Các chứng cứ để chứng minh nguồn gốc đất

CÁC CHỨNG CỨ ĐỂ CHỨNG MINH NGUỒN GỐC ĐẤT

Trong các vụ án tranh chấp đất đai, việc cung cấp các chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xác định về nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất một cách chính xác là căn cứ để xác định quyền sử dụng đất của các đương sự có hợp pháp hay không. Vậy các chứng cứ để chứng minh nguồn gốc đất bao gồm những loại nào?

CÁC CHỨNG CỨ ĐỂ CHỨNG MINH NGUỒN GỐC ĐẤT BAO GỒM NHỮNG LOẠI NÀO?

Theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và thực tế giải quyết tranh chấp đất đai, các giấy tờ về quyền sử dụng đất để chứng minh nguồn gốc đất bao gồm:

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.

– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.

Tham khảo: Thời hiệu khởi kiện trong vụ án tranh chấp đất đai

– Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.

– Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.

– Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất (Ví dụ: bằng khoán điền thổ,…)

– Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.

– Sổ mục kê.

– Sổ địa chính.

– Sổ đăng ký ruộng đất.

– Bản đồ địa chính.

– Một trong các giấy tờ nêu trên đây mà giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày 01/07/2014 chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp.

– Bản án hoặc quyết định của TAND, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án; văn bản công nhận kết quả hòa giải thành; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.

– Các tài liệu thể hiện về hiện trạng của thửa đất.

– Tài liệu về ranh giới, mốc giới; tứ cận.

– Tài liệu về quá trình sử dụng đất (ví dụ: biên lai đóng thuế,…)

THU THẬP TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ CHỨNG MINH NGUỒN GỐC ĐẤT Ở ĐÂU?

Có rất nhiều loại tài liệu, chứng cứ chứng minh về nguồn gốc đất khác nhau, do đó việc thu thập các tài liệu, chứng cứ này cũng khá phức tạp, không thể thực hiện ở một nơi mà phải thu thập ở nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau.

Một số cơ quan, tổ chức có nguồn tài liệu, chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất như:

– Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất;

– Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất;

– UBND tỉnh/thành phố nơi có đất;

– UBND quận/huyện/thị xã nơi có đất;

– UBND xã/phường/thị trấn nơi có đất;

– Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh/thành phố nơi có đất;

– Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận/huyện/thị xã nơi có đất.

Tham khảo: Hệ thống thông tin đất đai được cấu thành bởi những thành phần nào?

Bài viết liên quan