MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VỀ VIỆC ỦNG HỘ HÔN NHÂN ĐỒNG GIỚI
Vấn đề hôn nhân đồng giới là một vấn đề nhạy cảm cao, đi kèm với nhiều tranh luận không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, ngay cả những nước phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, trên thế giới đã có một số quốc gia công nhận hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Ở Việt Nam, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới đã nảy sinh nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau. Vậy, chúng ta nên ủng hộ hay phản đối ý kiến trên?
I. Khái quát về hôn nhân đồng giới
1. Khái niệm:
Đồng tính luyến ái (được nói một cách khiếm nhã là Pê-đê (từ tiếng Pháp pédé, hay Gay (từ tiếng Anh, thường dùng cho phái nam) và Lesbian (dùng cho phái nữ)) là sự hấp dẫn tình yêu, hấp dẫn tình dục hoặc việc yêu đương hay quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau trong hoàn cảnh nào đó hoặc một cách lâu dài. Đây là xu hướng tình dục, xu hướng tình yêu, bị chi phối bởi tâm lý và cấu tạo sinh lý của cơ thể con người mà họ không thể lựa chọn khác được. Những người đồng tính cũng như những người bình thường khác về mặt thể chất, tinh thần. Đồng tính luyến ái không phải là một giới tính, mà là một trong những thiên hướng tính dục.
Hôn nhân là sự hợp nhất được công nhận về mặt văn hóa giữa những người được gọi là vợ chồng. Hôn nhân tạo ra quyền lợi và nghĩa vụ giữa họ, cũng như giữa họ và con cái của họ, và giữa họ và gia đình của người kia.
Hôn nhân đồng giới hay hôn nhân đồng tính là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về sinh học được pháp luật công nhận và bảo vệ. Đó có thể là cuộc sống chung giữa hai người là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ với nhau. Hôn nhân giữa những người này xuất phát từ tình yêu đồng giới. Họ tìm thấy ở những người cùng giới tính như mình sự yêu thương, sự đồng cảm, ấm áp và mong muốn cùng nhau về chung một nhà.
2. Thực trạng việc công nhận hôn nhân đồng giới ở Việt Nam:
Trước đây, nếu theo Luật hôn nhân và gia đình 2000 thì việc kết hôn giữa những người đồng giới bị cấm. Từ 1/1/2015, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 có hiệu lực Quốc hội đã bỏ điều cấm này và thay bằng điều 8, khoản 2 là: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Như vậy, ở Việt Nam, những người đồng giới vẫn có thể kết hôn, nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Việc thay đổi như trên của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có thể nói là một bước tiến mới, một tin vui đối với những người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT ( Cộng đồng của những người có xu hướng tính dục cũng như bản dạng giới khác với những người có xu hướng tính dục và bản dạng giới thông thường) nói chung ở Việt Nam, bởi vì, tính đến hiện nay, những người đồng giới đã có thể kết hôn, chung sống dưới cùng một mái nhà với người mình yêu thương, tuy nhiên, họ sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.
Hơn nữa, về vấn đề này, sự nhìn nhận của xã hội ở Việt Nam rất khác nhau. Với những quan điểm, ý kiến đồng tình ủng hộ, họ cho rằng việc công nhận hôn nhân đồng giới đảm bảo nhân quyền, sự bình đẳng giữa các thiên hướng tính dục và giảm thiểu những bất công, phân biệt đối xử trong xã hội, những người đồng giới yêu ai và kết hôn với ai là mong muốn riêng biệt của họ, chúng ta không thể tước đi quyền tự do đó. Hiện tại tính đến ngày 7 tháng 12 năm 2021 đã có đến 30/195 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới. Như vậy, đó là một dấu hiệu tích cực đối với cộng đồng LGBT (Cộng đồng của những người có xu hướng tính dục cũng như bản dạng giới khác với những người có xu hướng tính dục và bản dạng giới thông thường) trên thế giới và Việt Nam cần xem xét, tiếp thu tinh hoa ấy trong việc công nhận, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Tham khảo thêm Khái quát về quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình
II. Nội dung tranh biện
1. Luận điểm 1: Đồng tính không phải là một căn bệnh, mà là một thiên hướng tính dục khác.
• Năm 1973, Hội đồng quản trị Hội tâm thần học Hoa Kỳ- tổ chức nghiên cứu về lĩnh vực tâm thần học thế giới đã loại bỏ đồng tính ra khỏi bệnh tâm thần, họ cho rằng: “Đồng tính không phải là bệnh”. Ngày 17/5/1990 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định rằng đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, vậy nên đồng tính không thể “chữa”, không cần “chữa” và cũng không thể làm cách nào thay đổi được. Vì vậy, xã hội cần có cái nhìn cởi mở và tôn trọng họ hơn.
