Thực trạng hoạt động mai dâm ở nước ta hiện nay

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG MẠI DÂM Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

1. Xác định vấn đề cần giải quyết

1.1. Thực trạng hoạt động mại dâm hiện nay

Hiện nay, hoạt động mại dâm đang diễn ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố, các đối tượng hoạt động mại dâm thường hình thành các tụ điểm nhỏ gắn với cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhất là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Nha Trang. Không chỉ xảy ra ở khu vực thành thị, các khu du lịch mà mại dâm còn tồn tại ở những vùng nông thôn, miền núi, khu vực biên giới,..

Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước ước tính có hơn 7.500 người bán dâm. Trong đó, số người bán dâm được thống kê qua xử phạt, hỗ trợ xã hội, y tế… là 2.116 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều, do tính di biến động, phức tạp, trá hình của hoạt động mại dâm.

Hoạt động mại dâm tại nơi công cộng có xu hướng giảm mạnh thay bằng nhiều phương thức hoạt động kín đáo, tình trạng mại dâm trá hình “núp bóng” trong cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, nhất là các khu du lịch, nghỉ dưỡng, resort; có sự đan xen giữa tổ chức mua bán dâm và sử dụng trái phép các chất ma túy. Cụ thể theo báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2023 của các địa phương, cơ quan chức năng đã phối hợp, thực hiện 593 cuộc truy quét tại địa điểm công cộng (giảm 1.023 cuộc so với cùng kỳ năm 2022), 678 cuộc triệt phá tại cơ sở kinh doanh dịch vụ (tăng 262 cuộc, đạt 60,5% so với cùng kỳ năm 2022).

Bên cạnh đó, tình trạng lừa gạt, cưỡng ép phụ nữ tham gia bán dâm, lừa bán phụ nữ qua biên giới bán dâm, làm nô lệ tình dục xuất hiện ngày càng nhiều, tại một số tỉnh, thành còn xuất hiện nhiều đường dây cưỡng ép học sinh tham gia bán dâm. 

Đặc biệt, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cũng cho biết, các đối tượng bán dâm lợi dụng mạng Internet, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhóm kín để đăng tải thông tin, hình ảnh giới thiệu, tiếp thị, thỏa thuận mua – bán dâm. Việc thanh toán có cả bằng tiền ảo, qua trung gian thanh toán, tài khoản ngân hàng không chính chủ. Hoạt động mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm trên các tuyến biên giới, vùng biển tiềm ẩn diễn biến khó kiểm soát. Ngoài ra, các hoạt động mại dâm biến tướng dưới dạng “sugar baby – sugar daddy” đang có xu hướng ngày càng phổ biến ở Việt Nam, chủ yếu thông qua các nhóm kín, diễn đàn kín trên không gian mạng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý. Hình thức này đã bị biến tướng, bị lợi dụng, tiềm ẩn nguy cơ, khả năng phát sinh tội phạm mại dâm và các VPPL khác.

Với nhiều phương thức hoạt động như vậy, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi VPPL về phòng, chống mại dâm. Tổng số người VPPL là 1.417 người, trong đó, số chủ chứa, môi giới mại dâm là 333 đối tượng; số người bán dâm là 558 người, số người mua dâm là 515 người, số người bán dâm dưới 18 tuổi là 11 người. Tổng số người bị xử lý VPHC là 1.139 người (tăng 44 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022)[2].

Như vậy, hiện nay hoạt động mại dâm có xu hướng ngày càng tăng, diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất. Đặc biệt, các phương thức hoạt động mại dâm lại rất đa dạng với nhiều hình thức biến tướng khác nhau và diễn ra tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài như núp bóng tour du lịch để tổ chức mua bán dâm; có sự tham gia của học sinh, sinh viên, người mẫu, diễn viên…

1.2. Hậu quả của hoạt động mại dâm

1.2.1. Đối tượng tác động trực tiếp

  1. a) Đối với người bán dâm

Ảnh hưởng về sức khỏe: Người bán dâm có nguy cơ cao mắc các bệnh lây nhiễm (lậu mủ, Herpes sinh dục, HPV, HIV/AIDS…), ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, rối loạn nhân cách, rối loạn thần kinh chức năng tình dục nặng, mất khả năng cảm nhận bất kỳ một cảm hứng tình dục cá nhân nào trong lĩnh vực riêng tư… Ngoài ra, họ còn phải chịu những tổn thương tâm lý, xuất phát từ sự kỳ thị, phân biệt đối xử của gia đình, người thân, cộng đồng.

Ảnh hưởng về tài chính: Người bán dâm phải chịu các khoản chi phí khám, chữa bệnh khi gặp vấn đề về sức khỏe. Đây không phải là số tiền nhỏ, đặt ra gánh nặng kinh tế cho chính bản thân họ.

