Đuổi đánh khiến nạn nhân ngã chết – giết người?

 ĐUỔI ĐÁNH KHIẾN NẠN NHÂN NGÃ TỬ VONG – TỘI GIẾT NGƯỜI

Trên thực tế thì đã có khá nhiều vụ việc tương tự xảy ra và cách giải quyết của tòa án dù có thế nào cũng gây ra sự tranh cãi bất tận cả trong nội bộ các cơ quan tiến hành tố tụng, các luật sư và trong dư luận xã hội. Với những gì đã diễn ra, luật sư Lương Đức Phương nhận thấy với những vụ việc mà việc đuổi đánh ở cường độ cao, quyết liệt, khiến nạn nhân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chạy trốn nhanh và theo một phương thức thiếu an toàn cũng như người đuổi đánh không đưa nạn nhân đi cấp cứu thì khả năng cao sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Trường hợp này được xác định có lỗi cố ý gián tiếp, tức là người phạm tội biết hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, có thể gây ra hậu quả chết người, dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. Vấn đề phát sinh ở đây, làm thế nào để xác định thế nào là “không còn sự lựa chọn nào khác”.

Nhiều trường hợp truy đuổi bằng xe máy, nạn nhân có thể bỏ xe, chạy vào đường nhỏ, khu dân cư để chạy thoát. Cơ hội để thoát thân sẽ cao hơn khi có thể nhận được sự hỗ trợ của người dân. Nhưng họ vẫn lựa chọn phương án chạy xe thật nhanh để tự gây tai nạn và tử vong. Hoặc có trường hợp chọn phương án nhảy xuống sông, trèo lên cao và dẫn tới kết cục không hay. Rõ ràng thông thường thì nạn nhân có nhiều phương án nhưng họ đã chọn phương án có thể là thiếu an toàn nhất hoặc do họ không may mắn. Cơ quan tiến hành tố tụng thường cho rằng trong một khoảng thời gian ngắn nạn nhân không thể suy nghĩ để chọn được phương án phù hợp nhắt, việc truy đuổi đã dồn họ vào sự lựa chọn thiếu an toàn nên dẫn tới sự lựa chọn sai lầm. Cách hiểu này cá nhân tôi cho là suy diễn, thiếu sự nhân văn đối với người phạm tội. Đến nạn nhân còn không thể chọn được phương án phù hợp thì người phạm tội làm sao có thể tính được đến mức đó.

Cần phải đánh giá kỹ lưỡng, thực nghiệm điều tra cẩn thận nhằm đánh giá về các phương án mà nạn nhân có thể lựa chọn, không thể chỉ dựa vào sự suy đoán kiểu nếu anh không đuổi người ta thì người ta không chạy, không bị tai nạn, không chết. Cách hiểu đó dù ở mức độ khiên cưỡng, có thể phù hợp với khoa học pháp lý, nhưng cũng có thể khiến nhiều người trả giá quá đắt khi mà họ không có chủ đích với những hậu quả xảy ra.

Bài viết liên quan