• Ở nhiều các quốc gia, bản thân hành vi đồng tính luyến ái bị xem là tội phạm. Năm 2021, có hơn 80 quốc gia/vùng lãnh thổ coi hành vi đồng tính luyến ái là tội phạm, một số còn áp dụng hình phạt tử hình đối với những người có hành vi đồng tính luyến ái. Ở Việt Nam, luật pháp không coi đồng tính là tội phạm hoặc tệ nạn. Tuy nhiên, trong xã hội còn tồn tại nhiều sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính mà nguyên nhân chủ yếu là do kiến thức sai lệch. Nhiều nhà y học cho rằng, khuynh hướng tình dục của con người là điều không thể lựa chọn, nó được hình thành có tính liên tục từ khi một cá nhân còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành. Như vậy, đồng tính nam hay nữ, lưỡng tính hay không đồng tính (dị tính) đều là những khuynh hướng bình thường và cần được tôn trọng như nhau.
• Hôn nhân đồng giới không gây ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống. Trước hết, chúng ta cần khẳng định người đồng tính không phải là người vô sinh. Hai người đồng tính không thể “giao hợp thụ thai” nhưng họ hoàn toàn có thể có con với sự hỗ trợ khoa học. Một số người có thể nói việc này không tự nhiên, nhưng tất cả những thành tựu khoa học đều là để con người vượt qua những giới hạn của tự nhiên, bởi từ kính cận, thuốc men, cho tới quần áo đều là không tự nhiên. Việc hỗ trợ sinh sản cho cặp đồng tính cũng tương tự như những cặp hiếm muộn, hơn nữa còn dễ dàng hơn về mặt kỹ thuật. Mới đây, các chuyên gia đã khám phá ra một phương pháp có thể giúp những cặp đôi đồng tính nam thực sự “sinh con”.
Như vậy, đồng tính hay đồng giới không phải là một căn bệnh, mà là một thiên hướng tính dục khác. Chính vì vậy, xã hội cần có cái nhìn cởi mở, đúng đắn và tôn trọng họ hơn.
2. Luận điểm 2: Việc thừa nhận hôn nhân đồng giới đảm bảo bình đẳng quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
a. Cơ sở lập luận:
• Cơ sở thực tiễn
Pháp luật Việt Nam bỏ quy định về việc cấm kết hôn, nhưng vẫn chưa thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu công nhận hôn nhân đồng giới từ cộng đồng người đồng tính đang ngày càng tăng cao, đặc biệt, kể từ khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính vào ngày 26 tháng 6 năm 2015. Phán quyết này đã được sự hưởng ứng và ủng hộ của dư luận xã hội.
Hiện nay, trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng, những người trong quan hệ hôn nhân cùng giới họ cũng muốn được sống một cuộc sống hôn nhân được pháp luật ghi nhận nhằm thực hiện quyền cũng như bảo vệ các quyền lợi của mình.
• Cơ sở pháp lí
• Quốc tế:
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền chỉ rõ một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều quan trọng. Tại Điều 1 của Tuyên ngôn này cũng quy định: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi…”.
Điều 2 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền quy định: “Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do… mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay bất cứ thân trạng nào khác”.
Điều 7 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt nào…”. Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị tái khẳng định nguyên tắc nêu trên tại Điều 26, đồng thời nêu rõ: “Về mặt này, pháp luật phải nghiêm cấm mọi sự phân biệt đối xử và đảm bảo cho mọi người sự bảo hộ bình đẳng và có hiệu quả chống lại những phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác”.
Nguyên tắc 24, điều 29 Tuyên ngôn nhân quyền là Quyền được lập gia đình: Mọi người đều có quyền được lập gia đình, bất kể khuynh hướng tính dục và bản dạng giới của họ. Gia đình tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau. Không có gia đình nào phải chịu sự đối xử trên cơ sở khuynh hướng tính dục và bản dạng giới của bất kì thành viên nào trong gia đình đó.
