Không đăng ký sang tên xe có được nhận lại xe đang bị tạm giữ?

KHÔNG ĐĂNG KÝ SANG TÊN XE CÓ ĐƯỢC NHẬN LẠI XE ĐANG BỊ TẠM GIỮ

Câu hỏi: Tôi có cho bạn tôi mượn một xe máy, khi tham gia giao thông bạn tôi bị công an lập biên bản, tạm giữ xe và tạm giữ bằng 30 ngày vì hành vi vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ. Tôi muốn Luật sư 03 vấn đề như sau: Thứ nhất, công an tạm  giữ xe của tôi là đúng hay sai. Thứ hai, hiện tôi chỉ mới có giấy tờ xe và hợp đồng mua bán xe với chủ củ, chưa làm thủ tục sang tên xe thì có được nhận xe về không? Thứ ba, nếu bạn tôi xin nộp phạt sớm thì có thể lấy xe về sớm hơn 30 ngày không ạ?

Tôi xin chân thành cảm ơn quý Luật sư.

Trả lời:

Việt Chính Luật xin trả lời 03 vấn đề mà bạn đang quan tâm như sau:

1. Công an tạm giữ đối với chiếc xe 30 ngày trước khi ra quyết định xử phạt là hoàn toàn đúng.

Căn cứ vào Điểm a khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về những trường hợp cảnh sát giao thông được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt, cụ thể đối với hành vi vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn như sau:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đồng thời tạm giữ phương tiện đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đồng thời tạm giữ phương tiện đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;

– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đồng thời tạm giữ phương tiện đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

Về thời hạn tạm giữ xe, Khoản 8, Điều 125, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.

Không uống rượu khi tham gia giao thông

Như vậy, việc công an giao thông xử phạt và tạm giữ xe của bạn về hành vi điều khiển xe trên đường mà có nồng độ cồn là hoàn toàn đúng.

2. Chưa sang tên xe, chỉ có hợp đồng mua bán xe công chứng, bạn vẫn được nhận xe về.

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về việc trả lại phương tiện giao thông bị tạm giữ, cụ thể:

– Việc trả lại phương tiện giao thông bị tạm giữ phải có quyết định bằng văn bản của người có quyền ra quyết định tạm giữ;

– Người quản lý, bảo quản phương tiện giao thông bị tạm giữ thực hiện việc trả lại hoặc chuyển phương tiện khi đã có quyết định trả lại phương tiện theo trình tự như sau:

+ Kiểm tra quyết định trả lại phương tiện hoặc quyết định chuyển phương tiện; kiểm tra thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người đến nhận;

Lưu ý: Người đến nhận lại phương tiện bị tạm giữ phải là người vi phạm hoặc chủ sở hữu phương tiện bị tạm giữ hoặc đại điện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ phương tiện. Nếu chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân vi phạm ủy quyền cho người khác đến nhận tại phương tiện bị tạm giữ thì phải lập văn bản ủy quyền.

+ Yêu cầu người đến nhận lại phương tiện bị tạm giữ đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của người quản lý. Việc giao, nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được lập thành biên bản;

+ Trường hợp chuyển phương tiện cho cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc cơ quan giám định thì người quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải lập biên bản về số lượng, khối lượng, trọng lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, tình trạng của tang vật, phương tiện. Biên bản được lập thành 02 bản có chữ ký của bên giao và bên nhận, mỗi bên giữ 01 bản.

Như vậy, bạn chỉ cần chứng minh mình là chủ phương tiện bị tạm giữ bằng cách xuất trình hợp đồng mua bán có công chứng hợp pháp, căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, quyết định trả lại phương tiện hoặc quyết định chuyển phương tiện là có thể thực hiện thủ tục nhận xe đang bị tạm giữ.

Không đăng ký sang tên xe có lấy được xe đang bị tạm giữ

Tuy nhiên, vì bạn chưa đăng kí sáng tên xe theo quy định, do đó bạn sẽ có thể bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

3. Có thể xin nộp phạt sớm để nhận xe về trước 30 ngày hay không?

Theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, về nguyên tắc bạn chỉ có thể nộp phạt khi đã nhận được quyết định xử phạt. Bạn có thể đến sớm hơn ngày ghi trong biên bản để được hỗ trợ giải quyết việc đóng phạt nếu như người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt sớm. Khi bạn nhận được quyết định xử phạt thì có thể đóng phạt, để nhận lại xe.

Trong trương hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định xử phạt sớm, nếu có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì bạn sẽ được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính.

Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm. 

Như vậy, bạn có thể nhận xe về trước 30 ngày bằng một trong 02 cách, đó là nộp phạt sớm hoặc xin bảo lãnh nhận phương tiện đang bị tạm giữ để bảo quản phương tiện. 

Bảo lãnh phương tiện bị tạm giữ

Các bước bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính:

Bước 1: Gửi đơn

Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông vi phạm hành chính để được giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính.

Nội dung đơn ghi rõ:

+ Họ tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, nơi tạm trú, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính;

+ Tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện;

+ Nơi đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao giữ, bảo quản phương tiện;

Bước 2: Xem xét đơn

Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị đặt tiền để bảo lãnh, người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc cho phép đặt tiền để bảo lãnh và giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thêm thời gian để xác minh thì trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị đặt tiền để bảo lãnh, người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc cho phép đặt tiền để bảo lãnh và giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Trường hợp không đồng ý việc đặt tiền để bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;

Bước 3: Nộp tiền bảo lãnh

Sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền đặt bảo lãnh trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện.

Bước 4: Lập biên bản

Việc đặt tiền bảo lãnh phải được lập thành biên bản:

– Biên bản phải có chữ ký của người có thẩm quyền quyết định cho đặt tiền bảo lãnh và tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh.

– Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

– Biên bản phải ghi rõ:

+ Địa điểm lập biên bản, ngày, tháng, năm đặt tiền bảo lãnh;

+ Họ, tên, chức vụ của người quyết định cho đặt tiền bảo lãnh;

+ Tên tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của cá nhân đặt tiền;

+ Lý do đặt tiền bảo lãnh;

+ Mức tiền đặt bảo lãnh;

+ Thời hạn đặt tiền bảo lãnh;

+ Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh.

Bước 5: Giao phương tiện giao thông cho người vi phạm giữ, bảo quản

Sau khi tổ chức, cá nhân nộp tiền đặt bảo lãnh và hoàn thành thủ tục lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản; việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính phải được lập biên bản.

Trên đây là những nội dung tư vấn của Luật Việt Chính. Hi vọng rằng bạn có thể nắm được những thông tin đầy đủ nhất về việc tạm giữ phương tiện giao thông do vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Để được đội ngũ Luật sư của Việt Chính Luật tư vấn về các lĩnh vực pháp lý, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin dưới đây:

  • Gọi điện tới số điện thoại 0911.111.099 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm
  • Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com
  • Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính
  • Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099
  • Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Bài viết liên quan