Tiêu chuẩn thành viên độc lập hội đồng quản trị

TIÊU CHUẨN THÀNH VIÊN ĐỘC LẬP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

Trong cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần thì hội đồng quản trị là cơ quan quản lý không thể thiếu. Bất cứ công ty cổ phần nào cũng phải có hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị đóng vai trò chỉ đứng sau Đại hội đồng cổ đông, là cơ quan giải quyết những công việc có mức độ quan trọng, nhạy cảm cao của công ty cổ phần thông qua cơ chế tập thể mà ở đó, vai trò của các thành viên hội đồng quản trị không có sự chênh lệch quá nhiều theo luật định. Đặc biệt, theo quy định, trong một số trường hợp công ty cổ phần bắt buộc phải có thành viên độc lập hội đồng quản trị, cụ thể là khi công ty lựa chọn mô hình tổ chức theo điểm b, khoản 1, Điều 137 Luật Doanh nghiệp hiện hành, cơ cấu đó như sau: “Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.” Trong trường hợp này, phải có cả Ủy ban kiểm toán độc lập và chủ tịch Ủy ban kiểm toán nội bộ phải là thành viên độc lập. Do vậy, vai trò của Thành viên độc lập hội đồng quản trị rất quan trọng. Vậy vì sao lại phải có thành viên độc lập hội đồng quản trị và tiêu chuẩn của họ như thế nào?

Tham khảo: Thủ tục chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần

Mô hình tổ chức nêu trên thường được áp dụng tại các công ty lớn, có số lượng cổ đông lớn, đặc biệt là những công ty đại chúng, những công ty niêm yết. Trên thực tế, mô hình này mang tới hiệu quả giám sát hiệu quả hơn so với mô hình còn lại theo quy định của luật doanh nghiệp. Việc quy định thêm những thành viên độc lập nhằm tạo ra sự khách quan, vô tư giúp hạn chế những nguy cơ về tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của công ty cổ phần.

Nhằm đạt được hiệu quả, mục đích và vai trò như trên, bên cạnh những tiêu chuẩn chung của thành viên hội đồng quản trị thì pháp luật còn quy định về những tiêu chuẩn đặc thù dành cho thành viên độc lập hội đồng quản trị. Theo đó, thành viên độc lập hội đồng quản trị sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo khoản 1 và khoản 2 Điều 155, Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:

– Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;

– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

– Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác;

– Đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp thì thành viên Hội đồng quản trị không được là người có quan hệ gia đình của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.

– Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong03 năm liền trước đó;

– Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;

– Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;

– Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;

– Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.

Ngoài ra, trường hợp pháp luật chứng khoán có quy định khác thì tiêu chuẩn của thành viên độc lập hội đồng quản trị liên quan đến lĩnh vực chứng khoán cũng có thể có những thay đổi.

Có thể thấy những tiêu chuẩn trên rất khắt khe để hạn chế những mối liên hệ giữa công ty và thành viên độc lập hội đồng quản trị nhằm tạo ra sự khách quan, độc lập. Tuy nhiên, độc lập quá mức thì cũng dẫn tới 4 vấn đề sau:

– Thành viên độc lập không hiểu rõ hoạt động của công ty

– Thành viên độc lập không có nhiều lợi ích gắn bó với công ty nên sẽ khó có thể cống hiến hết mình, hoàn thành mọi trách nhiệm.

– Thành viên độc lập không hưởng lương mà chỉ hưởng phụ cấp. Khoản phụ cấp này sẽ rất cao thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thành viên độc lập.

– Thành viên độc lập có nguy cơ bị thao túng bởi một hoặc một nhóm cổ đông – những đối tượng có thể cung cấp cho thành viên độc lập những lợi ích vật chất hoặc tinh thần lớn lao hơn.

Tham khảo: Hình thức tăng vốn điều lệ theo phương thức phát hành thêm cổ phần

Do vậy, cần phải có những cơ chế kiểm soát đảm bảo sự khách quan và hiệu quả của thành viên độc lập. Trường hợp không đảm bảo được những vấn đề trên thì nên chuyển sang mô hình không bắt buộc phải có thành viên độc lập. Để có thể tổ chức hoạt động điều hành công ty được hiệu quả, Quý khách có thể liên hệ Luật Việt Chính để được hỗ trợ kịp thời. Trân trọng!

Bài viết liên quan