc) của người đại diện theo pháp luật;

f) 01 bản chính Danh sách nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Mẫu số 04 Phụ lục Iban hành kèm theo Nghị định này; 01 bản sao bằng cấp chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có) và 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (nếu có) của một trong các văn bản sau: hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc của mỗi nhân viên nghiệp vụ;

g) 01 bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng, kèm theo bảng kê do doanh nghiệp xác nhận về trang thiết bị, sơ đồ mặt bằng phòng học và khu vực nội trú.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp nộp hồ sơ cho Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội. Nếu hồ sơ hợp lệ thì tiếp nhận, nếu chưa hợp lệ thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do để Doanh nghiệp hoàn thiện theo quy định.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét và cấp Giấy phép cho doanh nghiệp; trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 4: Nhận kết quả

Doanh nghiệp nhận Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tiến hành các thủ tục pháp lý và kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Luật Việt Chính chia sẻ kinh nghiệm thành lập công ty xuất khẩu lao động

Những quy định của pháp luật vốn đã phức tạp kết hợp với thực tiễn có nhiều biến số thì còn phức tạp hơn. Do vậy, nên cân nhắc kỹ để chọn lựa được những phương án phù hợp, an toàn, tiết kiệm nhất có thể. Qua những chia sẻ dưới đây, hi vọng Quý khách có thể áp dụng và đạt được hiệu quả tốt nhất.

Chọn loại hình doanh nghiệp như thế nào

Hiện nay, các loại hình doanh nghiệp phổ biến bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh và công ty cổ phần.  Công ty xuất khẩu lao động nên chọn loại hình công ty phù hợp với nhu cầu, quy mô, đặc điểm nội bộ của mình. Ví dụ như muốn hạn chế trách nhiệm thì chọn công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Hay nhiều thành viên (trên 50 người) thì nên chọn công ty cổ phần, cần huy động vốn bằng nhiều hình thức thì cũng chọn công ty cổ phần,…

Chọn loại hình doanh nghiệp như thế nào (Minh họa)

Kinh nghiệm đăng ký ngành nghề kinh doanh

– Phải tham khảo trước mã ngành theo quy định bởi nếu đăng ký thiếu mã ngành cần thiết thì vẫn có thể thông qua giai đoạn 1 nhưng sau đó lại mất công đăng ký bổ sung để có thể bước vào giai đoạn 2, vừa mất thời gian, công sức, vừa tốn kém chi phí.

– Để kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động, doanh nghiệp có thể đăng ký các ngành nghề kinh doanh như:

Ngành nghề Mã ngành
Cung ứng và quản lý nguồn lao động

Bao gồm:

– Cung ứng và quản lý nguồn lao động trong nước;

– Cung ứng và quản lý nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

7830

 

 

Hoạt động của các trung tâm, đại lý tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động, việc làm. 7810
Cung ứng lao động tạm thời 7820

– Doanh nghiệp có thể đăng ký thêm các ngành nghề khác, không chỉ giới hạn trong những ngành nghề nêu trên để có thể chuyển hướng, chia sẻ nguồn lực kinh doanh khi cần thiết. Tuy nhiên phải luôn đảm bảo có những mã ngành nêu trên.

Dịch vụ thành lập công ty và xin Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Luật Việt Chính

Qua nhiều năm kinh nghiệm, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật Việt Chính đảm bảo hỗ trợ Quý khách thành lập công ty nhanh chóng và xin giấy phép xuất khẩu lao động được thuận lợi. Với dịch vụ của Luật Việt Chính, chúng tôi sẽ:

  • Tư vấn và hỗ trợ những nội dung trước khi thành lập doanh nghiệp như: Chọn ngành nghề kinh doanh, chọn loại hình công ty, chọn tên công ty,  địa điểm, người đại diện theo pháp luật, vốn, điều lệ công ty,…
  • Tư vấn cụ thể, chi tiết về điều kiện thành lập và điều kiện để xin giấy phép hoạt động;
  • Hỗ trợ thu thập, soạn thảo và chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp và xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
  • Nhận ủy quyền thay mặt khách hàng thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp và thủ tục xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền;
  • Tư vấn, hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc pháp luật về thuế, doanh nghiệp, thương mại cũng như các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của khách hàng.

Dịch vụ thành lập công ty và xin Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Luật Việt Chính

Những điều kiện, quy trình thủ tục liên quan đến điều kiện kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng rất phức tạp và khó có thể trình bày cụ thể, chi tiết trong 1 bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu về vấn đề này thì có thể liên hệ tới Luật Việt Chính theo các phương thức sau đây để được hỗ trợ kịp thời:  

  • Gọi điện tới số điện thoại 0911.111.099 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng).
  • Tư vấn qua email: luatvietchinh@gmail.com
  • Tư vấn qua facebook: Luật Việt Chính
  • Tư vấn qua zalo: 0911. 111.099
  • Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Bài viết liên quan