Hiện nay hành vi bán dâm không được quy định trong BLHS, do đó hành vi bán dâm không bị xử lý hình sự mà bị xử lý VPHC. Tuy nhiên, theo BLHS năm 2015, hành vi bán dâm sẽ bị xử lý hình sự khi kèm theo các hành vi khác như: Làm lây truyền HIV cho người khác; chứa mại dâm; môi giới mại dâm…

  1. b) Đối với người mua dâm

Tương tự với người bán dâm, người mua dâm cũng có thể mắc các bệnh lây nhiễm như HPV, lậu mủ, HIV/AIDS, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản… Khi mắc bệnh, họ cũng phải bỏ ra các khoản chi phí khám, chữa bệnh, làm tiêu hao tài chính của bản thân và gia đình. Ngoài ra, người mua dâm có nguy cơ cao trở thành những nạn nhân của các hoạt động phạm tội, tạo cơ hội cho những kẻ xấu xâm hại như hành vi đe dọa, tống tiền khi bị ghi âm, ghi hình và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình.

Bên cạnh đó, người mua dâm cũng phải chịu chế tài xử phạt VPHC; nặng hơn, họ có thể bị phạt tù khi bị truy cứu TNHS nếu có các hành vi mua dâm người dưới 18 tuổi, cố ý lây nhiễm HIV…

  1. c) Đối với người chứa mại dâm, môi giới mại dâm

Đây là nhóm đối tượng nhận được lợi ích từ hoạt động mại dâm. Nhóm đối tượng này thường thu được khoản tiền lớn thông qua hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm. Đây là lợi ích không chính đáng, VPPL, do đó họ có thể bị truy cứu TNHS nếu hành vi vi phạm bị phát hiện.

Tham khảo thêm Trình tự, thủ tục khiếu nại lần hai trong thi hành án hình sự

1.2.2. Đối tượng tác động gián tiếp

  1. a) Đối với gia đình, người thân của người hoạt động mại dâm

Mại dâm đang trở thành hiểm họa, tác động đến từng cá nhân trong gia đình. Nó làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây ra tình trạng bạo lực gia đình, phá vỡ các mối quan hệ, ảnh hưởng đến tâm lý tình cảm của những người thân. Gia đình, người thân của người hoạt động mại dâm có thể bị kỳ thị, phân biệt đối xử từ cộng đồng, những người xung quanh.

Bên cạnh đó, đời sống kinh tế gia đình cũng bị ảnh hưởng. Gia đình của người mua dâm, bán dâm rất dễ mắc các bệnh lây nhiễm làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của họ. Họ sẽ phải bỏ ra các khoản chi phí điều trị khi mắc bệnh.

  1. b) Đối với xã hội

Mại dâm còn gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Người bán dâm thường lười lao động từ đó ảnh hưởng đến nguồn lao động của xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Mại dâm là hành vi chà đạp lên phẩm giá con người, ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội khác, vì nó có sự móc nối chặt chẽ giữa mại dâm và các tội phạm về ma túy, trộm cắp, mua bán người và rửa tiền… Những giá trị thiêng liêng và khuôn khổ đạo đức dần mất đi, xúc phạm lòng tự tôn dân tộc, gây hoen ố hình ảnh văn hóa quốc gia. Nhà nước phải chịu tốn kém về chi phí, nguồn lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống mại dâm nói riêng.

1.3. Nguyên nhân dẫn đến hoạt động mại dâm

1.3.1. Nguyên nhân khách quan

Sự phát triển của kinh tế, công nghệ dẫn đến hình thành nhiều loại hình dịch vụ mại dâm, từ công khai đến kín đáo trên các trang mạng xã hội, các nhóm kín…, giúp cho các hoạt động mại dâm được thực hiện tinh vi, dễ dàng, nhiều hình thức và khó kiểm soát hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc du nhập các văn hóa khác vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, đói nghèo và thất nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hoạt động mại dâm. Việc làm thì ít, đời sống thì nghèo thúc đẩy nhiều người sa vào con đường phải hành nghề mại dâm.

1.3.2. Nguyên nhân chủ quan

Về phía người bán dâm: Bắt nguồn từ nhu cầu kinh tế, muốn kiếm tiền mà bản thân lại lười lao động, tâm lý sợ làm công việc vất vả, thích ăn chơi, hưởng thụ nên họ lựa chọn “hành nghề” mại dâm để làm giàu, bất chấp hậu quả. Mặt khác, có nhiều trường hợp bị dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt bán dâm do sự thiếu hiểu biết về xã hội và nhận thức pháp luật.