• Việt Nam:
Theo Hiến pháp 2013:
– Điều 3: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.”
– Khoản 1 điều 16: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”
-Khoản 2 điều 16: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”
– Khoản 3 điều 26: “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.”
– Khoản 1 điều 36: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”.
b. Phân tích lập luận:
• Căn cứ cơ sở thực tiễn, những người cùng giới tính họ cũng mong ước giống như người bình thường đó là được chung sống trong một gia đình với người mình yêu, được quan tâm, chăm sóc, do đó những người cùng giới tính có nhu cầu được kết hôn. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ công nhận chế độ hôn nhân một vợ một chồng giữa nam và nữ. Đối với hôn nhân giữa những người cùng giới tính, mặc dù không cấm nhưng Nhà nước vẫn không thừa nhận, dẫn đến tình trạng những người đồng tính không được hưởng trọn vẹn quyền lợi của một con người.
• Quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính đã được loại bỏ khi thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể, căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tại khoản 2 Điều 8: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Trong đó, “không thừa nhận” nghĩa là không cấm nhưng cũng không công nhận họ là vợ chồng về mặt pháp lí (không được đăng ký kết hôn, không được hưởng các quyền lợi như những cặp vợ chồng bình thường khác). Với quy định này, pháp luật đã đẩy hôn nhân cùng giới ra ngoài pháp luật, việc giải quyết hậu quả hôn nhân giữa những người có cùng giới tính sẽ khó khăn hơn khi xảy ra tranh chấp, không có quy phạm điều chỉnh phù hợp, dẫn đến nhiều hậu quả xảy ra như nhân thân, con cái, tài sản…
– Căn cứ khoản 1 điều 36 của Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2013 quy định về kết hôn cụ thể, điều này cũng đã nói đến việc kết hôn là quyền của mỗi cá nhân, họ xác lập quan hệ hôn nhân dựa trên ý chí tự nguyện giữa các bên, không trái với nguyện vọng của mình. Hiến pháp năm 2013 cũng không có quy định về việc kết hôn chỉ là việc giữa nam-nữ, không cấm các cặp đôi nam-nam hay nữ-nữ thì không được kết hôn, việc Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định kết hôn là việc chỉ giữa nam-nữ là chưa phù hợp với Hiến pháp, trái nguyên tắc tự nguyện trong kết hôn.
• Căn cứ cơ sở pháp lí ở Quốc tế và Việt Nam nêu trên, dưới góc độ quyền con người thì người có cùng giới tính cũng có quyền được kết hôn với người mình yêu một cách tự nguyện, tự do, bình đẳng và hợp pháp, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền nuôi con và nhận con nuôi như tất cả mọi người. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu ra trong Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…” Bởi pháp luật được xây dựng nhằm bảo vệ các giá trị con người nên không thể vì sự khác biệt về xu hướng tình dục mà chối bỏ quyền con người của họ.
• Căn cứ vào một số nguyên nhân cấm hôn nhân đồng giới như đi ngược lại với đạo lí, truyền thống của xã hội, nối dõi tông đường,…cho thấy không có nguyên nhân chính đáng nào để cấm hôn nhân đồng giới. Như vậy, vấn đề pháp luật Việt Nam không chấp nhận hôn nhân đồng giới sẽ gây ra ảnh hưởng đến chính bản thân họ và xã hội. Ngược lại, việc thừa nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính sẽ giảm đi sự kì thị, phân biệt đối xử và định kiến xã hội, làm cho con người có một cái nhìn cởi mở hơn về mối quan hệ hôn nhân có cùng giới tính. Hơn thế, những người đồng giới cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng xã hội, đóng góp cho cộng đồng như những người dị tính, nên họ đáng được hưởng các quyền lợi như những người khác, trong đó có quyền được kết hôn với sự thừa nhận của xã hội và sự bảo đảm của pháp luật.
Như vậy, việc công nhận hôn nhân đồng giới góp phần đảm bảo bình đẳng quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đề cao nhân quyền, xây dựng xã hội văn minh. Ngoài ra, pháp luật được xây dựng nhằm bảo vệ các giá trị con người nên không thể vì sự khác biệt về xu hướng tình dục mà chối bỏ quyền con người của họ và luật pháp phải rõ ràng, không nên quy định nửa chừng, phải đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi.
