Tội làm giả con dấu được pháp luật quy định như thế nào ?

TỘI LÀM GIẢ CON DẤU ĐƯỢC PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO ?

Hiện nay, việc làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức rất tinh vi và khó phát hiện. Vậy tội làm giả con dấu được pháp luật quy định như thế nào ? Hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

  • Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
  • Nghị định 99/2016/NĐ-CP.

1. Con dấu là gì ?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 99/2016/NĐ-CP, cụ thể: 

“1. Con dấu là phương tiện đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, quản lý, được sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước.

Con dấu quy định tại Nghị định này, bao gồm: Con dấu có hình Quốc huy, con dấu có hình biểu tượng, con dấu không có hình biểu tượng, được sử dụng dưới dạng dấu ướt, dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi.

Như vậy, con dấu là phương tiện đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, quản lý, được sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước.

Cụ thể, con dấu quy định tại khoản 2,3,4 Nghị định 99/2016/NĐ-CP, bao gồm:

– Con dấu có hình Quốc huy là con dấu trên bề mặt có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Con dấu có hình biểu tượng là con dấu trên bề mặt có hình ảnh tượng trưng của cơ quan, tổ chức đó được pháp luật công nhận hoặc được quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

– Con dấu không có hình biểu tượng là con dấu trên bề mặt không có hình Quốc huy hoặc không có hình ảnh tượng trưng như quy định tại con dấu có hình Quốc huy và con dấu có hình biểu tượng.

2. Điều kiện sử dụng con dấu

Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 99/2016/NĐ-CP, việc sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức chức danh nhà nước phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

– Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước chỉ được sử dụng con dấu khi đã có quy định về việc được phép sử dụng con dấu trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền; phải đăng ký mẫu con dấu trước khi sử dụng.

– Việc sử dụng con dấu có hình Quốc huy phải được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức hoặc được quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

– Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước có chức năng cấp văn bằng, chứng chỉ và giấy tờ có dán ảnh hoặc niêm phong tài liệu theo quy định của pháp luật thì được phép sử dụng dấu nổi, dấu thu nhỏ hoặc dấu xi.

– Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước chỉ được sử dụng một con dấu theo mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Trường hợp cần thiết phải sử dụng thêm con dấu như con dấu đã cấp (dấu ướt, dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi), thực hiện theo quy định sau đây:

+ Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước sử dụng thêm dấu ướt phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền;

+ Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước tự quyết định việc sử dụng thêm dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi;

+ Tổ chức kinh tế tự quyết định việc sử dụng thêm con dấu.

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI LÀM GIẢ CON DẤU

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:

“ Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;đ) Thu lợi bất chính

10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.

       Như vậy tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Hành vi này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Tham khảo thêm: Thủ tục thành lập doanh nghiệp sản xuất con dấu

CẤU THÀNH TỘI PHẠM CỦA TỘI LÀM GIẢ CON DẤU

Mặt khách thể

Hành vi phạm tội xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của các cơ quan Nhà nước, tổ chức trong hoạt động tuyển dụng và sử dụng lao động đi xuất khẩu lao động.

Mặt khách quan

Tội làm giả con dấu được thực hiện trong các hành  vi khách quan sau đây:

 – Có hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức: Là hành vi đúc, khắc… để tạo ra con dấu giả giống như con dấu của cơ quan, tổ chức đang sử dụng (tức dấu thật) vào những việc trái pháp luật (như sử dụng để làm các loại giấy từ giả mao,..).

 – Có hành vi sử dụng con dấu giả, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan, tổ chức nhằm để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

“Lừa dối” ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.

Mặt chủ thể

Chủ thể của tội làm giả con dấu là người có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Mặt chủ quan

– Lỗi: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội biết hành vi làm con dấu của cơ quan, tổ chức là hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả đó để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân nhưng vẫn thực hiện.

– Mục đích nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Hậu quả

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản của phạm tội này, tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân là tội phạm đã hoàn thành. Nhưng hậu quả lại là tình tiết định khung hình phạt. Do đó, việc xác định hậu quả do hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức gây ra là rất cần thiết.

Tham khảo thêm: Phân biệt tội trộm cắp và tội cướp tài sản

Khung hình phạt

Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có 03 khung hình phạt đối với người phạm tội làm giả con dấu, cụ thể:

Khung 1: Phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Khung 2: bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Khung 3: bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Hình phạt bổ sung: có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Bài viết liên quan