Thuê nhà trọ sống chung với người yêu có được không

THUÊ NHÀ TRỌ SỐNG CHUNG VỚI NGƯỜI YÊU CÓ ĐƯỢC KHÔNG

Câu hỏi: Chào luật sư em và người yêu em hiện đang là sinh viên tại các trường đại học trên thành phố Hà Nội. Hai đứa em yêu nhau đã được hơn 02 năm rồi giờ có cơ hội ở gần nhau nên muốn góp gạo thổi cơm chung. Luật sư cho em hỏi, giờ em và bạn gái em sống chung với nhau có vi phạm pháp luật không ạ? Trong quá trình sống chung nếu hai đứa em cùng kinh doanh và có tài sản thì nếu sau này lỡ có chia tay thì phải chia như thế nào ạ?

Trả lời: Hiện tượng “sống thử” hay còn gọi là “góp gạo thổi cơm chung” đã và đang trở thành một thứ “mốt” trong lối sống của giới trẻ hiện nay. Nếu như trước đây hiện tượng này chủ yếu phổ biến trong giới công nhân sống xa nhà, thì bây giờ nó lại lan rộng, như một làn sóng phát triển mạnh mẽ ở cả những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc của bạn trong bài viết dưới đây:

Thứ nhất, sống chung nhưng không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không

Việc sống thử cũng có thể được xem như trường hợp sống chung như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn. Sống chung như vợ chồng được định nghĩa như sau:

Khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chung sống như vợ chồng cụ thể:

“Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.”

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, pháp luật hôn nhân và gia đình nghiêm cấm các trường hợp không được sống chung như vợ chồng bao gồm:

“c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”

Tham khảo: Sống thử nếu có con thì ai sẽ có quyền nuôi con?

Theo quy định trên thì pháp luật không cấm trường hợp nam nữa độc thân sống chung như vợ chồng. Nhưng không phải nam nữ độc thân nào cũng được phép sống chung với nhau mà phải là những người không có quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời, không có quan hệ nhân thân.

Như vậy, bạn và người yêu có thể sống chung với nhau nếu không thuộc các trường hợp bị cấm nêu trên. Tuy nhiên, trong quá trình sống chung bạn nên chú ý và dùng các biện pháp an toàn để đảm bảo cho công việc học tập của các bạn. Nếu được, trước khi bắt đầu sống chung với nhau các bạn nên hỏi ý kiến của gia đình.

Thứ hai, phân chia tài sản chung trong trường hợp sống chung như vợ chồng

Việc giải quyết quan hệ tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:

“Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”

Theo đó, pháp luật luôn ưu tiên các bên tự thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản chung. Trường hợp các bên không tự thỏa thuận được có thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Lưu ý khi giải quyết quan hệ tài sản này phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan.

Như vậy, trong trường hợp hai bạn có tài sản chung thì tốt nhất là các bạn nên tự thỏa thuận và phân chia với nhau. Nếu các bên không tự thỏa thuận được thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án và sẽ được Tòa án phân chia theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hy vọng sẽ mang lại cho bạn những thông tin bổ ích.

Chúc bạn thành công trong cuộc sống!

Bài viết liên quan