Về phía người mua dâm: Theo quy luật của nền kinh tế thị trường, “có cầu ắt phải có cung”, nguyên nhân không chỉ xuất phát từ người bán dâm mà còn xuất phát từ chính nhu cầu tình dục của người mua dâm, tâm lý “ham của lạ”, muốn tìm “cảm giác mới”. Mặt khác, nhiều người mua dâm bị dụ dỗ, lôi kéo từ bạn bè, những người xung quanh, nảy sinh suy nghĩ muốn được trải nghiệm cho bằng bạn bằng bè.

Về phía người chứa mại dâm, môi giới mại dâm: Xuất phát từ mong muốn kiếm được nhiều tiền, thu được lợi nhuận cao, họ sẵn sàng “chăn dắt” người khác hành nghề mại dâm và tạo cầu nối cho người bán dâm và người mua dâm. 

Về phía gia đình, người thân của người hoạt động mại dâm: Xuất phát từ sự thiếu quan tâm, giáo dục bước đầu của gia đình khiến cho người hoạt động mại dâm chưa ý thức được hậu quả. Nhiều gia đình có thế hệ trước hành nghề mại dâm tạo điều kiện cho thế hệ sau noi theo thực hiện. Số khác, có những gia đình thấy lợi trước mắt, dù biết hoạt động mại dâm là sai nhưng vẫn cổ súy người thân mình thực hiện để có tiền, lợi ích khác.

Về phía xã hội: Xuất phát từ sự vô cảm của con người trong xã hội, tạo nên rào cản trong việc tái hòa nhập cộng đồng của những người đã từng hành nghề mại dâm, dễ khiến những người này tiếp tục thực hiện hành vi VPPL. Ngoài ra, sự thờ ơ của xã hội như một lời cổ súy im lặng tới những người hành nghề mại dâm, khiến hoạt động này vẫn tiếp tục diễn ra.

Về phía Nhà nước:

Thứ nhất, Nhà nước quản lý lỏng lẻo, chưa đạt hiệu quả cao, quy định chưa rõ ràng, đầy đủ, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ răn đe. Có sự chênh lệch lớn giữa mức xử phạt VPHC đối với hành vi mua dâm và bán dâm[4].

Thứ hai, sự phối hợp hoạt động, kiểm tra chưa đồng bộ. Một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề này, chưa thực sự coi trọng công tác phòng, chống mại dâm và có tư tưởng trông chờ, ỷ lại hay né tránh, coi đây là công việc của các ngành chức năng của cấp trên.

Thứ ba, hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, mang tính hình thức, hoạt động cho xong, bỏ lọt nhiều vi phạm.

Thứ tư, nguồn lực tài chính của Nhà nước vẫn còn yếu trong khi công tác phòng, chống mại dâm đòi hỏi nhiều chi phí.

Từ những phân tích trên đây về hiện trạng hoạt động mại dâm cùng với hậu quả từ đó tìm ra nguyên nhân của hoạt động mại dâm, có thể thấy rằng hoạt động mại dâm diễn biến ngày càng phức tạp về quy mô, tính chất và phương thức hoạt động. Điều này không chỉ xuất phát từ các nguyên nhân khách quan mà còn bắt nguồn từ các chủ thể tham gia. Kinh tế xã hội phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch vụ bất hợp pháp được phát triển một cách tinh vi, kín đáo, khó phát hiện, khó kiểm soát. Số lượng người muốn có tiền, muốn hưởng thụ mà không muốn lao động ngày càng nhiều. Sự hiểu biết sai về du nhập văn hóa phương Tây hay chính sự thiếu hiểu biết của các chủ thể khiến hoạt động mại dâm ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. Trong khi đó, công tác quản lý của Nhà nước chưa thực sự hiệu quả, khiến cho hoạt động mại dâm ngày càng trở nên phổ biến, phức tạp cả về quy mô, tính chất và phương thức hoạt động, tạo nên bất cập trong việc phòng, chống mại dâm. Theo đó, quản lý hoạt động mại dâm là vấn đề bất cập trong phòng, chống mại dâm.

2. Xác định mục tiêu của chính sách

2.1. Mục tiêu tổng quát

Từ nay đến năm 2036, bảo đảm 100% các tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm; 85% các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng đẩy lùi tệ nạn mại dâm

 2.2. Mục tiêu cụ thể (nhóm xác định mục tiêu cụ thể bằng cách chia các giai đoạn và tăng tỷ lệ từng giai đoạn)

Từ nay đến 2026, bảo đảm 45% các tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm; 45% các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng đẩy lùi tệ nạn mại dâm. 

Từ 2026 đến 2029, bảo đảm 60% các tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm; 60% các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng đẩy lùi tệ nạn mại dâm.

Từ 2029 đến 2031, bảo đảm 75% các tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm; 70% các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng đẩy lùi tệ nạn mại dâm.