3. Luận điểm 3: Việc thừa nhận hôn nhân đồng giới ở Việt Nam sẽ giảm thiểu một số mặt tiêu cực trong xã hội.
a. Cơ sở lập luận:
• Cơ sở thực tiễn:
Thực tiễn cho thấy, tình trạng những vấn nạn tiêu cực đang được xã hội quan tâm. Bởi hệ quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của con người mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội. Việc công nhận hôn nhân đồng giới sẽ giảm thiểu được những mặt tiêu cực xấu trong xã hội.
• Cơ sở pháp lý:
Theo Hiến pháp 2013:
– Khoản 2 điều 16 “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”
– Khoản 3 điều 26 “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.”
b. Phân tích lập luận:
Theo nguyên lý “tảng băng trôi” của Hemningway: “1/8 phần nổi, 7/8 phần chìm dưới nước”. Đâu đâu trong cuộc sống ta cũng thấy được sự hiện hữu và tác động vô hình của nguyên lý “tảng băng trôi”, trong mọi sự việc, sự vật hiện tượng trong cuộc sống này đều có hai mặt: một mặt nổi và một mặt chìm, con người thường chú tâm đến mặt nổi mà bỏ quên cái mặt chìm kia. Hôn nhân đồng giới cũng vậy, mọi người chỉ chú ý vào cái mặt nổi mà quên đi mặt chìm, nhưng chính cái mặt chìm ấy lại mang lại nhiều điều tích cực khi hạn chế những mặt tiêu cực trong xã hội như bùng nổ dân số, giảm thiểu trẻ em bị bỏ rơi, vấn nạn phá thai,…
• Hiện tại ở Việt Nam chưa có thông kê chính xác về tỉ lệ người trong cộng đồng LGBT, nhiều tổ chức nghiên cứu đưa ra số liệu khác nhau. Việc nhà nước chưa hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới dẫn đến sự kì thị của mọi người trong xã hội đối với những người đồng tính, điều đó vi phạm Hiến pháp Việt Nam căn cứ vào khoản 2 điều 16 của Hiến pháp 2013 quy định “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.” và khoản 3 điều 26 quy định “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã phát biểu rằng: “Quốc hội Việt Nam cần sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình để đảm bảo cho các cặp đôi đồng tính cũng được hưởng đầy đủ tất cả các quyền như mọi cặp vợ chồng khác, trong đó có quyền được kết hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam cần được soạn thảo lại để loại trừ những quy định mơ hồ không rõ ràng, nhằm nghiêm cấm mọi hình thức phân biệt đối xử vì xu hướng luyến ái, định dạng xu hướng luyến ái hay căn cước giới tính”.
• Việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, giảm thiểu những mặt tiêu cực trong xã hội. Theo như kết quả điều tra quốc gia về “Quan điểm xã hội với hôn nhân cùng giới” được Viện Xã hội học công bố này 26/3/2014 cho thấy: Về việc công nhận hôn nhân đồng giới hơn 90% cho rằng hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính thì sẽ có tác động đến cộng đồng kể cả tích cực lẫn tiêu cực ( trong đó 20% cho rằng hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ có tác động tiêu cực đến gia đình họ, trong khi 73% số người được hỏi cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính không ảnh hưởng đến gia đình hay cá nhân họ).
• Hằng năm số lượng trẻ bị bỏ rơi ở Việt Nam là một con số không hề nhỏ. Nhiều trẻ em và người chưa thành niên ở Việt Nam bị bỏ lại phía sau, sống trong điều kiện thiếu thốn hoặc bị loại bỏ rơi do tác động của kinh tế – xã hội. Những người đồng tính bị hạn chế trong việc có con nên có xu hướng nhận nuôi trẻ giúp giảm thiểu số lượng trẻ em bị bỏ rơi hằng năm, xây dựng cho trẻ một mái ấm môi trường phát triển tốt.
• Vấn nạn phá thai là vấn đề được coi là vô nhân đạo. Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình: “Tình trạng phá thai ở các gia đình Việt đang ở mức báo động”, hàng năm vẫn ghi nhân 250.000 – 300.000 ca phá thai đã được báo cáo. Hôn nhân đồng tính góp phần hạn chế nạn phá thai trong xã hội, giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn góp phần giảm thiểu tốc độ gia tăng dân số dẫn tới bùng nổ dân số.
Như vậy ta thấy được việc công nhận hôn nhân đồng giới ở Việt Nam là một việc hết sức cần thiết. Việc hợp pháp hôn nhân ở mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, hạn chế những mặt tiêu cực của xã hội như sự kì thị bất bình đẳng, bùng nổ dân số, giảm thiểu trẻ em bị bỏ rơi, nạn phá thai,….góp phần xây dựng một quốc gia bình đẳng, văn minh, tiến bộ, nâng cao vị thế đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.
III. Giải pháp:
1. Quyền kết hôn là quyền của con người, trong khi đó quyền con người được pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế ghi nhận. Việc pháp luật không thừa nhận hôn nhân cùng giới tính sẽ trái với nguyên tắc tự nguyện trong kết hôn, kết hôn là quyền chứ không phải là nghĩa vụ, cần phải cân nhắc trong việc công nhận vào thời điểm thích hợp tránh gây tranh cãi trong xã hội. Bên cạnh đó hôn nhân cùng giới tính nên quy định trong pháp luật, bởi quan hệ hôn nhân đồng giới đã tồn tại, cần pháp luật điều chỉnh mối quan hệ đó trong xã hội theo khuôn khổ của pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý của Nhà nước, giải quyết các mâu thuẫn hôn nhân này một cách khách quan, tốt nhất.
2. Linh hoạt để thích nghi với sự thay đổi không ngừng của xã hội, cần phát triển đồng bộ về mọi mặt kinh tế – xã hội – văn hóa – giáo dục và phát triển cả tư duy, suy nghĩ của mình. Xã hội sẽ chấp nhận hôn nhân giữa những người đồng giới chỉ khi pháp luật tiên phong thừa nhận. Do vậy, pháp luật phải đảm bảo sự bình đẳng cũng như quyền của tất cả công dân.
3. Với thời đại hội nhập hiện nay, con người cần có cái nhìn khách quan hơn, có sự cảm thông, thấu hiểu, hãy từ bỏ, vượt qua những định kiến, những tư duy lạc hậu để có cách nhìn mới, tiến bộ hơn về hôn nhân đồng giới. Từ đó, chúng ta phần nào xóa bỏ sự kì thị, phân biệt đối xử với người đồng giới trong xã hội, giảm thiểu một số mặt tiêu cực, góp phần giữ vững mục tiêu của Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
4. Bản thân mỗi chúng ta nên nhận thức, xác định rõ về bản dạng giới và thiên hướng tính dục, pháp luật và xã hội nên công nhận hôn nhân đồng giới, điều đó không phải là một trào lưu hay sự khuyến khích tất cả mọi người đều kết hôn đồng giới.
Có thể thấy, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới hiện nay là vấn đề nhạy cảm, không chỉ riêng ở Việt Nam, mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới. Đồng tính hay đồng giới là những điều tự nhiên trong xã hội loài người, không phải là khiếm khuyết của xã hội, không phải bệnh và do đó không thể lây lan từ người này sang người khác. Quyền lợi pháp lí của những người đồng giới, trong đó có quyền hết hôn vẫn chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Với quan niệm của người Việt Nam, xuất phát từ quan điểm truyền thống còn khá lạc hậu, sự bó hẹp trong khuôn khổ của một “xã hội dị tính” nên không chấp nhận người đồng tính, kì thị, phân biệt đối xử với họ và không chấp nhận cho họ được quyền kết hôn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, Việt Nam trong thời đại hội nhập quốc tế, đã có cái nhìn tích cực hơn về vấn đề hôn nhân giữa những người đồng tính, trên cơ sở đó pháp luật Việt Nam nên công nhận vấn đề này, bởi không ai trên thế giới có quyền tước đoạt, hay ngăn cản tình yêu, quyền mưu cầu hạnh phúc của người khác, kể cả người đồng giới. Hơn hết, vấn đề xây dựng một xã hội văn minh, công bằng, tiến bộ, trong đó quyền con người được bảo đảm và thực thi thông qua pháp luật là mục tiêu chung của toàn nhân loại.
Tham khảo thêm Xác định tỷ lệ phần trăm thương tật trong vụ án hình sự