Từ 2031 đến 2033, bảo đảm 85% các tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm; 75% các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng đẩy lùi tệ nạn mại dâm.

Từ 2033 đến 2036, bảo đảm 100% các tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm; 85% các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng đẩy lùi tệ nạn mại dâm.  

3. Xác định các phương án chính sách

3.1. Giữ nguyên hiện trạng

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã quy định xử phạt VPHC và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hoạt động mại dâm. Cụ thể, các hành vi mua dâm, bán dâm, hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm hay hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm sẽ bị xử phạt VPHC theo quy định tại Điều 24, 25, 26 và 27 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Đối với các hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người dưới 18 tuổi có thể bị truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 327, 328 và 329 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm số 10/2003/PL-UBTVQH11 ban hành ngày 14/3/2003 vẫn còn hiệu lực thi hành cho đến nay.

Như vậy, phương án giữ nguyên hiện trạng tức là Nhà nước sẽ không sử dụng bất kỳ biện pháp nào để giải quyết tình trạng mại dâm đang diễn ra hiện nay, mà để cho các chủ thể trong quan hệ này tự biết nhận biết hậu quả của hành vi và không thực hiện nữa. Đồng thời, Nhà nước tiếp tục thực hiện các quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định 144/2021/NĐ-CP và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm số 10/2003/PL-UBTVQH11 mà không ban hành quy định mới để điều chỉnh.

3.2. Nhà nước can thiệp gián tiếp

Hiện nay, hoạt động mại dâm vẫn đang diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất và phương thức hoạt động. Do đó, có thể thấy rằng, phương án giữ nguyên hiện trạng với các quy định hiện tại không thể giải quyết được tình trạng này. 

Theo đó, Nhà nước có thể can thiệp gián tiếp bằng các cách:

Một là, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm thông qua các phương tiện truyền thông, hội thảo, tọa đàm… nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng, làm cho mọi người cùng tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn mại dâm, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm, tạo cơ hội cho họ thay đổi công việc[5].

Hai là, thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính, về thuế đối với các cơ sở chữa bệnh, dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm hoặc các cơ sở kinh doanh có người bán dâm hoàn lương làm việc[6]. Chẳng hạn như giảm thuế giá trị gia tăng 6% đối với các cơ sở kinh doanh có người bán dâm hoàn lương làm việc.

Ba là, các cơ quan, tổ chức phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm; tổ chức thu thập, tiếp nhận, xác minh nguồn tin báo, tố giác liên quan đến mại dâm.

Bốn là, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các cấp trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm…

Năm là, tăng cường quản lý các trang mạng xã hội, cảnh báo khi người dân truy cập vào các đường link độc hại, truy quét và đánh sập các trang web này, đặc biệt là các trang web khiêu dâm, liên quan đến hoạt động mại dâm

3.3. Nhà nước can thiệp trực tiếp

Để có thể giải quyết nhanh chóng tình trạng mại dâm, cũng như tạo ra hành lang pháp lý cho sự phát triển chung của cộng đồng, Nhà nước cần can thiệp trực tiếp bằng ban hành pháp luật.

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về các tội phạm mại dâm trong BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), qua việc tăng nặng hình phạt đối với các khung hình phạt, tăng mức phạt tù thêm 03 năm – 05 năm tù ở mỗi khung

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các hình thức xử phạt hành chính theo hướng nghiêm khắc hơn trong Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể: Mức phạt tiền người bán dâm từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp bán dâm nhiều người một lúc; Phạt người mua dâm từ 2.000.000 đồng đến 3.500.000 đồng và phạt tiền từ 4.000.000 đến 7.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người một lúc; Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân khác để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý.

Thứ ba, cần ban hành Luật phòng, chống mại dâm thay thế cho Pháp lệnh phòng, chống mại dâm hiện nay[7]. Bổ sung quy định về khen thưởng đối với những cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác phòng, chống mại dâm.

Dựa vào những phân tích ở trên, có thể thấy, mại dâm gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, hệ lụy về sau cũng vô cùng nặng nề đối với mọi người và xã hội. Để đẩy lùi tình trạng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn đề ra những chính sách, phải pháp cần thiết, tối ưu nhất. Hiện nay, dự án Luật Phòng, chống mại dâm đang trong quá trình soạn thảo, sửa đổi bổ sung, do vậy nhóm 3 hi vọng kết quả nghiên cứu được nêu trong bài có thể đóng góp phần nhỏ trong công tác xây dựng và sửa đổi dự án Luật Phòng, chống mại dâm. 

Tham khảo thêm Xác định tỷ lệ phần trăm thương tật trong vụ án hình sự

Bài viết liên quan